Cùng Câu lạc bộ Báo chí & Truyền thông ngành PR lắng nghe “người đưa đò” nhân dịp tri ân 20/11 – Van Lang University

(P.TS&TT Văn Lang, 12/11/2019) – Chào mừng kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các thành viên Câu lạc bộ Báo chí – Truyền thông ngành PR của Trường Đại học Văn Lang đã có một bài phỏng vấn nhỏ dành tặng những “người đưa đò” thầm lặng của Khoa Quan hệ Công chúng Truyền thông và nghệ thuật.

Hằng năm, cứ vào độ tháng 11, khắp sân trường Văn Lang lại nhộn nhịp với khung cảnh sinh viên tất bật chuẩn bị chương trình đặc trưng của khoa và tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam. Nếu như mỗi khoa đều có chương trình văn nghệ đặc trưng đậm dấu ấn khoa, thì các câu lạc bộ cũng có những món quà nhỏ chứa đựng tình cảm của tất cả thành viên.

Là câu lạc bộ “sinh sau đẻ muộn” trong ngôi nhà chung Văn Lang, với đặc trưng nghề nghiệp của mình, Câu lạc bộ Báo chí – Truyền thông của các phóng viên & biên tập viên tương lai đã “bắt cóc, phỏng vấn nhanh” những người lái đò thầm lặng là các giảng viên ngành Quan hệ Công chúng – Khoa Quan hệ Công chúng – Truyền thông & Nghệ thuật. Hãy cùng lắng nghe tâm tư của những thầy cô đã dìu dắt và đồng hành cùng nhiều thế hệ sinh viên PR trước thềm 20/11 nhé!

PGS. TS. Phạm Ngọc Doanh – Trưởng Khoa Quan hệ Công chúng Truyền thông và Nghệ thuật

vlu clb bao chi tt tri an thay co b

Thầy có thể cho chúng em biết cơ duyên nào đã đưa thầy làm Trưởng Khoa Quan hệ công chúng – Truyền thông và Nghệ thuật Trường Đại học Văn Lang không ạ?

Rất đơn giản thôi vì Khoa Quan hệ Công chúng – Truyền thông & Nghệ thuật có 3 ngành, một là Quan hệ công chúng (PR), hai ngành khác thuộc về khối Nghệ thuật là Piano và Thanh nhạc. Cơ duyên quan trọng nhất là thầy yêu thích PR, từ lúc thầy làm ở Trường Nghệ thuật là thầy đã “mê” PR rồi.

Trong quá trình thầy công tác ở đây thì những thuận lợi và khó khăn của thầy là gì ạ?

Thuận lợi là thầy rất yêu thích sinh viên PR năng động. Sinh viên PR cũng rất ngoan hiền, chịu khó, vướng mắc hay bị kỷ luật rất ít. Khoa mình càng ngày càng đông nên niềm vui cũng có mà nỗi lo cũng có, phải quản lý số lượng sinh viên ngày càng đông, thầy vui thì nhiều mà lo thì cũng không kém.

Thầy có ấn tượng gì với ngành Quan hệ Công chúng không ạ?

Ấn tượng nhất với thầy là sự năng động của sinh viên Quan hệ Công chúng. Sinh viên PR còn nghệ thuật hơn cả sinh viên các ngành nghệ thuật. Các hoạt động mà sinh viên PR tham gia rất ấn tượng, từ khâu tổ chức chuyên nghiệp đến chất lượng các sản phẩm. Thầy đánh giá rất cao điều đó.

Với tuổi đời và tuổi nghề của thầy, không biết thầy có thể cho chúng em biết một quan niệm sống mà thầy tâm đắc được không ạ?

Thầy muốn nói với các em là “Làm nghề, đã chọn nghề gì là phải đam mê”. Phải đam mê thì mới giỏi được, dù là bất cứ nghề gì. Một khi các em đã chọn nghệ thuật hay chọn bất cứ nghề nào thì phải dám đương đầu với mọi thứ mà nó mang đến. Trong cuộc sống có những niềm vui, những nỗi buồn nhưng mình phải đương đầu, phải chấp nhận thì mới chiến thắng nó được.

