Cuộc khủng hoảng con tin Iran – Nước cờ sai của Nhà Trắng

Cho đến tận thời điểm này, tinh thần “bài Mỹ” và trạng thái thù địch với các chính sách của nước Mỹ vẫn luôn là “dòng chủ lưu” trong đời sống chính trị – xã hội tại Iran. Tâm lý ấy đã, đang và hứa hẹn sẽ còn ảnh hưởng trầm trọng đến các cuộc đàm phán liên quan đến hòa bình và ổn định tại Trung Đông. Vậy thì, từ lúc nào, Washington trở thành một kiểu “tử thù” của Tehran như thế?Dấu mốc ấy dường như bắt đầu được chính thức dựng nên, từ ngày 4/11/1979.

Sai lệch trên tầm cao

 Hơn 40 năm qua, đã có nhiều tài liệu được giải mật về một trong những vụ khủng hoảng con tin trầm trọng nhất của thế giới đương đại này.

Có rất nhiều khía cạnh đã được phân tích và mổ xẻ, và qua đó, thế giới chú trọng khá nhiều đến thất bại thảm hại của lính biệt kích Mỹ trong chiến dịch giải cứu mang tên Móng vuốt đại bàng (Eagle Claw), hoặc là những câu chuyện mang tính “truyền kỳ” về việc CIA sử dụng (và diễn dịch một cách sai lầm) năng lực của các nhà ngoại cảm.

Những tình tiết “giật gân” đó, có lẽ, đã che khuất một vấn đề cốt lõi: Washington đã có những tính toán, đánh giá và nhận định sai lệch về tình hình Iran, cả trước lẫn sau khi cuộc cách mạng Hồi giáo bùng nổ tại quốc gia này – cuộc cách mạng đã truất phế Quốc vương Iran Mohammad Reza Pahlavi, thành lập nền cộng hòa.

Ở đây, có lẽ cũng cần làm rõ thêm: Quyền lực của nhà vua Pahlavi đã được củng cố nhờ cuộc đảo chính do CIA thiết kế năm 1953, lật đổ thủ tướng dân cử là Mohammad Mossadeq, người có những chính sách cứng rắn khiến phương Tây lo ngại, đặc biệt là trong thời điểm “chủ nghĩa Mc Carthy” (chủ nghĩa chống cộng cực đoan) đang “làm mưa làm gió”. Sau cuộc đảo chính ấy, những nỗi bất bình dành cho Mỹ và phương Tây vẫn âm ỉ trong xã hội Iran, cho đến tận nửa sau thập niên 1970.

Cuộc khủng hoảng con tin Iran - Nước cờ sai của Nhà Trắng -0
Hình ảnh này đã khiến Tổng thống Mỹ Jimmy Carter phải chịu rất nhiều sức ép.

Có điều, những tin tức tình báo được đưa về thượng tầng chính trị nước Mỹ vào thời điểm đó lại tạo nên một sự lạc quan giả tạo đáng sợ. Theo AP,  tháng 8/1978, CIA báo cáo với Nhà Trắng: “Iran hiện không ở trong giai đoạn cách mạng hay thậm chí là tiền cách mạng. Tuy người dân Iran không hài lòng với sự kiểm soát chính trị chặt chẽ của Shah (nhà vua) Pahlavi, nhưng nó không phải là mối đe dọa với chính phủ Iran”.

Chỉ đến tháng 1/1979, tình thế đã hoàn toàn thay đổi. Dưới sức ép mạnh mẽ từ phe đối lập do Đại giáo chủ Khomeini – lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, người cực kỳ phẫn nộ khi cảm thấy các giá trị Hồi giáo (hệ phái Shiite) chân chính bị xâm phạm bởi hệ giá trị phương Tây – dẫn dắt, quốc vương Pahlavi buộc phải đào vong sang Ai Cập. Một tháng sau, Cách mạng Hồi giáo Iran 1979 chính thức bùng nổ.

