Cố nhân có câu: “Chơi cá dưỡng tâm, chơi chim dưỡng trí, chơi cây dưỡng thần” – một câu nói khái quát được những thú chơi thi vị, tao nhã đã có từ lâu.
Đã từ lâu, thú chơi chim không chỉ dành cho bậc cao niên mà còn thu hút đông đảo người trẻ. Tuỳ vào điều kiện mà người ta sẽ chơi những loài chim khác nhau. Từ nhiều năm trước, người ta thấy nhiều gia đình giàu có rộ lên thú chơi chim vẹt, sẵn sàng chi vài chục đến vài trăm triệu đồng để sở hữu chúng.
Điểm đặc biệt ở đây thú chơi chim vẹt này được hội chị em hưởng ứng một cách nhiệt tình, thậm chí còn chi mạnh tay hơn so với cánh mày râu.
THÚ CHƠI VẸT CÓ TỪ LÂU TRÊN THẾ GIỚI, Ở VIỆT NAM CŨNG TỒN TẠI ĐƯỢC GẦN CẢ CHỤC NĂM
Thú chơi vẹt đã có từ lâu trên thế giới, giữa thập niên 1980, nhiều giống vẹt đã được nuôi chim cảnh vì màu sắc nổi bật của chúng và mối liên kết gần gũi với con người.
Có lẽ chim vẹt được coi là thú cưng, bởi chúng đa dạng về chủng loại, màu sắc, kích thước và hình dáng. Ngoài ra, loài vẹt là loài có chỉ số thông minh cao, biết làm trò, biết nói chuyện với con người và thậm chí là nhảy múa khiến chúng ta có thể giảm stress hiệu quả.
Bởi vì thế mà những năm 2016, nhiều người đặc biệt là giới nhà giàu ở Việt Nam nuôi vẹt, không tiếc tiền chi cả nghìn đô la chỉ để sở hữu những chú vẹt mà bản thân thích.
Nếu bạn gõ thử cụm từ đam mê vẹt hay hội chơi vẹt trên Facebook thì chắc chắn kết quả không dưới 10 group xuất hiện và mỗi group lại có một số lượng thành viên vô cùng đông đảo lên đến 20K người tham gia. Tại đây, mọi người chia sẻ và giao lưu với nhau về những giống vẹt, cách chăm sóc.
Tuy nhiên tìm hiểu để nuôi một chú vẹt là cả một quá trình: từ thức ăn cho đến môi trường sống như lồng cho vẹt phải như thế nào, ngay cả đồ chơi cho chúng khỏi stress ra sao cũng không hề đơn giản. Không chỉ có đàn ông có thú chơi mà ngày nay nhiều chị em phụ nữ cũng tìm đến thú chơi này rất nhiều.
Và chị Nguyễn Diệu Linh, trước từng là BTV ban văn nghệ của VTV chia sẻ sâu hơn về thú chơi vẹt của bản thân.
CHỈ ĐỊNH TÌM THÚ VUI CHO CON RỒI BỐ MẸ LẠI CŨNG NGHIỀN LUÔN
Chị Diệu Linh chia sẻ bản thân bắt đầu biết đến và chơi vẹt từ năm ngoái: “Trước đây, hai vợ chồng mình vốn yêu thích động vật. Từ bé bản thân đã nuôi chó mèo. Nhưng từ khi sinh con, bé nhà mình bị hen phế quản nên chị phải gửi mèo về cho ông bà chăm. Ai ngờ con lớn lên cũng yêu động vật giống bố mẹ. Có lần thấy bạn anh đánh chó ngoài đường về buồn mất cả tuần.
Cậu con trai là khởi nguồn bắt đầu cho niềm đam mê của gia đình chị Linh.
Nghĩ vậy nên hai vợ chồng mình bàn nhau xem cho con nuôi con gì cho phù hợp thì tình cờ hàng xóm có bạn nuôi 2 con vẹt. Có hỏi con thích nên đã từ từ tìm hiểu. Nào ngờ, mua về xong bố mẹ cũng nghiền chơi vẹt luôn từ đó”.
