Ngày 10/12, UBND TP Hội An (Quảng Nam) đã tổ chức ký kết trực tuyến với tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu FOUR PAWS về cam kết loại bỏ việc sử dụng, buôn bán thịt chó, mèo.
Ngay sau đó đã có một cuộc tranh luận sôi nổi giữa những người vốn coi chó mèo như người bạn thân thiết của con người, phản đối việc giết mổ, ăn thịt chúng; với một bên là những người coi đây như một món khoái khẩu, “quốc hồn quốc túy”.
Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch TP Hội An, ký thỏa thuận với tổ chức FOUR PAWS về cam kết loại bỏ việc sử dụng thịt chó và mèo (Ảnh: Công Bính).
Thực tế vấn đề này không hề mới bởi trước đó cũng đã có rất nhiều cuộc tranh luận về việc nên luật hóa việc cấm giết mổ, ăn thịt chó mèo hay không, khi vào năm 2018 UBND TP Hà Nội đề nghị các sở, ngành tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa nhân văn của việc đối xử nhân đạo với súc vật để dần thay đổi thói quen, nhận thức khi sử dụng thịt chó, mèo làm thực phẩm. Hay năm 2019, Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM đăng tải bài viết trên website khuyến cáo một số người dân có thói quen ăn thịt chó vì cho rằng thịt ngon, có nhiều đạm.
Khuyến cáo “nên từ bỏ ăn thịt chó” của Ban quản lý ATTP TP khi đó xuất phát từ một số nguyên nhân như: chó là vật nuôi được thuần hóa và gắn bó với cuộc sống của con người từ rất lâu; chó không những giúp người chủ trông nhà mà còn được xem như là một thành viên trong gia đình, là người bạn trung thành của con người.
Bên cạnh đó, theo Ban quản lý ATTP, mặc dù pháp luật nước ta không cấm sử dụng thịt chó, nhưng cũng không đưa loài chó vào danh mục vật nuôi để giết thịt làm thực phẩm cho con người. Và việc chăn nuôi, giết mổ, sử dụng thịt chó chưa qua kiểm dịch, kiểm soát, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe do thịt nhiễm các vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt là virus gây bệnh dại; nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là trứng và ấu trùng không phát triển thành giun trong ruột mà xâm nhập vào gan, phổi, các phủ tạng khác, thậm chí có thể xâm nhập vào cả não và mắt.
Đều là động vật nuôi như lợn, bò, gà…, sao chỉ cấm thịt chó, mèo?
Bạn đọc Huỳnh Sỹ Tấn không ủng hộ nhưng cũng không phản đối việc ăn thịt chó, vì cho rằng đó là quyền và sở thích của mỗi người: “Chó mà người ta làm thịt thường là chó ta, chứ không phải là chó cảnh lông xù hay giống chihuahua hiếm và đắt. Còn cho rằng sợ lây bệnh dại thì chỉ những ai bị chó dại cắn mới bị lây, còn nếu chó có virus dại nhưng nấu chín thì cũng không lây sang người ăn được”.
Bạn đọc Minh Nguyệt cho rằng không nên cấm việc ăn thịt chó, việc cần làm là tuyên truyền và kiểm dịch: “Có 2 vấn đề phải làm rõ: Thứ nhất là thú cưng, ai nuôi chó, mèo đều không muốn ăn thịt chó mèo. Tuy nhiên nhiều người nuôi heo, nuôi gà… làm cảnh thì chẳng lẽ lại ra quy định cấm? Thứ 2 vấn đề kiểm dịch: tại sao lợn, gà được kiểm dịch mà chó mèo lại không được kiểm dịch? Tại sao thịt chó mèo lại không làm như thịt lợn hay gà?
Thịt chó tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh? Trong tất cả các loại thịt đều tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh. Ví dụ như cúm gia cầm, lợn gạo…. Thực phẩm an toàn chỉ khi nó được kiểm định và thịt nào cũng cần phải kiểm định chặt chẽ.
Chó là bạn của con người? Ai cũng yêu thích chó? Không hẳn là vậy vì có người nuôi chó vì mục đích thương mại. Có người nuôi vì mục đích giữ nhà… Vậy nên việc giết thịt hay không thì phải xem xét.
