Công chính hóa là gì?

Chúng ta còn nhớ, một cuộc ly khai trầm trọng trong Hội thánh đã diễn ra hồi thế kỷ XVI do phong trào Cải cách mà ông Lutêrô đề xướng. Khi nói đến những nguyên nhân của phong trào Cải cách, người ta thường chỉ để ý đến các vấn đề liên quan đến kỷ luật, phong hóa hay là quyền bính trong Giáo hội, chứ ít ai nghiên cứu đến những vấn đề liên quan đến đạo lý đức tin. Thế nhưng, trên thực tế, ông Lutêrô không chỉ yêu cầu chấn chỉnh nếp sống kỷ luật và phụng tự, song ông đã đòi xét lại chính nền tảng đức tin Kitô giáo.

Thế nào  nền tảng của đức tin Kitô giáo? Có phải ở chỗ tin rằng đức Giêsu là Con Thiên Chúa hay không?

Không phải ở điểm đó. Ông Lutêrô chấp nhận những tín điều căn bản của đức tin Kitô giáo đã được các giáo phụ xác định, tiêu biểu nơi các tín biểu của công đồng Constantinopolis và Calxêđônia, về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, về mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật. Tất cả những mầu nhiệm này liên quan đến kế hoạch cứu độ nhân loại do Thiên Chúa ấn định, và được thực hiện nơi Đức Kitô, đặc biệt qua cuộc tử nạn và phục sinh. Vấn nạn của ông Lutêrô nêu lên liên quan tới cách thức lãnh nhận ơn cứu độ đó: làm thế nào để con người, (như chị và tôi), tiếp nhận được ơn cứu độ của Đức Kitô mang lại? Đó là căn gốc của vấn đề công chính hóa.

Ơn cứu độ có liên hệ gì đến công chính hóa đâu?

Có chứ. Để hiểu điều này, cần phải trở về với khái niệm về công chính. Từ “công chính” được dịch bởi từ “iustitia” trong tiếng La-tinh. Tuy nhiên, cần biết rằng từ “iustitia” cũng như các từ tương đương trong các ngôn ngữ Tây phương, có thể dịch là 

công chính, công bằng, công lý, 

tùy theo mạch văn. Khi bàn đến các mối tương quan trong xã hội, nó được dịch là “công bằng”, theo nghĩa là “của ai thì trả cho người đó”; đối lại là “bất công”. Để khiếu nại về tình trạng bất công và thiết lập công bằng, người ta nại đến “công lý”. Những ý nghĩa vừa nói chỉ giới hạn trong các mối liên hệ giữa con người với nhau mà thôi. Còn trong Kinh thánh, thì từ “iustitia” còn mang thêm một chiều kích khác nữa, đó là mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa. Dĩ nhiên, ta có thể hình dung rằng Thiên Chúa công bằng vô cùng, không thiên tư ai hết; Ngài không bị đam mê dục vọng làm mù quáng khi xét xử. Chúng ta tạm gọi là Ngài công minh.

Đồng thời Ngài cũng rất nghiêm thẳng, thẳng tay trừng phạt hết mọi tội lỗi, không làm ngơ một lỗi nào, phải không?

Theo lý luận tự nhiên thì quả đúng như vậy. Thế nhưng Đức Kitô đã mặc khải cho ta chân dung của Thiên Chúa Cha giàu lòng lân tuất. Thiên Chúa không xét nét các chi tiết vụn vặt của con người yếu đuối, nhưng Ngài đã lấy tình thương để tha thứ. Dù sao, trước khi đi sâu vào vấn đề này, chúng ta cần phải trở lại với khái niệm công chính đã. Như vừa nói, trong mối tương quan xã hội, một người được coi là “công bằng” hay “bất công” tùy theo họ có tuân giữ công lý hay không. Còn trong tương quan với Thiên Chúa, thì con người có thể gọi là công chính khi sống theo luật của Ngài. Đối lại là tình trạng “bất chính”, chứ không phải là “bất công”. Xét về từ ngữ, sự phân biệt giữa công bằng và công chính (hoặc bất công và bất chính) chỉ có trong tiếng Việt, chứ trong các tiếng Tây phương thì chỉ có một từ như nhau: justus và injustus. Như vậy, khi nói đến vấn đề “công chính hóa” thì chúng ta đang ở trong bối cảnh của mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa.

