Chuyện xưa chuyện nay: “Quan chi phụ mẫu”?

Vậy thì nhân dân mong đợi các quan làm “cha mẹ của dân” hơn là làm “đầy tớ của dân” ư? Theo Anh Phó nên cư xử cách nào cho đúng?

ANH PHÓ trả lời: Bạn Trần Văn Vân thân mến,

Vấn đề tác giả bài báo đã bàn và bạn nêu lại với tôi thể hiện mối quan hệ giữa nhà nước với dân mà cụ thể là giữa quan lại (thời xưa) và cán bộ, công chức nhà nước (thời nay) với nhân dân, phải cư xử như thế nào cho thật tốt, cho có trách nhiệm.

Thời xưa ở phương Đông theo chính thể quân chủ, người đứng đầu trong nước là vua, đại diện vua trực tiếp cai trị dân là các quan lại. Đó là tầng lớp vua quan thống trị. Dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa Khổng-Mạnh, trừ những kẻ “hôn quân vô đạo” ra, nói chung thì đấng minh quân nào cũng nêu cao bổn phận coi dân như con của mình; vua quan được đào tạo phong cách cư xử trọng dân, thương dân, lo cho dân… để xứng đáng là bậc “cha mẹ của dân” (dân chi phụ mẫu). Trong chế độ ấy, về pháp lý cũng như đạo lý, thần dân trăm họ được hưởng sự chăm sóc của chính quyền nhà nước như bậc cha mẹ lo cho “con cưng” của mình vậy (dân vi quý). Chứ dân không phải là đám người thấp cổ bé miệng cứ bị nhà cầm quyền hà hiếp, bóc lột, đối xử như cỏ rác. Nghĩa cử xứng đáng của cha mẹ thời nào cũng vậy đó, quan hệ giữa cha mẹ với dân thời nào cũng là quan hệ ruột thịt, làm một cách tự nguyện, hết lòng, hết sức.

Đời sau có vẻ tiến bộ hơn nên từ thế kỷ XX, người ta bắt đầu lý luận hướng mối quan hệ “cha mẹ” ấy trở thành “đày tớ của dân” (dân chi công bộc), nghĩa là cán bộ, công chức luôn phải đặt mình trong tư cách đày tớ phục vụ chủ là dân. Nhưng dù sao cũng phải thấy thực tế giữa đày tớ với chủ chỉ là quan hệ người dưng đối với nhau. Kẻ đày tớ nào cũng trung thành với chủ có mức độ thôi, lo lắng, chăm sóc chủ có mức độ thôi: có tiền thì nó làm, không tiền thì nó phản…

Cho nên theo tôi, vấn đề là người cầm quyền tự giác cư xử tốt với dân, chứ không phải chỉ nói là “cái gì”, là “dân chi phụ mẫu” hay “dân chi công bộc”. Dù thế nào thì ý của tác giả bài báo ấy cũng rất sâu sắc: Chừng nào chính quyền lo lắng cho dân như cha mẹ bức xúc lo cho con cái, nơm nớp lo cho con mình đi đường rủi ro sụp ổ trâu, lỗ cống mà chết thì mới hy vọng có an toàn giao thông đường bộ.

Có lẽ cũng cần lưu ý thêm với bạn: Nói “dân chi phụ mẫu” (nghĩa là “cha mẹ của dân”) mới đúng sách vở thánh hiền; chứ nói “quan chi phụ mẫu” như tác giả bài báo đã dùng thì nghe hơi trái, tôi chưa từng nghe ai nói vậy đâu, bạn ạ.

Thân chào!

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 160)

Rate this post

Viết một bình luận