Các nước phương Tây không ăn thịt chó vì nó thành thói quen cũng như văn hóa của họ rồi. Các nước phương Đông ăn thịt chó lại là điều bình thường”.
Thịt chó là món ăn truyền thống ở Hàn Quốc nhưng ngày nay nhiều người không còn mặn mà với món này (Ảnh: AP).
“Tôi không ăn thịt chó nhưng ăn thịt chó có gì là phản cảm đâu! Phản cảm nhất là cảnh ra đường gặp những con chó thả rông được chủ khuyến khích thải bậy ra đường phố và không rọ mõm gầm gừ bất cứ ai, được khuyến mãi thêm câu “nó không cắn đâu”.
Các lý do như an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc các lý do khác thì tôi đồng ý, nhưng lý do “chó thân thiết như bạn của con người” thì tôi kịch liệt phản đối.
Trong tất cả các loại gia súc gia cầm, hay kể cả thú rừng hoang dã, có loài nào gây tử vong cho người nhiều bằng loài chó?
Hàng năm chỉ riêng chó cắn gây tử vong cho người nhà chủ nuôi đã rất nhiều, chưa kể chó vô cớ cắn người lạ. Vậy lý do nào bảo chó là bạn với người?”, bạn đọc Minh Thiện nêu quan điểm.
Nuôi chó nhưng vẫn ăn thịt chó, với bạn đọc Tuấn Trần thì yêu chó là một chuyện, ăn thịt chó lại là một chuyện khác: “Mình nghĩ thịt chó hay thịt bò, gà,… đều là thực phẩm như nhau, vậy tại sao lại cấm ăn thịt chó. Mình nghĩ không nên, vì điều này cũng ảnh hưởng tới công việc làm ăn của một bộ phận dân cư”.
Cấm ăn thịt chó nhưng cũng xử lý nghiêm những người thả rông chó ra đường!
Để đáp ứng nhu cầu thịt chó cho các cửa hàng, những năm qua rộ lên tình trạng câu trộm, bắt trộm chó gây nhiều bức xúc trong dư luận. Kết quả là nhiều vụ bắt trộm chó dẫn tới hậu quả nghiêm trọng: trộm chó bắn chết chủ nhà khi họ cố bảo vệ chó, hoặc kẻ trộm bị người dân bắt được và hành hung đến chết do quá bức xúc.
Một thực trạng khác tại Việt Nam, nhiều người hay thả chó chạy rông ngoài đường nhưng không rọ mõm gây nguy hiểm cho người khác.
Với mong muốn hạn chế hoặc có quy định cấm ăn thịt chó, nhiều bạn đọc mong muốn có luật thật nghiêm để xử phạt cả những người nuôi chó thả rông, không rọ mõm, thả chó phóng uế bừa bãi.
Thâm Quyến (Trung Quốc) đã đưa ra một dự thảo quy định cấm ăn thịt chó và mèo như là một phần trong nỗ lực trên toàn quốc nhằm thực hiện lệnh cấm tiêu thụ động vật hoang dã sau vụ dịch Covid-19 (Ảnh: Scmp).
Bạn đọc Thanh Luyến viết: “Dù biết rất khó nhưng mình cũng ước ao có một quy định cấm giết mổ, mua bán thịt chó nhưng cũng đồng thời nâng mức và xử phạt thật nghiêm những người nuôi chó không đảm bảo an toàn, gây mất vệ sinh như: không tiêm chung, ra đường không rọ mõm, cho chó phóng uế bừa bãi… Mong sao không còn cảnh chó thả rông ngoài phố, trong xóm, cột trước cửa nhà… gầm gừ, sủa, cắn người đi đường. Mình không ủng hộ ăn thịt chó, không ủng hộ trộm chó nhưng ủng hộ việc những con chó như thế này bị bắt hết”.
“Trước hết chưa bàn tới vệ sinh an toàn thực phẩm mà nói đến tính nhân văn: Chó rất gần gũi và trung thành với con người. Ngày xưa vì thiếu thực phẩm người ta mới phải giết chó ăn thay thực phẩm. Ngày nay thực phẩm nhiều đa dạng mà còn ăn thịt chó thì bó tay.
