Chương 5 – CÔNG TÁC TRUYỀN GIÁO VÀ CHỮA BỆNH TRONG TÂN ƯỚC
Phần Dẫn Nhập
Chúng ta đã xem các chương trước rằng:
Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời chữa bệnh “Ta là Giêhôva Đấng chữa bệnh cho ngươi ” (Xuất Ê-díp-tô 15:26).
Đấng Christ là Đấng chữa bệnh “Bởi những lằn roi của người mà chúng ta được chữa lành ” (1Phi-e-rơ 2:24).
Lời của Đức Chúa Trời là lời chữa bệnh “Ngài ra lệnh chữa họ lành ” (Thi Thiên 107:20).
Hội Thánh Tân Ước là hội thánh chữa bệnh “Có nhiều phép lạ dấu kỳ được làm ra bởi tay của các sứ đồ ” (Công vụ 5:12).
Ngày nay Đức Chúa Trời muốn Hội Thánh của Ngài là một công cụ chữa bệnh!
A. TRUYỀN GIẢNG PHÚC ÂM TRONG TÂN ƯỚC BAO GỒM PHÉP LẠ CHỮA BỆNH
Khi chúng ta nói về truyền giáo trong Tân Ước là chúng ta muốn nói đến kiểu mẫu truyền giáo được hà hơi, xức dầu và được trao cho quyền năng bởi Đức Thánh Linh và được ấn chứng bằng những dấu kỳ, phép lạ cặp theo chức vụ giống như Hội Thánh đầu tiên.
Bất hạnh thay nhiều giáo sĩ phương Tây dựa vào tài năng, sự huấn luyện, tính cách, khả năng tổ chức, quảng cáo …. và ít lệ thuộc vào Đức Thánh Linh. Do đó phép lạ rất ít cặp theo chức vụ của họ!
Trong Hội Thánh đầu tiên người ta chẳng có điều gì để đặt đức tin mình vào cả. Họ vui hưởng không vì uy tín hay khoe mình trước hội chúng. Họ không có các cơ sở lộng lẫy, các trường đại học hay cao đẳng. Họ có ít tri thức của xã hội như giáo dục, văn hóa và địa vị, thay vào đó họ bị xã hội ruồng bỏ.
Bất chấp những bất lợi đó, họ vẫn cứ thành công trong “việc đảo lộn xã hội cho Đấng Christ “. (17:6). Nếu ngày hôm nay chúng ta sử dụng các nguyên tắc rõ rệt nầy trong chức vụ, thì chúng ta sẽ có kết quả giống như vậy.
Dấu kỳ, phép lạ và chữa bệnh là yếu tố quan trọng để Hội Thánh đầu tiên được tăng trưởng. Sách Công vụ các sứ đồ đầy dẫy các phép lạ mà Đấng Christ đã làm qua các tín đồ đầu tiên này.
Sách công vụ không chỉ là một chứng cứ lịch sử của thời kỳ đó mà còn là bản thiết kế thiên thượng dành cho Hội Thánh trong mọi thời đại. Đức Chúa Trời không bao giờ muốn phép lạ biến mất sau cái chết của mười hai sứ đồ của Chiên Con. Phép lạ không chỉ cho Hội Thánh đầu tiên, mà còn cho chúng ta ngày hôm nay nữa! Chúng ta hãy nhìn những hiệu quả năng động của phép lạ trong các chương trình của Hội Thánh đầu tiên.
B. TÁC DỤNG NĂNG ĐỘNG CỦA PHÉP LẠ
1. Phép Lạ Thu Hút Nhiều Người
Điều này là thật trong chức vụ của Chúa Jesus: “Nhiều người thấy phép lạ Ngài làm thì tin danh Ngài ” (Giăng 2:23).
“Một đoàn dân đông theo Ngài vì từng thấy phép lạ Ngài làm cho những kẻ bệnh ” (6:2).
Điều này cũng đúng trong chức vụ của các sứ đồ: Phép lạ xảy ra tại cửa Đẹp (Công vụ 3:1-6) kết quả là 5.000 người trở lại với Đấng Christ (4:4).
