Cúng dường là dâng cúng các phẩm vật thiết yếu cho đức Phật và chư Tăng với lòng chân thành, cung kính. Cúng dường vốn là tiếng Trung Hoa, đọc theo âm Hán Việt là cung dưỡng hay cúng dưỡng, tiếng Việt chúng ta đọc thành cúng dường, người miền Bắc thì đọc là cúng dàng. Có lần, một Phật tử gửi cho tôi một bao thư, trong đó có một trăm nghìn đồng và một tờ giấy ghi: “Con xin cúng vườn thầy”. Có lẽ, người này chưa phải Phật tử, nên nghĩ cúng dường là “cúng cái giường nằm”, ghi thành “cúng vườn” chắc sẽ đúng hơn. Thực ra, từ cúng dường nghĩa là cung cấp hoặc dâng cúng, đồng nghĩa với các từ bố thí, biếu, tặng, dâng, hiến, cho. Nếu xét về mặt ngữ nghĩa, tất cả các từ trên đều có nghĩa là lấy những vật thuộc sở hữu của mình như tiền bạc, tài sản, nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ… đem cho người khác. Tuy nhiên, tùy theo đối tượng, địa vị, độ tuổi… mà sử dụng từ khác nhau. Đối với chư Tăng dùng từ cúng dường; đối với cha mẹ, những bậc tôn kính dùng từ biếu, dâng; đối với bạn bè dùng từ tặng; đối với những người dưới dùng từ cho hoặc bố thí; còn từ hiến dùng trong các trường hợp như: hiến máu, hiến xác, hiến tạng… Riêng từ bố thí, người Việt Nam chúng ta xem nó hơi thấp kém, thường sử dụng cho người dưới hoặc ăn xin. Tuy nhiên, nếu chúng ta tìm hiểu trong kinh tạng Nam tông, từ bố thí được dùng cho cả chư Tăng, các vị Bà-la-môn và những người tôn quý. Như vậy, bố thí ngày xưa với cúng dường bây giờ hoàn toàn giống nhau.
Thời đức Phật còn tại thế, các Phật tử cúng dường cho đức Phật và chư Tăng bốn thứ (tứ sự) là y phục, thuốc thang, ngọa cụ và thức ăn. Về sau, họ còn cúng dường cả nơi ở như: tinh xá Trúc Lâm do vua Bình Sa cúng dường, tinh xá Kỳ Viên do trưởng giả Cấp Cô Độc, vườn xoài do kỹ nữ Ambapali cúng dường… Những trú xứ của chư Tăng hiện tại, ngoài từ tinh xá ra, còn được gọi bằng rất nhiều từ khác, chẳng hạn như: tịnh xá, chùa, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, già lam, niệm Phật đường…
Ngày xưa, vào mỗi buổi sáng, đức Phật và chư Tăng ôm bát đi khất thực, tức đi xin ăn. Vì đức Phật và chư Tăng xin về để ăn, chứ không tự nấu, nên được gọi là khất sĩ. Tuy đều đi xin ăn, nhưng khất sĩ khác với khất cái. Khất cái thường là những người tàn tật, bệnh hoạn, đói khổ, lười biếng hoặc không làm ra tiền mà phải đi xin. Cách xin của họ là: đi ở ngoài đường hoặc đứng một chỗ nào đó, năn nỉ, van lơn, thể hiện vẻ ngoài rất đau khổ để người khác động lòng thương mà cho. Họ nhận bố thí không giới hạn, người ta cho bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu, đầy bát thì bỏ vào túi, đầy túi thì bỏ vào bao. Sau khi đem về, họ có thể sử dụng tiền xin được để ăn chơi, cờ bạc, rượu chè, trai gái… Bản thân họ có thể làm những việc xấu ác như: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu… Còn các vị khất sĩ là những người đầy đủ lục căn và sức khỏe, có khả năng làm ra tiền, thậm chí có vị còn thuộc dòng Sát-đế-lợi (tầng lớp vua chúa) hoặc Bà-la-môn (tầng lớp trí thức). Vì hạnh nguyện khất sĩ nên các vị ấy xuất gia tu học Phật pháp và nuôi thân mình bằng cách ôm bát đi khất thực. Cách khất thực của khất sĩ cũng khác khất cái: các vị ôm bát đi từng nhà, không quan tâm đến việc được hay không được cúng, nhà này không cúng thì sang nhà kia, không tỏ vẻ đói khổ để làm người khác động lòng mà cúng dường cho mình. Bình bát của khất sĩ được gọi là ứng lượng khí, nghĩa là khi đồ ăn đầy bát, vừa với sức ăn của mình, là các vị đi về, không phải đầy bát thì bỏ vào túi, đầy túi thì bỏ vào bao. Đặc biệt, chư Tăng thời đức Phật không nhận tiền bạc. Các vị sống một cuộc đời trong sạch, cao thượng, giữ gìn giới hạnh không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu…
Có lần, sau một thời gian dài xuất gia, đức Phật trở về hoàng cung để thăm vua cha. Đây là lần về thăm đầu tiên của Ngài. Khi đến thành Ca-tỳ-la-vệ thì trời cũng đã tối, Ngài nghỉ lại qua đêm tại công viên. Sáng hôm sau, cũng như mọi ngày, cùng với chư Tăng tháp tùng, đức Phật ôm bát đi vào thành Ca-tỳ-la-vệ khất thực. Hình ảnh oai nghi của những chiếc áo vàng thanh tịnh, trang nghiêm lần đầu xuất hiện ở thành Ca-tỳ-la-vệ đã khiến cho dân chúng rất ngưỡng mộ. Vua Tịnh Phạn nghe tin con mình về tới, vui mừng đi ra để đón con. Khi nhìn thấy đức Phật ôm bát đi xin, ông vừa mừng lại vừa buồn; mừng vì cha con bao nhiêu năm nay mới gặp lại, nhưng buồn vì thấy con mình thuộc dòng dõi vua chúa, từng ăn cao lương mỹ vị, dùng bát ngọc đũa ngà, có cơm bưng nước rót, kẻ hầu người hạ, thế mà bây giờ lại ôm bát đi xin thức ăn từ những người nghèo. Vua cha cảm thấy có điều gì đó nhục nhã. Sau một lúc thăm hỏi, ông nói với đức Phật: “Sao con về tới đây không vào hoàng cung để ăn cơm lại đi xin thế này? Dòng dõi của chúng ta không bao giờ đi xin như vậy”. Đức Phật mỉm cười và ôn tồn nói: “Dạ đúng, dòng dõi của vua chúa thì không đi xin ăn nhưng dòng dõi của khất sĩ thì đi xin ăn”. Sau đó, Ngài phân tích cho vua cha lý do tại sao mà các vị khất sĩ đi xin ăn: Sở dĩ con người chúng ta hơn thua, đấu tranh, gây biết bao nhiêu tội lỗi là do chấp ngã (cái ta). Ôm bát đi xin ăn sẽ phá trừ được cái bản ngã của mình. Đồng thời, đi như vậy cũng là để cho mọi người nhìn thấy hình ảnh cao quý mà phát tâm cúng dường, gieo cái duyên trong Phật pháp. Sau khi được đức Phật phân tích cho hiểu, vua Tịnh Phạn rất hoan hỷ, không còn buồn về việc con mình trở thành khất sĩ nữa.
