Sau vài năm làm việc bạn tích góp được khoảng từ 20 – 30 triệu đồng và muốn ra làm ăn riêng, trở thành ông/bà chủ nhưng bạn phân vân chưa biết khởi đầu từ đâu, nên chọn kinh doanh sản phẩm gì… Có thể những lời “mách nước” sau từ người có kinh nghiệm “chiến đấu” thực tế trên thương trường sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều.
Chọn một sản phẩm để tập trung và tìm hướng đi riêng cũng là cách khởi nghiệp khôn ngoan.
1. Mở cửa hàng kinh doanh trang sức
Theo anh Phạm Thanh Nguyễn, chủ cửa hàng trang sức thời trang A3 tại Trung tâm thương mại Vinh Lộc (Bình Chánh, TP.HCM), ngoài trang sức vàng, bạc truyền thống, hiện nay giới trẻ rất chuộng trang sức thời trang được làm từ hạt đá, cườm, gỗ… bởi các đặc tính model, rẻ tiền và dễ thay đổi (chưng diện theo trang phục).
Để kinh doanh mặt hàng này người chủ cửa hàng cần số vốn khoảng 30 triệu đồng, điều quan trọng hơn là phải có năng khiếu thẩm mĩ và đôi bàn tay khéo léo.
Khi chọn địa điểm kinh doanh bạn nên lưu ý đây là mặt hàng xa xỉ nên không phù hợp với khu dân cư lao động hay dân bình dân. Bạn nên chọn địa điểm kinh doanh gần khu vực có nhiều nhân viên văn phòng hoặc có thể thuê mặt bằng tại siêu thị, trung tâm thương mại.
Ban đầu bạn chỉ cần thuê mặt bằng chừng 25 – 35m2 trên một con đường vừa phải, có giá khoảng từ 3-5 triệu đồng/tháng. Chi phí trang trí cửa hàng khoảng 6 triệu đồng (bao gồm cả tủ kính). Bạn đến các cửa hàng bán ma-nơ-canh (người mẫu) trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) mua một số cổ nhựa mẫu dùng để treo đồ trang sức. Ngoài ra, nên dùng thêm các tấm màn sáo (màn tăm tre) để treo trang sức, vừa đẹp vừa rẻ (đỡ phải đầu tư đóng nhiều tủ kính).
Muốn kinh doanh trang sức đã được làm sẵn bạn có thể đến chợ Kim Biên (Q.5) & Bình Tây (Q.6) để tìm hàng. Tuy nhiên, đối với mặt hàng thời trang khách hàng ít thích các sản phẩm đại trà, bày bán hàng loạt trên thị trường. Do vậy, bạn nên mua nguyên liệu sau đó về tự thiết kế sản phẩm (tham khảo mẫu trên các tạp chí thời trang, phim ảnh…).
Hiện hầu hết các shop kinh doanh mặt hàng này thường nhập nguyên liệu (đá màu, đá thiên nhiên, phalê, dây…) từ nước ngoài (Thái Lan, Thượng Hải, Hồng Kông…). Song theo anh Nguyễn, đó là cách nói cho sang chứ phần lớn các nguyên liệu làm trang sức có xuất xứ từ Trung Quốc.
Tại VN mặt hàng này được bán sỉ với số lượng lớn tại Cư xá Đại Quang Minh (Châu Văn Liêm, Q.5). Bạn chỉ cần cầm vài triệu đồng đến đây là đã có thể tha về rất nhiều nguyên nguyên liệu lạ, sau đó tuỳ óc thẩm mĩ và khéo léo của mỗi người để cho ra sản phẩm trang sức “không đụng hàng”.
Do đặc tính của ngành hàng, mức lãi thông thường của một món đồ trang sức thời trang là 100% hoặc hơn (giá trị gia tăng do công bạn sưu tầm nguyên liệu lạ và thực hiện sản phẩm thủ công).
2. Cửa hàng hoa tươi
Với những bạn gái yêu hoa, công việc kinh doanh hoa mang lại cho bạn nhiều thú vị. Tiệm hoa nên ở các địa điểm đông người qua lại như các ngã tư đường, gần chợ, cao ốc văn phòng… Mặt bằng kinh doanh hoa không cần lớn, chỉ cần khoảng 30m2.
Kinh doanh hoa tươi đòi hỏi bạn phải có tay nghề, theo chị Quyên, chủ một cửa hàng hoa trên đường Lê Văn Sĩ (Q.Tân Bình), trước khi mở shop hoa chị đã từng đi làm thuê 2 năm (nhân viên cắm hoa) cho một số cửa hàng hoa rồi sau đó mới tự mở shop cho riêng mình. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp duy nhất, chị Thuỳ Vũ (Công ty Thế Giới Hoa Tươi) cho biết, bạn trẻ có thể đến Nhà Văn hoá Phụ Nữ (Q.3) để học qua các lớp cắm hoa để rèn luyện tay nghề của mình.
