Khí chất là những phẩm chất đặc biệt, có tính chất điển hình đối với người nào đó và được thể hiện trong quá trình phát triển, trong sự hoạt động của cá nhân.
Hành vi không chỉ phụ thuộc vào điều kiện xã hội mà còn phụ thuộc vào sự tổ chức thần kinh đặc biệt của cá nhân. Khí chất được bộc lộ rất sớm và rõ ràng ngay từ lứa tuổi mầm non trong khi chơi, khi học và trong quan hệ tiếp xúc.
1. Khái niệm chung về khí chất
1.1. Vài nét về lịch sử nghiên cứu khí chất
Từ lâu các nhà tâm lí học đã chú ý đến những sự khác nhau có tính chất cá biệt trong hành vi của con người. Ngay từ thời cổ đại, những người có kinh nghiệm đã ghi nhận rằng có những hình ảnh hành vi tiên biểu cho một cá nhân. Trong một tình huống nào đó, một người có những đặc tính hành vi nhất định sẽ hành động chỉ như thế này mà không như thế khác.
a. Những người Ấn Độ cổ đại theo chủ nghĩa khổ hạnh từ chối hoạt động thể lực, tính lực đã nêu nên một số quy luật trong sự khác nhau cá biệt của những người tách rời khỏi sự vận động. Họ đã cố gắng “tới gần thượng đế” bằng cách nằm hoặc đứng bất động hàng tháng trong bãi lầy đồng thời ngẫm nghĩ về “cái tôi” của mình. Họ cho rằng người mà trong cuộc sống hàng ngày luôn nóng nảy, dễ cảm xúc thì hoàn toàn không thể chịu được sự cố tình từ bỏ cảm xúc trong lúc im lặng không vận động (tức cái gọi là “chủ nghĩa khổ hạnh bên trong”). Còn những người rơi vào trạng thái xúc cảm (ý bệnh – histerin) là những người giữ được thăng bằng dễ chịu đựng hơn “chủ nghĩa khổ hạnh bên trong” như vậy.
b. Ngay ở Hi Lạp cổ đại, để chỉ những đặc điểm cá biệt của cá nhân, người ta đưa ra thuật ngữ khí chất (temperament). Lịch sử còn ghi lại tên tuổi Hipocrat (377 – 460 TCN) – một bác sĩ Hi Lạp – người đã phát hiện ra các khí chất. Những công trình nghiên cứu chứng minh rằng Hipocrat đã chỉ có một tư tưởng là có bốn chất lỏng trong cơ thể người ta và lỉ lệ khác nhau của các chất đó là cái quyết định hành vi của con người.
Một bác sĩ La Mã là Galen (130 – 250 TCN) đã hoàn thiện kĩ thuật của Hipocrat và phân loại con người thành bốn loại tương ứng với bốn khí chất. Các bác sĩ Hi Lạp – La Mã cổ đại đều cho rằng mỗi một khí chất đều phụ thuộc vào tỉ lệ giữa máu, chất nhầy và mật trong cơ thể người ta. Họ đã nêu lên các đặc tính sau đây của khí chất cơ bản.
+ Kiểu linh hoạt. Theo ý kiến của các bác sĩ điều đó thể hiện tiêu biểu ở sự có nhiều máu trong cơ thể. Kiểu này dễ thay đổi sự quyến luyến, thói quen. Tâm trạng của người kiểu này dễ chuyển sang các trạng thái có tính chất khác nhau. Người kiểu khí chất linh hoạt là người yêu đời, nhanh nhẹn, nhanh trí nhưng ít kiên nhẫn.
+ Kiểu sôi nổi là kiểu có số lượng mật vàng tiết ra nhiều. Vì vậy cảm xúc của người kiểu này biểu hiện rất rõ, nhất là các cảm xúc xấu. Người kiểu khí chất này sôi nổi, thường hay nóng nảy mặc dù sự nóng nảy qua đi rất nhanh. Người kiểu này rất nhanh nhẹn, rất có nghị lực và rất kiên quyết. Khi vui sướng hay đau khổ họ đều có rung động sâu sắc.
+ Kiểu điềm tĩnh: Trong cơ thể người thuộc kiểu điềm tĩnh có nhiều nước nhớt. Đặc điểm chủ yếu của kiểu này là kém nhanh nhẹn, hưng phấn cảm xúc yếu. Tuy vậy, thái độ bình tĩnh và kiên định đối với hiện thực thường là điều tốt. Người điềm tĩnh thường khó bị mất bản lĩnh. Thói quen và kĩ xảo của người kiểu này rất cố định và khó thay đổi.
+ Kiểu ưu tư: Trong cơ thể mà người kiểu này có nhiều mật đen hơn. Cảm xúc của người kiểu này mang tính chất mềm yếu. Bất kì một thất bại nào cũng gây ra ức chế. Người kiểu này hầu như luôn luôn u sầu. Tất cả mọi rung động ở người kiểu này đều xảy ra chậm chạp, nhưng khí sắc, tâm lí của người kiểu này dễ bị thương tổn. Trong đại đa số trường hợp những người kiểu này đều tỏ ra thụ động và tò mò.