Ban đầu, đức Phật và chư Tăng ngày nào cũng phải đi khất thực. Nhưng về sau, đôi khi, Phật tử thỉnh các Ngài về tư gia, hoặc họ đến thẳng tinh xá để cúng dường. Một số người đặt nghi vấn là: “Hiện nay, có những vị sư ôm bát đi khất thực lại nhận tiền, họ đứng trước các cửa hàng, thậm chí đứng ngay nơi bán thịt, bán cá, đợi khi nào người ta cho tiền mới chịu đi. Những trường hợp này là như thế nào?”. Thật ra, những người này chỉ là khất cái giả dạng khất sĩ, không phải là người tu chân chính. Khi đi qua Ấn Độ, tôi gặp một vài “vị sư” người Ấn cũng cạo đầu, đắp y, ngồi ở nơi các Thánh tích. Họ ngồi đó, người thì ôm bát, người thì đọc sách, người thì tọa thiền… Tôi hỏi dân địa phương: “Những vị sư này ở đâu? Họ tu như thế nào?”. Người ta trả lời rằng những vị đó tu theo mùa; nghĩa là, khi nào có khách hành hương, họ mới cạo đầu, đắp y và ra đó ngồi. Như vậy, họ cũng chỉ là khất cái nhưng mang hình tướng của khất sĩ, không phải là người chân tu, thật học.
Hình thức khất thực của chư Tăng thời đức Phật hiện nay vẫn còn tồn tại ở các nước như: Tích Lan, Thái Lan, Cao Miên, Lào, Myanmar… Riêng Việt Nam chúng ta, ngoài những vị khất sĩ bên Nam tông, còn có những vị khất sĩ là đệ tử, đệ tôn của tổ sư Minh Đăng Quang. Chư Tăng bên Bắc tông thì chỉ ở chùa, không ôm bát đi khất thực mà khuyến khích các Phật tử đem phẩm vật đến chùa để cúng dường.
Mục đích cúng dường Tam bảo của người Phật tử là để nuôi chư Tăng tu học, xây dựng cơ sở tự viện, góp phần hoằng dương Phật pháp. Tuy có người tại gia, người xuất gia, nhưng tất cả chúng ta đều là đệ tử Phật, đều phải có trách nhiệm đóng góp cho sự nghiệp tu học và hoằng truyền chánh pháp. Người tại gia lo về hộ pháp, tức phần vật chất. Người xuất gia lo về hoằng pháp, tức phần tinh thần.
Về mặt quả báo, việc bố thí, cúng dường giúp chúng ta biết buông xả, mở rộng lòng từ, trừ diệt tâm keo xẻn, ích kỷ, được nhiều người quý mến, được giàu có ở hiện đời cũng như đời sau. Trong kinh Tăng chi bộ, đức Phật có dạy năm lợi ích của sự bố thí: “Một là được nhiều người ưa thích. Hai là được bậc thiện nhân, chân nhân thân cận. Ba là tiếng đồn tốt đẹp được truyền đi. Bốn là không có sai lệch pháp của người gia chủ. Năm là khi thân hoại mạng chung, sinh lên cõi lành, thiện giới”. Và cũng trong kinh Tăng chi bộ, đức Phật dạy có ba phần thuộc về người bố thí: “Một là trước khi bố thí, ý được vui lòng. Hai là trong khi bố thí, tâm được tịnh tín. Ba là sau khi bố thí, cảm thấy hoan hỷ”. Như vậy, trước, trong và sau khi bố thí hoặc cúng dường, tâm của chúng ta phải vui vẻ. Ngoài ra, nếu không chấp có người cúng, không chấp có vật cúng và không chấp có người nhận thì chúng ta sẽ có phước báu vô lượng. Chúng ta hãy coi bố thí, cúng dường là việc đương nhiên, giống như đói thì ăn, khát thì uống. Hằng ngày, chúng ta cho thân thể của mình ăn ngon, uống bổ; đến khi thân thể này bị bệnh, có ai trách cứ, mắng chửi nó vì thấy tiếc những thức ăn, đồ uống mà mình đã dùng để nuôi dưỡng nó hay không? Chắc là không. Cũng như vậy, sau khi bố thí, cúng dường, chúng ta không nên chấp vào ba việc nêu trên, đặc biệt là không nên chấp có vật cúng; làm được như thế, chúng ta sẽ không rơi vào phiền não nếu có sự việc bất như ý xảy ra.