Tại sao vấn đề được đặt lên?

Nên biết vấn đề không phải là do ông Lutêrô gợi lên, nhưng là nằm trong thư của thánh Phaolô gửi các tín hữu Rôma, bao gồm suốt 11 chương đầu, với luận đề được tóm lại ở chương 3 từ câu 21 đến 30. Do tội lỗi, con người đã mất sự công chính trước mặt Chúa. Thế nhưng, làm mất sự công chính thì dễ chứ lấy lại sự công chính thì khó. Con người tội lỗi không thể nào tự mình trở lại tình trạng công chính nữa. Con người chỉ có thể được nên công chính nhờ ân sủng của Chúa. Ân sủng này được ban nơi Đức Giêsu Kitô. Nơi thập giá và sự phục sinh của Đức Kitô, Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ cho chúng ta. Đức Kitô hiến mình làm của lễ đền tội cho chúng ta. Nhờ vậy mà chúng ta được trở nên công chính.

Nói thế có nghĩa là nhờ Đức Kitô, tất cả mọi tội lỗi của chúng ta đã được tha thứ rồi; chúng ta không cần phải ăn năn thống hối nữa, phải không?

Đến đây chúng ta đi vào điểm gay cấn của vấn đề. Chúng ta tuyên xưng rằng Đức Kitô đã đền tội thay cho nhân loại rồi. Thế thì con người có cần phải làm việc đền tội nữa hay không? Chắc hẳn là con người phải làm cái gì đó. Chúng ta tạm lấy ví dụ để giải thích. Sau một thời kỳ đại hạn, chúng ta mong cho trời mưa xuống. Chúng ta không thể làm mưa được. Thế nhưng đến khi trời đổ mưa, thì điều kiện tối thiểu là chúng ta phải đem thúng đem chậu ra mà hứng, chứ nếu ta đào hầm trú ẩn bưng bít hết mọi ngóc ngách, thì làm sao mà hứng được nước mưa. Một cách tương tự như vậy, Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ cho chúng ta, nhưng chúng ta phải đón tiếp hồng ân đó thì chúng ta mới được cứu độ. Sự đón tiếp đó được gọi là tin. Điều này không những được thánh Phaolô nói tới ở thư gửi Rôma, mà cả thánh Gioan cũng nhấn mạnh, khi thánh sử ví Đức Kitô là ánh sáng được ban cho trần gian, nhưng có nhiều người ngại ra ánh sáng; họ thích đi trong tăm tối.

Tin  gì?

Đây là điểm đã gây chia rẽ giữa Công giáo và Tin lành trong quá khứ. Như vừa nói, thánh Phaolô cũng như thánh Gioan nhấn mạnh rằng “tin” như thái độ căn bản của con người để lãnh nhận ơn cứu rỗi. Thái độ này còn kéo dài ra suốt cuộc đời, đến nỗi có thể định nghĩa con người như là “tín hữu, tín đồ”. Thế nhưng, phải hiểu tin như thế nào? Có người hiểu “tin” như là hành vi của lý trí chấp nhận một chân lý, có người hiểu “tin” như là một tâm tình tín thác. Đi thêm một bước nữa, cuộc đời của người tín hữu không chỉ dừng lại ở khía cạnh lý trí hay tâm tình, mà còn phải diễn ra hành động, tức là những việc bác ái yêu thương. Trong Tân ước, chúng ta đã nhận thấy có nhiều quan điểm khác nhau về việc tin, cũng như những lối diễn đạt khác nhau về mối tương quan giữa “tin” với “hành”. Chẳng hạn khi đọc thư của ông Giacôbê 2,14-26, ta có cảm tưởng là ông này hoàn toàn đi ngược lại với Phaolô. Cần phải kiên nhẫn đọc các bản văn trong bối cảnh của chúng thì mới thấy rằng chúng bổ túc cho nhau; hay nói đúng hơn, chúng ta thấy việc “tin” bao hàm nhiều góc cạnh khác nhau.

