Một số người cho rằng uống nước trong khi ăn không tốt cho hệ tiêu hóa của bạn. Một số người khác nói rằng uống nước trong khi ăn có thể làm các chất độc tích tụ lại, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác. Nhưng liệu việc uống nước trong khi ăn thực sự có những tác động tiêu cực đến vậy?
Dưới đây là những bằng chứng khoa học cho thấy uống nước trong khi ăn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và sức khỏe của bạn như thế nào.
Nền tảng của một hệ tiêu hóa khỏe mạnh
Hệ tiêu hóa bắt đầu từ miệng, ngay khi bạn nhai thức ăn. Động tác nhai sẽ gửi tín hiệu đến các tuyến nước bọt để kích thích sản xuất ra nước bọt có chứa các enzym giúp bạn tiêu hóa thức ăn. Nước bọt cũng sẽ giúp thức ăn mềm hơn để có thể di chuyển dễ dàng hơn qua thực quản xuống dạ dày.
Khi xuống đến dạ dày, thức ăn sẽ được trộn lẫn với axit dạ dày để được tiêu hóa thêm và tạo thành dạng dịch được gọi là nhũ trấp. Nhũ trấp sẽ đi cùng thức ăn đến phần đầu của ruột non.
Tại ruột non, nhũ trấp sẽ được trộn với các enzym tiêu hóa tiết ra từ tụy và axit mật được tiết ra từ gan. Hỗn hợp này sẽ tiêu hóa nhũ trấp, chuẩn bị các chất để hấp thu vào máu.
Đa số các chất được hấp thu khi nhũ trấp đi qua ruột non. Chỉ có một phần nhỏ còn sót lại khi nhũ trấp đi tới ruột già.
Khi vào trong máu, các chất sẽ được gửi tới các phần khác nhau của cơ thể. Quá trình tiêu hóa kết thúc khi các chất cặn bã được thải bỏ ra khỏi ruột già thông qua trực tràng.
Phụ thuộc vào việc bạn ăn gì, cả quá trình tiêu hóa sẽ diễn ra trong khoảng từ 24-72 giờ.
Uống nước có gây ra các vấn đề về tiêu hóa không?
Không có nghi ngờ gì về lợi ích của việc uống đủ nước mỗi ngày. Tuy nhiên, một số người khẳng định rằng thời điểm đóng một vai trò quan trọng và uống nước gần bữa ăn là một ý tưởng tồi.
Dưới đây là 3 lý luận phổ biến nhất khẳng định rằng uống nước khi đang ăn là không tốt cho hệ tiêu hóa
Rượu và các đồ uống có chứa axit có ảnh hưởng xấu đến nước bọt
Một số người cho rằng uống đồ uống có chứa axit hoặc đồ uống có cồn trong khi ăn sẽ làm cạn khô nước bọt, do đó làm cơ thể khó tiêu hóa thức ăn hơn. Điều này chỉ đúng một phần.
Cứ mỗi 10 ml rượu sẽ làm giảm lượng nước bọt khoảng 10-15%. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với rượu mạnh, chứ không đúng với loại đồ uống có ít cồn như bia hoặc rượu vang.
Các đồ uống có chứa axit thực ra lại làm tăng tiết nước bọt.
Và không có bằng chứng khoa học chứng minh rằng đồ uống có cồn hoặc axit khi tiêu thụ một lượng vừa đủ sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiệu hóa hoặc quá trình hấp thu chất .
Nước, axit dạ dày và enzym tiêu hóa
Rất nhiều người khẳng định rằng uống nước trong khi ăn sẽ làm loãng axit dạ dày và các enzym tiêu hóa, do đó làm cơ thể khó tiêu hóa thức ăn hơn.
Đây là một lời khẳng định sai vì nếu nói như vậy nghĩa là hệ tiêu hóa không thể thích nghi được với chính các dịch tiết ra của mình, cũng tức là mất đi tính thống nhất của hệ tiêu hóa.