Tôi rất đồng tình với cuộc vận động này. Biết bao câu chuyện kể về chú chó có nghĩa với chủ như nằm ôm ấp cả tháng trời lên mộ chủ, chó đánh thức chủ nhà dậy trong vụ cháy rừng ở California, v.v… Hồi tôi còn nhỏ ở Hà Nội, thấy các chú chó dắt chủ đi ăn xin mà rớt nước mắt. Mươi năm trước tôi đã có ý tưởng lập một trang web vận động mọi người NÓI KHÔNG VỚI THỊT CHÓ nhưng việc lập trang web hồi đó có chút nhiêu khê. Cuộc vận động này đúng với ý nguyện của tôi. Tôi cũng mong cuộc vận động này được đông đảo người hưởng ứng”, bạn đọc Duy Hiệp cho biết.
Cho rằng một xã hội văn minh thì không nên có thịt chó mèo, bạn đọc Vũ Minh Thiên viết: “Một dân tộc văn hiến, một xã hội văn minh thì không nên có thịt chó, mèo trong thực đơn. Nên chủ trương không cho đăng ký mở thêm điểm bán, siết chặt điểm bán. Thường xuyên kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các quán bán thịt chó, kiểm tra nguồn gốc chó. Nếu làm tốt các vấn đề này, tôi nghĩ việc thịt chó sẽ trở thành dĩ vãng vào một ngày không xa”.
Bạn đọc Anh Hùng cho rằng: “Phạt khi không rọ mõm, phạt khi chó phóng uế mà chủ không dọn, phạt khi không tiêm phòng, phạt nặng khi thả rông, thuế phí tiêm phòng có thể nhích lên chút để hạn chế nuôi quá nhiều. Bởi chó là bạn thân của người nuôi thôi, chứ ít khi là bạn của người lạ lắm”.
“Nói về thịt chó hay thịt cừu, thịt trâu… tất cả cũng là thực phẩm từ động vật. Ai ăn thịt chó không có nghĩa là dữ hay xấu. Ai không ăn thịt chó không có nghĩa là người tốt người hiền. Sự văn minh sống trách nhiệm của mỗi cá nhân không dựa vào loại thực phẩm, hay từ thịt con vật mà dựa vào ý thức suy nghĩ sự hiểu biết của mỗi người.
Sự kêu gọi từ bỏ thói quen ăn thịt chó cũng là một cuộc cách mạng truyền đạt sự văn minh trong lối sống xã hội ngày nay. Kêu gọi giảm bớt hàng quán thịt chó chứ không ai cấm không ai đưa vào luật để ghép tội vi phạm người ăn thịt chó; còn riêng những ai không ăn thịt chó họ ủng hộ loại bỏ là vì thời gian qua tệ nạn trộm chó hoành hành, những hành vi trộm chó gây nên cái chết đau thương.
Vì thế tôi cho rằng: ai ăn thịt chó cũng đừng quá tức giận với lời góp ý châm chọc. Và những ai không ăn thịt chó cũng không nên buông lời xúc phạm, vì tất cả chúng ta là người văn minh. Chúng ta không ăn thịt chó nhưng chúng ta ăn thịt gà và ăn các loài cá. Tất cả là con vật, động vật, là thực phẩm cho toàn thế giới này”, bạn đọc Thành Trung đưa ra ý kiến trung lập.
Theo số liệu khảo sát và ước tính của Liên minh bảo vệ chó châu Á năm 2016, người Việt ăn thịt chó nhiều thứ 2 thế giới. Trung Quốc đứng đầu bảng với mức tiêu thụ 20 triệu con mỗi năm, Việt Nam “dừng” ở con số 5 triệu con chó, và Hàn Quốc từ 2 – 3 triệu con.
Ở Đài Loan, người dân đang dần từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo nhờ bộ luật mới. Theo luật này, những người giết mổ hoặc ngược đãi động vật có thể bị phạt tù đến 2 năm với số tiền phạt lên đến 2 triệu Đài tệ (khoảng 1,48 tỉ đồng). Luật này cũng cấm buôn bán và tiêu thụ thịt chó, mèo cũng như mọi loại thực phẩm được làm từ thịt và các bộ phận của chúng. Người vi phạm sẽ bị phạt số tiền lên đến 250.000 Đài tệ (khoảng 185 triệu đồng), đồng thời sẽ bị công khai tên tuổi và hình ảnh.