Bản dịch Nam quốc sơn hà của Lê Thước – Nam Trân in trong Thơ văn Lý – Trần, năm 1977 – Ảnh: N.V.Học
Nhân lúc dư luận bàn nhiều về bản dịch bài thơ bất hủ Nam quốc sơn hà trong sách giáo khoa lớp 7, TS Đoàn Lê Giang đưa ra nhiều thông tin và nhận định rất xác đáng.
Tuy nhiên, nếu hiểu sâu sắc hơn về bản gốc chữ Hán trong bối cảnh nhà Lý đang phải đối đầu với cuộc xâm lược của Hoàng đế nhà Tống ở nước láng giềng tự nhận là bá chủ thiên hạ, ta sẽ hiểu rõ thêm một ý tưởng vĩ đại của bài thơ này mà tất cả các bản dịch đều không thể hiện được.
Ý tưởng ấy nằm ngay ở câu đầu “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư”, trong đó linh hồn của câu (và của cả bài) chính là chữ “Đế” mà tất cả các bản dịch đều chuyển thành “vua” (“Nước Nam Việt có vua Nam Việt”, “Non sông nước Nam vua Nam coi”, “Sông núi nước Nam vua Nam ở”…).
Dịch như vậy vì các dịch giả đã quên rằng từ “vua” của chữ quốc ngữ lại bao hàm hai từ Hán là “Đế” và “Vương”. Tuy cùng có hàm nghĩa “vua”, nhưng hai loại vua này có địa vị cách nhau rất xa.
Các triều đại Việt Nam không bao giờ gọi tên nước láng giềng to lớn phía Bắc là Trung Hoa hay Trung Quốc, mà chỉ gọi theo tên các triều đại Tàu, hoặc gọi là “Bắc quốc”.
Lê Vinh Quốc
Xuất phát từ thế giới quan coi Trung Hoa là trung tâm thiên hạ, vua các triều đại phong kiến nước này (kể từ Tần Thủy Hoàng) đều lên ngôi Hoàng đế để khẳng định ngôi vị độc tôn bá chủ thiên hạ của mình, với sứ mệnh cai trị các dân tộc ở bốn phương xung quanh được coi là “Man-Rợ-Di-Địch”.
Từ đó dẫn đến sự phân biệt rạch ròi giữa “Đế” và “Vương”: “Đế” là Hoàng Đế Trung Hoa – thiên tử độc nhất trong thiên hạ; còn “Vương” là vua các nước chư hầu – tức bầy tôi của “Đế” và do Hoàng Đế Trung Hoa phong cho hay chấp nhận.
Bài thơ Nam quốc sơn hà chính là bản tuyên ngôn phủ định cái thế giới quan dẫn tới mối quan hệ phi lý đó, để khẳng định nền độc lập của nước ta với sự đối sánh ngang hàng giữa Nam quốc (của Hoàng đế ta) với Bắc quốc (của Hoàng đế Tàu).
Như vậy, bài thơ đó cần dịch nghĩa là:
“Non sông nước Nam do Hoàng đế nước Nam ngự trị
Sách trời đã định rõ như vậy
Sao bọn giặc man rợ kia lại dám sang xâm phạm?
Chúng bay nhất định không thoát khỏi bại vong”.
Theo đó, khi dịch “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư” thành “Sông núi nước Nam vua Nam ở” sẽ làm yếu hẳn cái ý tưởng vĩ đại của bài thơ: nền độc lập mà “vua Nam” khẳng định vẫn chưa thoát khỏi mối quan hệ “bá chủ-chư hầu” (vì “vua Nam” vẫn có thể độc lập với ngôi vị “Vương” do Hoàng đế Tàu phong cho!).
Chỉ khi nào giữ nguyên được “Nam Đế” (để đối sánh với “Bắc Đế”) thì cái quan hệ đó mới bị đập tan, để nhường chỗ cho quan hệ ngang hàng giữa Hoàng đế phương Bắc với Hoàng đế phương Nam. Bởi thế, dù dịch thơ theo cách nào cũng cần giữ nguyên chữ “Đế” hoặc giữ nguyên cả “Nam Đế”.
Cần lưu ý là ý tưởng vĩ đại về thiên hạ phân chia Nam – Bắc đối sánh ngang hàng giữa Nam quốc với Bắc quốc của bài thơ này không phải là một trường hợp đột xuất, mà đó chính là một hệ tư tưởng vững bền đã tồn tại hàng nghìn năm qua các các triều đại Việt Nam độc lập.
Lý Nam Đế là vị vua Việt đầu tiên đã thách thức ngôi vị của Hoàng đế Tàu; và Đinh Tiên Hoàng đã chính thức mở ra thời đại mà tất cả các vua Việt Nam đều xưng Hoàng đế để đối sánh tương đồng với Hoàng đế nước Tàu.
Bản Bình Ngô đại cáo của Thái tổ Hoàng đế nhà Lê (do Nguyễn Trãi soạn) một lần nữa khắc sâu thêm hệ tư tưởng đó (bản dịch của Ngô Tất Tố):
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng Đế một phương.
Theo hệ tư tưởng này, các triều đại Việt Nam không bao giờ gọi tên nước láng giềng to lớn phía Bắc là Trung Hoa hay Trung Quốc, mà chỉ gọi theo tên các triều đại Tàu, hoặc gọi là “Bắc quốc”. Bởi thế, bản dịch Nam quốc sơn hà càng phải giữ nguyên chữ “Đế”.