Hãy sống, ngay bây giờ!
Tất cả những gì bạn có là hiện tại. Thước đo sự bình an tinh thần và hiệu quả cá nhân được thể hiện ở khả năng sống cho hiện tại của chúng ta. Bây giờ là lúc bạn đang hiện hữu, không cần biết cái gì đã xảy ra ngày hôm qua và cái gì sẽ xảy ra ngày mai. Từ quan điểm này, chìa khóa cho hạnh phúc và sự thỏa mãn là tập trung đầu óc chúng ta vào thời khắc hiện tại!
Một điều tuyệt vời ở trẻ em là chúng hoàn toàn đắm mình trong giờ phút hiện tại. Chúng cố gắng tập trung hoàn toàn vào việc chúng đang làm dù cho việc đó là ngắm một con bọ, vẽ một bức tranh hay xây lâu đài trên cát, bất cứ cái gì mà chúng muốn dành hết sức lực để làm.
Khi trở thành người lớn, nhiều người trong chúng ta học nghệ thuật suy nghĩ và lo lắng nhiều việc cùng một lúc. Chúng ta để cho những mối quan tâm về quá khứ và tương lai đan xen vào hiện tại và làm cho chúng ta khổ sở và kém cỏi.
Chúng ta cũng học được cách trì hoãn sự thụ hưởng niềm vui và hạnh phúc và nghĩ rằng có lúc nào đó trong tương lai, mọi cái sẽ tốt hơn bây giờ.
Một học sinh trung học thì nghĩ: “Khi mình ra khỏi trường và không phải nghe lời ai nữa thì mọi cái sẽ rất tuyệt!” Anh ta rời trường và thình lình nhận ra là anh ta không hạnh phúc cho đến khi rời khỏi nhà. Anh ta xa nhà đi học đại học và lại quyết định: “Mình sẽ thật sự hạnh phúc khi có được mảnh bằng và lại nghĩ chỉ kiếm được việc mới hạnh phúc được.
Anh ta có việc làm và phải làm dưới sự giám sát của nhiều người. Bạn cũng đoán được là anh ta chưa thể hạnh phúc. Nhiều năm trôi qua, anh ta hoãn việc thư giãn và hưởng hạnh phúc cho đến khi đính hôn, lập gia đình và bắt đầu mua nhà, có công việc tốt hơn, bắt đầu có con, cho con đi học, con ra trường và về hưu… và anh ta chết trước khi biết được hạnh phúc là gì. Tất cả thời gian anh ta có, anh ta dùng để lập kế hoạch cho cái tương lai tốt đẹp không bao giờ đến.
Bạn có liên hệ đến mình với phần nào câu chuyện ở trên không? Bạn có từng biết ai trì hoãn không hưởng niềm vui cho đến lúc già không? Điều quan trọng để hạnh phúc là bạn phải hoàn toàn quan tâm đến hiện tại. Chúng ta hưởng niềm vui trong cả chuyến đi, không phải chỉ khi đã đến đích.
Tương tự, chúng ta có thể không chịu dành thời gian cho những người mà chúng ta thương yêu. Một cuộc nghiên cứu mới nhất ở Hoa Kỳ đã được thực hiện để tìm hiểu xem các ông bố tầng lớp trung lưu dành bao nhiêu thời gian chơi với con nhỏ của họ. Họ đeo micro trên cổ áo các ông bố để biết họ chuyện trò với con cái mỗi ngày bao lâu.
Nghiên cứu cho thấy đa số dành khoảng 37 phút mỗi ngày cho con. Không nghi ngờ gì rất nhiều những ông bố khác có kế hoạch dành thời gian cho người họ yêu thương “khi đã làm xong việc”, “khi không còn áp lực công việc”, “khi có nhiều tiền hơn”… Điều quan trọng là không ai trong chúng ta được đảm bảo là chúng ta còn sống vào ngày mai. Chúng ta chỉ có hôm nay thôi.