Đến nay khoa học đã có những bước tiến vượt bậc nhưng những nét tiêu biểu của các kiểu khí chất được các nhà tư tưởng Hi Lạp – La Mã cổ đại mô tả là khá chính xác, đúng đắn về mặt tâm lí và ngày nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa của mình.
– I P. Paplov – nhà sinh học vĩ đại của Nga đã tìm thấy trong sự hoạt động cao cấp của não, một cơ quan có “điều chỉnh mọi hiện tượng xảy ra trong cơ thể” mà ở đó “ta có thể biết về toàn bộ cơ thể cùng với mọi thành phần của nó” cơ quan “những mối liên hệ phức tạp nhất của động vật với thế giới bên ngoài” và cuối cùng, là cơ quan phản ánh thế giới bên ngoài hoạt động của cơ quan này được thực hiện theo nguyên tác “liên hệ thần kinh tạm thời mà liên hệ tạm thời là hiện tượng sinh lí rất phổ biến trong giới động vật và ngay trong chính chúng ta. Đồng thời chính nó cũng là hiện tượng tâm lí”.
Bằng phương pháp phản xạ có điều kiện I. P. Paplov đã khám phá ra những quy luật của hoạt động thần kinh cấp cao và những thuộc tính cơ bản của quá trình thần kinh. Những thuộc tính cơ bản của quá trình đó là:
+ Cường độ của những quá trình thần kinh cơ bản: hưng phấn và ức chế.
+ Sự cân bằng của những quá trình này.
+ Tính linh hoạt của chúng.
Cường độ của quá trình thần kinh là chỉ số chứng tỏ năng lực làm việc của những tế bào thần kinh và của hệ thần kinh nói chung. Hệ thần kinh mạnh chịu đựng rất nhiều tác động và trong thời gian dài, trong khi đó hệ thần kinh yếu trong những điều kiện đó sẽ bị sứt vỡ.
Tính cân bằng là sự cân đối nhất định của quá trình hưng phấn và ức chế.
Tính linh hoạt là độ nhanh khi chuyển từ một quá trình này sang một quá trình khác để đảm bảo thích ứng với những thay đổi đáng kể và đột ngột của hoàn cảnh.
Như vậy, ba thuộc tính cơ bản của hệ thần kinh trong phân loại của Paplov khi được phối hợp với nhau theo các cách khác nhau sẽ tạo nên bốn kiểu hoạt động thần kinh cấp cao ảnh hưởng đến bốn khí chất.
Theo Paplov có bốn kiểu thần kinh cơ bản:
– Kiểu mạnh – cân bằng – linh hoạt, cơ sở sinh lí cho khí chất linh hoạt.
– Kiểu mạnh – cân bằng – không linh hoạt, cơ sở sinh lí cho khí chất điềm tĩnh.
– Kiểu mạnh – không cân bằng, cơ sở sinh lí cho khí chất sôi nổi.
– Kiểu yếu (hưng phấn và ức chế đều yếu), cơ sở sinh lí cho khí chất ưu tư.
Những kiểu thần kinh này có chung ở động vật và người. Kiểu hình thần kinh biểu hiện ở trường lại của phản ứng, ở sự cân bằng, sự nhanh nhẹn trong hành vi. Bốn kiểu thần kinh trên không bao hàm tất cả những hình thức cá biệt muôn hình muôn vẻ của hoạt động thần kinh cấp cao của cá nhân. Những kiểu này là những “kiểu điển hình, thường hay gặp nhất và nổi bật nhất mà thực tế đã thể hiện một cách rõ ràng” và đó là những kiểu cơ bản. Ngoài ra còn có những kiểu chuyển tiếp và những hình thức trung gian giữa các kiểu trên. Những kiểu chuyển tiếp và những hình thức quá độ và cuối cùng là những kiểu hoạt động hệ thần kinh cấp cao bộ phận có thể là kết quả của những tư chất nhất định, chúng có thể được hình thành từ những kiểu cơ bản trong quá trình sống của cá thể. Paplov cũng chỉ ra rằng, nếu nói đến kiểu tự nhiên của hệ thần kinh thì cần phải tính đến mọi ảnh hưởng tác động vào cơ thể. Theo ông có thể có một kiểu trong đó quá trình hưng phấn mạnh và quá trình ức chế yếu hoặc là có một biến thái khác mà cả hưng phấn và ức chế đều mạnh nhưng hưng phấn trội hơn (biến thái trung tâm thường thấy) và cuối cùng biến thái thứ ba trong đó cường độ của quá trình hưng phấn và ức chế đạt đến một mức độ yếu như nhau, có nghĩa là cường độ được cân bằng.