“Bấy giờ có nhiều phép lạ làm ra trong dân bởi tay các sứ đồ. .. Số người tin Chúa càng thêm lên nam và nữ đông lắm ” (5:12, 14)
“Dân ở các thành lân cận cũng lũ lượt kéo tới thành Giêrusalem, đem đến những người đau đớn và những kẻ bị tà ma khuấy hại, hết thảy đều được chữa lành ” (Công vụ 5:16).
2. Phép Lạ Khẳng Định Sứ Điệp
Chúa Giêxu nói trước rằng những dấu lạ siêu nhiên sẽ kèm theo lời giảng của Tin Lành thật. “Vậy những kẻ tin sẽ được các dấu lạ này ” (Mác 16:17, 18) Một trong năm dấu lạ là: “đặt tay trên kẻ đau thì kẻ đau sẽ được lành ” (16:18)
“Vả đoàn dân đồng lòng nghe những gì Philip nói, nghe và thấy các phép lạ người làm ” (Công vụ 8:6).
Sự suy luận rất rõ. Dân chúng cảm động bởi uy quyền của Philip khi họ thấy các phép lạ kèm theo chức vụ của người, và thường chú ý nghe lời người nói. Vì cớ đó trong thành vui mừng không xiết (8:8).
3. Phép Lạ Đáp Ứng Nhu Cầu Thực Tế Của Cộng Đồng
Đám đông dân luôn theo các sứ đồ vì có nhiều người bệnh muốn được chữa lành. Họ đến là vì sự chữa lành bệnh và nhiều người dầu đứng ở đàng xa nhưng vẫn nhận được nước Thiên Đàng.
Chữa bệnh và phép lạ luôn lôi cuốn đám đông. Ngày nay điều nầy cũng đúng như trong thời của Kinh thánh. Con người thường rất khó chấp nhận mình là tội nhân và cần Đấng Cứu Thế, nhưng không mấy khó khăn để thuyết phục người bệnh thấy mình cần được chữa lành. Vì người bệnh biết rõ nhu cầu của mình.
Sứ mệnh truyền giáo chân thật trong Tân Ước luôn đáp ứng những nhu cầu vật chất cũng như các nhu cầu thuộc linh cho con người.
4. Phép Lạ Chứng Minh Sự Phục Sinh Của Đấng Christ Từ Trong Kẻ Chết
Nhiều người tranh cãi các yếu tố phục sinh của Đấng Christ. Nhiều phép lạ Đức Chúa Trời thực hiện trong danh Chúa Jesus thuyết phục công chúng về sự thật của sự phục sinh. Nếu Đấng Christ vẫn còn chết, dĩ nhiên danh của Ngài không có quyền năng.
Khi Phierơ nói với các trưởng lão về sự chữa bệnh cho người đàn ông ở Cửa Đẹp, ông nói “hết thảy các ông và cả dân Isarel khá biết, ấy là nhơn danh Chúa Jesus ở Naxaret, Đấng mà các ông đã đóng đinh trên thập tự giá, và Đức Chúa Trời ĐÃ KHIẾN NGÀI TỪ KẺ CHẾT SỐNG LẠI, ấy là nhờ Ngài mà người này được lành mạnh, hiện đứng trước mặt các ông ” (4:10).
Phierơ nói đến phép lạ để minh chứng với họ rằng Đấng Christ thực sự từ kẻ chết sống lại.
5. Phép Lạ Đem Sự Vinh Hiển Cho Đức Chúa Trời
Chúng ta đọc đoạn văn sau ghi lại người mù được sáng “tức thì người sáng mắt rồi đi theo Ngài, ngợi khen Đức Chúa Trời. Hết thảy dân chúng thấy vậy đều khen ngợi Đức Chúa Trời ” (Lu-ca 18:33-43).
Một dịp khác, Chúa Jesus chữa cho người đàn ông bị bại “lập tức người đứng dậy, vác giường và đi trước thiên hạ; đến nỗi ai nấy đều lấy làm lạ, ngợi khen Đức Chúa Trời, mà rằng: chúng tôi chưa hề thấy việc thể nầy ” (Mác 2:12).