Sống cho hiện tại còn có nghĩa là chúng ta thích thú bất kỳ điều gì chúng ta đang làm chứ không phải là kết quả của nó. Nếu bạn đang sơn hiên nhà của mình thì có thể thưởng ngoạn từng đường cọ, thích thú học hỏi làm sao để làm tốt nhất công việc, đồng thời thưởng thức ngọn gió mát mơn man trên mặt bạn và tiếng chim hót líu lo trên cây và bất kỳ cái gì khác xảy ra xung quanh bạn.
Sống trong hiện tại là mở rộng tầm hiểu biết để làm cho giây phút hiện tại trở nên quý giá hơn là luôn khép kín. Mỗi chúng ta có sự chọn lựa của mình, lúc này hay lúc khác, rằng chúng ta sống và hấp thụ, cho phép mình xúc cảm và lôi cuốn.
Khi sống ở khoảnh khắc hiện tại, chúng ta xua đuổi sự sợ hãi. Rõ ràng sự sợ hãi này là sự quan tâm đến những sự kiện có thể xảy ra lúc nào đó trong tương lai. Mối quan tâm này có thể tê liệt khi chúng ta nghĩ mình không thể làm được cái gì.
Tuy nhiên, bạn chỉ có thể bị nỗi sợ hãi tấn công khi bạn bị động. Chính cái khoảnh khắc bạn ra tay hành động, thực sự làm cái gì đó thì nỗi sợ sẽ biến mất. Sống trong hiện tại lúc này lại có nghĩa là hành động mà không sợ sệt hậu quả. Đó là sự cống hiến nỗ lực của mình để dấn thân mà không lo là mình có được phần thưởng xứng đáng hay không.
Cần nhớ là chúng ta không thể thay thế cái gì đó bằng con số không. Nếu bạn lo lắng vì xe bạn hư, bạn bị mất việc hay vợ bạn rời bỏ bạn thì không dễ gì có thể giải phóng đầu óc và tìm được sự bình thản. Cách tốt nhất để cải thiện trạng thái tinh thần là hành động, tham gia vào việc gì đó. Hãy làm cái gì đó! Bất kỳ cái gì.
Gọi điện cho bạn cũ hay làm quen bạn mới, đi tập thể thao, chăm sóc cho con cái hay giúp đỡ hàng xóm…
Đúc kết
Thời gian không thực sự hiện hữu, nó chỉ là một khái niệm trừu tượng trong đầu bạn. Hiện tại là thời gian duy nhất mà bạn có. Hãy làm cái gì đó vào lúc này!
Mark Twain có lúc nhận xét là ông đã trải qua những điều kinh khủng trong đời, một số việc thật sự kinh khủng! Đúng là vậy sao? Chúng ta có xu hướng suy nghĩ tệ hại, bi quan. Nếu nhìn vào ngay thời khắc hiện tại thì chẳng có vấn đề gì nghiêm trọng cả!
Hãy sống ngay lúc này đây
Chờ đợi
Bạn có bao giờ để ý là khi mình đợi một cái gì đó, dường như nó chẳng bao giờ xảy đến? Bởi thế mới có câu nói: “Một ngày chờ đợi dài cả trăm năm”.
Tương tự như thế khi chúng ta đợi điện thoại của ai đó, Đợi hàng giờ đâm chán, bạn quyết định làm một cái gì đó và thế là, reng! Chuông điện thoại reng.
Khi chúng ta đợi thư, đợi ai đó, đợi công việc, các cuộc phiêu lưu thú vị. Giáng sinh, dịp đi ăn nhà hàng, thời gian dường như không trôi đi. Thậm chí điều ta mong đợi chẳng hề đến.
Có một nguyên lý hoạt động nói rằng: “Hãy sống cuộc sống của bạn trong thời khắc hiện tại và đừng nín hơi mà chờ đợi cái gì khác xảy ra”. Nếu chúng ta nói: “Mình phải có “A” thì mình mới hạnh phúc và mãn nguyện”, thì những hoàn cảnh khác nhau có thể sắp xếp để chứng minh điều ngược lại.
