“Truyện cổ tích bây giờ” của Lê Thanh Nga là những câu chuyện đời nhiều ngậm ngùi nhưng cũng từ ấy ánh lên nhiều yêu thương giản dị ấm áp, an ủi tâm hồn giữa đời rộng dài nỗi buồn.
Nhà văn Lê Thanh Nga đã từng chia sẻ về những trang viết của mình rằng: “Tôi thường sống với những kỷ niệm. Có những kỷ niệm vui, có những kỷ niệm buồn, nhưng chúng luôn hiện hữu bên tôi, chia sẻ cùng tôi mọi đắng cay ngọt bùi trong cuộc sống. Để rồi một ngày mai, mọi đắng cay ngọt bùi sẽ trở thành kỷ niệm. Tôi không bao giờ quên được những kỷ niệm xưa ấy… Thế rồi tôi viết như để trả nợ dần…”.
Cũng bởi vậy nên những truyện ngắn trong tập Truyện cổ tích bây giờ đều mang đậm dấu ấn ký ức, của ra đi và trở về, của những làng quê nghèo đậm ân tình.
Truyện cổ tích bây giờ của nhà văn Lê Thanh Nga.
Truyện ngắn Kỉ niệm xưa là dòng hoài niệm về căn nhà xưa của ông bà nội. Căn nhà có khung gỗ, quanh nhà trát bằng rơm băm nhỏ trộn với bùn ao. Ở ngôi nhà ấy, trong khu vườn rợp bóng cây, mỗi mùa hè được về chơi là mỗi mùa vun đắp kỷ niệm. Tuổi thơ ăm ắp kỷ niệm ấy đã theo “tôi” lớn lên.
Cho đến ngày chiến tranh nổ ra, cậu bé Sơn gắn bó với “tôi” ngày xưa hi sinh nơi chiến trường. Cậu bé ấy để lại chỉ là kỷ niệm thơ ấu, nhưng ấy là những câu chuyện người ở lại nhắc nhớ mãi.
Những tình cảm không được cất thành lời nhưng đến tận khi bạc tóc, tôi thuở ấy vẫn nhớ mãi về người em họ tên Sơn hóm hỉnh, cẩn thận, chân thành.
Tình cảm quý thương ấm áp của những người thân trong gia đình nơi làng quê khốn khó còn được thể hiện đậm đà trong truyện ngắn Miền quê xa ngái.
Cô bé Mỹ An mỗi dịp về quê ăn tết hay nghỉ hè đều cảm thấy rất sợ. Bởi quê nội xa quá, đi tàu dài ngày đêm mới tới nơi. Nhưng miền quê “xứ Nghệ” ấy lại khiến Mỹ An và em trai cảm động với cách chăm sóc hồn hậu của ông bà, bởi những cánh đồng lúa mênh mông, những bài đồng dao, dân ca thấm đẫm hương quê…
Những kỷ niệm còn mãi của tuổi thơ.
Sau này lớn lên, hai chị em càng thêm yêu cái chất giọng trọ trẹ của ông bà, để thấy quê nhà thực gần gũi. Những câu hát còn vấp còn ngượng của đứa trẻ thành phố lại thêm đáng yêu trong chất giọng quê hương:
“Tau ở nhà tau, tau nhớ mi
Đến mi, mi hỏi: Đến mần chi
Mầm chi, tau đã mần chi được
Mần được chắc chi tao đã mần”.
Kể chuyện thiếu nhi bằng chất giọng thâm trầm đan xen nhiều nét buồn, Lê Thanh Nga đã góp thêm tiếng nói tâm hồn của thế hệ xưa để giãi bày tâm tư với trẻ thơ hôm nay.
Những đứa trẻ trong tập Truyện cổ tích bây giờ chủ yếu là những đứa trẻ sống trong thời chiến tranh hay thời kỳ bao cấp nghèo khó, là những đứa trẻ ở quê, tuổi nhỏ nhưng sớm đã đối mặt với nghèo đói, chết chóc, mất mát… nên chúng trưởng thành và trầm ngâm thật sớm.
Truyện ngắn Miếng đời là truyện ngắn gây nên cảm giác bi ai về cái nghèo của những người nông dân. Ông Hỗ vốn có của cải chữ nghĩa nhưng phải thói ham mê rượu chè nên dù vợ chăm chỉ làm ăn thì gia đình cũng ngày càng lụi bại. Cho đến ngày người vợ chết vì dẫm phải mảnh xành toác chân khi gánh phân bón rượu, ông phải đi xay lúa thuê nhưng vẫn không bỏ được tật rượu chè. Hai đứa con dại đã phải đi mót lúa kiếm cái ăn. Rồi đứa con trai nhỏ được cho đi làm con nuôi, con gái lớn đi ở thuê làm việc vặt.
Ông Hỗ chết vì ăn quá nhiều lạc mà thủng ruột, hai đứa trẻ năm nào vì cảnh khổ gia đình đã phải chia cách nhưng lại chăm chỉ làm ăn.
Lũy tre làng là nơi chất chứa biết bao nhiều câu chuyện lý thú thời thơ ấu.
Hai đứa trẻ trong Miếng đời có lẽ là hình ảnh chung của biết bao đứa trẻ Việt thời nghèo khó ấy, hay có thể ngay trong thời hiện đại này, ở những nơi xa xôi của đất nước, những câu chuyện ấy vẫn còn đây, da diết trăn trở.
Lê Thanh Nga hướng ngòi bút của mình vào những thân phận đời sống nhiều bạc bẽo nhưng luôn thể hiện ánh nhìn bao dung, an ủi, đồng thời bày tỏ tâm tư mong cầu hạnh phúc cho con người sau mỗi cái chuyện. Bởi thế đọc Truyện cổ tích bây giờ, dẫu buồn nhưng lại ánh lên những tia hi vọng ấm áp.