Cũng giống bất kì thú chơi nào cũng phải có sự tìm hiểu, hai vợ chồng chị Linh không có kinh nghiệm gì về việc nuôi chim nhất là vẹt. Chú vẹt đầu tiên cũng được chị mua qua của người quen để cho yên tâm. Sau đó thì cũng lên Youtube xem các video chia sẻ, kiến thức, năng vào các group chim vẹt để học hỏi thêm.
4 bé vẹt mà gia đình chị Linh sở hữu.
Và rồi từ nuôi 1 bé Xám Ngáo thì nay gia đình chị đã nuôi đến tận 4 bé với 4 giống khác nhau. Chị Linh chia sẻ: “Vẹt cũng giống như chó mèo ấy quấn chủ lắm. Vẹt nó thông minh như đứa trẻ con từ 3 đến 5 tuổi ấy. Vẹt có cá tính mạnh hơn so với chó mèo, vì thế nắm bắt tâm lý của các bé cũng là một thử thách”.
THUÊ CẢ NANNY ĐỂ CHĂM SÓC, DỌN DẸP RIÊNG CHO CHIM VẸT
Theo chị Linh chia sẻ những “bé” chim vẹt chị nuôi đều là những dòng thông minh và có giá khá đắt đỏ: Xám Châu Phi, Malucan Cockatoo, Galah Cockatoo, Amazon Naped. Chị cho biết tổng giá trị của 4 bé lúc mua về lên đến 220 triệu đồng, trong đó “bé Đen Vâu” – Amazon là đắt nhất 80 triệu đồng.
Mỗi bé vẹt với gia đình chị lại có những cá tính riêng và chị yêu thích như nhau: “Ấn tượng Đen Vâu vì biết ăn tiết kiệm, hát giỏi, bé Xám Ngáo nói tốt, bé Ngọc Trinh Malucan Cockatoo tình cảm làm nũng, la hét, bé Binz Galah nhảy theo nhạc chuẩn. Mỗi bé đều được gia đình chị đặt tên phù hợp với tính cách và đặc điểm”.
Chi Linh cũng chi khá nhiều cho việc mua sắm tiểu cảnh
Tuy nhiên, giống Vẹt cũng yêu cầu vô cùng khắt khe về môi trường, chị Linh chia sẻ: “Nuôi vẹt cần có thời gian chơi cùng chúng, không thì không nuôi được. Giống Vẹt rất sợ bị nhốt trong lồng vì loài vẹt thông minh, nhiều năng lượng và nó cần xả ra. Nhà chị thì nuôi luôn tại phòng khách để có người ra người vào. Nhiều nhà không có thời gian chăm nhốt lồng vẹt stress tự nhổ lông hoặc la hét cắn chủ.”
Do công việc kinh doanh cũng khá bận và thường xuyên đi du lịch, chị Linh phải thuê người để chăm sóc những “bé” vẹt: “Tự chăm thì sẽ rất cực luôn đó. Chị thì thường xuyên đi công tác, chỉ khi ở nhà chị mới dành thời gian chơi cùng thôi. Hoặc nếu đi du lịch gần thì chị mang các “bé” đi cùng luôn, chúng như thành viên trong gia đình chị vậy”.
Khi được hỏi chơi thú chơi giống đàn ông thì chị Linh thẳng thắn đáp: “Việt Nam thì đúng là phần lớn đàn ông chơi vẹt thật, nhưng chắc do không bận con cái cơm nước. Còn chị cũng giống các ông, không bận con cái cơm nước, rồi cũng yêu động vật”. Chị Diệu Linh cho biết bản thân mình độc lập tài chính vì vậy thích gì thì cứ việc làm thôi. Bên cạnh đó, chồng cũng là người ủng hộ chị theo đuổi thú chơi này nên từ 1 bé mà nhà chị bây giờ có tận 4 bé vẹt rồi.
https://afamily.vn/co-mot-thu-choi-chim-cua-nguoi-giau-ma-den-hoi-chi-em-cung-me-va-dang-rat-thinh-hanh-thue-ca-nanny-de-cham-soc-rieng-20220316165049098.chn