Đúc kết
Hãy nắm bắt mọi cơ hội. Sống cho hiện tại. Hãy làm điều gì khác khi chờ đợi cái gì đó xảy ra. Nếu bạn muốn Holywood khám phá ra tài năng siêu phàm của bạn thì hãy tham gia một lớp học thực hành đan giỏ trước! Nếu bạn trai của bạn đến muộn thì hãy đọc báo hay nướng bánh, làm cái gì đó cho đến khi anh ta đến.
Làm như thế, bạn sẽ không lệ thuộc vào cái kết quả sau cùng.
“Quên tình huống đi thì sẽ nhanh có kết quả”.
Tha thứ
Quyết định tha thứ cho chính bạn hoặc ai đó là đồng ý sống cho hiện tại.
“Tôi không thể tha thứ cho mình (cho mẹ mình) vì điều đó!”
Bạn nghĩ thế nào về câu đó? Nếu chúng ta không chịu tha thứ cho ai đó tức là chúng ta nói “Thay vì làm cái gì đó để thay đổi hoàn cảnh, tôi thích sống trong quá khứ hơn và thích trách cứ tôi (hay người) đã gây ra nó”. Khi chúng ta không vị tha với chính mình là chúng ta mang hoài mặc cảm có lỗi, điều này có thể gây ra cho chúng ta những thống khổ về tinh thần.
Tha thứ cho người khác
Nhiều người cứ bám mãi quá khứ, Họ nghĩ họ sẽ không bao giờ tha thứ cho cha mẹ vì họ hư đốn, rằng đó là lỗi của cha mẹ họ. Đó là lỗi của họ chứ! Nếu cứ trách cứ hoài, chúng ta sẽ chịu đau khổ. Phân nửa thời gian “người có lỗi” không hề biết chúng ta nghĩ gì. Họ cứ nhởn nhơ hạnh phúc trong khi chúng ta thì chịu đau khổ.
Nếu tôi không tha thứ cho ông anh rể vì không mời tôi đến dự tiệc Giáng sinh thì tôi đau khổ chứ không phải anh ta. Anh ta không bị ung thư, không mất ngủ, không buồn giận, không thấy cay đắng. Chỉ có tôi thôi. Chúng ta nên “tha thứ cho cả những người xúc phạm ta!” Chỉ có cách đó chúng ta mới khỏe mạnh và hạnh phúc. Không tha thứ là nguyên nhân lớn nhất gây bệnh hoạn vì tâm hồn bệnh hoạn thì thân thể bệnh hoạn.
Ngoài ra, chừng nào chúng ta còn trách cứ người khác, buộc họ phải thấy có lỗi và chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của chúng ta thì chừng đó chúng ta chối bỏ trách nhiệm của chính mình. Buộc tội ai đó chẳng bao giờ giải quyết được điều gì. Chừng nào không làm như vậy nữa, chúng ta sẽ có cơ hội hành động để cải thiện sự việc. Buộc tội là cái cớ để không làm gì cả – để chối bỏ thực tại.
Fred có thể nói “Tôi tha thứ cho anh, nhưng tôi không quên được”. Fred thật ra đang nói: “Tôi tha thứ cho anh chút ít nhưng tôi muốn giữ lại một phần để khi tiện thì nhắc nhở anh sau này”. Tha thứ thật sự là quên đi hoàn toàn.
Tôi tin là việc nhận ra mình đang sống cuộc sống của mình theo cách tốt nhất mà mình có thể là điều tối quan trọng. Chúng ta phạm nhiều sai lầm, có thể là do hiểu sai, có thể do ngu ngốc nhưng chúng ta đang cố gắng theo cái cách tốt nhất mà ta biết. Không ai vừa mở mắt chào đời mà đã nghĩ là: “Tuyệt! Đây là cơ hội tốt để ta xông ra và chiến đấu!”
Cha mẹ chúng ta nuôi dạy ta theo cách tốt nhất mà họ có thể. Dựa trên thông tin mà họ có, những tấm gương mà họ noi theo, họ dấn thân vào cái lãnh thổ xa lạ là “tình cha mẹ”. Cứ trách cứ họ hoài vì họ không phải là những cha mẹ kiểu mẫu là một việc làm vô ích và tai hại.
