Xử lý phân là điều khó tránh khỏi khi nuôi dạy con cái, bất kể loài nào. Nhưng với chuột chũi trụi lông, điều đó lại đặc biệt đáng chú ý.
Trong thời gian mang thai, phân của một con chuột chũi trụi lông chúa – con chuột cái duy nhất sinh sản trong bầy, sinh ra vài chục con chuột con mỗi năm – chứa mức độ nội tiết tố sinh dục estradiol cao. Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu hôm 27/8 trên tờ Proceedings of the National Academy of Sciences, khi những con chuột chũi trụi lông cái cấp dưới ăn phân đó, nội tiết tố estradiol chúng nhận được sẽ đưa chúng tiến vào chế độ làm mẹ và chăm sóc con cái của chuột chúa.
Trong các bầy chuột chũi trụi lông (tên khoa học là Heterocephalus glaber), những con chuột cái có địa vị thấp hơn không có buồng trứng và không sinh sản. Chúng cũng không trải qua những thay đổi nội tiết tố do mang thai gây ra thường chỉ dẫn cho việc nuôi dạy con cái, nhưng chúng vẫn chăm sóc cho con của chuột chúa.
Các nhà nghiên cứu đã cho những con chuột cấp dưới ăn phân của những con chuột chúa không mang thai trong chín ngày. Một nhóm chuột ăn phân được thêm estradiol, để mô phỏng phân trong lúc mang thai. Phân của những con chuột cái cấp dưới đã ăn phân chứa nội tiết tố có mức độ estradiol gia tăng, cho thấy chỗ phân mô phỏng đó có thể gây ra những thay đổi nội tiết tố vừa phải. Và các nhà nghiên cứu thấy rằng những con chuột chũi đó phản ứng nhiệt tình với tiếng kêu của lũ chuột con hơn những con không nhận được nội tiết tố.
Đồng tác giả nghiên cứu Kazutaka Mogi, một nhà sinh vật học phát triển đến từ Đại học Azabu ở Sagamihara, Nhật Bản, cho biết, chỗ phân đó có lẽ không được chia sẻ trực tiếp với cả bầy. Thay vào đó, một số con chuột chũi dành nhiều thời gian nhất trong tổ của chuột chúa có lẽ sẽ ăn phân của nó. Những con khác trong bầy có lẽ được tiếp xúc với estradiol nhờ ăn phân của những con chuột cấp dưới đã ăn phân của chuột chúa.
Lộc Ninh (Theo Science News)