Chủ nhà dẹp hồ thuỷ sinh sau 8 lần phải thay cá chết

Sau lần cậu con trai đá bóng làm vỡ hồ thủy sinh, tan tác phòng khách, anh Tùng (TP HCM) quyết bỏ luôn thú chơi tốn kém này. 

Chủ nhật vừa rồi, anh Hữu Tùng, 42 tuổi ở Bình Thạnh, TP HCM gọi điện nhờ kiến trúc sư tới bố trí lại khu vực làm hồ thuỷ sinh ở phòng khách trước đây. Sự cố cậu con trai  làm vỡ kính hồ như giọt nước tràn ly khiến anh quyết không nuôi cá, trồng cây thủy sinh gì nữa. 

Hai năm trước, khi mới xây ngôi nhà 3 tầng, anh Tùng cho biến gầm cầu thang phòng khách thành bể rộng 2,5 m, cao 1,1 m, như ước nguyện bấy lâu. Hồ thủy sinh bao bởi kính chắn, với hệ thống máy lọc nước, cây và cá tép thuỷ sinh (cá bé), tổng chi phí trên 20 triệu. 

Tuy nhiên, do chưa biết cách chăm sóc, sau một tháng, tất cả cá trong hồ đều chết hết, anh phải thay nước, mua loạt cá mới. Sau lần đó, anh lên mạng, tham gia các hội nhóm để học cách chăm sóc hồ. Anh cũng có thêm động lực đầu tư cho thú chơi này khi thường xuyên chụp hình khoe với những người cùng sở thích. Tuy nhiên, vợ anh thì bực vì chồng chăm cá, chăm cây thủy sinh còn hơn cho con. Ngày nào, trước khi đi làm anh cũng ngồi ngắm hồ 20-30 phút, về tới nhà là chạy tới xem rồi cho cá ăn, kiểm tra nước…

Nhiều gia chủ thích làm hồ thuỷ sinh dưới chân cầu thang, vừa tận dụng góc chết vừa làm đẹp cho nhà nhưng chưa lường trước các bất tiện có thể gặp. Ảnh minh hoạ: Midium.

Nhiều gia chủ thích làm hồ thuỷ sinh dưới chân cầu thang, vừa tận dụng góc chết vừa làm đẹp cho nhà nhưng chưa lường trước các bất tiện có thể gặp. Ảnh: Midium.

Anh Tùng cho biết, ngắm hồ thì vui nhưng thực ra, bản thân anh nhiều khi cũng oải vì thấy việc chăm sóc phức tạp quá: Phải cho cá ăn hằng ngày, vài hôm lại kiểm tra hệ thống lọc nước, 2 tuần thay nước một lần, bón phân cho cây thuỷ sinh sống khoẻ, cắt tỉa bớt cây… Hệ thống đèn led, neon cũng cần được chú ý, để liên tục vận hành tốt. Nhiệt độ hồ đảm bảo vừa phải, nóng quá có khi phải thay nước mới hay cho ít đá vào…

Chăm kỹ lưỡng vậy nhưng cũng chỉ tầm 4-5 tháng anh lại phải thay cá một lần vì những con vật nhỏ này rất dễ chết. Có lần, vừa thả lượt cá mới, phải đi công tác nước ngoài, anh Tùng tá hoả khi về thấy cả đàn chết nổi. Hoá ra, vợ con anh ở nhà vì bận rộn, không quen làm nên quên cho ăn, cũng chẳng kiểm tra nước…

Sau lần đó, anh hướng dẫn tỉ mỉ cho người thân cách chăm sóc, nhưng vài tháng sau, khi anh đi du lịch 5 ngày về thì tình trạng vẫn y như nguyên. “Khổ hơn nuôi con mọn vì đi đâu cũng thấp thỏm”, anh Tùng kể.

Thêm vài lần cá tép chết hàng loạt, anh Tùng quay ra mua cá huyết long (cá huyết rồng) giá 3 triệu một con. Loại cá này được cho là to, khoẻ nên không cần chăm kỹ, theo phong thuỷ lại tốt. 

Tuy nhiên, sau nửa năm nuôi cá huyết long thì anh quyết định phá hồ thuỷ sinh, sau sự việc vỡ kính vừa qua. 

Kiến trúc sư Huỳnh Xuân Hải, TP HCM, cho biết, ông đã tư vấn để gia đình anh Tùng sửa khu hồ thuỷ sinh này thành vườn khô, đặt các cây, hoa bằng vải, phiến đá vào góc cầu thang cho sinh động mà không tốn tiền, tốn công. 

Theo ông Hải, khá nhiều gia đình quyết định làm hồ thuỷ sinh trong phòng khách vì thấy đẹp hoặc nghĩ tốt cho phong thuỷ nhưng không lường tới các bất tiện có thể gặp. 

Đầu tiên, đó là khoản chi phí để duy trì hồ. Như gia đình anh Tùng, bình quân mỗi tháng phải bỏ ra 2-3 triệu đồng tiền điện nước, thức ăn cho cá, phân bón, đổi cây, cá mới…

Hồ lớn dưới gầm cầu thang thường hứng được ít ánh sáng nên hòn non bộ dần bị hỏng, cây chết, rong rêu bám nhiều, tạo điều kiện cho muỗi, lăng quăng phát triển. Ngoài ra, bụi có thể tụ lại ở đáy hồ, gây mất vệ sinh. Một số gia đình làm bể cá âm còn tốn kém hơn và có thể gây nguy hiểm nếu trẻ chơi gần, bị ngã xuống… 

Không những thế, nếu làm không cẩn thận, khi nhà bị lún (thường xảy ra những năm đầu sau xây), nước trong hồ có thể bị ngấm, cạn dần, khiến cây, cá bên trong chết mà gia chủ không hiểu vì sao.

Kiến trúc sư cho biết, vài năm trước, ông cũng từng thiết kế cho một gia đình khăng khăng yêu cầu làm hồ cá âm dưới gầm cầu thang. Một năm sau quay lại, ông thấy họ đã bỏ hết cây, cá đi, hồ trở thành kho chứa các đồ linh tinh. 

Ông Huỳnh Thanh Hải cho rằng, trước khi quyết định làm hồ thuỷ sinh, gia chủ nên lường trước tất cả những vấn đề trên. Nếu vẫn muốn thực hiện vì quá thích, bạn có thể sắm một bể thủy sinh nhỏ để trải nghiệm, đặt ở một góc nhà, cao hơn tầm với của trẻ nhỏ. Như vậy, khi nào không thích nữa có thể di chuyển, bỏ đi mà không tốn kém và gây ảnh hưởng tới không gian chung. Còn nếu theo phong thuỷ phải có nước trong nhà mới tốt, bạn có thể mua các thác, suối nước bằng gốm để vừa có tiếng róc rách, vừa không tốn công chăm sóc, lại tiết kiệm diện tích. 

Vương Linh

Rate this post

Viết một bình luận