Chẳng hạn, bây giờ chúng ta cúng dường cho một ông thầy nào đó, mai mốt ông ấy hoàn tục, mình tiếc nuối than rằng: “Trời ơi! Hồi đó tôi cúng cho ổng ăn, bây giờ ổng ra đời, thiệt là uổng quá!” Nghĩ như vậy là không được. Hoàn tục là việc rất bình thường. Người Thái Lan, người Campuchia, người Lào và cả người Khơ-me ở miền Tây, Việt Nam đi vào chùa tu như một nghĩa vụ, sau thời gian ở chùa, ai thích thì ở lại tu tiếp, ai không thích thì ra đời, lập gia đình, sống như người bình thường. Trong đạo Phật, tất cả đều tùy duyên, còn duyên thì ở chùa, hết duyên thì ra đời. Cho dù người mình từng cúng dường do phạm vào trọng giới mà bị buộc phải hoàn tục, chúng ta cũng không nên cảm thấy tiếc nuối. Khi người ta tu mình cúng dường cho người ta ăn, như vậy mình cũng có phước. Người ta có làm điều gì sai trái thì đó là chuyện của người ta. Chúng ta không nên chấp vì nếu chấp sẽ phát sinh phiền não, không tạo được phước, nhiều khi còn gây thêm tội. Tôi từng nghe một vị thầy kể rằng: Có một bà đem đồ đến chùa cúng, một thời gian sau, vì thầy đó không làm theo lời bà đề nghị, bà giận quá đòi hết tất cả đem về. Cúng dường mà chấp có vật cúng sẽ tự rước lấy phiền não như vậy đó!
Người Phật tử thuần thành phải cúng dường bằng của cải làm ra từ lao động chân chính, không nên làm những nghề bất chính để có tiền dâng cúng Tam bảo. Đức Phật dạy trong kinh Tăng chi bộ rằng: “Có năm nghề buôn bán mà cư sĩ không nên làm: Một là buôn bán vũ khí. Hai là buôn bán người. Ba là buôn bán thịt. Bốn là buôn bán rượu. Năm là buôn bán thuốc độc”. Ngoài ra, trong các kinh khác, đức Phật cũng dạy không nên làm nghề đồ tể. Có người hỏi rằng làm những nghề trên để lấy tiền đi từ thiện hoặc cúng chùa có phước hay không? Tất nhiên, nhân nào quả nấy, làm phước thì có phước, làm tội thì bị tội. Thí dụ, một người có công với đất nước, được nhà nước khen thưởng và ban tặng rất nhiều huân chương. Thế nhưng, nếu người đó phạm tội cướp của, giết người thì có bị xử hay không? Chắc chắn là có. Không thể nói rằng: “Tôi có công với đất nước, tôi muốn làm gì thì làm”. Có công được thưởng theo công, có tội phải xử theo tội. Phật dạy phải nuôi mạng chân chính, không tán đồng chúng ta làm nghề bất chính, lấy tiền đó để cúng Phật. Chúng ta cúng Phật, dù ít ỏi, vẫn là tốt. Nếu không có tiền, thấy người ta phát tâm cúng, mình tùy hỷ cũng có phước. Trong bài Văn sám hối có đoạn viết: “hoặc tự mình làm, hoặc bảo người làm, hoặc thấy người làm mình vui mừng theo”. Chỉ cần vui mừng theo việc cúng dường của người khác là chúng ta đã có phước bằng họ rồi. Ngược lại, nếu chúng ta làm nghề bất chính để có nhiều tiền cúng dường thì phước đó không thể bù đắp nổi tội.
Đời sống của đức Phật và chư Tăng ngày xưa không ở lâu một chỗ, mỗi sáng đi khất thực, chỉ ăn ngày một bữa, không cất giữ tiền bạc, đi bộ không đi xe. Ngày nay, việc tu hành của chư Tăng đã có nhiều thay đổi. Đối với Phật giáo Nam tông, các vị vẫn ăn ngày một bữa, nhưng đã ở yên một chỗ, lâu lâu mới đi khất thực một lần, và có cất giữ tiền bạc. Riêng ở Việt Nam, có hệ phái Khất sĩ do tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng. Lúc đầu, chư Tăng thuộc hệ phái này cũng thực hành theo hạnh của Phật: y áo giống Phật; ăn ngày một bữa; không tự nấu mà đi khất thực; không ở lâu một chỗ, nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác; đi đâu cũng đi bộ; và không cất giữ tiền bạc. Thế nhưng, bây giờ họ cũng đã thay đổi: thỉnh thoảng mới đi khất thực, nhiều người ăn ngày hai đến ba bữa, ở tại một trú xứ, và có cất giữ tiền bạc. Còn chư Tăng bên Bắc tông, lâu nay ở chùa; ăn uống tự nấu, có thể ăn một, hai hoặc ba bữa tùy theo mỗi nơi; có cất giữ tiền bạc; đi đâu thì dùng phương tiện giao thông; y phục mặc không giống Phật hồi xưa. Y phục của Phật giáo Bắc tông tùy theo quốc độ: Việt Nam, Nhật Bản, Đại Hàn, Trung Hoa… mỗi nước mặc một kiểu khác nhau. Y phục của Phật giáo Nam tông vẫn giữ truyền thống nguyên thủy, Phật đắp y như thế nào thì họ đắp y như thế đó, nên rất dễ nhận biết. Khi đi qua Thái Lan, Tích Lan, Lào, Campuchia, Myanmar… chúng ta sẽ thấy, dù ở nơi đâu, các vị sư Nam tông cũng đều đắp y giống nhau cả.