Về sự chữa lành cho người què tại nơi cửa, chúng ta đọc thấy “… bởi ai nấy đều ngợi khen Đức Chúa Trời về việc đã xảy ra ” (Công vụ 4:21)
6. Phép Lạ Đem Tín Đồ Vào Trong Quyền Năng Của Đức Chúa Trời
Phaolô nói với người Côrinhtô “Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép, hầu cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người bèn là trên quyền phép của Đức Chúa Trời (1Cô-rinh-tô 2:4, 5).
Khi quyền năng siêu nhiên của Đức Chúa Trời cặp theo tin lành, thì tín đồ được gây dựng bởi quyền năng đó. Sự khôn ngoan của loài người (triết học, lập luận, lý trí) không thể gây dựng người nam hay người nữ trong đức tin Cơ đốc.
C. CÁC NGUYÊN TẮC VÀ SỰ THỰC HÀNH CỦA HỘI THÁNH ĐẦU TIÊN SẢN SINH RA SỰ CHỮA LÀNH
1. Rao Giảng Lời Của Đức Chúa Trời
Bài giảng của Phierơ trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Công vụ 2:14-36) và bài giảng của Êtiên (7:1-60) là các thí dụ tốt về đề tài Kinh Thánh được rao giảng trong Hội Thánh đầu tiên.
Giảng lời Chúa lại mang sức mạnh uy quyền thiên thượng. Đức Chúa Trời luôn hỗ trợ Lời của Ngài
“Ta giữ lời ta đặng làm trọn ” (Giê-rê-mi 1:12).
Giảng lời Chúa cũng tạo ra đức tin cho người nghe “Đức tin đến bởi sự nghe, và nghe lời của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 10:17).
Giảng lời Chúa tôn cao Chúa Jesus Christ. Ngài là chủ đề lớn của sứ điệp, họ trích dẫn các lời tiên tri về Ngài. Họ chỉ rõ lời của Đức Chúa Trời nói trước về sự ra đời của Ngài và việc Ngài làm trọn lời tiên tri như thế nào. Họ chỉ rõ Chúa Giêxu thật sự là con của Đức Chúa Trời.
Lời giảng của họ cũng nói rõ uy quyền mà Đức Chúa Trời đặt trên Chúa Jesus.
Đề tài “Chúa Jesus Christ” là trọng tâm của việc rao giảng và dạy dỗ. Họ dạy rằng Đức Chúa Trời khiến Chúa Jesus có uy quyền tuyệt đối trên mọi sự. “Jesus Christ là Chúa”. Ngài là đề tài cơ bản trong sự dạy dỗ của họ.
Ngài là Chúa của mọi vật.
Ngài là Chúa sáng tạo
Ngài là Chúa Cứu chuộc.
Ngài là Chúa trên Satan, đã hủy phá mọi chủ quyền, mọi thế lực qua sự chết của Ngài trên thập tự giá
Ngài là Chúa trên mọi sự sợ hãi, đau yếu, bệnh tật và ma quỉ.
Dân chúng được giúp đỡ để thấy rằng chủ quyền của Đấng Christ được thiết lập trong đời sống của họ và cũng được thiết lập trên hoàn cảnh của họ nữa.
2. Thực Hiện Uy Quyền Thuộc Linh
Các lãnh đạo Hội Thánh Đầu tiên biết chắc uy quyền của Đức Chúa Trời trên đời sống của họ qua Chúa Jesus.
Chúa Jesus nói rõ với họ “Bất cứ điều chi mà các ngươi cầu xin TRONG DANH CỦA TA thì Cha sẽ cho các ngươi ” (Giăng 16:23). Ngài đã trao cho họ “quyền ủy nhiệm” để hợp pháp hóa quyền sử dụng danh của Ngài. Có nghĩa là hành động thay mặt Ngài.