1.2. Khái niệm khí chất
1.2.1. Định nghĩa
Khí chất thuộc tính tâm lí phức hợp của cá nhân biểu hiện ở cường độ, nhịp độ của các hoạt động tâm lí, thể hiện sắc thái của hành vi, cử chỉ, cách nói năng của cá nhân.
Định nghĩa trên cho thấy hành vi không chỉ phụ thuộc vào điều kiện xã hội mà còn phụ thuộc vào sự tổ chức thần kinh đặc biệt của cá nhân….
Để hiểu rõ hơn khái niệm khí chất, cần chú ý một số điểm sau:
– Khí chất gắn liền với kiểu hoạt động thần kinh của con người, là sự biểu hiện cụ thể ra bên ngoài về cường độ, tốc độ, nhịp độ các hoạt động tâm lí của con người.
– Khí chất là động lực của hành vi cá nhân, nhưng nó chỉ quyết định về cường độ, tốc độ của hành vi chứ không quyết định nội dung của hành vi (như xu hướng, nguyện vọng, tình cảm, ý chí…).
– Nói đến khí chất là nói đến động lực của toàn bộ hành vi cá nhân, nghĩa là không chỉ nói đến động lực của từng quá trình tâm lí riêng lẻ, từng hoạt động cụ thể trong một phạm vi nhất định nào đó, mà nói đến đặc trưng chung nhất về cường độ, nhịp độ của toàn bộ hành vi cá nhân, là động lực tương đối bền vững trong cả cuộc đời của cá nhân.
1.2.2. Những thuộc tính cơ bản của khí chất
– Tính nhạy cảm: một lực tác động bên ngoài nhỏ nhất đủ để gây một phản ứng tâm lí nào đó.
– Tính phản ứng, tính dễ xúc cảm: chức năng của tính chất này được xác định bởi sức mạnh của phản ứng cảm xúc của con người đối với các tác nhân kích thích bên ngoài và bên trong.
– Tính đề kháng: là sự chống lại các điều kiện không thuận lợi làm ức chế hoạt động.
– Tính cứng rắn và tính dễ uốn: tính cứng rắn thể hiện ở sự không dễ dàng thích nghi với các điều kiện bên ngoài, còn tính dễ uốn thì ngược lại.
– Tính chuyển hướng ngoài và tính chuyển hướng trong. Ở đây người ta chú ý đến việc phản ứng và hoạt động của con người phụ thuộc vào cái gì nhiều hơn.
– Tính kích thích của sự chú ý: khi mức độ mới mẻ càng ít mà vẫn thu hút sự chú ý thì sự chú ý của người đó có tính kích thích càng cao.
Khí chất được xác định không phải bởi mỗi một tính chất riêng lẻ mà là bởi sự tương quan mang tính quy luật giữa tất cả mọi tính chất. Nếu không tính đến các tính chất đối lập nhau (ví dụ: tính cứng rắn – tính dễ uốn) thì ở bất kì người nào, mỗi tính chất đều biểu hiện ở một mức độ nhất định và chỉ mối tương quan nhất định giữa các tính chất đó mới thể hiện khí chất của người đó.
1.3. Bản chất xã hội của khí chất
Kiểu hoạt động thần kinh không phải là một cái gì cố định. Điều ấy có nghĩa là khí chất của con người có thể thay đổi do ảnh hưởng của những điều kiện sống – giáo dục và hoạt động cá nhân. Không phải chỉ có những thuộc tính bẩm sinh của hệ thần kinh quyết định tính chất độc đáo của khí chất. Tính độc đáo của khí chất phụ thuộc vào những tác động ảnh hưởng liên tục đến con người trong suốt quá trình sống. Những dấu vết xã hội, đặc biệt là những tiêu chuẩn đạo đức, những yêu cầu của xã hội đã ghi lại rõ nét trong hình thức hành vi của mỗi người. Vì vậy khí chất của một con người cụ thể thường chỉ rõ những đặc điểm của dân tộc, địa phương.
Mặt khác, con người là một thành viên của xã hội, chịu sự tác động của xã hội nên những biến cố xã hội. Những biến động của đời sống xã hội không chỉ ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và tình cảm của con người mà còn làm thay đổi khí chất của họ. Điều này muốn nói cá nhân có thể thay đổi toàn bộ hoặc một số đặc điểm nào đó của khí chất trong quá trình sống và hoạt động. Ví dụ, có người vốn rất hồn nhiên, lạc quan yêu đời không may bị lừa gạt hay bị cô lập, thất bại trong việc gì đó hay bị đối xử không công bằng dễ chuyển sang khí chất điềm tĩnh, ưu tư…
Khí chất là thuộc tính tâm lí được hình thành, biểu hiện trong suốt quá trình sống và giáo dục, tự giáo dục trong những điều kiện xã hội lịch sử nhất định. Vì vậy. khí chất hình thành, biểu hiện, thay đổi theo lứa tuổi.
