Chữ Hiếu Trong Xã Hội Ngày Nay

Chữ hiếu ngày nay được hiểu như thế nào?

Dưới góc nhìn trong một “thế giới phẳng”, hiện đại hóa do tác động của nhu cầu phát triển, toàn cầu hóa của mọi quốc gia trên thế giới. Sự phát triển của nền cách mạng khoa học kỹ thuật mang lại cho con người được sống trong một thế giới của tri thức của thông tin hiện đại, và bây giờ “thế giới đã trong tầm tay” của mỗi người. Khoảng cách văn hóa, giáo dục,…giữa các quốc gia đang dần được thu hẹp lại, ranh giới giữa các nước dần bị xoá nhoà, từ đó mọi mối quan hệ được thiết lập.

Phần giao thoa chính là sự thống thất về văn hoá còn phần không giao thoa chính là sự đa dạng về văn hoá. Chính trong quá trình giao thoa văn hoá đó phần nào đã góp phần phát triển văn hoá của các dân tộc trên thế giới. Nhưng bên cạnh đó không ít giá trị văn hóa dân tộc, quốc gia đã bị giảm đi, hay trở nên nhỏ bé khi đứng cạnh giá trị chung toàn cầu.

Đất nước Việt Nam của chúng ta cũng không khỏi chịu ảnh hưởng trong bối cảnh của toàn cầu hóa. Một trong những giá trị đạo đức xã hội đã bị suy giảm đó chính là “chữ Hiếu” trong tâm thức lối sống của người dân. Một bộ phận người dân trong xã hội đã không còn giữ đúng được đạo làm con, làm cháu trong gia đình. Đã có nhiều hành động, lời nói… vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực của xã hội và nó đang dần tác động mạnh mẽ đến ý thức tư tưởng của các thế hệ tương lai.

Nó được thể hiện qua việc con cháu có làm cho ông bà cha mẹ vui lòng hay không khi ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, khi những người cao niên đã dành cả cuộc đời vun đắp cho con cháu và nay không còn khả năng tự lao động để đáp ứng nhu cầu của mình, và bây giờ phải dựa vào con cháu.

Nhưng hiện nay có rất nhiều gia đình không còn coi trọng chữ Hiếu nữa, họ tìm các cách khác nhau để thể hiện chữ Hiếu như đưa ông bà cha mẹ vào các trung tâm bảo trợ xã hội, hay thuê người chăm sóc,…. Những điều đó làm mất đi giá trị của chữ Hiếu và làm sai lệch đi chuẩn mực trong xã hội.

Chữ hiếu thời nay

Ngày nay chữ Hiếu cũng không khác mấy so với ngày xưa, vì cũng xuất phát từ tấm lòng tri ân và báo ân cha mẹ. Tuy nhiên do điều kiện, hoàn cảnh xã hội ngày nay không giống như ngày xưa, cho nên cách thể hiện lòng hiếu thảo của người con thời nay có khác. Ngày nay, vì hoàn cảnh sống, làm việc mà con cháu thường gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện bổn phận với ông bà cha mẹ, chẳng hạn như không có nhiều thời gian gần gũi chăm nom săn sóc, không trực tiếp nuôi dưỡng phụng sự (có trường hợp phải thuê người chăm sóc vì sống cách xa cha mẹ, con cháu vì không có thời gian để thường xuyên tự tay chăm sóc đã gởi ông bà cha mẹ vào viện dưỡng lão,…).