Đối diện với người què, người tàn tật bẩm sinh, họ có cơ hội đầu tiên để sử dụng uy quyền mới vừa được ban cho “Ta không có vàng, bạc; nhưng điều ta có thì ta cho người: nhân danh Chúa Jesus ở Naxaret, đứng dậy và bước đi ” (Công vụ 3:6)
Trước sự ngạc nhiên của dân chúng, Phierơ đã làm rõ uy quyền trong Danh Jesus và bởi đức tin trong Danh đó, người què bây giờ đứng dậy trước mặt mọi người. (3:16; 4:10).
Chúa Jesus đã ra lệnh cho họ đi ra trong Danh của Ngài và sử dụng uy quyền của Danh Ngài (Mác 16:17, 18; Giăng 14:12-15; 15:16). Uy quyền này vẫn còn được trao cho Hội Thánh.
Các môn đồ đầu tiên biết họ là ai và uy quyền của họ là gì. Họ không trông cậy vào khả năng hay vào nguồn năng lực tự nhiên nào; họ tin cậy tuyệt đối vào uy quyền của Danh Jesus. Họ biết quyền năng của Đức Chúa Trời đứng sau Danh đó. Đức Chúa Trời làm cho quyền năng và uy quyền của Ngài ích lợi cho loài người trong Danh Jesus Christ.
Có sự chữa lành và sự trọn vẹn trong Danh Jesus. Khi chúng ta nói trong danh Ngài, ma quỉ khuất phục chúng ta và tật bệnh thối lui trước danh Giêxu uy quyền và quyền năng.
Chúa Jesus đã ban cho các bạn uy quyền của Danh Ngài, Ngài muốn bạn đi ra và thực hành uy quyền đó. Nhân danh Ngài mà nói, ra lệnh cho bệnh tật phải lui đi.
3. Khích Lệ Dân Chúng Nhận Sự Chữa Lành
Phierơ bước xuống nắm lấy tay người què và nâng người đứng dậy. Chính vào lúc người bệnh bắt đầu trỗi dậy trong đức tin, quyền năng của Đức Chúa Trời đã qua thân thể người và người được chữa lành hoàn toàn (Công vụ 3:7).
Nếu không có sự khích lệ tích cực của Phierơ, phép lạ có thể không xảy ra. Chức vụ chữa bệnh liên quan nhiều đến sự hướng dẫn cho người bệnh hơn là chỉ trao cho họ lời nói khích lệ mà thôi.
Đã nói với người bệnh bằng uy quyền thuộc linh trong Danh Jesus, giờ đây Phierơ giúp đỡ anh ta cách tích cực để làm điều anh ta không thể làm trước đây.
Hành động bằng đức tin này phóng thích quyền năng của Đức Chúa Trời lên chân tay của người què. Bàn chân và mắt cá nhận được sức mạnh. “Và người liền nhảy, đứng lên và bước đi cùng hai người vào đền thờ, vừa đi vừa nhảy vừa khen ngợi Đức Chúa Trời ” (3:8).
4. Rao Giảng Bằng Quyền Năng Của Đức Thánh Linh
Trong phòng cao, các môn đồ được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Đây là kinh nghiệm biến đổi đời sống. Họ trở thành những con người khác biệt khi họ được chìm ngập trong căn phòng đó.
Một trong những sự thay đổi rõ nét đã xảy ra đó là sự dạn dĩ mới. Phierơ là một thí dụ.
Trước ngày Lễ Ngũ Tuần, ông rất sợ hãi và có hành vi nhút nhát, sợ hãi đến nỗi phải chối không biết Chúa Jesus, không dám nhìn nhận với đứa đầy tớ gái là mình là người theo Chúa Jesus.
Giờ đây, ông chìm ngập, đầy dẫy sự tin cậy mới và sự dạy dĩ thánh khiết. Ông liền bắt đầu khai phóng sự dạn dĩ đó khi ông rao giảng về Đấng Christ trước đám đông.
Họ là những con người đã từng đóng đinh Chúa Jesus và chính họ là những người ông từng sợ hãi. Bây giờ ông công bố với họ quyền Chủ Tể của Chúa Jesus với uy quyền và sự dạn dĩ lớn lao.
4:8 là một ví dụ về lời nói dạn dĩ được Đức Thánh Linh hà hơi.