Một số người không tha thứ cho cha mẹ và sống cuộc đời khổ sở để cho cha mẹ họ thấy là mình đã không làm tốt trách nhiệm! Thông điệp của họ là: “Chính cha mẹ có lỗi trong chuyện tôi nghèo, cô đơn, bất hạnh và bây giờ có thể thấy là tôi đang chịu đựng như thế nào!”
Không nên trách cứ ai cả. Cái gì đã qua rồi cho qua. Buồn phiền trách móc sẽ không thay đổi được gì. Khi chúng ta tha thứ thì một nguyên lý tuyệt vời khác sẽ có tác dụng. Chúng ta thay đổi và người khác cũng thay đổi. Khi chúng ta thay đổi thái độ đối với người khác, họ cũng thay đổi hành vi của mình. Như thế, khi chúng ta thay đổi cách nghĩ của mình, những người khác sẽ đáp ứng những mong đợi đã thay đổi của chúng ta.
Tha thứ cho chính mình
Nếu tha thứ cho người khác là điều khó làm thì tha thứ cho chính mình càng khó hơn. Nhiều người hành hạ tinh thần và thể chất mình cả đời vì những thiếu sỏt của mình. Họ ăn thật nhiều hay nhịn ăn, uống cho quên tất cả, làm hỏng tất cả quan hệ của mình hay sống một cuộc đời nghèo hèn hay bệnh hoạn. Hệ thống niềm tin của họ cho rằng “Tôi đã làm những điều xấu, ” “Tôi có lỗi” hay “Tôi không xứng đáng hạnh phúc và khỏe mạnh”. Bạn có thể ngạc nhiên nhưng có rất nhiều người bệnh suy nghĩ như vậy!
Bạn thấy có lỗi ư? Đủ rồi đó! Bạn sẽ cảm thấy như thế bao lâu nữa? Một hai năm nữa có khác gì không?
Vứt bỏ cảm xúc này đi, không dễ thật. Giữ cho đầu óc lành mạnh cũng khó như giữ cho thân thể khỏe khoắn vậy.
Đúc kết
Trách cứ và cảm thấy có lỗi đều nguy hiểm và tai hại như nhau. Khi trách móc Chúa trời, người khác hay bản thân mình, chúng ta tránh né, không hành động để giải quyết vấn đề. Chính chúng ta chọn lựa để sống trong hiện tại hay trói buộc mình với những ác cảm và bực dọc của quá khứ.
Hạnh phúc
“Con người hạnh phúc ở mức mà họ nghĩ là họ đạt được”. Chính Abraham Lincoln đã nói vậy. Không phải những gì sẽ xảy đến cho cuộc sống của chúng ta quyết định hạnh phúc của ta mà là cách chúng ta phản ứng với chúng.
Fred, vừa mới bị mất việc, có thể nghĩ là bây giờ anh ta sẽ có cơ hội để có kinh nghiệm mới, khám phá những khả năng mới và thực hành sự độc lập trong công việc. Anh trai của anh ta, Bill, trong hoàn cảnh tương tự lại quyết định nhảy lầu và kết thúc mọi chuyện. Cùng một chuyện mà người thì hoan hỉ, người thì đi tự tử. Một người cho đó là tai họa còn người kia nghĩ là cơ hội.
Có thể tôi đã đơn giản hóa sự việc một chút nhưng thật sự là chúng ta có quyền chọn lựa phản ứng của mình trong cuộc sống. (Và nếu chúng ta mất đi sự kiểm soát thì đó cũng là một quyết định của chúng ta mà thôi. Chúng ta có thể nghĩ: “Mọi việc đã trở nên hơi khó khăn đối với tôi. Tôi cho là mình sẽ mất phương hướng một chút!”)
Mặc dù vậy, không phải muốn là được hạnh phúc. Nó là một trong những thử thách lớn nhất mà chúng ta phải đối đầu, đồng thời phải kiên định, có kỷ luật và quyết tâm theo đuổi. Trưởng thành là chịu trách nhiệm về hạnh phúc của chính mình và hài lòng với những gì mình có hơn là những cái mình không có.