Nước và tốc độ tiêu hóa
Một lý luận thứ ba chống lại việc uống nước trong khi ăn khẳng định rằng việc uống nước sẽ làm tăng lượng chất lỏng, do đó tăng tốc độ những loại thức ăn cứng tồn tại trong dạ dày. Việc này được cho rằng sẽ làm giảm thời gian thức ăn tiếp xúc với axit dạ dày và enzym tiêu hóa, từ đó dẫn đến tiêu hóa kém. Lý luận này nghe có vẻ logic nhưng cũng chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh cho việc này.
Một nghiên cứu phân tích thời gian làm rỗng dạ dày cho thấy, mặc dù nước đi qua hệ tiêu hóa nhanh hơn là những thức ăn cứng, nhưng nước không có ảnh hưởng gì đến thời gian tiêu hóa thức ăn cứng cả.
Trong một số trường hợp, nước có thể cải thiện tiêu hóa. Nước giúp bạn chia nhỏ những miếng thức ăn lớn, làm cho thức ăn dễ trôi xuống thực quản và dạ dày hơn. Nước cũng làm cho thức ăn di chuyển trong ống tiêu hóa dễ dàng hơn, ngăn chặn hiện tượng chướng bụng và táo bón.
Thêm vào đó, dạ dày cũng sẽ tiết ra nước, cùng với axit dạ dày và enzym tiêu hóa trong suốt quá trình tiêu hóa. Trên thực tế, lượng nước này là rất cần thiết để củng cố chứng năng của enzym tiêu hóa.
Nước có thể làm giảm sự ngon miệng và lượng calo tiêu thụ
Uống nước trong khi ăn có thể giúp bạn ngừng nhai lại một chút, để bạn có thời gian kiểm tra xem bạn đã có dấu hiệu no hay chưa. Việc này có thể ngăn chặn tình trạng ăn quá nhiều và thậm chí có thể giúp bạn giảm cân.
Thêm vào đó, một nghiên cứu cho thấy những người uống 500ml nước trước bữa ăn sẽ giảm nhiều hơn những người không uống nước trước bữa ăn là 2kg. Nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng, uống nước có thể làm tăng quá trình trao đổi chất, với việc tăng tiêu thụ 24 calo cho mỗi 500ml nước bạn uống.
Cuối cùng, có một điều quan trọng nên nhớ đó là những lý điều trên chỉ đúng đối với các loại nước không chứa calo. Một nghiên cứu cho thấy rằng tổng lượng calo tiêu thụ sẽ tăng lên 8-15% khi uống các loại nước có đường, sữa hoặc nước hoa quả trong khi ăn.
Một số người không nên uống nước trong khi ăn
Với đa số mọi người, uống nước trong khi ăn không gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa. Nhưng nếu bạn bị trào ngược axit dạ dày thực quản, uống nước trong khi ăn không phải là lựa chọn tốt cho bạn. Đó là bởi vì nước sẽ làm tăng thêm khối lượng cho dạ dày của bạn, từ đó làm tăng áp lực lên dạ dày và có thể dẫn đến trào ngược axit ở những người đã có sẵn bệnh này.
Kết luận
Phụ thuộc vào cảm nhận của bạn mà bạn sẽ quyết định xem mình có nên uống nước trong khi ăn hay không.
Nếu việc uống nước trong bữa ăn làm bạn thấy đau, có cảm giác chướng bụng hoặc làm tình trạng trào ngược axit của bạn tệ hơn, bạn không nên uống nước trước hoặc giữa bữa ăn. Còn nếu không, không có lý do gì để bạn tránh việc uống nước trong khi ăn cả. Ngược lại, đồ uống được tiêu thụ ngay trước bữa ăn hoặc trong khi ăn có thể hỗ trợ tiêu hóa, tăng hiệu quả của nước và làm bạn cảm thấy no hơn.
Hơn tất cả, hãy nhớ rằng, nước lọc là tốt nhất.
Liên Hương – Viện Y học ứng dụng Việt Nam – Theo Authoritynutrition
Viện y học ứng dụng Việt Nam