Tuy nhiên, trước đó, Mỹ đã bán hàng tỷ USD các vũ khí quân sự tối tân cho Shah Pahlavi, thậm chí xem chính thể quân chủ đó là một trong những “bức tường thành ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản (từ Liên Xô)”. Mỹ cần Iran như một đồng minh then chốt tại khu vực, vừa để thu thập các tin tức quan trọng, vừa đóng vai trò một “tiền đồn” trên đường biên giới Đông – Tây của Chiến tranh Lạnh ở Trung Đông.

Và có lẽ bởi vậy, bởi cả quãng thời gian dài mối quan hệ Mỹ – Iran đã trở nên tương đối “khăng khít” dưới thời Quốc vương Pahlavi, nên Washington tiếp tục có những nhận định sai lầm chiến lược, trong tình hình mới. Có thể hiểu một cách ngắn gọn: Họ vừa tiếc nuối không muốn buông bỏ “những khoản đầu tư kếch xù” đã đổ vào Iran, vừa quá tự tin vào khả năng kiểm soát tình hình của mình. Và bên cạnh đó, còn là sự xem nhẹ các yếu tố văn hóa truyền thống, những điều đã khiến Pahlavi không thể giữ được vương vị, khi bị giới chức sắc tôn giáo cao cấp xem là “con rối của phương Tây”. Vậy nên, Tổng thống Mỹ khi ấy – Jimmy Carter – công khai đưa Shah Pahlavi rời thủ đô Cairo của Ai Cập tới New York “để chữa bệnh” – một động thái bị xem là thách thức thể chế mới ở Tehran. Mối quan hệ ngoại giao Mỹ – Iran chính thức sụp đổ. 

444 ngày bão táp

4/11/1979, chuyện các sinh viên Iran cực đoan ủng hộ Đại giáo chủ Khomeini trèo tường vào Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, bắt làm con tin hơn 60 nhân viên ngoại giao và công dân Mỹ, thực ra lại có thể coi là một “lễ kỷ niệm” đáng sợ. Mười lăm năm trước đó, 4/11/1964, chính là ngày Shah Pahlavi ra lệnh trục xuất Đại giáo chủ Ayatollah Ruhollah Khomeini.

Chi tiết này cho thấy rõ hơn rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo và phe đối lập ở Iran căm ghét cựu hoàng Pahlavi như thế nào, cũng như chuyện nước Mỹ giang vòng tay che chở ông khỏi nguy cơ bị dẫn độ về Iran để bị xét xử về những “tội ác” trong thời gian chấp chính là một động thái khinh suất ra sao.

Cuộc khủng hoảng con tin Iran - Nước cờ sai của Nhà Trắng -0
Khoảnh khắc mối quan hệ ngoại giao Mỹ – Iran hoàn toàn tan vỡ.

Theo giới quan sát quốc tế, vụ chiếm đóng này là cách thức để các nhà hoạt động cách mạng sinh viên Iran tuyên bố đoạn tuyệt với quá khứ, đặt dấu chấm hết cho sự can thiệp của Mỹ vào nội bộ nước Cộng hòa Hồi giáo mới. Đại giáo chủ Khomeini, tiếp đó, từ chối trả tự do cho các con tin. Tuy vậy, sau hai tuần, những người không phải công dân Mỹ, phụ nữ hoặc công dân Mỹ có gốc gác da đỏ bản địa bắt đầu được thả. 52 người còn lại tiếp tục bị giam cầm suốt hơn 14 tháng.

Trong cả quãng thời gian 444 ngày đó, cuộc khủng hoảng ngày càng trở nên tồi tệ, vì cả sự cứng rắn đến cực đoan của Tehran, và cũng vì cả cách ứng xử thiếu mềm mỏng khôn khéo của Washington.