Thầy Nguyễn Chí Hùng – Giảng viên Bộ môn Pháp luật Truyền thông

vlu clb bao chi tt tri an thay co c

Thưa thầy, thầy đã công tác ở Trường Đại học Văn Lang nói chung và Khoa QHCC-TT và NT nói riêng được bao lâu rồi ạ?

Thầy công tác ở Trường Đại học Văn Lang từ năm 2010 tới giờ.

Từ năm 2010 đến giờ đã là 9 năm, có thể được xem là khoảng thời gian dài. Vậy thì đâu là lý do giữ chân thầy ở lại với Khoa mình lâu đến thế?

Năm 2014, thầy bắt đầu gắn bó với Trường Đại học Văn Lang. Công việc giáo dục, gần gũi với các bạn sinh viên trẻ trung làm cho thầy cảm thấy vui, yêu đời. Thứ nữa, Trường Văn Lang mình thì em cũng thấy đó, phát triển rất tốt: cơ sở vật chất hiện đại, đẹp; nhiều diễn giả nước ngoài đến đây còn phải “choáng”, Nhà trường đầu tư rất lớn cho sinh viên. Lực lượng sinh viên đông đảo của ngành Quan hệ công chúng có thể cho thấy sự phát triển vượt bậc của trường. Đó là những thứ hấp dẫn đối với người công tác.

Trong quá trình truyền đạt kiến thức cho sinh viên, thầy thường đề cập “Thái độ quyết định đến 70% thành công của một cá nhân”. Tại sao vậy ạ?

Thái độ của các bạn sinh viên rất quan trọng. Những biểu hiện thái độ chưa tốt như đi học bữa đi bữa không, vào lớp không tập trung nghe giảng, sẽ dẫn đến hậu quả khi các em đi làm, khi đó người ta hướng dẫn mình một cách tỉ mỉ, mình cũng không tập trung nghe thì sao được. Những chuyện trong lớp mà thầy nhắc nhở sinh viên chẳng qua để rèn cho các bạn thái độ thật là chuyên nghiệp. Làm việc là phải chuyên nghiệp, từ giờ giấc cho tới tác phong, ăn mặc cho tới cách làm việc. Thái độ nó quyết định giá trị con người của các bạn.

Trường Đại học Văn Lang vừa đề ra 9 nguyên tắc văn hóa. Vậy thì đâu là nguyên tắc mà thầy cảm thấy tâm đắc nhất?

Trong 9 nguyên tắc của Văn Lang, thầy chọn nguyên tắc Kỷ luật là tâm đắc nhất. Theo thầy, cái làm nên sức mạnh của tập thể chính là tính kỷ luật. Đối với một người bình thường trong cơ quan, trong trường học, kỷ luật là chấp hành nội quy mà cơ quan, nhà trường đưa ra. Còn đối với bản thân, có khi mình phải tự đặt ra kỷ luật riêng cho mình, ví dụ như mỗi buổi sáng có bạn phải thức dậy tập thể dục trong vòng 30 phút, có người lại đặt ra mình phải chạy 5 cây số,… Kỷ luật này do tự mình đặt ra, giữ được coi như là thành công. Sinh viên cần phải tự bảo đảm tính kỷ luật trong mọi hoàn cảnh, đó là sức mạnh cho các bạn sau này.

 

Cô Lê Ngọc Thanh Mai – Giảng viên bộ môn Nghệ thuật nói trước công chúng

vlu clb bao chi tt tri an thay co d

Cô có kỉ niệm gì đáng nhớ trong quá trình giảng dạy cho sinh viên PR không ạ?