Như vậy, việc sinh hoạt, tu học của chư Tăng thời Phật và thời nay có sự khác biệt. Ngày xưa, vì chư Tăng phải đi bộ khắp nơi để hoằng dương Phật pháp nên không ở lâu một chỗ. Còn ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật, chư Tăng có thể thường trú một nơi mà vẫn hoằng pháp khắp thế giới. Ngày xưa, Phật tử xây dựng tinh xá để cúng dường đức Phật và chư Tăng. Còn ngày nay, việc này rất khó và rất hiếm, ít ai phát tâm xây hẳn một tinh xá, một ngôi chùa, một thiền viện để cúng dường, nên chư Tăng phải tự vận động để có tiền xây dựng. Ngày xưa, chư Tăng ăn ngày một bữa. Còn ngày nay, chư Tăng phải làm việc nhiều nên ăn ngày hai, ba bữa. Ví như chiếc xe, chạy nhiều phải đổ xăng nhiều, đổ ít xe không chạy được lâu, mà hết xăng thì xe nằm một chỗ. Cơ thể con người cũng vậy, nếu hoạt động nhiều thì phải ăn uống nhiều. Ngày xưa, chư Tăng đi bộ. Còn ngày nay, chư Tăng phải sử dụng phương tiện giao thông, nếu đi bộ như thời đức Phật thì vấn đề hoằng pháp sẽ gặp rất nhiều hạn chế. Chẳng hạn như, Phật tử ngoài miền Bắc mời tôi ra đó giảng, nếu đi bộ chắc cũng phải mất mấy tháng trời, đi ra đi vào là hết nửa năm, tốn biết bao nhiêu thời gian. Trong khi đó, nếu đi máy bay thì cả đi lẫn về chỉ mất bốn giờ đồng hồ, còn nhiều thời gian để làm những việc khác.
Ngày nay, muốn độ chúng được đông, chúng ta phải có những cơ sở tu học rộng lớn và hiện đại. Ngay như hôm nay, quý vị về đây tu năm đến sáu nghìn người, chùa cũng phải có chỗ che mưa che nắng, không thể để quý vị ngồi ngoài trời. Khi quý vị nghe giảng trực tiếp ở giảng đường chính này, phải có máy khuếch đại âm thanh thì tất cả mới nghe được. Còn những Phật tử ở các giảng đường khác, phải dùng máy quay phim truyền hình ảnh và âm thanh xuống dưới cho họ xem, nghe. Khi quý vị công phu, phải có chuông, mõ, kinh, kệ. Trong lúc ngồi tu học đông như thế này, chắc chắn là quý vị rất nóng, muốn mát thì phải có quạt hoặc máy điều hòa. Đó là chưa kể chùa chúng ta định kỳ có tổ chức khóa tu Phật thất, Phật tử về đây tham dự với số lượng hai đến ba nghìn người, phải có chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ tắm giặt, chỗ phơi đồ… Mà chỗ ăn phải có bàn ghế; chỗ ngủ phải có mùng, mền, chiếu, gối; chỗ tắm giặt phải có xô, chậu, bàn chải; chỗ phơi đồ phải có móc treo… Trong số người về tu, chắc chắn có những người đau bệnh, vì thế lại phải có bác sĩ, y tá để lo về thuốc men. Chưa nói đến những trường hợp bệnh nặng phải có xe đưa đi cấp cứu.
Tất cả những vật dụng làm phương tiện tu học đều từ tiền mà ra. Vì không thể nào mỗi thứ đều đem đến chùa, cho nên quý vị cúng tiền, quý thầy sẽ lấy tiền đó mua những thứ cần thiết để đáp ứng nhu cầu tu học của đại chúng. Để tiện việc cúng dường, quý thầy nghĩ ra một cái thùng, gọi là thùng phước điền, thùng phước sương hoặc thùng công đức. Phước điền hay phước sương có nghĩa là ruộng phước. Khi cúng, chúng ta chỉ cần bỏ tiền vào thùng, rất là thuận lợi. Ở miền Bắc Việt Nam, một số thiện nam tín nữ đem theo tiền lẻ để cúng, nếu không có tiền lẻ, họ cũng sẽ đổi khi đến chùa. Ở phía trước chùa có dịch vụ đổi tiền lẻ, mình đổi mười nghìn thì người ta ăn hai nghìn, đưa lại cho mình tám nghìn. Các thiện nam tín nữ này cầm xấp giấy bạc hai trăm, năm trăm đồng vào chánh điện, thành kính để lên bàn thờ Phật một tờ, bàn thờ Tổ một tờ, bàn thờ Thánh một tờ, bàn thờ Hộ pháp một tờ; có người để lên dĩa trái cây ở phía trước tượng thờ; người cẩn thận hơn nữa thì để lên ngay bàn tay của Phật và Bồ Tát. Nói chung, tâm của họ rất chân thật, họ nghĩ rằng mình cúng như vậy Phật mới nhận được, còn bỏ vô thùng phước sương, sợ Phật không nhận được.
Thật ra, ngay khi còn tại thế, đức Phật đã không nhận tiền. Bây giờ, mình có cúng thì Ngài cũng không nhận. Chúng ta đến chùa cúng dường, đó là cúng cho chư Tăng hiện tiền. Quý thầy lấy tiền đó sinh hoạt, tu học, đồng thời làm phương tiện để hoằng pháp lợi sinh. Chúng ta bỏ tiền vào thùng phước sương cũng giống như gieo hạt giống xuống ruộng phước, sau này hạt giống đó sẽ lên cây và ra hoa, kết quả. Chúng ta phải hiểu rằng, người cúng có phước chứ không phải người nhận có phước, quý thầy chỉ là người làm những việc phước báu thay cho mình. Do vậy, khi cúng dường, chúng ta đừng mong quý thầy phải cám ơn mình, mà ngược lại, mình phải cảm ơn quý thầy đã thay mình tạo phước.
