–
Thứ ba, 15/03/2022 18:47 (GMT+7)
Những cử chỉ của tình yêu , những lời nói âu yếm, ngọt ngào luôn mang lại hạnh phúc cho người thân yêu, tại sao ta không trao tặng nó?
Đừng “tiết kiệm” với người thân những cử chỉ âu yếm, yêu thương. Ảnh: Sao Mai
Đừng dè sẻn cử chỉ âu yếm với người thân…
Xin phép được mở đầu bài viết bằng lời được (hay bị) nhận xét rằng: “Vợ chồng bao lâu rồi, con cái cũng có đứa lớn, đứa bé rồi mà vẫn chịu khó “diễn sâu”: Nào là luôn nắm tay nhau, “hở ra là hôn nhau”, nhìn sâu vào mắt nhau rồi “anh yêu em”, “em yêu anh”…
Tại sao yêu nhau không để trong lòng mà cứ phải… như thế?
Từ nhận xét này, tôi mới dám nói lên nhận xét của mình về cách đối đãi với nhau của một số (khá đông) người Việt. Có nhiều người, từ lứa ngoài 30 trở lên, rất khô khan, cũng như vô cùng dè sẻn trong việc thể hiện tình cảm với những người ruột thịt hay với người bạn đời của mình. Mọi ngọt ngào trìu mến như thể phải cất sâu, cất kỹ trong lòng, dường như sợ lộ ra sẽ bị đánh giá là… “phường chèo”.
Nhiều người còn thừa nhận là từ khi trưởng thành, hầu như họ không ôm hôn bố mẹ mình, rất ít khi nói với các đấng sinh thành những câu như: “Con yêu bố/yêu mẹ lắm” và đặt lên những gò má nhăn nheo của họ những nụ hôn tràn đầy yêu thương, lo lắng hay nhớ nhung. Không ít người còn nói rằng không hiểu sao họ rất mềm mỏng lịch sự trong các mối quan hệ xã giao, nhưng với những người thân yêu nhất thì họ lại hay nhăn nhó, cáu bẳn, gắt gỏng “như khỉ ăn mắm tôm” từ những nguyên nhân chẳng đâu vào đâu.
Nhiều người đối xử với người bạn đời của mình còn khô khan hơn. Trong cuộc sống hàng ngày, họ chỉ trao đổi với nhau những việc cần phải trao đổi, mà ít trao nhau những câu nói và cử chỉ âu yếm. Ngạc nhiên nữa là có nhiều phụ nữ tâm sự điều rất đỗi thầm kín rằng, hầu như vợ chồng họ không còn hôn nhau nữa, kể cả khi ở trên giường. Trong những lúc ân ái, thay vì bắt đầu bằng những khúc dạo đầu tình tứ qua sự nóng lên dần của những nụ hôn thì chồng họ chỉ nhanh chóng “kéo cưa lừa xẻ”… cho xong việc.
Biết nói lời yêu đúng lúc và đúng “độ”
Ở một cực khác, với các mối quan hệ bên ngoài cánh cửa gia đình, nhiều người lại “đãi bôi” đến vô lý. Những lời nói có cánh nhưng nhạt nhẽo, “trăm voi không được bát nước xáo” được thốt lên một cách hào phóng, dễ dãi, nhạt đến mức nhiều người nghe phát ngượng, đặc biệt là chị em phụ nữ khi biết mình thực chất cũng chỉ được điểm trung bình về nhan sắc nhưng cứ bị khen vống lên rằng xinh, rằng đẹp…
Nhưng phổ biến nhất phải kể đến những “bốc” nhau về tài cán, năng lực. Những sự đối đãi đãi bôi “ba tấc lưỡi” ấy chiếm tỉ lệ phổ biến đến mức khiến cho có cảm giác những chân thật không có chỗ để đặt chân. Điều này dễ khiến người ta trở nên dè chừng với nhau hơn bởi những nghi ngại: “Họ nói vậy mà có khi không phải vậy. Biết đâu họ cạnh khoé mình!”
Trở lại vấn đề thể hiện ra bên ngoài những ngọt ngào tình tứ của tình yêu ở các cặp đôi yêu nhau hay các cặp vợ chồng. Tưởng đơn giản nhưng cũng có những nguyên tắc dành cho những nơi công cộng, đòi hỏi phải lịch sự. Nguyên tắc ấy là dẫu hôn môi nhưng cũng chỉ là những nụ hôn phớt chứ không phải hôn sâu, đầy mời gọi dục tính như những nụ hôn quá đỗi riêng tư của hai người khi ở trên giường.
Dẫu là không quy định bao nhiêu lần được nói câu: “Anh yêu em” hay “em cũng yêu anh” nhưng mấy từ này không bao giờ dễ dàng vung vít cho bất kỳ ai. Khi thốt ra một câu rằng mình yêu một ai đấy là một câu nói vô cùng thiêng liêng vì nó chứa đựng toàn bộ tình yêu đắm say dịu dàng của người nói dành cho đối tượng yêu đặc biệt của mình.
Ngay cả việc nắm tay nhau cũng vậy, nó không chỉ là dấu hiệu “khẳng định chủ quyền” một cách thầm lặng, mà còn thể hiện sự khăng khít của mối quan hệ. Trong quá trình nắm tay nhau, những lần những ngón tay đan vào nhau xiết chặt đều có ngôn ngữ riêng của nó. Ngôn ngữ ấy được hiểu là: “Có anh/hay có em ở bên mình đây. Đừng lo lắng gì cả. Lúc nào anh/hay em cũng ở bên mình…”
Thật là ấm lòng mỗi khi nhận được những nụ hôn, những ánh nhìn trìu mến hay những cái nắm tay ấm áp rồi siết nhẹ. Thật là trống vắng khi không có những điều ấy trong cuộc sống hàng ngày.
Vậy, tại sao nhiều người phải cất giữ trong lòng, mà không trao tặng nó cho người thân yêu?