Khác với trang sức, kinh doanh hoa tươi lại là nghề khá nặng nhọc, muốn có hoa đẹp và rẻ bạn phải ra chợ sỉ từ 3-4 giờ sáng. Hiện TP.HCM có 3 nơi cung cấp hoa sỉ là Hồ Thị Kỷ (Lý Thái Tổ, Q.10); Đầm Sen (Lãnh Binh Thăng, Q.11) và Hậu Giang (Hậu Giang, Q.6). Sau khi chuyên chở hoa về bạn còn phải làm sạch hoa như cắt gai (hoa hồng), tỉa lá, cành…
Số vốn đầu tư vào shop hoa nếu khéo chi tiêu chỉ tốn khoảng 20 triệu đồng, chủ yếu là tiền thuê mặt bằng, mua đồ trang trí và một số vật liệu cần thiết… Tiền vốn lưu động để lấy hoa hằng ngày chỉ cần 3 – 4 triệu đồng.
Mức lời thông thường của một giỏ hoa tươi từ 100 – 200%. Nếu khéo léo bạn có thể làm tăng giá trị giỏ hoa lên đến vài trăm phần trăm, ví dụ một lẵng hoa có 20 hoa Tulip giá thông thường trên thị trường là 350.000đ nhưng lẵng hoa của bạn được trang trí cầu kỳ hơn: trên mỗi cánh hoa Tulip được phun màu lên thành nhiều màu, thậm chí còn gắn cả hạt đá, hạt bẹc (ngọc trai giả) trên mỗi đoá hoa… thì bạn có thể bán bó hoa này với giá 600 – 700.000đ.
3. Shop quần áo thời trang
Shop quần áo thời trang đòi hỏi diện tích phải rộng, ít nhất cũng từ 40m2 trở lên mới tạo được cảm giác thoải mái cho khách hàng. Vốn đầu tư cho shop quần áo cũng nhiều hơn 2 ngành trên. Do vậy, 30 triệu đồng chỉ là số vốn tạm đủ ban đầu, sau đó bạn phải vừa kinh doanh vừa nạp thêm vốn vào để làm phong phú nguồn hàng.
Tại TP.HCM có 3 chợ sỉ chuyên cung cấp quần áo may sẵn (hàng VN, hàng Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan…). Trong đó, chợ Tân Bình (Q.Tân Bình) là chợ bình dân nhất, hàng ở đây giá rẻ nhưng chủ yếu là để phục vụ cho thương lái ở các tỉnh, chợ Bình Tây (Q.6) cũng vậy. Nếu kinh doanh ở TP lớn bạn nên lấy hàng ở chợ An Đông (Q.5). Đây là nơi cung cấp quần áo thời trang đủ các đẳng cấp và nguồn hàng phong phú (trong & ngoài nước).
Chị Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Chủ cửa hàng thời trang Action (Q. Bình Thạnh) cho biết kinh nghiệm: “Bán hàng thời trang phải siêng đi lấy hàng và mỗi lần chỉ lấy ít thôi như vậy sẽ không bị ôm hàng nhiều và dễ thay đổi mẫu mã mới,” – chị Thuỷ nói.
Ngoài ra, theo chị Thuỷ, kinh doanh áo quần cũng nên kinh doanh thêm phụ kiện thời trang như kẹp tóc, dây nịt, túi xách hoặc trang phục lót… để khách hàng có nhiều sự lựa chọn. Được biết, mức lợi nhuận của mặt hàng quần áo thời trang từ 30 – 80%.
4. Đại lí Bưu điện
Ngành này tuy không phải là mới nhưng nếu chịu khó bạn cũng có thể có thu nhập tốt từ mô hình này. Chị Kim Uyên hiện đang làm chủ 3 đại lí bưu điện tại quận Gò Vấp cho hay, kinh doanh Bưu điện được cái lợi thế là người chủ không phải đứng ra trông coi trực tiếp mà vẫn dễ dàng quản lí nhân viên (thông qua phần mềm máy tính) nên cùng lúc có thể làm nhiều việc hoặc đầu tư nhiều địa điểm khác nhau.
Theo kinh nghiệm của chị Uyên, làm đại lí Bưu điện nên chọn địa điểm gần trường học (cấp 2 hoặc 3) và khu vực có nhiều công nhân ở (tốt nhất là gần các khu chế xuất, khu công nghiệp). Một lưu ý nữa là kinh doanh bưu điện không nên thuê mặt bằng giá cao (tốt nhất là khoảng từ 1,5 – 2,5 triệu đồng, tuỳ vị trí).