“Bấy giờ Phierơ đầy dẫy Đức Thánh Linh mà nói rằng. ..”.
Nhiều sự rao giảng ngày nay thiếu tính chất dạn dĩ này. Thay vào đó sự rao giảng của họ giống như sự biện giải về tôn giáo và yếu đuối. Một lý do là nhà truyền giảng thường trình bày ý tưởng riêng của mình thay vì công bố một cách trung tín lời của Đức Chúa Trời và sự dạy dỗ của Ngài.
Một lý do nữa là họ lệ thuộc vào tài giảng thuyết của họ thay vì sự xức dầu của Đức Thánh Linh. Họ rao giảng bằng lời dụ dỗ khôn ngoan của loài người hơn là bày tỏ quyền năng của Thánh linh.
Phao lô từ chối làm việc này dù ông có khả năng làm hơn thế. Sự huấn luyện giáo dục và tôn giáo của ông cung cấp cho ông khả năng để nói lời khôn ngoan của loài người nhưng ông từ chối, ông chọn sự lệ thuộc hoàn toàn vào sự hà hơi và xức dầu của Đức Thánh Linh.
5. Hành động dạn dĩ:
Người ta ngạc nhiên thấy sự dạn dĩ của Phierơ và Giăng và nhận ra phẩm chất dạn dĩ của họ là kết quả của quá trình theo Chúa Jesus. (4:13). Sự dạn dĩ của họ giống với sự dạn dĩ của Chúa Giêxu.
Đó không phải là tính tự tin phô trương nhưng là uy quyền tiềm ẩn của những ai biết rằng Đức Chúa Trời ở với mình để làm xác quyết và chứng thực lời của Ngài trong môi miệng và hành động của họ.
Khi chính quyền địa phương nghiêm cấm họ rao giảng và dạy dỗ trong Danh Jesus, câu trả lời của họ là cầu nguyện tìm kiếm Đức Chúa Trời một cách hết lòng để có được sự dạn dĩ hơn. (4:29).
Hành động dạn dĩ được sinh ra trong một người biết uy quyền được ban cho của mình và hành động trong phạm vi được phép. Trong chức vụ chữa bệnh, hành động như thế là kết quả của việc:
a. Biết rằng Đức Chúa Trời đã lập một giao ước chữa lành bệnh.
b. Biết thông suốt lời của Đức Chúa Trời có liên quan đến sự chữa lành
c. Biết ý muốn của Đức Chúa Trời trong vấn đề chữa bệnh.
d. Nắm chắc sự bảo đảm của đức tin rằng Đức Chúa Trời sẽ chữa lành bệnh cho người đó.
e. Tin rằng Đức Chúa Trời sẽ làm vững đạo của Ngài bằng các dấu hiệu cặp theo.
6. Làm nhiều dấu kỳ và phép lạ giữa vòng dân chúng
Hội thánh đầu tiên luôn bước vào cộng đồng địa phương qua chức vụ thi hành phép lạ mà Đức Chúa Trời đã ban cho họ (5:12).
Phép lạ phát họa sự trình bày của Tin lành và làm vững lẽ thật của sứ điệp.
Phép lạ lôi cuốn nhiều người (5:14).
Phép lạ thuyết phục kẻ vô tín rằng công việc này thực sự của Đức Chúa Trời.
Phép lạ, dấu kỳ là một trong những chìa khóa tối quan trọng để Hội Thánh mở cửa cho thế giới ngoại đạo.
Tin lành lan rộng nhanh chóng trong những năm gần đây bởi uy quyền rõ ràng trong chức vụ có phép lạ cặp theo.
Các phép lạ như thế vẫn là phần cần thiết của phúc âm. Vài người cho rằng phép lạ không lôi cuốn và thuyết phục con người vì con người càng ngày càng trở nên quá sành sỏi. Điều này không đúng!
Những sự bùng nổ lớn lao và những kinh nghiệm tăng trưởng nhanh chóng và rộng rãi của Hội Thánh ngày nay là phần lớn thuộc về nhóm người thực hành chức vụ làm phép lạ.