Chúng ta bỏ tiền vào thùng phước điền sẽ khỏi phải mất công đổi tiền lẻ. Mà chúng ta đổi như thế, tính ra cũng mất đi rất nhiều phước. Một người đổi mười nghìn thì mất hai nghìn, như vậy, mười người mất 20 nghìn, một trăm người mất 200 nghìn. Hãy tưởng tượng một nghìn đồng là một hạt giống, nếu bỏ mười nghìn vào thùng phước điền thì chúng ta có trọn vẹn cả mười hạt, bây giờ đổi ra chỉ còn tám nghìn, như vậy là mất đi hai hạt. Một hạt giống gieo xuống đất, gặp duyên tốt sẽ lên cây và cho ra rất nhiều quả. Mất đi hai hạt giống là mất đi biết bao nhiêu lợi ích của mình trong tương lai.
Có một bà Phật tử đến gặp tôi tâm sự rằng: Trước đây, bà đến chùa cúng dường đều bắt quý thầy ghi phiếu công đức; một thời gian sau, hiểu được Phật pháp rồi, bà không còn làm như vậy nữa. Bà nói: “Nghĩ lại ngày xưa cũng thấy tội cho quý thầy. Phật tử ở miền Bắc mỗi lần cúng dường đều bắt quý thầy phải ghi phiếu công đức. Quý thầy in phiếu công đức cũng phải tốn tiền. Mình nhận cái phiếu đó về nhà chẳng để làm gì, rồi mai mốt đem đi đốt cũng phí”. Cho nên, sau khi hiểu Phật pháp, bà nghĩ được rằng mình chỉ cần cúng là có phước rồi, đâu phải lấy cái phiếu công đức về mới có phước.
Ngoài cúng dường tiền, nếu cúng các phẩm vật khác, cần phải lưu ý xem chùa cần thứ gì thì chúng ta cúng thứ đó. Có lần, một Phật tử đến chùa thưa với tôi là xin cúng một bức tượng Phật. Tôi nói: “Chùa bây giờ tượng cũng đã đủ rồi, Phật tử nên cúng thứ khác có lợi hơn”. Phật tử đó hỏi lại rằng: “Vậy con nên cúng cái gì?”. Lúc đó, các khu vực giảng đường phía dưới thiếu ti vi, nên tôi khuyên rằng: “Chùa chúng ta một ngày tu có năm đến sáu nghìn người, các giảng đường khác phải truyền hình xuống, cần có ti vi để mọi người ngồi xem và nghe pháp, Phật tử nên cúng ti vi sẽ lợi ích hơn”. Phật tử đó nói: “Dạ!”. Thế rồi, đi về và mất tiêu luôn, không còn thấy lên chùa nữa. Mặc dù cũng biết rằng cúng ti vi có lợi hơn cho chùa, nhưng chắc là Phật tử đó quan niệm rằng mình đã phát tâm cúng tượng là phải cúng tượng cho bằng được, không chịu đổi thứ khác. Đây là một thứ chấp. Khi cúng dường, chúng ta phải cúng sao cho có lợi ích, không nên cố chấp như vậy. Chùa đủ tượng rồi, cúng nữa là dư, không để làm gì hết. Người ta nói: “Thờ thì dễ, giữ lễ thì khó”. Một tượng Phật nếu mình chăm sóc cẩn thận cũng đã mất nhiều thời gian, hằng ngày phải lau chùi cho sạch sẽ, rồi thắp nhang, trưng hoa, thay nước, bày đồ thờ cúng… Bây giờ, thờ thêm tượng nữa thì phải mất thêm càng nhiều thời gian. Trong chùa, không cần thiết phải thờ nhiều tượng, một tượng Phật Thích-ca là đủ rồi, làm gì mà tới hai, ba tượng Phật Thích-ca? Một lần khác, có Phật tử đến xin cúng ghế đá, tôi cũng nói: “Chùa đủ ghế đá rồi, Phật tử nên cúng cái gì cần thiết hơn, có lợi hơn”. Phật tử đó hỏi: “Vậy thì cúng cái gì ạ?”. Tôi trả lời: “Bây giờ các vùng sâu, vùng xa thiếu kinh sách, băng đĩa để tu học, mình dùng tiền cúng ghế đá đó để in kinh sách, băng đĩa, đem về vùng sâu, vùng xa cho mọi người xem sẽ có lợi ích hơn”. Phật tử đó cũng dạ lấy dạ để, nhưng về rồi là một đi không trở lại. Họ cố chấp như vậy đó!
Lại có người đem đến chùa cả trăm cuốn kinh Cứu khổ để ấn tống. Đây là những cuốn kinh photo, bìa rất xấu, giấy không được tốt, chất lượng in ấn cũng không đảm bảo. Những cuốn kinh như thế này, cách đây năm, mười năm (tính từ năm 2009), mình cho người ta rất thích nhận, nhưng thời buổi này thì không ai muốn nhận nữa. Nếu ấn tống kinh sách gì, quý vị nên liên lạc với chùa, chùa sẽ in ấn đàng hoàng, như vậy thì khi cho ai cũng muốn nhận, vì nhìn cái bìa đẹp là người ta đã thấy thích và muốn đọc rồi. Còn thời buổi này mà ấn tống kinh sách photo thì chỉ phí tiền, không có lợi ích gì hết, người ta mới nhìn đã mất cảm tình, mà không có cảm tình thì không muốn đọc. Ấn tống kinh sách là điều tôi rất tán thán. Thế nhưng, trước khi ấn tống, quý vị nên đến chùa gặp quý thầy hỏi thăm xem chùa cần kinh sách gì thì mình ấn tống kinh sách đó. Như vậy mới có lợi ích thiết thực. Khi đi thỉnh kinh sách, quý vị nên đến các phòng phát hành hay các cửa hàng văn hóa phẩm Phật giáo. Những nơi này có kinh sách bảo đảm về chất lượng in ấn, mặc dù thỉnh tốn nhiều tiền, nhưng sẽ có giá trị hơn. Nếu quý vị vì tiết kiệm mà đem đi photo, lỡ như chữ không rõ, thừa chỗ này thiếu chỗ kia, hay các trang bị sắp xếp lộn xộn… thì sẽ mất đi giá trị của cuốn kinh, cuốn sách. Ngoài ra, tôi lưu ý một điều nữa là quý vị phải biết rõ nội dung của kinh sách mà mình ấn tống. Nếu quý vị không hiểu, không biết thì khi nghe người ta nói ấn tống kinh sách có phước, quý vị lại đi thỉnh, đi photo những kinh sách không đúng với Phật pháp và không có giá trị về nội dung. Đem những kinh sách đó đến chùa chưa chắc quý thầy đã nhận. Thành ra, mình có tâm tốt, muốn ấn tống kinh sách nhưng cuối cùng lại bị lãng phí. Cho nên, tốt hơn hết là quý vị đến chùa hỏi quý thầy trước để biết chùa đang cần kinh sách nào. Ấn tống những kinh sách cần thiết mới mang đến lợi ích thiết thực. Quý vị nhất định phải lưu ý điều này.