Chịu áp lực từ dư luận trong nước đòi hỏi phải hành động quyết liệt, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter trượt từ sự bế tắc này đến tình cảnh vô vọng khác. Ông thẳng thừng từ chối những đòi hỏi của Tehran – trao trả Shah Pahlavi, đồng thời xin lỗi về những hành động của nước Mỹ, nhưng lại không có được kế hoạch dự phòng nào để có thể tiến hành những cuộc tiếp xúc và xử lý vấn đề bằng các công cụ ngoại giao. Ít nhất, không có điểm thỏa hiệp nào được xác định, để có thể đưa ra gợi ý “hạ nhiệt” căng thẳng. Thay vào đó, những hình thức cấm vận và trừng phạt liên tục được siết chặt. 

Do đó, Jimmy Carter quay sang phía Lầu Năm Góc, và lựa chọn hành động vũ lực. Tuy nhiên, nước Mỹ không thể mở một cuộc chiến tranh quy ước toàn diện mới với Iran, đặc biệt là khi “vết thương Việt Nam” vẫn còn tứa máu, và nhất là khi một cuộc chiến như thế sẽ có nguy cơ ép Liên Xô phải “động thủ”. Bởi vậy, chỉ lực lượng biệt kích Delta Force tinh nhuệ được giao nhiệm vụ – chiến dịch giải cứu mang tên Eagle Claw.

Diễn biến và kết quả của Eagle Claw là một câu chuyện khác, cũng đã khiến giới phân tích quốc tế tốn rất nhiều giấy mực suốt bao nhiêu năm. Mặc dù vậy, với kết quả thảm bại của cuộc đột kích ngày 24/4/1980 ấy, sự bất lực của chính quyền Jimmy Carter trong mối quan hệ căng thẳng với Iran càng được tô đậm. Nói cách khác, Washington đã phải trả giá đắt cho nỗ lực áp đặt ý chí của mình lên một dân tộc, và thậm chí là lên cả một nền văn minh cổ xưa.

Điều gì phải đến cuối cùng cũng đến. Cuối năm 1980, Jimmy Carter thất cử. Với Algeria đảm nhận vai trò trung gian, cuối cùng, những cuộc đàm phán ngoại giao cũng đã được nối lại giữa Iran và Mỹ. Ngày 20/1/1981, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân tổng thống Mỹ Ronald Reagan chấp nhận giải phóng gần 8 tỷ USD ngân khoản quốc gia của Iran bị đóng băng tại các ngân hàng nước ngoài. Ở chiều ngược lại, các con tin cũng đã được phóng thích sang Tây Đức, và chính Jimmy Carter bay sang châu Âu để đón họ.

Nghĩa là, cuối cùng, ngoại giao, thương lượng và thỏa hiệp dựa trên căn bản thấu hiểu về đối phương vẫn là lựa chọn đúng đắn nhất. Chỉ có điều, không ai dám chắc, những dư vị của bài học đắt giá năm 1979 ấy liệu có đóng góp được gì nhằm thay đổi cục diện mối quan hệ Mỹ – Iran hôm nay, vốn cũng đang “đóng băng” quanh câu chuyện về thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

*Hiện tại, cả Đại sứ quán Mỹ tại Tehran lẫn Đại sứ quán Iran tại Washington vẫn đóng cửa sau nhiều năm. Những gì còn sót lại của Đại sứ quán Mỹ được sử dụng một phần để làm bảo tàng, trưng bày hiện vật về cuộc chiếm giữ  năm 1979, và phần còn lại được dùng làm không gian sinh hoạt cho sinh viên.

* Sau cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Mohammed Mossadegh (19-8-1953), cuộc khủng hoảng dầu hỏa mang tên Công ty dầu Anh – Iran tiếp diễn. Quốc vương Mohammed Reza Pahlavi cho phép các công ty dầu hỏa của Anh, Mỹ và Hà Lan cùng khai thác với Iran. Quyết định của Quốc vương Shah Mohammed Reza Pahlavi bị phe đối lập phản đối dữ dội. Và sau khi Cách mạng Hồi giáo thành công, phía Iran cho rằng Đại sứ quán Mỹ tại Tehran là một “ổ gián điệp” của CIA.

Rate this post

Viết một bình luận