7. Liên Tục Dạy Dỗ Về Chúa Jesus
Sứ điệp của Hội Thánh đầu tiên là một sứ điệp rất đơn giản; họ rao giảng và dạy dỗ về Chúa Jesus (5:42).
Sứ điệp của họ không phức tạp vì muốn nhấn mạnh đến giáo phái của mình. Sứ điệp ấy cũng không được làm cho loãng đi và thỏa hiệp bởi tín lý hiện đại. Lời dạy dỗ của họ không được soạn thảo theo các lý thuyết thần học.
Họ không dạy dỗ một tín lý; họ giới thiệu một Con người. Họ không dạy dỗ văn tự luật pháp” đem đến sự chết. Họ hầu việc Đức Thánh Linh, Đấng ban cho sự sống (2Cô-rinh-tô 3:6).
Sự dạy dỗ của họ không bị giới hạn trong phạm vi nhà thờ. Họ dạy dỗ mỗi ngày ở mỗi nhà. Chúa Jesus được giới thiệu một cách thực tế trong đời sống mỗi ngày. Ngài không bị bỏ trong một cái tủ nhỏ tôn giáo, được ghi là: “Chỉ mở cửa trong ngày Chúa nhật mà thôi”.
Khi dạy dỗ về Chúa Jesus, họ tôn cao Ngài như là Chúa Tối Cao (Công vụ 2:36).
Họ giới thiệu Ngài là Đấng Cứu Thế duy nhất (2:38; 4:12)
Họ giới thiệu Ngài Đấng chữa bệnh Toàn năng (3:6-8, 16)
Họ giới thiệu Ngài là Đấng làm Báptem trong Đức Thánh Linh (2:38)
Họ bền đỗ và liên tục tôn cao Ngài trong các bài giảng và dạy dỗ.
Chức vụ của họ vừa mang tính hà hơi vừa mang tính dạy dỗ. Đó là sự truyền cảm hoặc chuyển giao một đức tin. Kinh Thánh nói rằng “Đức tin đến bởi sự nghe. .. nghe lời của Đức Chúa Trời ” Rô-ma 10:17). Nhưng thật đáng tiếc, đức tin đã vắng bóng trong những bài giảng dạy hiện nay.
Nhiều nhà truyền giảng ngày hôm nay có khuynh hướng làm hao mòn hay phá hoại đức tin hơn là xây dựng và làm mạnh mẽ đức tin.
Sự nhấn mạnh kiên định về phép lạ trong chức vụ của Hội thánh đầu tiên khích lệ sự xuất hiện của sự lãnh đạo ân tứ.
Cả Êtiên và Philip ban đầu được bổ nhiệm làm chấp sự Hội Thánh để phụ giúp trong công việc quản lý (Công vụ 6:1-7).
Nhưng sau đó khi nói đến Êtiên, chúng ta thấy ông đang truyền giảng sứ điệp bùng cháy cho đám đông dân chúng (7:1-60)
Phân đoạn Kinh Thánh kế tiếp nói đến Philip đã mô tả về chức vụ phép lạ của ông ở xứ Samari “giảng về Đấng Christ tại đó ” (8:5)
Phạm vi sứ điệp của Philip và bằng chứng về vấn đề mà ông nói đến trong khi giảng về Đấng Christ, được bày tỏ trong những điều bắt đầu hé mở cho người nghe.
Trong 8:12 Luca nói Philip rao giảng “các điều về nước Đức Chúa Trời và danh Chúa Jesus Christ”. (tất cả uy quyền của Danh đó có ý nghĩa với người nghe). Một đề tài sáng chói làm sao! ông đã giảng với những đề tài lớn là công bố đầy đủ Tin lành của Đấng Christ.
Trong bầu không khí của đức tin được Đức Thánh Linh và Lời của Đức Chúa Trời tạo nên, phép lạ bắt đầu xảy ra: “Vì có những tà ma kêu lớn tiếng lên mà ra khỏi nhiều kẻ bị ám, cùng kẻ bại và què được chữa lành cũng nhiều. Tại cớ đó, trong thành được vui mừng khôn xiết. (8:7, 8)
Philip là con người duy nhất trong Tân Ước được chỉ định rõ ràng làm “Nhà truyền giảng”. Vì vậy chức vụ của ông tại xứ Samari phải được xem là thí dụ điển hình của chức vụ rao giảng Tin lành.
