Tình trạng đột ngột chóng mặt, buồn nôn rất thường gặp trong đời sống cộng đồng. Ai cũng gặp ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, ở một số người, tình trạng này diễn ra liên tục là thực sự là một bệnh lý. Những thông tin dưới đây sẽ cho thêm kiến thức về bệnh lý này, nguyên nhân cũng như cách chữa trị, phòng ngừa.
1. Chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi là bệnh gì?
Một buổi sáng thức dậy, người bệnh mở mắt, toan ngồi dậy để ra khỏi giường thì đột ngột thấy xuất hiện cơn chóng mặt dữ dội. Người bệnh cảm thấy mọi cảnh vật xung quanh xoay vòng, nhà cửa đổ sụp, bàn ghế di chuyển hay lộn nhào. Điều này tự nhiên ập tới sẽ khiến họ không tránh khỏi hoang mang, sợ hãi. Lúc này, càng lo lắng, họ sẽ thấy chóng mặt, hoa mắt càng dữ dội thêm. Một số trường hợp còn có kèm buồn nôn, nôn ói, đau đầu, mệt mỏi.
Tình trạng này rất thường gặp trong dân số, nhất là trên các đối tượng trung niên, nữ nhiều hơn nam. Đặc điểm nổi bật là chóng mặt thường liên quan đến tư thế, tăng lên khi người bệnh ngồi dậy, xoay đầu và giảm dần, bớt hẳn nếu họ nằm yên, nhắm mắt. Chính vì vậy, tình trạng này có tên trong Y học là “chóng mặt tư thế kịch phát lành tính”. Các cơn chóng mặt thường xuất hiện thành chuỗi kéo dài trong vài ngày đến vài tuần, sau đó tự hết và sẽ tái phát sau vài tháng đến vài năm.
2. Bệnh này có nguy hiểm không?
Đúng như tên gọi, chóng mặt lành tính do tư thế không gây ra biến chứng gì nghiêm trọng.
Trong cơn chóng mặt, người bệnh rất hoảng sợ, lo lắng cực độ, cảm giác nhà cửa xoay tròn như đảo lộn, nghiêng ngả. Tuy nhiên, họ sẽ tự nhận thấy rằng khi xoay đầu, nhìn xung quanh sẽ làm triệu chứng nặng hơn, thúc đẩy buồn nôn, nôn ói nên tự có khuynh hướng nhắm mắt, nằm yên. Sau đó, cơn chóng mặt sẽ tự thuyên giảm dần trong một hoặc hai phút trước khi biến mất hẳn.
Nói một cách khác, bệnh là hoàn toàn lành tính nếu người bệnh nằm nghỉ trên giường, cẩn thận không bị té ngã, sang chấn nếu cố gắng đi lại.
Bên cạnh đó, khi thăm khám, làm các xét nghiệm, hình ảnh học sọ não cũng sẽ không ghi nhận được dấu hiệu gì bất thường. Người bệnh hoàn toàn không yếu liệt gì; khám tai cũng bình thường, không có thay đổi thính lực.
3. Bệnh này do nguyên nhân gì?
Cho đến nay, đã có rất nhiều giả thiết về nguyên nhân gây chóng mặt kịch phát lành tính nhưng hầu hết đều chưa được chứng minh rõ ràng. Trong đó, giả thiết về sự hiện diện của các hạt sỏi nhỏ trong ốc tai có vẻ thuyết phục hơn cả.
Tiền đình được xem là một giác quan, cảm nhận tư thế trong không gian, từ đó giúp duy trì tính ổn định cân bằng cơ thể, dáng bộ cũng như phối hợp cử động mắt, đầu và thân mình. Hệ thống tiền đình gồm có một cơ quan cảm nhận là ống bán khuyên nằm trong ốc tai, dây thần kinh dẫn truyền và nhân thần kinh phân tích tín hiệu trong não.
Ốc tai gắn kết với ba vòng ống bán khuyên, xếp theo ba mặt phẳng không gian khác nhau. Sự lưu thông dịch trong các ống bán khuyên giúp cơ thể định hướng tư thế. Chính vì vậy, khi cơ thể thay đổi theo một chiều tư thế nhất định, hạt sỏi di chuyển trong ống bán khuyên theo mặt phẳng đó sẽ kích thích hệ thống tiền đình, gửi tín hiệu về não, khởi phát dòng cảm giác chóng mặt. Hệ quả là cơ thể có phản xạ nằm yên, giữ nguyên vị trí đầu mà tại đó có cảm giác an toàn nhất. Hạt sỏi không di chuyển nữa, cảm giác chóng mặt sẽ lui dần.
Bên cạnh đó, cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác cũng có triệu chứng chóng mặt khi bị tổn thương cơ quan tiền đình trung ương và ngoại biên như viêm nhiễm, xơ cứng, thoái hóa đến thiếu máu cục bộ, xuất huyết hay bị chấn thương . Tuy nhiên, điểm khác biệt là chóng mặt trong các bệnh lý này không có mối liên hệ gì đến tư thế.
