“Chuyện bằng cái móng tay”

Đỗ Phấn

  –  

Thứ bảy, 11/11/2017 12:37 (GMT+7)

Là thành ngữ chưa xa lắm nói về những chuyện lặt vặt chẳng ảnh hưởng gì đến ai. Gọi là chưa xa lắm là bởi cái móng tay mới bớt đi phần quan trọng trong cuộc sống khoảng hơn nửa thế kỷ. Nó là chuyện vặt.

Trong tâm thức của phần đông người Việt nghèo khổ từ xưa thì ngay đến cả ngón tay cũng chưa lấy gì làm quan trọng lắm. “Bà chúa đứt tay bằng ăn mày xổ ruột” là ngạn ngữ nói về tầm quan trọng của đẳng cấp xã hội xa xưa. Bây giờ cũng trở nên sai bét. Với những tiến bộ về công bằng xã hội thì mọi thương tích đều được chữa chạy như nhau về lý thuyết ở các bệnh viện.

Cái móng tay thời trước gần như là vật bảo chứng cho một địa vị xã hội chẳng lớn lao gì lắm nhưng đầy tự hào của các ông đồ. Những ông đồ thời đầu thế kỷ trước thường có bộ móng tay dài hàng gang xoăn tít. Trong bộ tranh khắc gỗ “Kỹ thuật của người An Nam” do H.J.Oger cho thực hiện năm 1907 ở Hà Nội có hình vẽ miêu tả ông đồ nho với đặc điểm không thể lẫn với hạng người khác. Đó là bộ móng tay dài như chùm rễ cây vụng về đan cài trên những đầu ngón tay gầy guộc. Bàn tay cầm bút lông đang vạch những nét chữ Hán cũng không lấy gì làm thuận tiện lắm. Nhưng đã là niềm tự hào cho nên phải cố. Hình như H.J.Oger muốn miêu tả câu chuyện tự hào ấy nhiều hơn là hình ảnh mô tả kỹ thuật cầm bút của bức vẽ.

Niềm tự hào móng tay dài của thày đồ hồi đầu thế kỷ trước hoá ra rất nôm na đơn giản. Người ta nuôi móng tay dài chỉ để chứng tỏ mình không phải là hạng lao động chân tay mà thôi. Về một ý nghĩa nào đó thì phụ nữ An Nam thời ấy cũng trang điểm bộ móng tay của mình theo cách hiểu nôm na như vậy. Đại khái con gái nhà quyền quí làm ăn buôn bán mới có bộ móng tay không lam lũ cấy lúa trồng khoai như thế.

Nông thôn miền Bắc cho đến tận giữa thế kỷ trước vẫn có tục nhuộm móng tay vào ngày 5 tháng 5 âm lịch. Tục lệ này chỉ áp dụng cho trẻ con. Ngày Giết sâu bọ mồng 5 tháng 5 cần phải nhuộm móng cho trẻ màu đỏ để tránh bệnh tật. Thuốc nhuộm là lá móng giã nhỏ bó lên đầu các ngón tay buộc lá dâu bên ngoài. Trừ hai ngón tay trỏ và hai ngón chân áp ngón cái là không nhuộm. Trẻ con thấp thỏm cả đêm chỉ sợ ngủ quên làm rơi những bó thuốc. Sáng ra móng tay vẫn trắng nhiều đứa khóc nhè. Cũng không thể nhuộm lại bởi người ta nói chỉ đêm mồng 4 là duy nhất móng tay có thể đỏ.

Phụ nữ thành thị sơn móng tay chắc hẳn là từ thời Pháp thuộc. Khi bắt đầu có các loại sơn móng mang từ Pháp sang. Sau tiếp quản Hà Nội năm 1954 gần như không còn ai sơn móng tay nữa. Một phần, bộ móng tay sơn đỏ sẽ là bằng chứng cụ thể nhất của thành phần xuất thân tư sản không được xã hội mới chấp nhận. Phần khác, đơn giản do hết sơn. Những năm chiến tranh phá hoại thậm chí vài cô gái sơn móng tay đỏ còn được hiểu như là thành phần bất hảo lười lao động. Người ta chỉ nhìn bộ móng đỏ ấy thôi là đã có thể kết luận các cô đang làm những công việc ê chề. Tất nhiên sau hoà bình thì tất cả những ông đồ cũng miễn cưỡng cắt đi bộ móng tay của mình. Lúc này lại cần phải chứng tỏ mình là người lao động chân tay vẻ vang như những người khác.

Sau ngày thống nhất 1975 phong trào sơn móng tay mới trở lại với chị em ở phố. Không có sơn nhập khẩu, vài “nhà hoá học” vỉa hè Hà Nội dùng a-xê-tôn pha với quả bóng bàn cắt nhỏ. Phẩm các màu trộn vào cùng với bột nhũ là thành lọ sơn móng tay. Hà Nội có thành ngữ “Gà móng đỏ” vào khoảng thập kỷ ’90. Để gọi những cô gái làm nghề “vẫy khách” nhan nhản trên những con đường ra ngoại thành đầy rẫy nhà nghỉ quán ăn. Đặc điểm dễ nhận ra các cô ấy là bộ móng tay móng chân sơn đỏ chót trong trang phục dùng ít vải. Các cô ấy sớm nhận ra ưu điểm này cũng đồng nghĩa với nhược điểm dễ bị chính quyền phát hiện. Nhưng cũng chỉ sửa chữa được bộ móng mà thôi. Áo quần vẫn thế và dĩ nhiên vẫn “vẫy”.

Giờ thì sơn móng tay, móng chân lại trở thành việc bình thường của mọi đàn bà con gái và cả những anh chàng ỡm ờ giới tính. Nó lại trở thành chuyện nhỏ như cái móng tay về mọi nghĩa. Chẳng ai căn cứ vào đấy để đánh giá xuất thân hay trình độ gì cả. Người ta còn mở những tiệm sơn móng chuyên nghiệp với những người thợ tài hoa có thể vẽ lên móng tay cả một bức tranh phong cảnh Hồ Gươm. Hoặc đính thêm những viên đá quý bảy màu óng ánh. Móng tay cũng không còn sơn duy nhất một màu đỏ nữa. Nó có thể là tất cả các màu trong những lọ sơn mua được. Cũng không nhất thiết cả hai bàn tay phải sơn cùng màu. Có thể mỗi ngón một màu cho vui mắt. Kể ra trong cuộc sống chộn rộn áo cơm thị thành thì chị em thư giãn bằng việc sơn móng tay cũng là một nhu cầu lương thiện.

Chẳng còn là chuyện của cái móng tay đàn bà nữa. Giờ thì mọi chuyện dù to đến đâu ở phố hình như cũng chỉ nhỏ bằng cái móng tay mà thôi. Dạy thêm học thêm, bạo lực học đường, thuốc giả uống vào người, tàu điện trên cao mãi không chạy, nhà xây sai phép đập vài năm chưa xong, hotgirl sở hữu biệt phủ… cũng chẳng ai nhớ trong đầu đến một tuần. Thậm chí những cao ốc mọc lên không giấy phép vẫn lừng lững hàng ngày mọc thêm như “móng tay” quanh thành phố. Bởi xung quanh nó cũng đã có sẵn cả một rừng “móng tay” như thế rồi.

10.2017

Rate this post

Viết một bình luận