Con Phật Con Ma

Lời nói đầu

Chúng ta chính thức trở thành người con Phật bắt đầu từ buổi Lễ Quy Y Tam Bảo. Quy y là “quay về nương tựa”; Tam Bảo là “ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng”; quy y Tam Bảo là “quay về nương tựa ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng”. Tự quy y Phật, con về nương tựa bậc đại trí, người đưa đường dẫn lối cho con. Tự quy y Pháp, con về nương tựa con đường chân chính đưa đến an vui, giải thoát. Tự quy y Tăng, con về nương tựa đoàn thể xuất gia, tu học phạm hạnh thanh tịnh và hoà hợp.
Đức Phật dạy: “Nước trong bốn biển chỉ có một vị, đó là vị mặn. giáo pháp của Như Lai cũng chỉ có một vị, đó là vị giải thoát”. Tất cả chúng ta đang “tù trong lục đạo”, có nghĩa là đang bị giam hãm trong sáu cảnh giới: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, Atula, người và trời. Chúng ta tu học Phật pháp là để thoát khỏi những khổ đau trong vòng lục đạo luân hồi.
Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật dạy: “Tam giới bất an du như hoả trạch” (ba cõi không yên giống như ở trong nhà lửa). Muốn giải thoát ra khỏi nhà lửa tam giới và ngục tù lục đạo, chúng ta phải thực hành theo lời dạy của đức Phật. Ví như, muốn lên núi tìm châu báu, chúng ta phải theo sự hướng dẫn của người chỉ đường; nếu đi đúng hướng thì sẽ đến được ngọn núi có châu báu. Đức Phật là người đã giải thoát khổ đau và thành tựu Phật quả. Ngài chỉ cho chúng ta con đường để thành Phật. Nếu đi đúng con đường này, chúng ta cũng sẽ đạt đến quả vị Chánh đẳng Chánh giác, hay nói cách khác, cũng sẽ được an vui và giải thoát như Ngài.
Bởi thế, để được giải thoát, chúng ta phải thực hành theo lời dạy của Phật. Sau khi quy y Tam Bảo, chúng ta phải thọ trì năm giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Kiên trì giữ giới thì chúng ta mới có thể thành tựu được mục đích, lý tưởng của mình. Ví như, muốn làm bánh tròn phải ép bột vào khuôn tròn, muốn làm bánh vuông phải ép bột vào khuôn vuông. Cũng thế, chúng ta muốn trở thành con Phật thì phải ghép mình vào trong khuôn khổ giới luật của Phật. Năm giới nêu trên là căn bản của ba đời chư Phật. Tất cả chư Phật, chư Bồ-tát và các vị A-la-hán cũng từ năm giới này mà thành tựu đạo quả. Ai giữ được năm giới này thì người đó là con Phật, ai phạm vào năm giới này thì người đó là con Ma.
Phật khác Ma ở chỗ nào? Đức Phật có rất nhiều đặc tính. Ngài có đến mười danh hiệu cao quý là: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Ngài là bậc vô lậu, bậc đại trí, bậc đã thanh tịnh ba nghiệp và bậc đã giải thoát mọi ràng buộc khổ đau trong tam giới, lục đạo. Ở đây, tôi chỉ đưa ra ba đặc tính của đức Phật để làm tiêu chuẩn so sánh thế nào là Phật, thế nào là Ma. Ba đặc tính đó là: có trí tuệ, có lòng từ bi và không làm điều tội lỗi. Phật có đầy đủ ba đặc tính này còn Ma thì không. Trong cuộc sống, nếu chúng ta luôn thực hiện những việc làm có tính chất trí tuệ, từ bi và không tội lỗi thì mình là con Phật; ngược lại, nếu hành động của chúng ta không có trí tuệ, không có lòng từ bi và gây ra điều tội lỗi thì mình là con Ma.
Để chính thức trở thành Phật tử, chúng ta phải quy y Tam Bảo và thọ trì năm giới. Phật tử là con Phật. Con Phật thì phải nghe theo lời dạy của Phật, mà căn bản nhất là phải giữ năm giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Giữ được năm giới này là con Phật, phạm vào năm giới này là con Ma.

 

Rate this post

Viết một bình luận