Trong hệ thống điêu khắc và kiến trúc chùa tháp Việt Nam. Cửu Phẩm Liên Hoa là một dạng tháp hết sức đặc biệt. Tháp nội tiếp trong một nhà phẩm thông ba tầng mỗi tầng 4 mái. Chúng được thiết kế dạng hình lục lăng hoặc hình bát giác với chín tầng hoa sen, trên một cái trục được nối từ đất đến trần của tòa nhà. Ở các đỉnh của các đa giác này thường được thiết kế những trụ chống đỡ, khiến cho toàn bộ tòa tháp có thể quay một cách dễ dàng. Chúng được chia làm 2 loại, loại mô tả ở trên thường bằng gỗ, còn một loại khác được xây bằng gạch đá, nên không quay. Các dạng tháp quay này được đoán định ra đời sớm nhất vào cuối thời Trần, và muộn nhất là thời Lê, cùng với sự thịnh hành của pháp môn Tịnh Độ, cho dù yếu tố Tịnh Độ đã được biết đến từ thời Lý với tín ngưỡng thờ Adiđà. Tuy nhiên các tháp Cửu Phẩm liên Hoa tồn tại cho đến ngày nay cũng chỉ còn lại có ba ngôi. Đây cũng là ba ngôi tháp đẹp nhất, có niên đại nằm gọn trong thế kỷ XVII khi tình hình tôn giáo cũng như xã hội có rất nhiều biến động. Đó là các Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Động Ngọ, chùa Giám (Hải Dương) và chùa Bút Tháp (Bắc Ninh). Sự xuất hiện của chúng không chỉ có ý nghĩa nhằm quảng bá tinh thần bác ái của Phật giáo đến quảng đại quần chúng nhân dân, mà còn thể hiện dấu ấn về lịch sử Phật giáo vào thời điểm chúng xuất hiện. Thường các chùa có xây dựng tháp Cửu Phẩm Liên Hoa là những ngôi chùa có vị trí là những trung tâm phật giáo hoặc gắn liền với các vị thiền sư danh tiếng. Ngoài ra sự xuất hiện của chúng ở thế kỉ này còn góp phần làm thay đổi diện mạo kiến trúc tổng thể của ngôi chùa và thể hiện tính vượt trội về kỹ năng kiến trúc mà các thế kỷ trước chưa hề có.
Về ý nghĩa, theo từ điển Phật học Hán Việt, “Cửu Phẩm” trong kinh sách Phật giáo có nhiều dạng loại khác nhau. Cửu Phẩm Liên Hoa có nghĩa là chín tầng hoa sen hay còn được gọi là Cửu Phẩm Liên Đài, Cửu Phẩm Tịnh Sát, hoặc Cửu Phẩm An Dưỡng. Đây là hình ảnh tượng trưng cho những phẩm bậc tu hành của Phật giáo Tịnh Độ tông, do đó nó còn có một tên khác nữa là Cửu Phẩm Tịnh Độ, có nghĩa là chỉ 9 phẩm khác nhau của cõi Tịnh Độ thuộc về Tây phương Cực lạc mà Phật Adiđà là giáo chủ. Đường tu đạt đến chính quả của Tịnh Độ gồm chín phẩm, mỗi phẩm tương ứng với một đài sen, và được phân thành các phẩm Thượng, Trung, Hạ. Mỗi đài sen ở các phẩm này tượng trưng cho mỗi kiếp đời khác nhau, ứng với những công quả vãng sinh khác nhau. Những đài sen càng cao, bông sen nở ra thì phẩm trật của nó càng cao, càng thanh khiết càng gần với tâm cốt lõi của Phật tính. Về mặt hình tượng thì Cửu Phẩm Liên Hoa mang tính chất học thuật nhưng đồng thời đối với đời sống dân dã, thì các tháp này có công năng chủ yếu là dùng để vãng sinh Tịnh Độ cho dân gian thoát khỏi bể khổ trầm luân với những phương thức thực hành đơn giản. Thường các nghi lễ vãng sinh này do các nhà sư trụ trì tổ chức vào các dịp như ngày rằm hàng tháng hoặc ngày xá tội vong nhân – rằm tháng bảy hàng năm.
Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa xưa kia cũng là nơi để các Thiền sư tu luyện pháp môn Tịnh Độ. Do đó, trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu chuyện hàng đêm tháp Cửu Phẩm thường phát ra những thứ ánh sáng kì lạ, đó cũng là lúc các sư tổ ngồi thiền tụng kinh. Các nghi lễ này ngày nay dường như không còn tồn tại. Trong tâm tưởng nhân dân tháp quay Cửu Phẩm này có hình thức như một cái cối xay, chỉ có điều khác biệt là nó không trực tiếp tạo ra cơm gạo mà nó giúp người tụng kinh có thể nhân lời tụng niệm đó lên đến 3.542.400 lần. Tức nó có thể giúp con người ta tìm thấy sự giải thoát trong tinh thần nhanh chóng hơn. Thế cũng có nghĩa là tạo ra “cơm gạo” cho tinh thần của con người.
Trích dẫn: Sách Cửu Phẩm Liên Hoa – Trang Thanh Hiền