Rồi lại có Phật tử cúng dường cho tôi một xâu chuỗi có hạt lớn bằng ngón chân cái. Chẳng lẽ từ nay đi đâu tôi cầm cái chuỗi đó đi? Chuỗi hạt tôi đang sử dụng cũng đã lớn hơn chuỗi của nhiều người, tôi cầm trên tay thấy như vậy là vừa rồi. Phật tử đó rất có tâm, nhưng cúng xâu chuỗi lớn như thế, tôi chỉ để treo chơi thôi chứ không thể sử dụng được.
Còn có trường hợp này nữa: Nhiều thầy ở các chùa tâm sự với tôi rằng, những tháng khác không thấy ai cúng gì, cứ tới tháng bảy là Phật tử đem gạo đến cúng rất nhiều, chùa ăn không hết, đem đi bán thì ngại, để lâu thì mốc. Chúng ta cúng dường phải tùy theo nhu cầu, chùa cần cái gì thì mình cúng cái đó, như vậy việc cúng dường mới thực sự đem lại lợi ích. Có lần, tôi đến thăm một vị sư thấy trong phòng của sư có rất nhiều gói quà. Tôi thắc mắc hỏi: “Những gói quà này sư chuẩn bị cúng dường trai Tăng ở đâu?”. Sư cười nói: “Không phải, những gói quà này là do Phật tử cúng cho tôi”. Vào ba tháng an cư kiết hạ, quý Phật tử thường đến chùa cúng dường trai Tăng; ngoài tiền và vật thực, mỗi vị còn cúng thêm một gói quà, trong đó có bàn chải, kem đánh răng, bột giặt, xà bông cục, khăn mặt… Tôi lại hỏi: “Số quà nhiều thế này sư dùng có hết không?”. Sư lắc đầu cười nói: “Không”. Tôi hỏi tiếp: “Vậy, sư để làm gì?”. Sư đáp: “Sau này có dịp đi từ thiện ở các vùng sâu vùng xa sẽ đem đến những nơi đó biếu cho dân nghèo”. Khi nghe sư nói vậy, tôi suy nghĩ rằng, cúng dường cũng phải có trí tuệ, nếu dồn vào ba tháng an cư mà cúng thì chư Tăng không thể dùng hết được. Quý Phật tử không nhận thức được là phải cúng những thứ cần thiết, để rồi những phẩm vật mình dâng cúng lên chư Tăng, mong muốn chư Tăng sử dụng lại bị đem đi biếu tặng cho người khác.
Những ngôi chùa ở thành phố lớn đã sung mãn, dư thừa về vật chất. Chúng ta nên đem tiền về cúng cho những ngôi chùa ở vùng sâu, vùng xa, nơi mà kinh tế còn khó khăn, dân chúng còn đói khổ. Những ngôi chùa đó chắc chắn rất thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt và đời sống, cũng không có đủ phương tiện để hoằng pháp lợi sinh. Cho nên, thay vì tập trung cúng cho những chùa ở thành phố lớn, chúng ta nên cúng cho những chùa ở vùng sâu, vùng xa, góp phần giúp chư Tăng, Ni ở đó có điều kiện sinh sống và hoằng pháp, như vậy thì đồng tiền của mình sẽ có nhiều giá trị.
Về vấn đề cúng dường tiền, quý Phật tử cũng phải sáng suốt. Khi cúng dường cho chư Tăng trong một ngôi chùa nào, ví dụ như chùa Hoằng Pháp, tốt nhất là quý vị nên bỏ vào thùng phước điền, quý thầy sẽ lấy tiền đó ra giao cho thủ quỹ của chùa. Vì chư Tăng sống chung, tất cả mọi sự ăn, mặc, ở, bệnh, học đều do chùa chi, nên việc cúng riêng cho một vị thầy nào đó sẽ gây ra sự bất hòa, ganh đua trong chư Tăng. Như quý vị đã biết, tiền bạc, sắc đẹp, danh lợi, ăn ngon, ngủ kỹ là năm thứ ham muốn, chúng có thể làm cho con người hư hỏng, ai mê đắm vào chúng sẽ bị sa đọa và dễ gây ra tội lỗi. Chúng giống như miếng mồi gắn vào lưỡi câu, ai cắn vào miếng mồi đó thì sẽ bị mắc câu. Người chăm chỉ càng có nhiều tiền thì càng làm ra của cải. Người làm biếng càng có nhiều tiền thì càng hư hỏng, sa đọa. Các vị xuất gia cũng vậy. Từ số tiền mà Phật tử tại gia cúng dường, vị nào tu giỏi sẽ làm được nhiều điều lợi ích cho bản thân, cho thí chủ và cho tất cả mọi người; ngược lại, vị nào tu kém rất dễ dẫn đến hư hỏng và sa đọa. Tiền bạc không có lỗi mà lỗi là ở người sử dụng. Người xuất gia giữ tiền mà biết sử dụng thì nó là một tên đầy tớ tốt, còn không biết sử dụng thì nó sẽ là một ông chủ xấu. Bản thân tôi cũng đã thấy rõ sự tai hại của tiền bạc. Vì tiền là một trong năm thứ ham muốn làm say đắm con người, nên ngày xưa đức Phật đã ngăn cấm, không cho đệ tử xuất gia giữ tiền. Nhưng hiện nay, trên thực tế, cả tu sĩ Nam tông lẫn Bắc tông đều cất giữ tiền bạc. Theo tôi nghĩ, nếu tất cả người xuất gia bây giờ làm đúng như lời Phật dạy, không chất chứa tiền bạc thì chắc chắn sẽ được an lạc và giải thoát.
