Giải thích Thành ngữ – Tục ngữ
Quả thật là cha sinh mẹ dưỡng. Công cha mẹ sinh thành dưỡng dục to lớn như núi, mãi mãi mát trong dồi dào như nước trong nguồn chẳng bao giờ cạn. Con cái phải luôn ghi nhớ điều đó để phụng dưỡng đền ơn cha mẹ. Thế mới là người có hiếu, có nhân đức.
Công: Những việc làm.
Nghĩa: Tình cảm.
Thành ngữ đề cao công lao to lớn của cha, nghĩa tình cao cả của mẹ nuôi dạy con trưởng thành, khôn lớn.
Chuyện kể:
Ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo khó nhưng có lòng thương con vô hạn. Ngày ngày người cha vào rừng lấy củi, săn bắn những con thú nhỏ, kiếm mật, còn người mẹ thì trồng trỉa cấy nương đặng nuôi con khôn lớn trưởng thành.
Bỗng một ngày kia, hai đứa con sinh đôi không may bị bệnh nặng. Có người mách bảo rằng chỉ có sữa mẹ mới chữa lành bệnh cho con, mà sữa ấy chỉ từ một loài lá cây trên núi cao kia mới có. Từ ngày hai đứa con sinh bệnh, người mẹ lo lắng nhiều, lại gặp cảnh túng quẫn nên người mẹ ngày một gầy yếu, bầu sữa cho con bú càng cạn kiệt dần. Người chồng thương con bàn với vợ quyết đi tìm lá để có sữa chữa bệnh cho con. Nhìn đỉnh núi cao vút, vợ thương chồng, nhưng đành nén lòng để cho chồng khoác tay nải ra đi. Ngày lại ngày đằng đẵng, người mẹ ở nhà lo lắng, chờ chồng biền biệt chưa về. Thương chồng, thương con, người mẹ vắt kiệt bầu sữa còn lại rồi gửi con cho xóm làng chăm giúp để lên đường tìm chồng. Người mẹ vượt qua bao dốc cao, vực thẳm, rừng rậm, một hôm đến một vùng đất cao bằng phẳng, ở đấy có một hòn đá to, người mẹ mệt quá ngồi tựa vào hòn đá rồi thiếp đi. Bỗng hòn đá rùng rùng rồi như có âm thanh trong núi phát ra: “Mình ơi, chúng ta đã đến nơi có cây thuốc sữa chữa bệnh cho con rồi”. Người vợ hoảng hốt, nhưng rồi nhận ra tiếng vọng đó là của chồng mình. Biết chồng gặp nạn đã hoá thành hòn đá bèn gục đầu vào hòn đá mà khóc. Vì khóc nhiều quá người vợ gục đầu chết cạnh hòn đá. Hòn đá thấm nước mắt của người vợ ngày càng to ra, sừng sững trước trời đất. Còn nước mắt của người vợ thì cứ tuôn chảy mãi hoá thành suối chảy suốt ngày đêm.
Lại nói hai người con, thần Núi, thần Suối động lòng thương xót. Thần Núi, thần Suối biết rõ cha mẹ hai đứa có công, có nghĩa đi tìm thuốc tiên mà chết bên nhau nên đã hoá phép cho hai người con khỏi bệnh.
Lớn lên, hai người con càng khoẻ mạnh. Ngày ngày đi vào rừng, hay xuống biển họ vẫn thấy sừng sững trước mặt mình đỉnh núi và những dòng suối cứ tuôn chảy ngày đêm từ đỉnh núi xuống. Dân làng mới kể cho hai anh em nghe về câu chuyện của cha mẹ họ. Hai anh em thương nhớ cha mẹ mới làm lễ cúng thần Núi, thần Suối và gửi về trời lời biết ơn cha mẹ rằng: “Công cha như núi này, nghĩa mẹ tuôn trào như nước kia. Ngày ngày, chúng con không nguôi thương nhớ, nguyện một lòng đền đáp”. Sau này, dân trong vùng thấy ngọn núi lớn, sừng sững, mới đặt tên cho núi đó là núi Thái Sơn.
Từ chuyện hai anh em, dân vùng ấy truyền câu ca:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
————–
Quả thật là cha sinh mẹ dưỡng. Công cha mẹ sinh thành dưỡng dục to lớn như núi, mãi mãi mát trong dồi dào như nước trong nguồn chẳng bao giờ cạn. Con cái phải luôn ghi nhớ điều đó để phụng dưỡng đền ơn cha mẹ. Thế mới là người có hiếu, có nhân đức.
Từ chuyện trên người Việt đã khéo vận dụng vào ca dao đúc rút nên thành ngữ để giáo dục muôn đời.
(Theo “Đi tìm điển tích thành ngữ”. NXB Thông Tấn)