Rõ ràng chúng ta kiểm soát được hạnh phúc của mình vì chúng ta quyết định suy nghĩ của mình. Không ai khác suy nghĩ giúp chúng ta. Để hạnh phúc thì phải có những ý nghĩ hạnh phúc. Vậy mà chúng ta lại làm ngược lại. Chúng ta quên đi lời khen rất nhanh và lại nhớ những lời nói không dễ thương rất lâu. Nếu bạn cứ để cho những lời nhận xét tồi tệ và những chuyện không hay đeo bám tâm trí mình thì chính bạn sẽ phải gánh chịu tác hại của nó. Hãy luôn nhớ là bạn kiểm soát được trí óc của bạn.
Hầu hết mọi người nhớ những lời khen được vài phút còn những lời sỉ vả thì nhớ đến hàng năm trời. Họ trở thành người thu nhặt rác rưởi, ôm khư khư thứ rác đã quăng cho họ cách đó cả 20 năm. Mary có thể nói: “Tôi còn nhớ là anh ta nói là tôi mập và ngu ngốc vào năm 1963!” Còn những lời khen chỉ mới nhận được hôm qua có lẽ Mary đã quên trong khi lại nhớ thứ rác của năm 1963.
Tôi còn nhớ một lần lúc 20 tuổi, tôi thức dậy vào một buổi sáng và quyết định là không thể sầu khổ nữa. Tôi tự nhủ: “Nếu mình có thể trở thành người thật sự hạnh phúc một ngày nào đó, vậy tại sao không bắt đầu ngay bây giờ?” Ngày hôm đó tôi nhất định là mình sẽ hạnh phúc hơn bao giờ hết. Tôi sửng sốt. Đúng vậy thật!
Rồi tôi bắt đầu hỏi những người hạnh phúc khác là tại sao họ hạnh phúc như vậy. Câu trả lời của họ phản ánh chính xác kinh nghiệm của tôi. Họ nói: “Tôi thấy đủ khổ, đủ cô đơn và bệnh hoạn rồi, tôi đã quyết định thay đổi mọi thứ”.
Đúc kết
Có thể có lúc giữ cho mình vui vẻ là rất khó. Giống như trong một căn nhà, bạn phải giữ lấy cái kho báu và quẳng những thứ rác rưởi đi. Muốn vậy phải luôn tìm kiếm cái tốt đẹp. Một người nhìn thấy cảnh đẹp còn người khác thì thấy cái cửa sổ dơ bẩn. Bạn chọn lựa cái để nhìn và cái để nghĩ.
Kazantzakis nói: “Bạn có cọ và màu sơn. Bạn vẽ lấy thiên đường của mình và bước vào”.
Sự hoàn hảo và hạnhphúc
Nếu bạn bất hạnh, đó là vì cuộc đời không như chúng ta muốn. Cuộc sống không đáp ứng mong đợi của chúng ta vì nó không “được” như ta mong và vì vậy chúng ta chán nản.
Vậy là ta nói: “Tôi sẽ hạnh phúc nếu…”, cuộc đời không bao giờ hoàn hảo. Cuộc sống là vui và buồn, là được và mất. Vì thế chừng nào chúng ta còn nói “Tôi sẽ hạnh phúc khi… “, thì chúng ta đang lừa dối chính mình.
Hạnh phúc là một quyết định. Nhiều người sống cuộc sống như thể ngày nào đó họ sẽ đến đích “hạnh phúc” giống như chúng ta đến bến xe. Họ cho rằng ngày nào đó, mọi cái sẽ ổn và họ sẽ hít sâu vào và thở phào mà nói “Vậy là cuối cùng tôi đã được… hạnh phúc”.