Tuy nhiên, mỗi người nên cố gắng dành thời gian gần gũi để ông bà cha mẹ không cảm thấy cô đơn buồn tủi. Cần để ông bà cha mẹ tham gia vào việc dạy dỗ con cháu, làm cho ông bà cha mẹ cảm thấy mình còn là người hữu ích, và cũng để thêm niềm vui khi gần gũi con cháu. Khi ở xa ông bà cha mẹ phải về thăm, gọi điện thoại quan tâm sức khỏe và đời sống của ông bà cha mẹ. Lúc về già có người thích sống với con cháu, có người thích sống ở viện dưỡng lão với những người già khác để sớm hôm bầu bạn, hoặc sống ở một cảnh chùa thanh tĩnh nào đó, vì thế nên tùy tâm nguyện của ông bà cha mẹ mà con cháu làm theo để ông bà cha mẹ vui lòng. Điều quan trọng là ở tấm lòng, ý thức đạo đức về lòng biết ơn, sự tôn kính ông bà cha mẹ. Không nên chỉ chu cấp cho ông bà cha mẹ về vật chất mà quên đi tình cảm, sự quan tâm.

Đó là hiếu khi cha mẹ còn sống. Sau khi cha mẹ qua đời, lòng hiếu thảo được thể hiện qua việc phụng thờ và tưởng nhớ. Tấm lòng người xưa đối với ông bà cha mẹ đã khuất thể hiện qua câu “kính như tại”, có nghĩa là kính như đang còn sống. Phụng thờ để tưởng nhớ và nhắc nhở cho nhau công đức, ân nghĩa sinh thành dưỡng dục của ông bà cha mẹ. Hàng năm cúng giỗ để tưởng nhớ và để bày tỏ lòng biết ơn. Đối với xã hội ngày nay, có người cho rằng những việc làm này không thiết thực nhưng thật sự nó có giá trị rất lớn về mặt tinh thần.

Hiếu là đạo làm người

Hiếu là bổn phận làm con mà cũng là đạo làm người. Hiếu thảo thể hiện qua hai phương diện vật chất và tinh thần. Về phương diện vật chất, tùy điều kiện, hoàn cảnh mà nuôi dưỡng, chăm lo săn sóc cho cha mẹ: cơm nước, áo quần, thuốc men… Về phương diện tinh thần, luôn tỏ lòng kính yêu cha mẹ, sống tốt, biết lo cho bản thân và gia đình, trở thành người hữu ích cho xã hội để cha mẹ yên tâm và tự hào, không làm cho cha mẹ buồn lòng, không làm cho cha mẹ tủi hổ vì những việc sai trái, tội lỗi.

Lòng hiếu thảo chẳng những có ý nghĩa về mặt văn hóa, đạo đức mà còn có tác dụng giáo dục. Người biết hiếu thảo với ông bà cha mẹ của mình là tấm gương sáng cho con cháu sau này noi theo, đó là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” quý báu. Đức Phật còn dạy rằng, lòng hiếu thảo cũng chính là nhân lành, là hạnh của bậc Thánh: “Ta tự nhớ trong nhiều kiếp quá khứ, từ tâm hiếu thuận cúng dường cha mẹ, do công đức như vậy nên lên các tầng trời thì làm vị thiên đế, xuống trần gian thì làm vị Thánh vương” (Kinh Hiền ngu).

Kết luận

Cha mẹ đâu đòi hỏi các con phải báo hiếu theo cách của Vương Tường đời Tấn, đặt ván lên trên tuyết để nằm chờ cá lý ngư từ dưới tuyết nhảy lên để bắt đem về làm cho kế mẫu ăn. Hoặc như Ngô Mạnh Tông, cha mất sớm, ở với mẹ, mùa đông đâu có măng, mẹ thèm canh măng, Mạnh Tông buồn vì không tìm được măng để nấu canh cho mẹ ăn nên ôm gốc tre khóc, động lòng trời đất cho măng mọc ra, đem về nấu canh cho mẹ dùng.

Đạo làm con đối với cha mẹ là sớm thăm tối viếng, quạt nồng ấp lạnh, chăm sóc cha mẹ khi tuổi già sức yếu…đó mới là điều đáng trân trọng của chữ Hiếu.

Our Reader Score

[Total: 7 Average: 4.4]

Rate this post

Viết một bình luận