Con cà cuống là gì?
Chủ đề Động vật quý hiếm
7106
5/5 – (14 bình chọn)
Cà cuống hay còn gọi là đà cuống, long sắt có tên khoa học là Lethocerus indicus Lep. et Serv. Thuộc loại côn trùng họ Chân bơi Belostomatidae sống dưới nước, bộ Cánh nửa Hemiptera.
Đặc điểm
- Thuộc nhóm côn trùng có kích thước lớn, hình lá, có thể dẹt.
- Màu nâu đất hoặc vàng xỉn, dài khoảng 7 – 8cm, có con dài 10 – 12cm.
- Khi non, cà cuống nhìn giống gián, dài 7 – 8cm và rộng khoảng 3cm, có màu nâu xám, có rất nhiều vạch đen.
- Đầu cà cuống nhỏ, có hai mắt to tròn, miệng ngòi nhọn có tác dụng hút thức ăn.
- Ngực cà cuống dài bằng 1/3 thân, có 6 chân khỏe và dài.
- Bụng có lông mịn màu vàng nhạt, trên có cánh mỏng nửa cứng nửa mềm.
Đặc trưng của cà cuống
Đây là loại côn trùng có bộ máy tiêu hóa dài 4 – 5 cm, bao gồm: ống đầu trên nhỏ gọi là cuống họng, đầu dưới phình to chứa nước có mùi hôi. Tiếp đến là hai ngòn nhọn con sát bầu chứa nước có thể thò ra thụt vào.
Dưới ngực, gần phía lưng là bọng cà cuống gồm hai ống nhỏ. Mỗi ống dài 2 – 3mm, rộng khoảng 2 – 3mm. Có màu trắng, trong chứa tinh dầu cà cuống, có mùi thơm. Ở con đực sẽ phát triển hơn con cái.
Tinh dầu cà cuống có mùi đặc biệt, gần giống mùi quế và nhẹ hơn nước.
Đặc tính sinh sống
Cà cuống sống được ở cả trên bờ hoặc đầm, ao, hồ, ruộng lúa. Các chân bè giúp chúng có thể bơi lội được, móng nhọn giúp kẹp chặt mồi.
Cà cuống có đôi cánh nhưng bay không khỏe. Về đêm, chúng có thể bay từ dưới ruộng, ao, hồ lên bờ đến nơi có ánh điện. Do chúng là loài côn trùng rất nhạy cảm với ánh sáng điện.
Chúng là loài côn trùng háu ăn, tấn công và hút máu nhiều động vật thủy sinh như tôm, cá con, tép, nhái, trai…
Thực trạng
Hiện nay, ở nước ta cà cuống rất hiếm gặp do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Còn ở Thái Lan, Campuchia, cà cuống được bán khá đắt.
Công dụng
Cà cuống có chứa tinh dầu thơm được xác định là một hexanol acetat, dùng được như trứng và thịt. Chúng thường được dùng để:
- Chế biến thành món ăn
- Làm gia vị
Thực nghiệm y học cũng đã chỉ ra, tinh dầu cà cuống nếu sử dụng liều thấp sẽ đóng vai trò như một chất kích thích thần kinh. Nó giúp gây hưng phấn và tăng cường nhẹ khả năng sinh dục.
Cà cuống trong ẩm thực
Có thể sử dụng để chế biến thành món ăn hoặc làm gia vị tăng hương vị cho món ăn.
Làm món ăn
Từ xa xưa, cà cuống đã được sử dụng để chế biến thức ăn cho con người.
Ở châu Á, chúng được dùng làm thức ăn từ Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Myanma, Indonesia, Việt Nam.
- Thái Lan, cà cuống được gọi là mangda. Họ dùng toàn bộ cơ thể cà cuống, có khi bỏ cánh, bộ phận xơ cứng trộn với kiệu, hành, ớt, đường, thêm nước mắm, nước chanh vào tạo thành bột nhão nam prik mangda. Dùng bột này ăn với rau hoặc cơm.
- Ở Trung Quốc, cà cuống được xào với dầu mè ở Bắc Kinh và luộc lên, thêm một chút muối ở Quảng Châu.
- Tại Singapore, cà cuống được chế biến thành món fwai fa shim im được ưa chuộng.
- Miền Bắc nước ta, cà cuống bỏ cánh, duôi phụ và chân hấp cách thủy hoặc nướng lên để ăn. Hoặc cũng có thể để nguyên con thái nhỏ xào với mỡ để ăn hoặc có thể ướp với muối để tích trữ dùng dần. Cà cuống cái thường chỉ ăn trứng, hoặc có thể chiên, rang với cà cuống đực.
Gia vị cho món ăn
Cà cuống đực có bọng tinh dầu ở gáy, mùi thơm nhẹ như hương quế. Đây là gia vị quý được pha chế với nước mắm, đặc trưng của món ăn truyền thống như bún thang, bún chả, bánh cuốn.
Hiện nay, cà cuống còn ít nên người ta thường nướng hoặc hấp chín cả con để tinh dầu lan tỏa ra toàn thân. Rồi băm nhỏ hoặc để nguyên cả con cho vào lọ nước mắm, mỗi lần sử dụng vài giọt.