Chuyển động Nhà nông 13/5: Giá thức ăn tăng cao, người nuôi cá lóc lỗ nặng

Hiện cá lóc ở Trà Vinh chỉ có giá từ 28.000-32.000 đồng/kg tùy loại thế nhưng vẫn rất khó tiêu thụ. Với mức giá này người nuôi bị lỗ từ 5.000 đến 6.000 đồng/kg vì giá thức ăn tăng cao. Đây là thông tin sẽ có trong bản tin Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 13/5.

Giá thức ăn tăng cao, người nuôi cá lóc bị lỗ nặng

Nghề nuôi cá lóc ở Trà Vinh trong nhiều năm qua luôn gặp khó về đầu ra và giá cá không ổn định. Hiện cá lóc có giá từ 28.000-32.000 đồng/kg, tùy loại và rất khó tiêu thụ. Với mức giá này người nuôi bị lỗ từ 5.000 đến 6.000 đồng/kg vì giá thức ăn tăng cao. Không chỉ giá giảm mà còn rất khó tìm người thu mua. Do vậy, để giảm bớt thua lỗ, nhiều hộ nuôi chọn cách tự thu hoạch dần đem bán tại các chợ truyền thống trong tỉnh. Theo đó, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đã khuyến cáo nông dân nuôi cá lóc không mở rộng diện tích, chọn cách thả con giống luân canh để giảm thu hoạch tập trung, hạn chế được tình trạng cung vượt cầu bị rớt giá. Tính đến đầu tháng 5 vừa qua, toàn tỉnh Trà Vinh có 665 lượt hộ thả nuôi cá lóc trên diện tích 119 ha mặt nước ao, sản lượng thu hoạch ước đạt hơn 25.000 tấn, tức giảm gần một phần ba diện tích so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nông dân vẫn tiếp tục gặp khó về đầu ra.

Xuất khẩu cao su tháng 4 giảm in sâu vì tiêu thụ ở Trung Quốc chững lại

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trong tháng 4, xuất khẩu cao su đạt 78 nghìn tấn, tương đương 141 triệu USD, giảm 30% về lượng và giá trị so với tháng 3. Tuy nhiên so với tháng 4/2021, xuất khẩu cao su vẫn tăng 26% về lượng và 28% về giá trị. Nguyên nhân xuất khẩu cao su tháng 4 giảm sâu là do Trung Quốc phong toả nhiều tỉnh, thành phố để ngăn chặn dịch Covid-19, khiến việc tiêu thụ lốp xe bị chậm lại, ảnh hưởng đến nhu cầu đối với cao su. Cục Xuất nhập khẩu cho rằng thị trường cao su có thể bị tác động bởi thiếu chất bán dẫn trong sản xuất ô tô, khủng hoảng địa chính trị, tình trạng thiếu container, chi phí vận tải cao và thông quan chậm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Tuy nhiên trong thời gian tới, xuất khẩu cao su của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ giá dầu thô tăng cao, nguồn cung giảm và nhu cầu cao tại các thị trường lớn.

Xuất khẩu gạo cán mốc 1 tỷ USD, dự báo sẽ còn nhiều đột phá

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuy giảm về giá trị, nhưng giá gạo của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao hơn so các với các nước. Gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan trong tháng 4 ở mức 410 – 412 USD/tấn, gạo 5% tấm của Ấn Độ ở mức 361 – 365 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với tháng trước. Trong khi đó, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam sau khi tăng lên mức 425 USD/tấn vào giữa tháng 4, thì sang đầu tháng 5/2022 đã giảm trở lại mức 415 USD/tấn, tương đương mức trung bình tháng 3. Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ đạt khoảng 6-6,2 triệu tấn. Quý 2/2022 là thời điểm thị trường gạo thế giới sẽ đẩy mạnh việc mua hàng và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

Argentina trở thành nước đầu tiên cấp phép trồng lúa mì biến đổi gene

Theo tuyên bố ngày 12/5 của Bộ Nông nghiệp Argentina, đơn vị INDEAR thuộc Tập đoàn Bioceres đã được phép thương mại hóa hạt giống, các sản phẩm và sản phẩm phụ có nguồn gốc từ giống lúa mì HB4. Đây là giống lúa mì do Tập đoàn sinh học Bioceres phát triển, có ưu thế thích nghi tốt với điều kiện hạn hán và có khả năng kháng thuốc diệt cỏ glufosinate-amoni. Argentina là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép sản xuất lúa mì GMO trên cơ sở thử nghiệm hồi năm 2020. Đến năm 2021, Brazil – nước nhập khẩu nhiều nhất lúa mì của Argentina – cũng đã phê duyệt giống lúa mì này.

Rate this post

Viết một bình luận