Con người là một chủ thể có ý thức trong quá trình sống, hoạt động và giao tiếp con người luôn tự làm chủ bản thân trong các mối quan hệ xã hội đặc biệt trong hoạt động nghề nghiệp để thích ứng và phát triển phù hợp với hoạt động nghề nghiệp mà con người lựa chọn. Con người có thể “thay đổi”, “chuyển đổi” khí chất là do đặc tính của hệ thần kinh là có tính linh hoạt cao. Vì vậy không nên quy định nghề cho một loại khí chất nào đó. Loại khí chất nào cũng có ưu và nhược của nó không nên ưu ái loại khí chất này mà xem nhẹ loại khí chất kia. Ví dụ, trong số các nhà văn lớn của Nga: Ghecxen có khí chất linh hoạt, Gogon ưu tư, Corulov điềm tĩnh, Puskin sôi nổi… Ngoài ra con người là một chủ thể tích cực, có ý chí, nghị lực vượt lên những khó khăn của cuộc sống, làm chủ cảm xúc, làm chủ bản thân nên một người thường có loại “khí chất tổng hợp”. Tùy từng tình huống, hoàn cảnh mà có loại khí chất tương ứng hoặc “tổng hợp các loại khí” để giải quyết một nhiệm vụ quan trọng nào đó.
2. Các kiểu khí chất và cơ sở sinh lí của chúng
2.1. Cơ sở sinh lí của khí chất
Thuyết Thần kinh do nhà sinh lí học vĩ đại Nga I. P. Paplov đề ra đã giải thích một cách thực sự khoa học về các khí chất. Theo ông, cơ sở sinh lí của các loại khí chất là kiểu hoạt động thần kinh cấp cao quy định. Trong các công trình nghiên cứu của mình I. P. Paplov đã chú ý nhiều đến 4 kiểu hoạt động cấp cao mà biểu hiện thần kinh của chúng là 4 loại khí chất cổ điển. Các kiểu ấy thể hiện tiêu biểu bởi một tổng hợp nhất định các chỉ số về tính chất cơ bản của các quá trình hưng phấn và ức chế – sức mạnh tính linh hoạt và tính cân bằng. Trước hết, căn cứ vào sức bền so với kích thích tác động mạnh và kéo dài mà hệ thần kinh có thể mạnh hay yếu. Một hệ thần kinh yếu, nhạy cảm dễ ức chế sẽ xác định hành vi của chủ thể ở những nét đặc trưng của kiểu khí chất ưu tư. Vì vậy, I. P. Paplov đã gắn kiểu hoạt động thần kinh cấp cao yếu với khí chất ưu tư.
Ông đã xây dựng lí luận về phản xạ có điều kiện của hoạt động thần kinh cấp cao mới để soi sáng vấn đề cơ sở sinh lí của khí nhất.
– Hoạt động thần kinh cấp cao ở người có hai quá trình cơ bản: hưng phấn – ức chế. Đặc điểm của các kiểu hoạt động thần kinh bao giờ cũng có hai trạng thái đối lập nhau: mạnh – yếu; cân bằng – không cân bằng; linh hoạt – không linh hoạt.
Mỗi người chúng ta tuỳ theo đặc điểm thần kinh mà rơi vào cực A hay cực B, có người rơi vào trung gian.
+ Kiểu mạnh – cân bằng – linh hoạt (quá trình hưng phấn cân bằng với quá trình ức chế) – kiểu hoạt.
+ Kiểu mạnh – không cân bằng, có đặc điểm là quá trình hưng phấn mạnh và quá trình ức chế yếu (kiểu nóng).
+ Kiểu mạnh – cân bằng không linh hoạt (bề ngoài thì điềm đạm hơn, bền bỉ hơn) – kiểu trầm.
+ Kiểu yếu có đặc điểm là quá trình hưng phấn cũng như ức chế đều yếu.
Sự phân chia trên được sơ đồ hóa như sau:
– Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng bốn kiểu thần kinh trên đã bao hàm tất cả những hình thức của hoạt động thần kinh cấp cao của cá nhân. Những kiểu trên là những kiểu điển hình, thường hay gặp nhất và nổi bật nhất mà thực tế đã thể hiện một cách rõ ràng. Ngoài ra còn có những kiểu chuyển tiếp và những kiểu trung gian giữa các kiểu trên. Những kiểu trung gian, chuyển tiếp là những kiểu thần kinh được tồn tại nhiều nhất trong hiện thực. I. P. Paplov cho rằng, tự nhiên hiện thực là vô số những sự chuyển tiếp, những mức độ chuyển tiếp. Do vậy, khi nghiên cứu khí chất, chúng ta phải tính đến các kiểu trung gian nếu không trong nhiều trường hợp chúng ta sẽ bị bế tắc và không hiểu đây là cái gì.