Cuộc đời họ là một câu chuyện “Tôi sẽ hạnh phúc khi… “
Mỗi người trong chúng ta đều phải tự quyết định. Chúng ta có sẵn sàng tự nhắc mình hằng ngày rằng chúng ta chỉ có chừng đó thời gian để tận hưởng tất cả những gì chúng ta có hay chúng ta cứ bỏ quên hiện tại mà trông chờ vào một tương lai tốt đẹp hơn?
Sau đây là một đoạn văn do một người 85 tuổi viết khi ông ta biết mình không còn sống được bao lâu nữa. Hãy xem ý nghĩa liên quan của nó.
“Nếu tôi được sống một lần nữa, tôi sẽ phạm nhiều sai lầm hơn, sẽ ngu ngốc hơn. Thật sự, tôi sẽ xem nhẹ hơn vài điều. Tôi sẽ điên rồ hơn và ít ngăn nắp hơn.”
“Tôi sẽ đi nhiều hơn, leo núi nhiều hơn, bơi và đi thăm nhiều nơi hơn. Tôi sẽ ăn nhiều kem hơn và ít đậu hơn. “
“Tôi sẽ chiêm nghiệm nhiều cái rắc rối thực tế hơn chứ không phải chỉ tưởng tượng!”
“Bạn thấy đấy. Tôi là người sống quá nhạy cảm, quá lành mạnh và sạch sẽ ngày này qua ngày khác. Không, tôi cũng có những phút hay ho và nếu sống nữa, tôi sẽ thưởng thức chúng nhiều hơn. “
“Tôi là người không chịu đi đâu mà không có một nhiệt kế, một chai nước nóng, áo mưa và dù. Nếu làm lại thì tôi sẽ không cần nhiều thứ đến thế.”
“Nếu tôi được làm tất cả một lần nữa, tôi sẽ bắt đầu ra khỏi giường sớm hơn vào mùa đông và thức khuya hơn vào mùa thu. Tôi sẽ vui chơi nhiều hơn, ngắm mặt trời mọc, và chơi với trẻ con nhiều hơn, nếu tôi có thể sống lại cuộc đời tôi một lần nữa.”
“Nhưng các bạn thấy đấy, tôi không thể”
Thông điệp này không phải là một nhắc nhở tuyệt vời hay sao? Chúng ta chỉ có mặt trên hành tinh này trong một chừng mực thời gian. Hãy tận dụng thời gian này. Người già nhận ra là họ không cần phải thay đổi cả thế giới mới có thể sống hạnh phúc và tận hưởng cuộc đời nhiều hơn. Thế giới tốt đẹp rồi. Họ chỉ phải thay đổi bản thân mình thôi.
Thế giới không “hoàn hảo”. Mức độ hạnh phúc của chúng ta là khoảng cách giữa mọi việc vốn dĩ với quy luật của nó và cái cách mà chúng ta muốn xảy ra. Nếu chúng ta không yêu cầu là mọi việc phải hoàn hảo nữa, việc sống hạnh phúc trở nên thật đơn giản. Chúng ta chọn cái tốt hơn nhưng nếu không được, chúng ta vẫn hạnh phúc.
Một giáo sĩ Ấn Độ nói với một thư sinh đang tuyệt vọng tìm kiếm hạnh phúc: “Ta cho con biết bí mật này. Nếu con muốn hạnh phúc thì hãy hạnh phúc!”
Đối đầu với sự chánnản
Ai trong chúng ta cũng từng trải qua những lúc khó khăn khôn cùng trong cuộc sống – cô đơn, nợ nần, mất việc, mất người yêu. Vào những thời điểm đó, chúng ta sẽ tự hỏi làm sao có thể vượt qua được. Thế nhưng chúng ta vẫn đã vượt qua.
Có thể chúng ta mất đi viễn cảnh tốt đẹp về tương lai, và thường vẽ nó lên tối tăm hơn thực tế. Chúng ta sẽ trông vào một tương lai có ít vấn đề và không hiểu sao con người lại có thể vượt qua những gì mà họ đang đối mặt.
