Chùa Thầy (Quốc Oai) – Di tích lịch sử – văn hoá Hà Nội

Chùa Thầy (tên chữ là Thiên Phúc Tự), nằm gối đầu vào núi Phật Tích còn gọi là núi Thầy thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Không chỉ là nơi danh lam thắng cảnh nổi tiếng, địa chỉ đỏ trong cách mạng kháng chiến, chùa Thầy còn là di tích kiến trúc nghệ thuật với lối kiến trúc độc đáo, nghệ thuật chạm khắc và hệ thống tượng pháp tiêu biểu. 

Chùa Thầy được xây dựng vào thời Lý, triều đại mà Phật giáo được coi trọng và phát triển ở đất Việt. Đây là một quần thể di tích và danh thắng nổi tiếng với nhiều điểm tham quan như: quán Tam Xã, đình Thuỵ Khuê, hang Cắc Cớ, vườn trúc Lữ Gia… nhưng giá trị kiến trúc nổi bật nhất của khu di tích chùa Thầy nằm ở ba toà của chùa Cả với những dấu ấn đặc trưng của kiến trúc thế kỷ XVII.

Ba toà Tiền đường – Điện Phật – Điện Thánh xếp hình chữ Tam nhìn từ ngoài vào

Từ một am nhỏ thời Lý, đến thế kỷ XVII chùa Cả đã phát triển thành ngôi chùa đồ sộ với ba toà Tiền đường – Điện Phật – Điện Thánh xếp hình chữ Tam. Nhà cầu nối liền 2 tòa Tiền Đường – Điện Phật với nhau được các nhà nghiên cứu cho rằng: đó là một trong những biểu hiện chữ “công” sớm nhất còn lại cho tới nay ở nước ta.

Hệ thống đá kè, cụm cây, chậu cảnh xếp dẫn lên điện Thánh

Đặc biệt cả ba toà chùa chính đồ sộ với rất nhiều kèo, cột, trụ… nhưng chỉ có 36 lỗ đục, còn gỗ được xếp chồng khít lên nhau rất vững chắc không chỉ chứng tỏ sự khéo léo tuyệt vời của các nghệ nhân xưa mà còn gây bất ngờ thú vị cho đời sau. Tương truyền, ngói lợp chùa Thầy được lấy từ khu vực chùa Tây Phương về, cả một quãng đường gần 15km mà ngói được người dân, Phật tử truyền tay nhau theo kiểu nối dây, ấy thế mà chỉ trong 1 ngày vừa vận chuyển vừa lợp xong mái chùa Cả.

Cầu Nhật Tiên Kiều

Trong mặt bằng kết cấu chung của ngôi chùa Phật giáo Việt, chùa Thầy đã khai thác được những thành phần kiến trúc độc đáo, ăn nhập với tổng thể như nhà Thủy đình giữa hồ nước, hai cầu Nhật Tiên Kiều – Nguyệt Tiên Kiều, Điện thánh … Hơn nữa chùa Thầy còn có sự liên kết chặt chẽ với quần thể chùa chiền, hang động trên núi cũng như xung quanh chùa để tạo thành một tổ hợp kiến trúc không thể tách rời, đẹp về kiến trúc, phong phú về loại hình, cảnh quan quần thể khu di tích chùa Thầy còn hoà quyện với nhiều huyền thoại Phật giáo gắn với Từ Đạo Hạnh với tín ngưỡng dân gian như câu chuyện về hang Cắc Cớ, Bàn cờ tiên, chợ Trời…càng làm cho kiến trúc chùa Thầy trở lên linh thiêng, huyền bí.

Bên cạnh những giá trị về kiến trúc, chùa Thầy còn có hệ thống tượng phong phú với nhiều chất liệu, tiêu biểu như bộ tượng Di Đà Tam Tôn được cho là bộ tượng có niên đại sớm nhất và nghệ thuật đẹp nhất thuộc thể loại này; đặc biệt là tượng Thánh Từ Đạo Hạnh bằng gỗ chiên đàn đặt trong khám thờ gỗ chạm cao khoảng 1,6m. Khi xưa tương truyền mỗi lần mở khám thì tượng từ từ đứng dậy, đóng cửa tượng lại từ từ ngồi xuống. Về sau Cao Xuân Dục – tuần phủ Sơn Tây (1841 – 1923) có bàn với bô lão trong xã: Thánh thì không phải chào người phàm, để Ngài đứng dậy mỗi lần mở cửa thì chúng ta thất lễ. Từ đó mới cắt dây máy và tượng ngồi luôn. Ngoài hệ thống tượng lung linh, huyền ảo, ở chùa Thầy còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm như: Ghế thờ gỗ chạm thời Mạc, bệ đá hoa sen thời Lý – Trần, Sấu đá thời Trần chân đèn gốm, khám thờ thời Mạc, chuông thời Tây Sơn, khánh thời Nguyễn…

Bàn thờ Thiền sư ở kiếp Phật tại chùa Thượng

Không chỉ là một di tích, danh thắng nổi tiếng, Chùa Thầy còn là di tích lịch sử cách mạng, cái nôi của phong trào cách mạng tỉnh Sơn Tây (cũ), nơi lưu dấu những kỷ niệm thiêng liêng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lịch sử Đảng bộ địa phương ghi lại, vào tối ngày 3/2/1947, Bác Hồ về nghỉ và làm việc tại ngôi nhà Tổ dưới chân chùa Một Mái nằm trong quần thể di tích Chùa Thầy. Từ đó đến đầu tháng 3/1947, khu vực chùa Một Mái trở thành sở chỉ huy của Trung ương để Bác Hồ lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Tại đây nhiều chủ trương và quyết định quan trọng của đất nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo. Hiện nay, trong Nhà lưu niệm Bác Hồ tại chùa Một Mái còn lưu lại nhiều kỷ vật của Người. Nhiều du khách trong và ngoài nước khi về tham quan thắng cảnh Chùa Thầy đã tới Nhà lưu niệm Bác Hồ để tìm hiểu lịch sử, cùng ôn lại truyền thống cách mạng bên các kỷ vật của Người.

Quần thể di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của ngôi chùa có bề dày 1.000 năm này đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 công nhận Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá là di tích quốc gia đặc biệt và Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 14/1/2015 công nhận bảo vật quốc gia bộ tượng Di Đà Tam Tôn.

Múa rối nước ở lễ hội chùa Thầy

Lễ hội của chùa Thầy là một lễ hội lớn diễn ra vào tháng 3 âm lịch đã tập hợp được một số lượng lớn quần chúng nhân dân tham dự nên mang đặc tính của một lễ hội vùng miền. Đặc biệt, Chùa Thầy thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh, người được nhân dân coi là thủy tổ của nghệ thuật múa rối nước. Do vậy, các mùa lễ hội ở đây không thể thiếu các màn múa rối nước tại nhà Thủy đình với nhiều tích truyện dân gian: Chú Tễu, đi bừa, mèo đuổi chuột… do các nghệ nhân phường rối cổ truyền các tỉnh, thành phố trong cả nước tụ hội đến biểu diễn.

Hang Cắc Cớ tại chùa Thầy

Trẩy hội chùa Thầy ngoài lễ Phật, khách còn hưởng thú vui leo núi, thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên của xứ Ðoài. Ngoài ra, khách còn được về thăm vùng quê nổi tiếng về văn hiến gắn với những huyền tích về những danh nhân, những thiền sư của nhiều thời đại đã từng đến đây và làm giàu thêm những giá trị truyền thống của miền đất danh thắng này.

Rate this post

Viết một bình luận