B. M. Teplov – nhà tâm lí học Nga còn cho rằng, cùng với những thuộc tính kiểu loại chung đặc trưng cho hệ thần kinh nói chung còn có những thuộc tính kiểu loại bộ phận đặc trưng cho công việc từng vùng cửa vỏ não (Ví dụ vùng thính giác, thị giác, vận động). Nếu những thuộc tính kiểu loại chung quy định khí chất của con người thì những thuộc tính riêng lẻ có nhiều ý nghĩa trong khi nghiên cứu năng lực chuyên môn. Những kiểu chuyển tiếp những hình thức quá độ và cuối cùng là những kiểu hoạt động thần kinh cấp cao bộ phận có thể là kết quả của những tư chất nhất định hoặc chúng có thể được hình thành từ những kiểu cơ bản trong quá trình hoạt động sống của cá thể, do ảnh hưởng của những ấn tượng sống.
Theo các tài liệu nghiên cứu của tâm lí học người ta cũng đã phát hiện ra một loạt các tính chất của hệ thần kinh mà nếu được phối hợp một cách khác nhau sẽ có thể xác định các kiểu thần kinh.
Sức mạnh của hệ thần kinh nói lên sức mạnh của quá trình hưng phấn, ức chế do năng lực hoạt động và sức bền của nó xác định, nghĩa là do khả năng của các tế bào thần kinh quy trì sự hưng phấn lâu dài hoặc rất mạnh mà không chuyển sang trạng thái ức chế quá mức. Khoa học đã chứng minh rằng: một hệ thần kinh càng yếu thì càng nhạy cảm. Vì vậy, tính nhạy cảm thị giác hay thính giác của một số cá thể có thể là chỉ số về sức mạnh hệ thần kinh của người đó. Điều này, càng khẳng định không có tính chất “xấu”, “tốt” của hệ thần kinh. Chẳng hạn, nếu một hệ thần kinh yếu sẽ có độ bền bỉ kém hơn hệ thần kinh mạnh nhưng nó lại có nhạy cảm tốt hơn hệ thần kinh mạnh. Mặc dù, trong nhiều hình thức hoạt động của con người (ví dụ thể thao), sức bền thần kinh là rất quan trọng nhưng trong những trường hợp khác thì tính nhạy cảm cao của hệ thần kinh lại rất cần thiết. Hơn thế nữa, nếu như kiểu hoạt động thần kinh cấp cao “yếu” là “không” có giá trị thì nó đã không còn tồn tại từ lâu do sự lựa chọn tự nhiên.
Paplov đã xác định sức mạnh của hệ thần kinh cả theo tốc độ hình thành các định hình động lực. Sau B. M. Teplov và V. D. Nebulinxki đã đề nghị gọi tính chất đó là tính năng động của hoạt động thần kinh cấp cao. Tính năng động đó quyết định các đặc điểm cá biệt của con người trong sự hình thành định hình động lực. Sự hình thành định hình động lực càng tốt thì các kĩ xảo chuyên môn của con người được tạo nên càng nhanh.
+ Tính linh hoạt của quá trình thần kinh được xác định dựa trên các chỉ số tốc độ hoạt động của các quá trình thần kinh: độ nảy sinh hoặc chấm dứt quá trình hưng phấn hay quá trình ức chế, tốc độ thay thế nhau của các quá trình đó; tốc độ khuyếch tán hay tập trung; tốc độ hình thành các mối liên hệ có điều kiện mới và tốc độ tái tạo các mối liên hệ đó. Tính linh hoạt sẽ bảo đảm sự thích nghi đối với những biến đổi nhanh chóng và bất ngờ của hoàn cảnh.
+ Tính bất định (dễ biến đổi) của hệ thần kinh: là một tính chất mới của hệ thần kinh luôn xác định các chỉ số tốc độ của hoạt động thần kinh cấp cao.
+ Tính cân bằng của hệ thần kinh (tính cân đối của các quá trình thần kinh): các quá trình thần kinh luôn luôn cân đối ở một mức độ nào đó khi có sự dao động nhất định hoặc là về phía hưng phấn, hoặc về phía ức chế.
Ví dụ, người ta ghi lại tần số dao động của các kết quả khi đo những chức năng nào đó (tốc độ phản ứng): tính chất chú ý, tốc độ hình thành ức chế có điều kiện, khả năng ngăn chặn những hoạt động xung động.
Ngoài những kiểu loại thần kinh cơ bản nói trênI. P. Paplov còn tìm ra ba kiểu thần kinh chỉ có ở người do sự tham gia của hệ thống tín hiệu thứ hai. Đó là: kiểu nghệ sĩ, kiểu trí tuệ; kiểu hung gian.
2.2. Các kiểu khí chất
Dựa vào kiểu thần kinh, người ta chia khí chất con người thành một số kiểu cơ bản sau:
a. Kiểu khí chất Xăngghanh: hoạt bát, hăng hái (kiểu thần kinh mạnh – cân bằng – linh hoạt)
– Ưu điểm:
+ Trong hoạt động người có kiểu khí chất này thường nhiệt tình đối với những công việc mà họ hứng thú;
+ Tính linh hoạt cao, thích ứng dễ dàng với những biến đổi của hoàn cảnh sống.