Chức vụ đó bao gồm sự giảng đạo về Đấng Christ, nhưng đó cũng là chức vụ chữa bệnh và đuổi quỷ. Sự ảnh hưởng có được trong xứ Samari không thể lớn lao nếu không có các yếu tố phép lạ trong chức vụ của ông.
Mục đích và mong muốn của Đức Chúa Trời cho Hội Thánh ngày hôm nay là Hội Thánh có thể tạo một ảnh hưởng lớn trong thế giới vô tín. Điều này có thể xảy ra nếu chúng ta tin Đức Chúa Trời sẽ phục hồi quyền năng thi hành phép lạ lớn lao trên Hội Thánh.
Đức Thánh Linh đang vận hành khắp đất để làm trọn điều này. Hãy để cho lòng và tâm trí chúng ta mở ra cho Thánh linh để qua đó Ngài có thể làm trọn mục tiêu của Ngài trong chúng ta!.
D. THÁCH THỨC TRÊN CHÚNG TA
Mặc dầu trong những năm gần đây nền y học tiến bộ nhanh chóng và phi thường, nhưng lượng bịnh tật trên thế giới vẫn duy trì ở mức độ hết sức cao.
Khi y học khám phá ra những phương pháp điều trị và chữa bệnh hiệu quả cho một loại bệnh thì một loạt các thứ bệnh khác xuất hiện. Vậy nhu cầu chữa bệnh là nhu cầu lớn lao vẫn còn đó. Chắc chắn hoàn cảnh đau yếu và sự khốn đốn của nhân loại đem đến sự thử thách lớn lao cho Hội Thánh Cơ Đốc.
Sự thử thách đó đang được trả lời ở một mức độ nào đó với tài năng khéo léo của các bác sĩ và y tá Cơ Đốc. Họ đã tận hiến chính mình một cách không mệt mỏi, tìm hết cách để làm giảm bớt sự đau đớn của nhân loại.
Những người hầu việc Chúa cũng phải đối đầu với thử thách này. Đấng Christ đã ra lệnh cho các tôi tớ Ngài “Hãy rao giảng tin lành và chữa bệnh” Ngài giao trọng trách cho chúng ta làm dịu cơn đau cho nhân loại. Làm thế nào chúng ta có thể đáp ứng sự thử thách nghiêm trọng này?
1. Trách Nhiệm Của Chúng Ta.
Tin Lành là tin tức tốt lành về sự giải cứu và chữa bệnh trong Danh Jesus. Sự giải cứu và chữa bệnh này là sự chữa lành toàn vẹn. Mỗi lãnh đạo Hội Thánh và mỗi Hội thánh phải duy trì mệnh lệnh này như là mục tiêu hàng đầu.
Chúng ta phải tìm kiếm bằng đức tin trong Chúa Jesus để thấy sự chữa lành xảy ra trong cộng đồng của chúng ta. Sự dạy dỗ của chúng ta phải mang đến sự chữa lành tâm linh và tâm trí loài người.
Chúng ta có thể đo được bông trái của chức vụ này bằng sự tăng trưởng về tình yêu thương và đức tin trong Hội Thánh địa phương. Rồi chính Hội Thánh sẽ đem sự chữa lành cho những người có nhu cầu và những người cô độc.
Không phải mỗi lãnh đạo Hội Thánh đều có chức vụ chữa bệnh có thể thu hút hàng ngàn người. Tuy nhiên, mỗi lãnh đạo Hội Thánh phải có khả năng để thấy những biểu hiện hiển nhiên về sự chữa bệnh theo Kinh Thánh nói về sự chữa bệnh toàn diện cho một con người.