- Xem thêm: Thường xuyên bị đau đầu, buồn nôn, chóng mặt có nguy hiểm không?
4. Các điều trị và phòng chống như thế nào?
Chóng mặt kịch phát lành tính thực sự đúng như tên gọi nếu người bệnh biết cách phòng tránh các yếu tố khởi kích, tuân thủ thuốc ổn định tiền đình và thực hiện các nghiệm pháp tái lập vị trí ống bán khuyên.
4.1. Tránh thay đổi tư thế quá đột ngột và quá nhanh
Bất cứ lúc nào cũng luôn ghi nhớ không được thay đổi tư thế đột ngột một cách nhanh chóng. Cụ thể là khi chuyển từ tư thế nằm để ngồi dậy, đứng dậy hay xoay đầu, cúi và ngửa đầu cũng phải thực hiện từ tốn, chậm rãi. Tốt nhất nên nhắm mắt lại để hạn chế thị giác thu nhận những tín hiệu thay đổi không gian, giảm kích thích tiền đình. Sau khi xác lập tư thế tại vị trí mới thì từ từ mở mắt ra.
Nếu nhận thấy các cơn chóng mặt thường xảy ra lúc thức dậy thì trong giấc ngủ, nên sử dụng nhiều gối để kê đầu được ngay ngắn, nên nằm ngửa, tránh nghiêng về một bên.
Bên cạnh đó, không nên ngồi ghế xoay hay ghế có tựa đầu ngửa ra phía sau quá mức, hạn chế động tác nghiêng, cúi người quá mức như để nhặt đồ lên, thắt dây giày.
4.2. Sử dụng thuốc
Các nhóm thuốc có thể hỗ trợ điều chỉnh chóng mặt trong các cơn cấp tính cũng như thuyên giảm triệu chứng buồn nôn, nôn.
Nhóm thuốc kháng histamine chỉ nên dùng khi bệnh nhân chóng mặt dữ dội mà không thuyên giảm nhiều sau ổn định tư thế. Một số loại thuốc an thần có thể bổ sung nếu người bệnh quá kích thích, lo lắng, sợ hãi.
Tuy nhiên, các thuốc tác động trên hệ thần kinh trung ương sẽ có tác dụng phụ buồn ngủ, lừ đừ, chóng mặt khó hết hoàn toàn. Vì thế, chỉ nên dùng khi thực sự thấy cần thiết và tuân thủ liều lượng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
4.3. Bài tập luyện cho hệ tiền đình
Hiện nay, việc điều trị chóng mặt kịch phát lành tính có khuynh hướng không dùng thuốc mà áp dụng các bài tập tái lập vị trí hạt sỏi trong ống bán khuyên, giúp hệ tiền đình hồi phục và thích nghi với sự dịch chuyển trong không gian của cơ thể.
Các bài tập có thể tiến hành ngay tại phòng khám với sự hỗ trợ của các bác sĩ vật lí trị liệu hoặc người bệnh tự tập tại nhà. Nếu thực hiện đúng cách và kiên nhẫn, các triệu chứng khó chịu sẽ cải thiện đáng kể.
4.4. Các điều trị khác
Khi xảy ra cơn chóng mặt, cần bình tĩnh, nhắm mắt, hạn chế xoay đầu và tìm tư thế thích hợp để nghỉ ngơi. Nếu có cảm giác buồn nôn, nên kiềm nén bằng cách hít thở sâu và tập trung vào nhịp thở. Chỉ cần tuân thủ như vậy, cơn chóng mặt sẽ nhanh chóng thuyên giảm trong vài phút.
- Không tự mình đi lại xa, làm việc nặng, leo trèo, điều khiển xe cộ hay máy móc khi bị chóng mặt. Bởi vì những việc này càng gây khởi kích cơn chóng mặt nặng nề hơn, kéo dài hơn, thậm chí có thể gây tai nạn cho chính mình cũng như người khác.
- Giữ không gian trong phòng, lối đi thông thoáng, tránh vật dụng lộn xộn, bừa bãi. Gắn thêm thanh cầm trong bồn tắm và nhà vệ sinh.
- Uống đủ nước mỗi ngày, chế độ dinh dưỡng cân đối, đa dạng, giàu vitamin và khoáng chất. Tránh uống cà phê, bia rượu, nước giải khát có gas.
- Không dùng chất kích thích, hút thuốc hay tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi điều độ, suy nghĩ lạc quan. Có thói quen luyện tập thể dục thể thao phù hợp, điều độ.
Tóm lại, chóng mặt kịch phát tư thế lành tính là bệnh lý thường gặp trong cộng đồng. Những thông tin về bệnh, cách ứng phó và phòng ngừa là điều cần thiết để vượt qua các triệu chứng khó chịu này, tự tin tận hưởng cuộc sống.
Nguồn: Vinmec