+ Liên hệ nhanh chóng với mọi người xung quanh – có tình quảng giao.
+ Tính tình cởi mở, chân thành. Trong tập thể họ là những người vui tính.
+ Có trí tuệ mềm dẻo, ưa dí dỏm.
+ Có khả năng nắm cái mới nhanh chóng, dễ di chuyển chú ý. Người thuộc loại khí chất này dễ dàng hình thành và cải biến đường liên hệ thần kinh tạm thời.
– Hạn chế.
+ Đối với những công việc không hứng thú họ dễ chán nản, uể oải.
+ Tình cảm của người thuộc kiểu này dễ dàng xuất hiện và cũng dễ dàng thay đổi.
b. Kiểu khí chất sôi nổi – kiểu Côlêric: kiểu nóng nảy (kiểu thần kinh mạnh – không cân bằng).
Đặc điểm thần kinh: quá trình hưng phấn mạnh, quá trình ức chế yếu hơn.
– Ưu điểm:
+ Đây là kiểu chiến đấu, kiểu hăng hái, dễ dàng và nhanh chóng bị kích thích. Những người thuộc kiểu nóng có khả năng hiến thân cho sự nghiệp với tất cả nhiệt tình, say mê. Họ cảm thấy sức mạnh tràn trề, sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn và trở ngại trên con đường đi tới mục đích.
+ Ý chí kiên nghị
– Hạn chế:
+ Khi sức lực bị hao tổn và niềm tin vào khả năng của mình bị suy sụp thì dễ xảy ra tình trạng buồn nản.
+ Ý chí kiên nghị nhưng lại bộc lộ từng đợt.
+ Người kiểu khí chất này có đặc điểm nổi bật là dễ cáu và phản ứng cảm xúc mạnh. Vì vậy, dễ có thái độ hùng hổ, gay gắt, thẳng thừng, có khả năng hoạt động đến mức độ rất căng thẳng.
c. Kiểu khí chất trầm – Phlecmatic: kiểu bình thản (kiểu thần kinh mạnh – cân bằng – không linh hoạt).
– Ưu điểm:
+ Là loại người bình tĩnh, luôn luôn cân bằng, lao động kiên trì, bền bỉ trong cuộc sống ngay cả khi hoàn cảnh khó khăn.
+ Dễ dàng kiềm chế được những cơn xúc động, những cơn tức giận, giữ vững những quy tắc sống đã được đặt ra.
+ Làm việc có hệ thống, không bị lôi cuốn bởi những lí do nhỏ. Nhờ đó người thuộc kiểu khí chất này có thể hoàn thành công việc ít tốn sức lực.
+ Cần cù, chú ý lâu bền, kiên nhẫn; bình tĩnh, thanh thản và chín chắn.
+ Quan hệ với mọi người đúng mức, không thích ba hoa vô ích.
– Hạn chế.
+ Tính ỳ và tính kém linh hoạt là nhược điểm của người trầm.
+ Sự di chuyển chú ý kém; có sự cứng nhắc của động hình nên khó thích nghi với hoàn cảnh thay đổi. Vì vậy, hay bỏ lỡ thời cơ.
d. Kiểu khí chất ưu tư – Mêlăngcôiic (thần kinh yếu: hưng phấn và ức chế đều yếu nhưng ức chế mạnh hơn).
– Ưu điểm:
+ Sự suy nghĩ sâu sắc và tưởng tượng phong phú đã làm cho họ nhìn thấy mọi khó khăn trở ngại, lường trước được hậu quả có thể xảy ra.
+ Đặc điểm nổi bật của họ là thái độ hiền dịu và rất dễ thông cảm với mọi người xung quanh.
+ Tuy ít cởi mở nhưng tình cảm của họ sâu sắc và bền vững.
+ Họ là những người nhạy cảm trong những hoàn cảnh, nếu được tin tưởng họ là những người hoàn thành tốt mọi công việc được giao.
– Hạn chế:
+ Là kiểu ức chế của hệ thần kinh. Mỗi hiện tượng của cuộc sống đều trở thành nhân tố ức chế anh ta. Vì thế, họ không tin tưởng, không hi vọng gì hết.
+ Có xu hướng chìm đắm vào những chuyện không đáng kể.
+ Không thích cởi mở, không thích giao du, không thích ứng với hoàn cảnh luôn thay đổi. Họ dễ run sợ khi có sự thay đổi mới lạ.