Có phải nhờ sự nghiên cứu Kinh thánh tường tận hơn mà Công giáo và Tin Lành đã vượt qua những hiểu lầm trong quá khứ không?

Phải. Một dấu hiệu cho thấy là tại Âu châu, đã có bản dịch Kinh thánh đại kết, nghĩa là do các ủy ban gồm cả Công giáo lẫn Tin Lành. Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận rằng không phải tất cả mọi dị biệt đã được xóa bỏ. Ngoài mối liên hệ giữa đức tin và việc làm, còn một mối khó khăn khác nữa khi bàn về hậu quả của ơn cứu độ trong đời sống. Chúng ta biết rằng nhờ đức tin và phép rửa, chúng ta được lãnh ơn cứu độ của Đức Kitô. Chúng ta đã chết cho con người cũ, và đã mặc Đức Kitô, sống cuộc đời mới trong Thần khí. Đồng thời, chúng ta vẫn còn cảm thấy hoành hành trong chúng ta những đam mê của tội lỗi. Tại sao vậy: các đam mê ấy đã chết chưa? Chúng ta đã bị hủy diệt chưa? Có gì thay đổi lúc chúng ta lãnh bí tích rửa tội hay không? Phía Tin lành cho rằng về phía chúng ta chẳng có gì thay đổi cả; chỉ thay đổi về phía Thiên Chúa thôi, nghĩa là Ngài không còn chấp nhất nữa. Phía công giáo thì nói rằng có sự thay đổi thực sự nơi chúng ta. Tội lỗi đã được tha thứ. Các đam mê không nhất thiết là tội lỗi: chúng có thể trở nên tốt hay xấu là tùy trách nhiệm tự do của chúng ta.

Nếu vẫn còn những quan điểm khác nhau như vậy, thì sao dám nói là Công giáo và Tin lành đã đạt được sự thỏa thuận về sự công chính hóa?

Nên biết là bản tuyên ngôn được ký kết giữa Giáo hội Công giáo với Giáo hội Lutêrô, hay nói cho đúng hơn với Liên đoàn Lutêrô thế giới, một cơ quan được thành lập từ năm 1947, hiện nay bao gồm 57,6 triệu trong số 61 triệu tín đồ Lutêrô trên thế giới. Như vậy, Liên đoàn này không thay mặt cho toàn thể các Giáo hội Lutêrô, lại càng không đại diện cho tất cả các Giáo hội Tin lành phát sinh từ phong trào Cải cách hồi thế kỷ XVI. Bản tuyên ngôn gồm 3 phần. Phần thứ nhất trình bày những dữ kiện của Tân ước về sự công chính hóa. Phần thứ hai ôn lại những lối giải thích khác nhau giữa Công giáo và Tin lành vào thế kỷ XVI. Phần thứ ba xác định những gì mà ngày nay hai bên đã đạt được sự thỏa thuận (đặc biệt ở số 15). Sau cùng trong phần thứ bốn, văn kiện bàn đến 7 điểm mà đôi bên còn có những cách giải thích khác nhau. Dĩ nhiên có người nhấn mạnh tới phần thứ bốn, vạch ra những điểm khác biệt; có người thì chú trọng đến phần thứ ba, ở những điểm đồng nhất. Tuy nhiên, phần thứ hai không kém quan trọng, bởi vì cho thấy có những hiểu lầm trong quá khứ mà ngày nay đã vượt qua được. Một cách cụ thể là hai bên Công giáo và Lutêrô đã rút lại những án tuyệt thông cho nhau cách đây 4 thế kỷ, vì lúc đấy không hiểu rõ quan điểm của bên kia. Đây là một bước tiến không nhỏ trên bước đường tiến về hợp nhất.

Rate this post

Viết một bình luận