Một người chỉ thực hiện cuộc hành trình một ngày thì tại sao phải dự trữ cho cả cuộc đời. Thật không có gì lạ là nhiều người cứ lo cho cả hai mươi năm tới và thắc mắc tại sao cuộc sống lại quá khó khăn đến như vậy. Một ngày chúng ta sống 24 giờ, không hơn. Hôm nay lại lo cho những rắc rối của ngày mai phỏng có ích gì.
Lần tới nếu bạn chán nản, hãy tự hỏi mình những câu hỏi như thế này:
Tôi có đủ không khí để thở không? Có đủ thức ăn để ăn không? (Nếu câu trả lời là “Có” thì xem như tình hình đã sáng sủa rồi!)
Chúng ta thường không thấy là những nhu cầu quan trọng nhất của chúng ta đã được đáp ứng rồi. Tôi thích câu chuyện về người đàn ông gọi điện cho tiến sĩ Robert Schuller. Cuộc đối thoại như sau:
Người đàn ông nói: “Thế là hết! Tôi xong đời rồi. Tất cả tiền đã hết. Tôi đã mất tất cả”.
Tiến sĩ Schuller hỏi: “Anh vẫn còn nhìn thấy chứ?”
Người đàn ông trả lời: “Vâng, tôi vẫn còn sáng mắt”
Schuller hỏi: “Anh còn đi được không?”
Người đàn ông trả lời: ” Vâng, tôi vẫn còn đi được”
Schuller nói: “Dĩ nhiên anh còn nghe được, nếu không anh đã không gọi điện cho tôi”.
“Vâng, tôi vẫn còn nghe được”.
“Vậy thì” Schuller nói. “Tôi cho là cái gì anh cũng còn. Chỉ có tiền là mất!”
Một điều khác mà chúng ta nên tự nhắc mình là: “Điều tồi tệ nhất xảy ra sẽ rất khó chịu, nhưng không có nghĩa là đã đến ngày tận thế”.
Câu hỏi tiếp theo là: “Tôi có quan trọng hóa vấn đề quá không?” Bạn có thấy là bạn mất ngủ cả tuần chỉ vì điều mà người khác sẽ không thèm nghĩ đến? Thường là do chúng ta quá nghiêm khắc với chính mình. Chúng ta cứ nghĩ là cả thế giới đang nhìn mình. Điều đó không đúng. Nếu họ nhìn thì sao nào? Chúng ta sẽ sống theo cách tốt nhất mà mình có thể.
Một câu hỏi nữa: “Tôi học được cái gì từ tình huống này?” Bằng sự nhận thức muộn màng, nhìn lại quá khứ, chúng ta có thể học được gì trong những giai đoạn khó khăn? Cái khó nhất là giữ được quân bình và biết là chúng ta đang chịu đựng và tại sao lại chịu đựng. Những người hạnh phúc nhất có xu hướng xem những lúc khó khăn là những lúc học hỏi kinh nghiệm quý giá. Họ gắng vui vẻ, mỉm cười. Họ biết rằng mọi việc sẽ tốt hơn và họ sẽ trở thành người tốt hơn từ những thử nghiệm đó. Cái này nói thì dễ nhưng làm khó hơn nhiều!
Thêm một câu hỏi: Nếu mọi cái tồi tệ thật thì 5 phút tới mình còn ổn không? Khi đã qua được 5 phút đó, bạn nhắm đến 5 phút tiếp theo. Chia ra từng phần nhỏ, sẽ dễ xử trí hơn. Ngoài ra nên làm cho mình bận rộn, làm việc gì đó trong 5 phút ấy. Lúc bận rộn bạn thấy dễ chịu hơn nhiều.
Còn làm gì nữa nhỉ?
Có lẽ cách tốt nhất để cảm thấy dễ chịu là làm cái gì cho ai đó. Lo lắng thái quá hay thương hại mình sẽ trở thành nỗi ám ảnh. Ngay lúc bạn bắt đầu làm cho người khác hạnh phúc thì cũng là lúc bạn cảm thấy yêu đời hơn. Thật đơn giản, dễ dàng và tuyệt vời.