3. Giáo dục khí chất
3.1. Khí chất với các thuộc tính khác của nhân cách
Khí chất là hình thức đầu tiên của mối quan hệ của chủ thể đối với khách thể. Nó “quét lên” các thuộc tính nhân cách làm cho chúng ta có màu sắc riêng, đa dạng.
a. Khí chất và thái độ
Kết quả nghiên cứu và thực tế đã chỉ ra rằng, hành vi của con người trong phạm vi của khí chất có thể nói lên thái độ của con người. Rõ ràng, thái độ đó có thể tạm thời được che đậy, hoặc thay đổi chút ít trong những nét tự nhiên vốn có của nó hay nói một cách chính xác hơn là sự biểu lộ về mặt khí chất. Ví dụ, tính linh hoạt và mức độ của sự cân bằng của phản ứng phụ thuộc vào thái độ và tính cách của con người đối với nhiệm vụ được giao; phụ thuộc vào hứng thú, nhu cầu và khuynh hướng của cá nhân; phụ thuộc vào nhịp độ, nhịp điệu hoàn thành công việc. Nhịp độ chậm chạp trong những công việc chán nản, thì cảm giác mệt mỏi sẽ đến nhanh hơn, trường lực của hoạt động giảm xuống. Điều này thể hiện rõ nhất khi thái độ của cá nhân đối với những biến cố khác nhau của cuộc sống. Chỉ trong những điều kiện khác nhau mới có thể đánh giá sức mạnh hoặc sự yếu ớt, sự điềm đạm hay tính linh hoạt của cá nhân khi so sánh với người khác.
b. Khí chất và tính cách
Khí chất là sự biểu hiện cụ thể ra bên ngoài toàn bộ hoạt động thần kinh của con người. Nội dung bên trong của khí chất là mọi hoạt động tâm lí nhưng nhiều nhất và trực tiếp vẫn là tính cách. Vì vậy, nhân dân ta thường dùng khái niệm “tính khí” để chỉ mối quan hệ giữa tính cách và khí chất. Khí chất chi phối quá trình xây dựng và hình thành, biểu hiện của một tính cách. Ngược lại, tính cách có thể làm cho khí chất thay đổi. Bởi vì thần kinh có tính mềm dẻo cao.
Tính cách là một phần nội dung quan trọng của khí chất. Một khi nội dung bên trong thay đổi thì hình thức bên ngoài cũng thay đổi. Nói cách khác, tính cách có ảnh hưởng trực tiếp đến sự thay đổi khí chất. Khí chất “quét lên” tính cách một sắc thái riêng làm cho tính cách có nét độc đáo.
c. Khí chất và hành vi
Có thể nói rằng, bức tranh hành vi của con người trong phạm vi khí chất có thể do những thái độ của con người quyết định. Những thái độ này, tạm thời được che đậy hoặc làm biến dạng những biểu hiện tự nhiên – những biểu hiện đặc biệt của khí chất.
Khí chất con người còn phụ thuộc vào trình độ văn hoá nói chung của họ. Ví dụ, có người không kìm hãm bản thân mình mà ngược lại cố tình nhấn mạnh sự biểu lộ dễ cảm xưa biểu lộ ở những cơn tức giận, niềm vui sướng, biểu lộ sự tuyệt vọng… của mình. Những người như thế thường hay bào chữa cho khí chất của mình, viện lí do cho việc không kiềm chế những thói xấu của mình.
Người có văn hoá, là người xây dựng hành vi của mình kết hợp mối tương quan với đạo đức, với xã hội, họ biết kiềm chế mình.
d. Khí chất và ý chí
Hành động có ý chí là hành động dựa trên kinh nghiệm sống. Hành động có ý chí hình thành trong quá trình nhận thức hiện thực và trong quá trình hoạt động nhằm thoả mãn những nhu cầu và hứng thú. Hành động có ý chí hình thành trên cơ sở khí chất nào đó. Ví dụ, kiểu ý chí có phương pháp, có suy nghĩ được hình thành nhanh chóng hơn trên cơ sở khí chất trầm; kiểu ý chí nhiệt tình bồng bột được hình thành nhanh chóng trên cơ sở khí chất nóng; kiểu ý chí hỗn hợp được thành lập nhanh ở người thuộc kiểu khí chất linh hoạt.
Mặt khác, các phẩm chất ý chí khi đã được hình thành lại giúp cho ta làm chủ được bản thân và điều chỉnh được với những nhu cầu và hứng thú mới của cá nhân. Nhờ có ý chí cứng rắn mà con người kiềm chế được và thậm chí “gạt bỏ” được tính bột phát và làm chủ, điều hoà được tình cảm của mình; hoặc ngược lại, tạo ra được nhịp điệu tâm lí nhanh hơn… Trong quá trình hoạt động, một khi cá nhân thấy được những đặc điểm tốt và xấu của mình thì cá nhân bắt đầu tự giác điều khiển hoạt động sống và nỗ lực luyện tập để biến đổi bản tính của mình “con người làm cho bản thân hoạt động sống của mình trở thành đối tượng của ý chí và ý thức của mình”.
e. Năng lực và khí chất
Khi nghiên cứu về năng lực, ta không thể không chú ý đến vai trò của hoạt động thần kinh cấp cao, tốc độ hình thành phản xạ có điều kiện nhanh hay chậm; bền vững hay không bền vững. Ví dụ: năng lực của người lái xe, vận động viên thể dục thể thao phù hợp với khí chất linh hoạt, sôi nổi; tính nhạy cảm của thần kinh yếu thích hợp với văn nghệ sĩ… Tuy hiên, khí chất không tiền định cho năng lực.
