Chùa Dâu tọa lạc tại xã Thanh Khương (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Theo những sử liệu, chùa được xây dựng từ năm 187 và hoàn thành vào năm 226. Đây được coi là ngôi chùa cổ xưa nhất gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo tại Việt Nam.
Chùa Dâu còn có tên gọi khác là Cổ Châu tự, Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, Thiền Định tự, chùa Bà Dâu, thuộc thôn Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Theo thư tịch cổ, chùa được khởi dựng ở vùng Dâu (Luy Lâu) vào thế kỷ II đầu Công nguyên, thời kỳ Sĩ Nhiếp (nhà Hán) làm Thái thú quận Giao Chỉ (sau đổi thành Giao Châu). Đây được coi là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta, là dấu tích quan trọng gắn với quá trình hình thành và phát triển Phật giáo Việt Nam.
Về kiến trúc, chùa Dâu in đậm dấu ấn kiến trúc, điêu khắc của nhiều thời kỳ lịch sử, với hệ thống tượng mang nghệ thuật đặc sắc của thời Lê – Nguyễn, đặc biệt là hệ thống tượng Tứ Pháp. Tổng thể chùa được quy hoạch theo phong cách “nội công ngoại quốc” (bên trong, các dãy nhà được sắp đặt theo hình chữ “công” (工), còn bên ngoài có hình chữ “quốc” (国).
Nổi bật nhất trong các công trình của chùa là tòa tháp Hòa Phong. Theo thư tịch cổ, vào thời Trần, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi cho trùng tu chùa Dâu, xây tháp cao 9 tầng. Nhưng kiến trúc của tòa tháp hiện còn là của thời Lê Trung Hưng. Tháp được xây bằng gạch nung già, với 3 tầng, cao 15m.
Trong tháp, treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đúc năm 1817.
Bên ngoài tháp có tượng một con cừu đá dài 1,33 m, cao 0,8 m.
Tháp Hòa Phong nhìn từ khoảng sân của nhà thờ tổ và thờ mẫu.
Tượng Pháp Vân được thờ trong chính điện, được cho đã xuất hiện vào thế kỷ XVIII.
Do chùa Đậu bị phá huỷ thời kháng chiến chống Pháp, nên tượng Bà Đậu cũng được đưa về thờ ở chùa Dâu. Theo truyền thuyết, bốn bà (Tứ Pháp) gồm Pháp Vân (bà Dâu), Pháp Vũ (bà Đậu), Pháp Lôi (bà Tướng), Pháp Điện (bà Dàn) cùng do bà Phật Mẫu Man Nương – “người mẹ xứ sở” sinh ra. Bà Dâu được coi là người con đầu.
Được coi là danh lam bậc nhất của xứ Kinh Bắc xưa nay, chùa Dâu được chứng nhận là di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam vào tháng 9/2013.
Khu vực nối tiền thất và hậu đường là nơi thờ Thập bát La Hán (18 đệ tử đắc đạo của Phật đã tu đến cảnh giới La Hán). Ngoài ra, các pho tượng Bồ tát, Tam thế, Đức ông, Thánh tăng được đặt ở phần hậu điện.
Phía sau của chùa còn có một hồ nước nhỏ trong xanh, không gian thoáng mát.
Ngay bên cạnh là vườn tháp cổ – nơi để tro cốt, nhục thân của các vị trụ trì đã viên tịch.
Vùng Dâu thời thuộc Hán còn gọi là Luy Lâu, có năm ngôi chùa cổ. Trong đó, bốn chùa thờ Tứ Pháp: Chùa Dâu thờ Pháp Vân (thần mây), chùa Đậu thờ Pháp Vũ (thần mưa), chùa Tướng thờ Pháp Lôi (thần sấm), chùa Dàn thờ Pháp Điện (thần chớp). Ngôi chùa thứ 5 là chùa Tổ – thờ Man Nương, mẹ của Tứ Pháp. Việc năm chùa này ngoài thờ Phật còn thờ Tứ Pháp và bà Man Nương là biểu hiện sinh động của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tín ngưỡng dân gian của người Việt với Phật giáo khi mới du nhập.