Lãnh đạo Hội Thánh là đầy tớ của Đấng Christ. Nhiệm vụ của chúng ta là chúng ta phải giúp kẻ khác như chính Đấng Christ đã làm. Ngài muốn chữa lành cho những người có bệnh thân xác, bệnh tâm trí và bệnh tâm linh. Vậy một người lãnh đạo trung bình trong Hội Thánh có thể làm gì để đem sự chữ lành đến cho cộng đồng của người ấy.
2. Làm Thế Nào Để Mang Lại Sự Chữa Lành.
a. Giảng Lời Chúa.
PhaoLô bảo Timôthe “Hãy giảng đạo; hãy sẵn sàng bất luận gặp thời hay không gặp thời; hãy đem lòng nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên , sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi ” (2Ti-mô-thê 4:2)
Lời của Đức Chúa Trời có phương pháp trị liệu và phẩm chất chữa lành.
“Ngài ra lệnh chữa họ lành, rút họ khỏi cái huyệt. ” (Thi Thiên 107:20)
Chúng ta phải đem “đạo tin lành của Đấng Christ đi khắp chốn ” như Phaolô đã làm Rô-ma 15:17-21)
“Như vậy đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe khi Lời của Đấng Christ được rao giảng ” (10:17)
b. Dạy Dỗ Dân Sự:
Chức vụ dạy dỗ của chúng ta phải nhấn mạnh đặc biệt về sự chữa lành . Dạy dỗ những đề tài nào có liên hệ đặc biệt đến sự chữa lành. Cứ dạy về sự tha thứ, các thái độ, và quan hệ đúng đắn.
Dạy dỗ đặc biệt về sự hòa hợp trong gia đình và cấu trúc của gia đình Cơ đốc theo Kinh Thánh. Dạy dỗ mọi người suy nghĩ và tin đúng. Dạy họ về các bông trái của Thánh Linh.
Các phẩm chất này giống như loại hoóc môn tăng trưởng cơ bắp, chẳng hạn như những phẩm chất này sẽ xây dựng đời sống tình cảm và tâm tính. (Ngược lại, công việc của xác thịt lại giống như chất phân hoá cơ thể, chẳng hạn như nó sẽ xé rách và hủy diệt một thân thể.)
Lời dạy dỗ của bạn phải nhấn mạnh đến những điều tích cực. Đừng quan trọng hóa những chuyện nhỏ nhoi và có các quan niệm tiêu cực.
c. Làm Cho Tiệc Thánh Trở Thành Buổi Nhóm Chữa Bệnh.
Hãy dạy dỗ hội chúng cách đúng đắn để tham dự Tiệc thánh. Tham dự cách xứng đáng sẽ đem lại phước hạnh và làm sức lực cho họ.
Buổi nhóm này có thể trở thành một buổi nhóm chữa bệnh thật sự, hơn bất cứ buổi nhóm nào khác. Mọi tín hữu của bạn sẽ nhận được lợi ích cách dư dật về phương diện tâm linh, thuộc thể và tâm sinh lý.
d. Khích Lệ Chức Vụ Trưởng Lão: Khích lệ chức vụ chữa bệnh của các trưởng lão được Giacơ mô tả như là một phần trong chương trình của Hội Thánh. Khích lệ dân chúng đến với các trưởng lão khi họ đau yếu.
Chúc vụ này được thực hiện trong các buổi thờ phượng. Hãy để người bệnh tiến về phía trước; xức dầu cho họ trong danh Chúa Jesus.
Đặt tay trên họ, cầu thay cho họ bằng lời cầu nguyện đức tin. Trông đợi Đức Chúa Trời làm phép lạ chữa bệnh trong vòng các bạn.
E. KẾT LUẬN
Theo Giacơ chương trình của Hội Thánh phải công bố:
Phóng thích phu tù
Phục hồi ánh sáng cho người mù (đồng thời phục hồi tâm thần, tiết độ và phẩm chất…)
Giải cứu khỏi sự áp bức (Lu-ca 4:18)
Hãy để chức vụ này vận hành trong Hội Thánh để làm vinh hiển Đức Chúa Trời, Ngài sẽ ban nhiều dấu kỳ, phép lạ cặp theo chức vụ của bạn (Hê-bơ-rơ 2:3; Mác 16:20)