VĂN HAY CHỮ TỐT 2
Đề: Trình bày suy nghĩ của em về hai câu thơ :
“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau.”
Bài làm
Tình yêu là đề tài bất hủ cho các nhà văn, nhà thơ. Vì tình yêu cũng đẹp như ngàn lời thơ ca. Chính vì thế, trong bài thơ “Bài ca mùa xuân” của mình Tố Hữu đã viết hai câu:
“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau.”
Hai câu thơ đã làm rõ ý của tác giả. Vâng ! Trên đời có gì đẹp hơn tình yêu đâu. Tình yêu là thứ duy nhất tồn tại mãi mãi. Con người sinh ra là để sống và sống là để yêu. Sống là để được yêu và trao cho mọi người tình yêu. Qua hai câu thơ, Tố Hữu đã khẳng định vị trí của tình yêu thương và ông như đã nhắn nhủ mọi người: Hãy cứ yêu thương đi, bởi vì: “Có gì đẹp trên đời hơn thế” …
Tình yêu thì có rất nhiều. Trong các cuộc kháng chiến, nhờ tình đồng chí, đồng đội, các chiến sĩ đã đoàn kết với nhau, cùng vượt qua trăm ngàn hiểm nguy, gian khổ để cùng chiến đấu bên nhau, để cùng giành độc lập lại cho đất nước. Trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu cũng đã có viết:
“Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành tri kỉ.
Đồng chí !”
Những câu thơ trên đã cho thấy rõ sự gắn bó bên nhau qua bao gian lao, khó khăn trên đường đi đánh giặc của các chiến sĩ. Họ cùng nhau chia sẻ tất cả buồn vui, đau khổ để giờ đây, khi Tổ quốc đã an bình, khi những người lính xưa, tóc đã bạc trắng cả mái đầu, vẫn nghẹn ngào khi gặp lại nhau, cảm thấy không gì vui bằng việc ngồi lại kể cho nhau nghe chuyện ngày xưa.
Còn tình cảm thiêng liêng nhất chính là tình yêu đối với những người đã sinh thành ra ta. Đó là tình cảm gia đình.
Từ xưa, ông bà ta đã truyền dạy cho con cháu về công lao to lớn của cha mẹ:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”
Ai sinh ra cũng có cha mẹ. Vậy bổn phận của ta là phải hiếu thảo, phụng dưỡng đấng sinh thành. Ơn chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau của mẹ, ta không bao giờ được quên. Những bài học mà cha đã dạy, ta phải thuộc nằm lòng. Những khó nhọc mà cha mẹ đã chịu đựng ta luôn phải ghi sâu. Cha mẹ nào cũng thương con và vì con, luôn chăm sóc và hy sinh mà không cần sự báo đáp. Vì cha mẹ thương con lắm ! Trong lòng những đứa con luôn nhớ phải báo hiếu với cha mẹ. Những người nào không biết yêu thương cha mẹ thì không chấp nhận được, là con bất hiếu ! Đáng chê trách !
Nhưng gia đình không chỉ có cha mẹ, mà còn có ông bà, anh chị em, họ hàng, … Ta phải biết yêu thương tất cả. Vì gia đình là tổ ấm, là nơi hạnh phúc của mỗi người kể cả khi họ đang gặp điều bất hạnh. Ta yêu tổ ấm đó và dù có đi đâu chăng nữa ta vẫn luôn muốn trở về nhà, được cảm nhận tình yêu từ gia đình và thể hiện tình yêu của mình với gia đình.
Khi ta đã có tình cảm gắn bó với gia đình, ta sẽ yêu quê hương, đất nước. Tình cảm đó thật đẹp, trong sáng và sâu sắc vô cùng. Chính nhờ yêu nước nồng nàn, mà ngay từ buổi đầu dựng nước, biết bao đời vua Hùng đã quyết tâm chống giặc ngoại xâm để giữ lấy giang sơn. Rồi trong thời kì kháng chiến chống ách đô hộ của bọn thực dân, đế quốc, biết bao người đã anh dũng hi sinh xương máu để cho Tổ Quốc được độc lập. Trai có, gái có, trẻ có, già có. Từ nhân dân đến các anh chiến sĩ, từ người đangchiến đấu ở ngoài chiến trường gian khổ, hay người đang sản xuất nơi hậu phương, tất cả đều có tấm lòng yêu nước sâu sắc và lòng căm thù giặc vô bờ bến. Còn ngày nay khi Tổ Quốc đã thanh bình thì toàn thể nhân dân ViệtNamđang cùng nhau thực hiện công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. Những người bây giờ đang rời xa đất nước, phải sống ở một nước khác thì một lòng vẫn nhớ về đất nước ViệtNam, vẫn dạy con cái nhớ về cội nguồn thiêng liêng và truyền thống vẻ vang của dân tộc.
Từ tình yêu thương gia đình đã làm sâu sắc thêm tình yêu với quê hương, đất nước. Và khi ta đã yêu nước nồng nàn, ta sẽ yêu biết bao nhiêu đồng bào của ta:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.”
Hay:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.”
Những câu ca dao, tục ngữ luôn nhắc nhở ta về tình yêu thương con người. Và câu : “Người yêu người sống để yêu nhau” của Tố Hữu cũng thế. “Người” ở đây có thể là đã quen biết nhưng cũng có thể là những người xa lạ. Chúng ta là anh em, cùng sống trên dải đất hình chữ S đẹp đẽ gồm năm mươi bốn dân tộc. Nhưng thực chất ta là những người anh em chưa hề biết nhau. Và điều quan trọng là ta vẫn thương yêu, giúp đỡ nhau, “người” vẫn yêu “người” dù khong quen biết. Thật vậy, khi đồng bào miền Trung gặp khó khăn do thiên tai lũ lụt thì nhân dân cả nước đeu chung tay giúp đỡ. Nào là gạo, mì, đường, muối ăn, … hay tiền bạc. Và trên hết là sự quan tâm, cảm thông với đồng bào gặp nạn. Hay chỉ đơn giản là khi người ta giúp nhau ngoài đường: giúp cụ già qua đường, nhường chỗ cho phụ nữ mang thai, … Những việc tưởng như rất đời thường nhưng lại vô cùng ý nghĩa. Bởi vì khi đó ta đã thể hiện tình yêu với tất cả mọi người.
Ở khắp mọi nơi đều có tình yêu vì con người biết yêu thương, san sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Vậy ta hãy thử tưởng tượng Thế giới sẽ ra sao nếu tình yêu không tồn tại trên đời ? Chắc rằng khi đó, xung quanh ta sẽ lạnh lẽo hơn cả Bắc Cực và âm u hơn cả âm phủ. Nói thế để ta biết tình yêu quan trọng với cuộc sống như thế nào.
Chính vì thế ngay bây giờ, khi trái tim ta còn nhịp đập, ta hãy cứ yêu thương. Đừng sợ tình yêu thương đó không được đáp trả. Vì sống để yêu thì sẽ ý nghĩa hơn sống để được yêu. Hãy thể hiện tình yêu với mọi người thay vì cứ đòi hỏi người khác phải yêu thương mình. Và cứ như thế, cuộc đời sẽ đẹp đẽ biết bao. Khi ta đã yêu thương mọi người, ta sẽ yêu thương cuộc đời và sẽ có niềm tin vào cuộc sống.
Sống là để yêu – đó là lời khẳng định của Tố Hữu khi viết hai câu thơ:
Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau.
Nhắn tin cho tác giả