Phía màu sáng tượng trưng cho dương. Nửa kia mang màu tối là hình ảnh của âm.
Nhưng điểm khéo vô cùng lại không ở chỗ dùng màu tương phản để thêm ấn tượng. Trong phần sáng lại có một điểm tối, và ngược lại trong nửa phần tối đen cũng gài nhẹ đốm nhỏ màu đối nghịch. “Âm trung chi dương, dương trung chi âm” là thế. Trong âm nếu không có chút dương, và ngược lại dương mà thiếu âm thì không thể biến đổi qua lại, không còn nguồn sống vì sống bao giờ cũng đi đôi với động.
Ý nghĩa đó càng rõ hơn nữa nếu thử chọn thí dụ với hoạt động của hệ nội tiết ở phái nữ. Cơ thể của phái yếu tuy một mặt rõ ràng chịu sự chi phối của hai nội tiết tố estrogen và progesteron, để tùy theo tỉ lệ giữa hai loại này mà ngoại hình của giới chân yếu tay mềm phát triển một cách bình thường, từ vóc dáng thướt tha bước qua chu kỳ kinh nguyệt đều đặn cho đến chức năng sinh lý như mong muốn, kể cả khuynh hướng tư duy theo kiểu “đàn bà”. Nhưng mặt khác, nội tiết tố nam tính testosteron cũng được tổng hợp trong cơ thể phụ nữ, tuy không chiếm ưu thế về số lượng nhưng phải có, để góp phần một cách gián tiếp vào cán cân quân bình nội tiết. Trước hết, testosteron có nhiệm vụ ngăn ngừa hoạt tính thái quá của progesteron, nếu chất này vì lý do nào đó bỗng trở nên cường điệu. Kế đến là vai trò đòn bẩy cho phản ứng tổng hợp nội tiết tố estrogen thông qua một chuỗi phản ứng sinh hóa với nhiều công đoạn phức tạp.
Nói cách khác, cơ thể phụ nữ không thể môi son má đào nếu thiếu chút nội tiết tố của phái nam. Đúng như ý nghĩa bao trùm của học thuyết âm dương, đàn bà càng có nhiều nữ tính nhờ có đủ nội tiết tố nam tính, miễn là chất này được biến đổi đúng lúc để mặt như hoa, để da như phấn, thay vì vai u thịt bắp, mày chổi râu ria, như ảnh hưởng của testosteron dưới dạng không biến thể trên cơ thể đàn ông.
Nếu cuộc đời cứ mãi êm xuôi như thế thì làm gì có nghề … thầy thuốc! Nếu vì lý do nào đó mà khâu biến đổi testosteron thành estrogen bỗng nhiên bị trục trặc thì khi đó hàm lượng nội tiết tố nam tính bất ngờ chiếm ưu thế trên cơ thể của người mới hôm nào còn là phái yếu. Thế mới kẹt vì giọng bỗng khàn, da thành nhờn, tóc dễ rụng, người trở nên nặng nề cứ như … đàn ông! Thông thường, tình trạng cường điệu của nội tiết tố nam tính chỉ làm khổ phụ nữ đã bước vào tuổi mãn kinh, nhưng bệnh lý này cũng có thể xuất hiện trên thiếu nữ hãy còn rất trẻ. Do đó, nên tìm đến thầy thuốc khi ghi nhận biến đổi trên ngoại hình và chức năng sinh lý, chẳng hạn ngực đang căng bỗng chảy xệ, đường kinh càng lúc càng ít, càng lúc càng trễ và “chuyện kia” càng lúc càng thưa …