Một đại lí Bưu điện chỉ cần đóng khoảng 4 phòng nghe điện thoại (trung bình 1,3 triệu đồng/phòng), gắn 4-6 lines điện thoại (giá từ VNPT hiện khoảng 650.000đ/lines), máy vi tính + phần mềm tính cước (700.000đ/line) và máy điện thoại… tổng cộng chi phí sắm sửa cho một đại lí Bưu điện khoảng 12 triệu đồng.
Chị Uyên cũng tiết lộ thêm một vấn đề rất “tế nhị” nữa là nếu không biết cách “lót tay” chắc chắn bạn khó mà xin mở được đại lí Bưu điện cho dù là VNPT, Viettel hay SPT… Chị Uyên tiết lộ mỗi đại lí bưu điện của chị tốn đến gần 10 triệu đồng “đi đêm”. Như vậy, tổng chi phí phải đầu tư vào 1 đại lí bưu điện tươm tất khoảng 22 triệu đồng. Mức lãi thực (khác với mức lãi do bưu điện qui định) khoảng 30%.
Theo kinh nghiệm của chị Uyên, để kiếm thêm chi phí trang trải mặt bằng ngoài dịch vụ bưu điện ra bạn có thể đặt thêm một máy chụp hình Hàn Quốc (giá máy mới khoảng 15 triệu đồng). Khách hàng tuổi teen như học sinh, sinh viên hoặc công nhân rất “mê” dạng chụp hình lấy liền này.
5. Quà lưu niệm
Quà lưu niệm là ngành hàng đang được giới kinh doanh tại TP.HCM đánh giá là ngành rất tiềm năng. Khi đời sống vật chất đã khá lên người ta quan tâm nhiều hơn đến các món ăn tinh thần, trong đó có quà lưu niệm. Trong năm 2005 có khá nhiều cửa hàng quà lưu niệm (gift shop) mới ra đời như Hân gifts, Tínị, Xì-Chảnh…
Muốn kinh doanh mặt hàng này bạn phải chịu khó đi “lùng” hàng “độc” để tạo phong cách riêng cho shop. Nguồn hàng quà lưu niệm chủ yếu vẫn là hàng Trung Quốc đổ về chợ Kim Biên & Bình Tây. Hoặc bạn có thể chọn một sản phẩm nào đó để tập trung đi chuyên sâu như shop Đèn Xinh chẳng hạn, chỉ chuyên bán các mặt hàng đèn rất ấn tượng.
Ngoài số vốn đầu tư khoảng 20 – 30 triệu đồng cho shop nếu có khả năng bạn nên xây dựng một trang web kinh doanh qua mạng. Đây là một trong những mặt hàng dễ dàng kinh doanh qua mạng nhất. Chỉ cần bạn chụp hình sản phẩm, post lên web kèm giá và tính năng sản phẩm để chào hàng. Với những người làm việc bận rộn chọn quà lưu niệm qua mạng là giải pháp tiết kiệm thời gian đáng được quan tâm. Chi phí để xây web ban đầu khoảng 15 triệu đồng, ngoài ra phải có nhân viên biết quản lí website và nhận đơn hàng trên mạng.
Hàng lưu niệm thông thường có mức lãi từ 30 – 70%, nếu giao hàng tận nơi tính thêm 30%.
Để kinh doanh thành công, bạn nên chọn ngành nghề bạn thật sự yêu thích, chỉ có làm những việc mình đam mê thì bạn mới có thể làm đến nơi đến chốn. Các gợi ý trên chỉ là giúp bạn có thêm thông tin để mạnh dạn tìm hướng khởi nghiệp cho riêng mình.
Còn một hình thức nữa, mở 1 cửa hàng cafe, sinh tố. Mình biết 1 trg hợp thực tế. 4 bạn sinh viên năm cuối Thương Mại cùng góp vốn,mỗi ng 1 ít, được 30 triệu. Họ làm lun 1 dự án và được giải nhì của cuộc thi khởi nghiệp do VCCI & báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức. Bi giờ họ đã mở được 2 cửa hàng, hình như đã đăng kí thương hiệu. Nếu có thời gian, hãy ghé Quán Cam (ngõ bên cạnh HITC, đi vào mấy chục mét ý, nhìn cái thấy ngay,lù lù toàn màu cam…) để tận mắt chứng kiến nhá. Hình như khởi nghiệp cũng ko khó lắm nhờ…Hè.