Ngoài ra, khi bỏ tiền vào thùng phước điền, người cúng sẽ không bị vướng mắc tình cảm với một vị thầy nào và người nhận cũng không bị lệ thuộc vào một cá nhân nào. Đối với người nữ, nếu cúng tiền riêng cho một vị thầy quá nhiều lần sẽ gây bất lợi cho cả đôi bên. Lúc đầu, họ cúng cho quý thầy với lòng tôn kính; lâu dần sẽ sinh ra ái kính; lâu nữa sẽ phát sinh ái dục; lúc đó, lửa đã bén vào rơm rồi thì khó mà dập tắt được. Những phụ nữ còn trẻ đã có gia đình càng không nên quá chăm lo hoặc cúng dường riêng nhiều lần cho một vị thầy nào. Vì làm như vậy chồng mình sẽ nghi ngờ, rồi dẫn đến ghen tuông, phiền não, thậm chí sẽ coi các vị thầy như là kẻ thù. Do đó, chúng ta cúng dường phải có trí tuệ, nếu không hậu quả có thể sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Trong kinh Tăng chi bộ, đức Phật dạy: “Có năm loại bố thí xứng đáng bậc chân nhân là bố thí có lòng tin, bố thí có kính trọng, bố thí đúng thời, bố thí với tâm không gượng ép, bố thí không làm thương tổn mình và người”. Thứ nhất, bố thí có lòng tin. Tức là, khi làm việc bố thí, chúng ta phải tin tưởng rằng việc mình làm đã có nhân thì phải có quả. Thứ hai, bố thí có kính trọng. Tức là, khi bố thí cho một người nào đó, chúng ta phải làm với tâm kính trọng, nghĩ rằng họ cũng là vị Phật tương lai, không nên mang tâm cống cao ngã mạn, coi khinh người mình cho. Nói đúng ra, nếu trong cuộc sống này không có những người nghèo khổ thì làm sao mình có cơ hội để tạo phước. Giờ ai cũng giàu có thì mình cho người ta cũng không nhận. Có khi họ còn chửi mình nữa: “Tôi như vầy mà bà lại đem tiền cho tôi à?”. Vì thế, khi bố thí cho ai, mình phải cám ơn, phải cung kính, phải coi người ta như một vị Phật. Thứ ba, bố thí đúng thời. Tức là bố thí vào những lúc người ta đói khát, bệnh tật, tai nạn… Bố thí vào những lúc đó gọi là đúng thời. Thứ tư, bố thí với tâm không gượng ép. Tức là, chúng ta phải hoan hỷ, không bố thí một cách gượng ép. Thế nào là gượng ép? Ví dụ, mình đang ngồi đây, tự nhiên có ai đó kêu gọi mọi người bỏ tiền ra cúng dường, thật ra mình không muốn, nhưng biết bao nhiêu người ngồi xung quanh, mình không cúng thì cũng thấy ngại, nên vẫn bỏ tiền ra nhưng trong lòng thấy hơi xót. Đó gọi là gượng ép. Thứ năm, bố thí không làm thương tổn mình và người. Loại bố thí này chúng ta cần đặc biệt lưu ý. Như vừa nãy tôi có nói đến tình trạng người nữ cúng dường riêng cho quý thầy, nếu không khéo thì họ sẽ làm thương tổn cả mình và người. Bởi thế, khi bố thí chúng ta phải làm được hết cả năm loại mà đức Phật đã dạy ở trên, như vậy thì việc làm của mình mới được viên mãn.
Một số người thắc mắc rằng: “Có những chùa to, vật chất sung mãn, thế mà rất nhiều người tới cúng dường; trong khi đó, có những chùa nhỏ, vật chất thiếu thốn, nhưng lại rất ít người tới cúng dường, như vậy là sao?”. Theo thiển ý của tôi, có ba nguyên nhân người ta đến cúng dường cho những chùa to, vật chất sung mãn: Một là, chư Tăng ở chùa đó đã gieo duyên với Phật tử rất nhiều nên họ về cúng dường đông. Hai là, chư Tăng ở chùa đó tu hành giới đức trang nghiêm, các Phật tử cảm cái đức đó mà đến cúng dường. Ba là, chư Tăng ở chùa đó có nhiều hoạt động Phật sự lớn, các Phật tử thấy được những việc làm lợi ích đó nên đã đến cúng dường, ủng hộ. Những ngôi chùa to cũng giống như chiếc xe buýt chở được nhiều người vậy! Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp ngoại lệ, không thuộc ba nguyên nhân trên. Ví dụ như, do vị thầy trụ trì ở chùa đó khéo nói, khéo dụ dỗ hoặc khéo quảng cáo nên người ta mê mà đến cúng dường. Những trường hợp như vậy rất hiếm, nhưng không phải là không có. Còn những chùa nhỏ, thiếu hụt vật chất mà Phật tử lại ít đến cúng dường có thể là do một trong ba nguyên nhân sau: Một là, chư Tăng ở chùa đó không gieo duyên với Phật tử nhiều nên họ không đến cúng dường. Hai là, có thể chư Tăng ở chùa đó tu hành khiếm khuyết về giới nên Phật tử không đến cúng dường. Ba là, có thể chư Tăng ở chùa đó tu hành rất chân chính nhưng các vị chỉ chuyên tu, không muốn ai quấy rầy và cũng không muốn nhận phẩm vật cúng dường của ai. Những ngôi chùa nhỏ giống như chiếc xe đạp, xe máy, chỉ chở một, hai người mà thôi!
