Việc thu hút đầu tư các dự án du lịch tầm cỡ xung quanh khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đang dần vẽ lên những gam màu tươi sáng cho vùng đất Chí Linh nói riêng, Hải Dương nói chung.
Hồ Thanh Long ở xã Lê Lợi (TP Chí Linh), nơi Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường đang đề xuất ý tưởng xây dựng khu du lịch sinh thái
Những dự án lớn
Hải Dương đang xem xét đề xuất ý tưởng xây dựng khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long (TP Chí Linh) với tổng diện tích 2.000 ha của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường. Doanh nghiệp này cam kết sẽ đầu tư gần 10.000 tỷ đồng với thời gian 10 năm vào dự án trên.
Khu vực hồ Thanh Long rộng trên 1.000 ha, trong đó 300 ha ở xã Hưng Đạo, 600 ha ở xã Lê Lợi (cùng TP Chí Linh), 300 ha tại xã Đan Hội (huyện Lục Nam, Bắc Giang). Khu vực này có cảnh quan thơ mộng, thoáng đãng, bốn phía núi đồi bao bọc; hệ thống rừng cây, môi sinh tươi tốt, xóm làng trù phú cùng hệ thống di tích lịch sử lâu đời.
Theo đề xuất của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường, khu vực hồ Thanh Long sẽ được xây dựng thành khu du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh, sinh thái tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Tại đây sẽ làm một số tượng đài, tháp chuông… trên các đảo nổi trong lòng hồ. Cải tạo chùa Thanh Long (chùa Gạo) thành ngôi chùa lớn. Xây dựng các khu dịch vụ, đón tiếp, khu nghĩ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí, văn hoá ẩm thực đặc sắc…
Nếu trở thành hiện thực, khu vực hồ Thanh Long sẽ có sức hút, quy mô tầm cỡ giống các khu du lịch đã khẳng định thương hiệu như hồ Núi Cốc, Bái Đính – Tràng An, Tam Chúc…
Ngoài ra, xung quanh di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đang thu hút nhiều dự án du lịch khác như dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu đô thị sinh thái, trung tâm bảo tồn di tích kết hợp du lịch văn hóa – tâm linh và dự án làm kinh tế dưới tán rừng trên địa bàn TP Chí Linh của Công ty CP Tập đoàn TH. Dự án khu đô thị, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng thể thao, vui chơi giải trí hồ Bến Tắm của Tập đoàn FLC. Dự án đầu tư khu du lịch Sông Quê của Công ty CP Du lịch và dịch vụ Sông Quê ở xã Lê Lợi…
Có thể thấy khu vực hồ Bến Tắm thu hút nhiều dự án du lịch bởi nơi đây có khí hậu trong lành, mát mẻ, phong cảnh đẹp với mặt hồ rộng, xung quanh là đồi núi… phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng.
Khi các dự án du lịch đi vào hoạt động, khai thác sẽ là điểm kết nối, làm nổi bật khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc và có thể đón hàng chục triệu khách mỗi năm.
Theo ông Nguyễn Huy Thơm, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi, trên địa bàn có một số dự án du lịch đã được quy hoạch và thu hút đầu tư, hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và tạo việc làm cho lượng lớn lao động địa phương.
Di tích cổ kính đình Bến ở thôn Bến, xã Lê Lợi nằm trong khu vực hồ Thanh Long
Khai thác tiềm năng
Vùng đất Chí Linh có hệ thống di tích lịch sử dày đặc. Các di tích đều gắn liền với các danh nhân, nhân vật lịch sử nổi tiếng bậc nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống, những phong tục, lễ hội đặc sắc…
Không chỉ thuận lợi về vị trí, địa lý, giao thông, thiên nhiên còn ban tặng cho Chí Linh hệ thống suối, hồ cảnh quan kết hợp đồi núi, phong cảnh thơ mộng, hữu tình.
Nhiều chuyên gia du lịch từng đến, khảo sát đều nhận định những thế mạnh nêu trên hoàn toàn có thể đầu tư phát triển đa dạng loại hình du lịch có chất lượng cao về văn hoá lịch sử tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng… Trong đó lấy khu du lịch Côn Sơn – Kiếp Bạc làm trung tâm để mở rộng phát triển.
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, tiềm năng lớn là vậy nhưng để du lịch Chí Linh phát triển tương xứng rất cần sự chung sức của các nhà quản lý, doanh nghiệp và những người làm du lịch.
Đề án “Phát triển du lịch TP Chí Linh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” đã tập trung đánh giá tiềm năng và hiện trạng du lịch, quy hoạch mới về phát triển du lịch nhằm phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có. Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Chí Linh cho biết vùng phía tây với di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc và vùng phía bắc với chùa Thanh Mai đã được quy hoạch. UBND tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao, vui chơi, giải trí hồ Bến Tắm. Đây là cơ sở thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch.
Nguồn: Thế Anh – Thành Long (Báo Hải Dương)