Đúc kết
Tai họa sẽ không lớn nếu chúng ta xử lý chúng từng bước một. Và chừng nào mà chúng ta thấy mình học được điều gì đó từ hoàn cảnh thì chúng ta càng dễ khắc phục nó.
Hài hước
Trong cuốn sách của Norman Cousin “Thuật giải bệnh”, ông kể về kinh nghiệm vượt qua được căn bệnh tê liệt của mình để sống cuộc sống bình thường và khỏe mạnh. Liều thuốc chính của ông là nụ cười – nhưng phải là liều lớn. Cousins tin rằng vì quá nghiêm khắc với cuộc đời mà ông bị bệnh và tin chắc rằng ông có thể đảo ngược tình thế bằng nụ cười. Ông ta xem phim của Marx Brothers và băng của Candid Camera cho đến khi các triệu chứng và cơn đau biến mất. Ông nói rằng người ta đã khẳng định lâu rồi: “Nụ cười là thang thuốc tốt nhất”. Khi bạn cười, tất cả những điều tốt lành nhất xảy đến cho cơ thể và trí óc bạn. Endorphin trong não tiết ra sẽ làm phát sinh tình trạng hưng phấn tự nhiên, hệ thống hô hấp hoạt động như khi bạn chạy bộ.
Cười giảm đau. Bạn chỉ có thể cười khi thư giãn và càng thư giãn càng ít thấy đau, vì thế truyện vui và phim hài là những loại thuốc giảm đau lý tưởng nhất. Thật ra, bạn có thể không bị ung thư nhờ cười nhiều. Chúng ta thường phát bệnh vì quá nghiêm túc với bản thân và với cuộc sống. Điều chúng ta cần làm là cười để giữ cho mình khỏe mạnh. Hãy giả định rằng bạn hết tiền mà lại vừa bị đâm xe, mái nhà bị dột, vợ chồng phải ly dị… chừng đó chưa đủ sao, bạn còn phải khổ sở nữa mới vừa à?
Nghệ thuật sống hạnh phúc là phải cười khi khó khăn vừa xảy ra xong. Một người bị tình huống trên đây không cười được trong hai năm. Có người thì chỉ sau hai tuần họ đã không khóc nữa mà bắt đầu cười. Vì vậy, người thứ nhất khổ sở lâu gấp 50 lần so với người thứ hai, và chính anh ta chọn lựa điều đó.
Ai trong chúng ta cũng gặp điều không may. Những người hạnh phúc quyết định sớm nhìn thấy mặt tốt của vấn đề.
Thỉnh thoảng, hãy tự nhắc mình rằng chúng ta là con người, chúng ta có thể làm những điều ngớ ngần. Nếu bạn là người hoàn hảo, bạn không thuộc về hành tinh này. Hãy nhớ là khó khăn riêng của chúng ta lúc nào cũng có vẻ lớn gấp mấy lần của người khác. Nếu người khác không mất ngủ, chúng ta cũng đừng nên vậy.
Trẻ con có thể hơn chúng ta rất nhiều về sự hài hước. Trẻ con cười với hầu hết mọi việc một cách vô tư, tự nhiên và không xấu hổ.
Chúng tự giác biết là tiếng cười sảng khoái sẽ giúp cho chúng mạnh mẽ và cân bằng. Chúng có ham muốn được vui đùa không bao giờ thỏa mãn được. Thật tiếc là ngay khi thành người lớn, chúng ta thay đổi và có suy nghĩ là “Cuộc đời nghiêm túc lắm”. Người lớn luôn miệng bảo trẻ con không được cười lúc này hay lúc khác.
“Không cười trong lớp, không cười khi ăn” cho đến khi sự tự nhiên thoải mái của chúng biến mất.
Một trong những trách nhiệm lớn nhất của chúng ta đối với người khác là thích thú bản thân mình, vui vẻ với chính mình trước! Khi chúng ta vui, chúng ta cảm thấy tốt hơn, chúng ta làm việc tốt hơn và người khác muốn tiếp xúc với ta.
Đúc kết
Cuộc sống không nghiêm túc đến như thế. Hãy nghiêm túc vui đùa hơn.