Tóm lại, khí chất có ảnh hưởng nhất định đến các thuộc tính nhân cách. Tuy nhiên, khí chất tự nó không thể quy định xu hướng của cá nhân, nguyện vọng, hứng thú và lí tưởng của cá nhân. Nghĩa là, khí chất không thể quy định toàn bộ sự phong phú của nội dung đời sống tinh thần (những điều này là kết quả phản ánh nội dung của đời sống thực tế) mà khí chất là hình thức biểu hiện của những hiện tượng tâm lí bên trong.
3.2. Giáo dục khí chất
Hệ thống các mối liên hệ thần kinh tạm thời hay hệ thống các động hình được hình thành trong quá trình tích cực phản ánh thực tế khách quan là cơ sở của hệ thống các quan điểm, của cách suy nghĩ và tình cảm nói chung trong hành vi của cá nhân. Nghĩa là, khí chất của con người không tiền định giá trị đạo đức – xã hội của họ như là một nhân cách. Những người có khí chất hoàn toàn khác nhau có thể có cùng một giá trị đạo đức – xã hội như nhau và ngược lại những người có cùng một khí chất như nhau có thể rất khác nhau về giá trị đạo đức – xã hội.
Trẻ em càng nhỏ sự bộc lộ từng lại khí chất càng rõ hơn. Tuy nhiên, trẻ em càng lớn càng có nhiều mối quan hệ qua lại với thế giới xung quanh. Vì thế, chúng ngày càng chịu sự tác động của thế giới xung quanh. Có thể nói, hoàn cảnh sống là một trong những điều kiện có thể làm thay đổi cường độ và tính linh hoạt của các quá trình tâm lí, ấn tượng kích thích xúc cảm và những cái khác. Ngược lại, chính hoàn cảnh sống, sự giáo dục và tự giáo dục của cá nhân có tác dụng kìm hãm hay phát triển tính tích cực của khí chất.
Mỗi loại khí chất đều có ưu điểm và nhược điểm: Loại khí chất nào cũng cần cho hoạt động của con người. Vì vậy, trong giáo dục, khi nhận xét, đánh giá, sử dụng con người không nên ưu ái loại khí chất này và ghét bỏ loại khí chất kia.
Việc giáo dục khí chất cho học sinh không tách rời với việc bồi dưỡng các thuộc tính tâm lí khác. Đặc biệt, không tách rời với việc giáo dục tính cách. Người ta chỉ học được cách điều khiển khí chất của mình trong trường hợp con người có một tính cách có mục đích, có ý chí và đạo đức cao. Vì vậy, không nên biện hộ cho những hành vi sai trái cho là vì khí chất. Đồng thời, cũng không nên chỉ căn cứ vào sự biểu hiện của một số hành vi bên ngoài để đánh giá con người.
Như trên đã nói, khí chất của con người có thể thay đổi dưới ảnh hưởng của những hoàn cảnh sống, của lứa tuổi và bệnh tật (đặc biệt những bệnh của hệ thần kinh). Trong những điều kiện thuận lợi của đời sống, kiểu hoạt động thần kinh bẩm sinh và nét tâm lí của khí chất có liên quan với nó được thay đổi một cách chậm chạp và ít thấy rõ. Trong những thay đổi sâu sắc của điều kiện sống thì những thay đổi trong khí chất được biểu hiện rõ hơn.
Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao tìm ra những con đường hình thức và phương pháp tốt nhất để giáo dục những nét tính cách tốt tương ứng với đặc điểm khí chất của từng học sinh. Dạy học và giáo dục không phải nhằm biến đổi khí chất của học sinh mà nhằm khắc phục những thiếu sót của kiểu khí chất này hay kiểu khí chất kia, phát triển những mặt tốt của nó với mục đích tạo ra những nét nhân cách có giá trị trong mỗi con người. Nắm được khí chất của học sinh, thầy giáo phải tổ chức hoạt động của mỗi học sinh sao cho những mặt hạn chế của khí chất dần dần được khắc phục. Điều này, cũng có ý nghĩa với giáo viên, trong việc tự điều khiển khí chất của bản thân mình.
Ngoài việc tổ chức hoạt động lao động, học tập cho học sinh, việc giáo dục thể chất có một ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục khí chất. Những bài tập thể dục thể thao sẽ góp phần củng cố, phát triển hệ thần kinh của học sinh. Dưới ảnh hưởng cua những bài tập thể đục đều đặn, học sinh có khí chất Côlêric trở nên bớt mạnh mẽ hơn, học sinh có khí chất Phiecmatic sẽ khắc phục được tính chậm chạp và vụng về, tăng cường sự hối hả, bận rộn; học sinh có khí chất Xăngghanh sẽ bắt đầu kiềm chế được vận động của mình.