Điều mà cô nhớ nhất là những cái ôm của các bạn sinh viên PR năm 2. Lớp các bạn có một văn hóa rất hay: khi kết thúc môn học, thầy cô sẽ nhận những cái ôm của các bạn sinh viên. Cô cảm thấy rất đáng yêu, khiến cho cô dù dạy qua bao lớp khác nhau thì vẫn nhớ những cái ôm đó. Cứ mỗi lần ôm một bạn là cô sẽ gửi những lời chia sẻ, những lời chúc đến bạn đó, gần 100 bạn như vậy.

Cô có thể nhận xét sinh viên PR Văn Lang bằng 5 tính từ không ạ?

Điều đầu tiên mà cô nhìn thấy ở sinh viên PR Văn Lang là sáng tạo – chỉ cần đưa đề tài là các bạn có thể suy nghĩ rất nhiều hướng, nhiều ý tưởng triển khai. Thứ hai là năng động – các bạn luôn có lửa trong người, khiến các bạn luôn vận động. Thứ ba là linh hoạt – các bạn có sự thích nghi môi trường rất tốt, đặt vào đâu cũng có thể làm được. Thứ tư là tử tế – các bạn có những nét rất riêng, có sự văn minh nhất định dù cho có nổi loạn đến đâu. Cuối cùng là nhiệt huyết – các bạn luôn giữ được nhiệt huyết trong người, nếu không có nhiệt huyết đó thì các hoạt động của Khoa PR chắc chắn sẽ không thành công và không gây tiếng vang trong trường đến vậy.

Khi đi dạy, cô có đặc trưng như thế nào ạ?

Nếu bạn nào học cô Thanh Mai thì chắc chắn sẽ biết, lớp của cô có một văn hóa đã được kế thừa từ K23, K24, K25: cứ cuối giờ, cô và các bạn có một lời chào nhau. Khi cô nói K25PR, các bạn sẽ đáp lại cô VUI- TRẺ- KHỎE và vỗ tay ba cái. Đó chính là lời chúc cô dành cho các bạn. Thứ nhất: đã là một người trẻ thì các bạn phải vui trước đã, bạn vui, bạn yêu thích công việc thì bạn mới làm được. Thứ hai: bạn phải trẻ, bạn phải có thanh xuân để làm được điều đó. Thứ ba: bạn muốn làm thì phải khỏe mạnh và khỏe về tinh thần, khỏe toàn diện.

——————————————————-

Những “phỏng vấn nhỏ” với một số giảng viên hiện công tác tại Khoa Quan hệ Công chúng Truyền thông và Nghệ thuật Trường Đại học Văn Lang của các thành viên Câu lạc bộ Báo chí – Truyền thông là một trong nhiều hoạt động để tri ân thầy cô và giúp sinh viên hiểu hơn về thầy cô của mình. Các bạn có thể đọc thêm cảm xúc của thầy cô Khoa Quan hệ Công chúng – Truyền thông và Nghệ thuật Trường Đại học Văn Lang tại Fanpage của Câu lạc bộ Báo chí – truyền thông nhé. 

Nhân dịp Ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam – ngày tri ân các thầy cô giáo, xin kính chúc quý thầy cô dồi dào sức khỏe, đạt được nhiều thành công và luôn cống hiến hết mình vì các thế hệ sinh viên Văn Lang tiếp nối.

“CLB Báo chí và Truyền thông được thành lập vào tháng 5 năm 2015, là một CLB trực thuộc Khoa Quan hệ Công chúng – Truyền thông và Nghệ thuật của Trường Đại học Văn Lang. Câu lạc bộ ra đời với mục đích gắn kết các thành viên là sinh viên của Văn Lang nói chung và Khoa PR nói riêng có sự yêu thích, quan tâm đến các lĩnh vực liên quan đến báo chí, truyền thông, để trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau, giúp nhau cùng tiến bộ. Sau gần 4 năm thành lập, CLB Báo chí và Truyền thông đã từng bước hoàn thiện và tích luỹ kinh nghiệm thông qua nhiều hoạt động. Hy vọng trong tương lai, CLB sẽ tiếp tục duy trì và phát triển thật ổn định.”

A. H tổng hợp

 

 

Rate this post

Viết một bình luận