Trong kinh Tứ thập nhị chương, đức Phật có dạy rằng: “Cho một trăm người ác ăn, không bằng cho một người lành ăn; cho một ngàn người lành ăn, không bằng cho một người trì ngũ giới ăn; cho một muôn (10.000) người trì ngũ giới ăn, không bằng cúng dường cho một vị Tu-đà-hoàn ăn; cúng dường cho một trăm muôn vị Tu-đà-hoàn ăn, không bằng cúng dường cho một vị Tư-đà-hàm ăn; cúng dường cho một ngàn muôn vị Tư-đà-hàm ăn, không bằng cúng dường cho một vị A-na-hàm ăn; cúng dường cho một ức (100.000) vị A-na-hàm ăn, không bằng cúng dường cho một vị A-la-hán ăn; cúng dường cho mười ức vị A-la-hán ăn, không bằng cúng dường cho một vị Bích Chi Phật ăn; cúng dường cho một trăm ức vị Bích Chi Phật ăn không bằng cúng dường cho một Tam Thế Chư Phật ăn; cúng dường cho một ngàn ức Tam Thế Chư Phật ăn, không bằng cúng dường cho một vị Vô Niệm, Vô Trụ, Vô Tu, Vô Chứng ăn.”
Qua đoạn kinh trên, chúng ta thấy, đức Phật khẳng định rằng cho người ác ăn cũng vẫn có phước, nhưng không bằng cho người thiện ăn. Ví như chúng ta gieo hạt giống xuống một thửa ruộng cằn cỗi thì nó sẽ khó lên cây và khó ra quả. Ngược lại, nếu gieo hạt giống xuống một thửa ruộng màu mỡ thì nó sẽ lên cây dễ dàng và ra quả rất nhiều. Tương tự như vậy, cúng dường cho những vị tu hành chân chính chắc chắn sẽ có ích nhiều hơn là cúng dường cho những vị phá giới, phạm luật. Cũng qua đoạn kinh trên, đức Phật khuyên chúng ta nên bố thí cho mọi thành phần, nhưng để được lợi ích lớn cho mình và cho người thì chúng ta phải có trí tuệ. Nếu chúng ta biết gieo hạt giống vào đúng nơi, đúng chỗ thì phước báu có được sẽ nhiều vô lượng. Trong kinh Tăng nhất A-hàm, đức Phật dạy rằng: “Có ba căn lành chẳng thể cùng tận, tiến dần đến Niết-bàn. Thế nào là ba? Nghĩa là trồng công đức ở Như Lai, căn lành này chẳng thể cùng tận. Trồng công đức ở chánh pháp, căn lành này chẳng thể cùng tận. Trồng công đức ở Thánh chúng, căn lành này chẳng thể cùng tận”. Như vậy, theo lời Phật dạy, nếu chúng ta gieo hạt giống vào ruộng phước Tam bảo, trồng căn lành đối với đức Phật, đối với chánh pháp và đối với chư Tăng thì phước báu này là không cùng tận. Ngoài ra, trong kinh Pháp cú, đức Phật còn dạy rằng: Có người bố thí nhiều mà phước ít, có người bố thí ít mà phước nhiều. Người nào bố thí cho người khác cúng tế thần linh, ăn nhậu, ca múa… sẽ hao tốn nhiều tiền mà phước báu lại ít. Người nào cúng dường chư Tăng với tâm cung kính, giúp chư Tăng yên tâm tiến tu và làm lợi ích cho chúng sinh thì bỏ ra ít tiền mà phước báu rất nhiều.
Tóm lại, tất cả chúng ta, khi sinh ra và lúc từ giã cõi đời này đều chỉ có hai bàn tay trắng. Những gì của thế gian sẽ trả lại cho thế gian, không ai đem theo được một thứ gì. Tuy nhiên, bằng cách bố thí, cúng dường, người Phật tử và người có trí tuệ có thể giữ gìn và đem theo tất cả của cải mà mình làm ra. Chính bố thí, cúng dường là gieo cái nhân để mình hưởng quả về sau. Chúng ta gửi tiền vào ngân hàng của thế gian thì khi chết không thể mang theo, mà tiền lãi cũng chỉ được một vài phần trăm. Còn nếu biết đem số tiền đó bố thí, cúng dường, gởi vào ngân hàng nhân quả thì từ một nhân có thể tạo ra rất nhiều quả. Ví dụ như, gieo một hạt xoài, nếu chăm sóc tốt, nó sẽ lên cây, ra hoa, kết quả, từ một hạt xoài chúng ta có thể thu hoạch được hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn quả xoài. Do đó, gửi tiền vào ngân hàng nhân quả là bảo đảm nhất, không những thế cái quả nhận được còn gấp trăm ngàn lần cái nhân mà chúng ta đã gửi. Cuối lời, tôi sẽ đọc cho quý nghe một câu nói của vua Harsha, vị hoàng đế trị vì miền Bắc Ấn Độ từ năm 606 đến năm 647. Quý vị nên lắng nghe và chiêm nghiệm câu nói rất hay này của ông: “Ngày xưa, khi góp nhặt những của cải này, lúc nào trẫm cũng áy náy, e sợ, phải tìm cách cất giấu vào những nơi vững chãi, kín đáo. Nhưng ngày nay, do bố thí, trẫm có thể gởi gắm tất cả những thứ đó trên cánh đồng của phước lạc, và trẫm coi như những của cải ấy được giữ gìn mãi mãi.”