Miền Bắc đang trải qua giai đoạn thời tiết khắc nghiệt với nhiều đợt rét đậm, rét hại kèm theo mưa nhỏ, mưa phùn, gây nguy hiểm cho các đối tượng nuôi. Vì vậy, nhiều cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản đang tích cực chăm sóc cá giống, chuẩn bị điều kiện ao nuôi để bước vào vụ cá mới từ đầu tháng 3 tới đây.
Là một hộ nuôi trồng thủy sản có kinh nghiệm lâu năm, anh Ngô Xuân Trường (xã Quảng Phú, Lương Tài) hiện mở rộng quy mô sản xuất tới 12ha. Để bước vào vụ nuôi mới, từ trước Tết Dương lịch, anh tu bổ hệ thống bờ bao, cổng cấp và tiêu nước, nạo vét bớt bùn, rắc vôi bột khử trùng đáy ao kết hợp sử dụng men vi sinh xử lý nước. Sau đó, anh tiến hành nhập gần 100 vạn cá chép, trắm, chim… kích cỡ cá bột, cá hương để nuôi tại cơ sở của mình. Ngoài ra, anh còn tự ương nuôi qua đông 10 vạn cá rô phi giống để xuất bán cho các hộ có nhu cầu. Từ năm 2021, anh tuyển chọn đàn bố mẹ và học hỏi kỹ thuật để cho đẻ cá lăng giống, với sản lượng 5 vạn con. Anh chia sẻ: “Dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi thủy sản, chi phí thức ăn tăng quá cao trong khi sản lượng tiêu thụ chậm nên chúng tôi phải chủ động nguồn giống, từ đó, giảm bớt phần nào chi phí”.
Được biết, toàn tỉnh hiện có hơn 5.000 ha nuôi trồng thủy sản và hơn 2.000 lồng nuôi cá trên sông. Từ ngày 20-2 đến ngày 30-4 là thời điểm thích hợp thả giống cá rô phi đơn tính, cá chim trắng và cá truyền thống. Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, việc sản xuất giống thủy sản có nhiều tiến bộ, cùng với việc lưu giữ cá qua đông nên các hộ nuôi cơ bản chủ động được nguồn giống. Chỉ có một số ít đối tượng nuôi cá lồng như lăng chấm, nheo Mỹ do đặc thù thời tiết miền Bắc ít phù hợp nên phải đặt mua từ miền Nam hoặc nhập ngoại. Thống kê năm 2021, toàn tỉnh sản xuất được hơn 230 triệu con giống chủ yếu các loại chép, rô phi, mè, trôi… tập trung tại 4 cơ sở sản xuất lớn. Giống thủy sản khi nhập, xuất bán ra ngoài thị trường cơ bản thực hiện đúng quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch thú y và cơ sở phải thực hiện việc ghi chép nhật ký theo dõi nhập, xuất bán con giống theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP. Theo ghi nhận, thị trường giá giống năm nay ổn định, một số giống còn giảm do người nuôi thận trọng chưa bước vào vụ mới.
Tuy nhiên, do đặc thù vụ cá mới bắt đầu trong giai đoạn chuyển mùa, nhiệt độ ngày đêm có sự biến động lớn, kèm sương mù ẩm dễ khiến đàn cá mắc bệnh. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản khuyến cáo các hộ nuôi cần căn cứ vào khả năng đầu tư, trình độ quản lý, áp dụng khoa học kỹ thuật và nhu cầu của thị trường để lựa chọn đối tượng và mật độ cá thả nuôi thích hợp, có thể giãn mật độ. Cá truyền thống nên thả từ 1,5 – 2con/m2; cá rô phi, chim trắng nuôi thâm canh từ 2 – 3con/m2. Cơ cấu cá nếu thả ghép thì đối tượng nuôi chính chiếm 50% – 70% trở lên để đảm bảo hiệu quả kinh tế. Trong quá trình nuôi, cần thường xuyên kiểm tra ao nhằm phát hiện cá nổi đầu do thiếu oxy, cá bị bệnh, tảo nở hoa… để có biện pháp xử lý kịp thời; phòng bệnh định kỳ cho cá nuôi, đặc biệt là vào thời kỳ giao mùa và mùa xuất hiện bệnh (tháng 3 – 4 và tháng 6-9); Sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nước (liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất); duy trì mức nước trong ao tối thiểu 1,5m nước để ổn định nhiệt độ nước; sử dụng thức ăn công nghiệp hiệu quả, phù hợp với giai đoạn sinh trưởng phát triển của cá, không để dư thừa tránh ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất thủy sản tăng cường đầu tư áp dụng các khoa học kỹ thuật mới (sử dụng hệ thống sục khí, chế phẩm sinh học xử lý môi trường, công nghệ xử lý nước tuần hoàn Biofloc…) để thả nuôi thâm canh các giống cá có năng suất, giá trị kinh tế cao như: cá trắm cỏ, cá chép, cá rô phi, cá điêu hồng, cá nheo mỹ (lăng đen), cá ngạnh sông, cá tầm…
Để thích ứng với biến động của thị trường đầu vào cũng như đầu ra, các HTX, Chi hội nghề cá tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung thực hiện đa dạng hóa đối tượng nuôi, không nuôi theo số đông, tăng cường sản xuất theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm, áp dụng VietGAP. Hướng dẫn các hộ tích trữ, chế biến thêm một số thức ăn khác như đậu tương, bã bia, rượu… giảm gánh nặng thức ăn công nghiệp. Tranh thủ thị trường ấm lại đẩy mạnh tiêu thụ để phục hồi kinh tế. Về lâu dài, các hộ cần tổ chức sản xuất theo chuỗi, hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị khi thu hoạch.