DẤU HIỆU HIỆN ĐẠI HÓA CỦA THƠ VIỆT NAM QUA BÀI THƠ “CẢM THU TIỄN THU” CỦA TẢN ĐÀ

Xét chung trong chuyển động của tiến trình xã hội và văn học, thơ Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 đã có những nhịp đi và “bước nhảy” ngoạn mục tạo nên một cuộc cách mạng trong thơ ca. Hệ quả của cuộc cách mạng ấy là sự ra đời của phong trào Thơ Mới, mà người có công đầu tiên “khai sơn, phá thạch” ở vị trí dẫn đạo trên thi đàn đầu thế kỉ là nhà thơ Tản Đà. Qua sáng tác của thi sĩ, người ta thấy được quá trình hiện đại hóa của thơ Việt đầu thế kỉ XX, có thể lấy “Cảm thu tiễn thu” là một minh chứng tiêu biểu.

          Trước khi văn học Việt Nam nói chung và thơ Việt nói riêng bước vào quá trình hiện đại hóa, văn học Việt Nam đã có mười thế kỉ tồn tại và phát triển dưới các triều đại phong kiến Việt Nam (Văn học trung đại). Thành tựu của văn học trung đại là đã tạo ra được một nền tảng vững chắc cho văn học dân tộc gắn với cảm hứng yêu nước, nhân đạo và thế sự. Cũng trong suốt mười thế kỉ ấy, nền văn học dân tộc đã dần phá bỏ tính quy phạm, ước lệ để phát huy cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, văn học trung đại Việt Nam bên cạnh những thành tựu to lớn vẫn tồn tại những hạn chế và quá trình hiện đại hóa đầu thế kỉ XX như một hệ quả tất yếu của văn học nước nhà tiến gần hơn đến quỹ đạo của văn học thế giới.

Khái niệm “hiện đại hóa” ở đây được hiểu là quá trình làm cho văn học thoát khỏi hệ thống thi pháp văn học trung đại và đổi mới theo hình thức của văn học phương tây. Vậy,cơ sở nào đã tạo nên cuộc chuyển biến lớn nhất của văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX?

          Thứ nhất, đó là một môi trường văn hóa mới, mà cụ thể là hệ thống giáo dục song hành Pháp – Việt, cùng với đó là sự ra đời của nhà in, nhà xuất bản, nghề báo, nghề viết văn; sự du nhập của các tư tưởng, học thuật, sách báo nước ngoài vào Việt Nam v.v… tạo nên đời sống văn hóa sôi động, phong phú.

Thứ hai, sự xuất hiện của đội ngũ sáng tác mới, công chúng mới của văn học (tư sản, trí thức – tiểu tư sản, công nhân…) những tầng lớp, giai cấp này có nhu cầu văn hóa, thẩm mĩ mới và đòi hỏi một thứ văn chương mới.

          Thứ ba, sự du nhập của các thể loại văn học phương tây vào Việt Nam thông qua sách báo và nhà trường.

          Tất cả những điều kiện trên giải thích vì sao nền văn học Việt Nam phải nhanh chóng hiện đại hóa. Đó là một đòi hỏi tất yếu, khách quan của lịch sử văn học dân tộc trong thời đại mới.

          Quá trình hiện đại hóa diễn ra qua 3 giai đoạn:

          Từ 1900 – 1930: đây là giai đoạn chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho giai đoạn sau. Điểm nổi bật là sự xuất hiện của các sáng tác bằng chữ quốc ngữ bên cạnh chữ Hán, chữ Nôm. Văn học bước đầu đưa con người cá thể thế chỗ cho con người chức năng trong văn chương. Một số gương mặt nổi bật như: Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách, Tản Đà, Vũ Đình Long, Nam Xương….

          Từ năm 1932 – 1945: giai đoạn kết tinh, hoàn tất quá trình hiện đại hóa của văn học. Diện mạo văn học trở nên phong phú về khuynh hướng; đa dạng về thể loại, bút pháp; sâu sắc về nội dung tư tưởng.  

          Từ năm 1945 – 1975: giai đoạn “vĩ thanh”, về cơ bản vẫn tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu về nội dung và về hình thức nghệ thuật của văn học giai đoạn trước.

Những biểu hiện cơ bản của quá trình hiện đại hóa văn học:

Về chữ viết: chuyển từ chữ Hán, chữ Nôm sang chữ quốc ngữ.

Về thể loại: chuyển từ những thể loại vần luật nghiêm ngặt (chủ yếu Đường luật) sang thể loại theo lối tây hóa, tự do.

Về đặc trưng, chức năng của văn học: chuyển từ “thi dĩ ngôn chí”, “văn dĩ tải đạo” sang chức năng nhận thức, giải trí.

Về nghề văn: mang tính chuyên nghiệp, là một nghề kiếm sống trong xã hội.

Về Cái tôi trong văn chương: hình thành cái tôi cá nhân và nhu cầu giải phóng cái tôi cá nhân với những cảm xúc, khát khao mang tính bản năng.

Điểm qua một cách khái quát như vậy để thấy rằng thời kì văn học từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 có một vị trí hết sức quan trọng xét trong toàn bộ tiến trình lịch sử của văn học dân tộc. Nó đã kế thừa tinh hoa của văn học truyền thống, tiếp thu những thành tựu của văn hóa nhân loại để mở ra một thời kì văn học hiện đại trong quan hệ rộng rãi với nhiều nền văn hóa trên thế giới.

Trên văn đàn Việt Nam hơn ba thập niên đầu thế kỉ XX, Tản Đà nổi lên thành một hiện tượng độc đáo, mới lạ và có sức sáng tạo phong phú, mạnh mẽ. Đến ông, đời sống văn chương Việt Nam mới thực sự có “nghề văn”. Song, giá trị lớn lao và đặc sắc hơn cả là ở vị trí tiên phong của thi nhân trên thi đàn đầu thế kỉ. Mở đầu cuốn Thi nhân Việt Nam, nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã dành những lời trang trọng cho Tản Đà: “Trên hội tao đàn, chỉ tiên sinh là người của hai thế kỉ” và “Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kì đang sắp sửa”. Trước đó, trong tuần báo Ngày nay (số ra ngày 17/6/1939) Xuân Diệu cũng đã viết: “Tản Đà là người thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại”.

Tản Đà, nhà nho tài tử, nhà nho viết văn để kiếm sống- xem như một nghề. Sáng tác của ông đã bộc lộ cái tôi cá nhân một cách rõ rệt nhất khi mới trình làng trong thời buổi mà lối thơ niêm luật gò bó đang còn phổ biến.

Đọc thơ Tản Đà, người ta vẫn thấy “cái dáng điệu ngang tàng… thường thấy ở các nhà thơ xưa” (Hoài Thanh):

Vùng đất Sơn Tây này một ông,

Tuổi chưa bao nhiêu văn rất hùng.

Sông Đà núi Tản ai hun đúc,

Bút thánh câu thần sớm vãi vung…

Bởi ông hay quá ông không đỗ,

Không đỗ ông càng tốt bộ ngông

                                                                                         (Tự trào)

Cái phóng túng, cái ngang tàng ấy chính là cái ngông mà ta có thể gặp trong thơ Nguyễn Công Trứ, Tú Xương!

Thơ Tản Đà thường làm theo lối cổ phong, Đường luật, Đường luật phá thể, nhưng ông lại tạo cho thể thơ ấy một nét riêng không dễ gì gặp lại ở các nhà thơ khác cùng thời: đó là cảm xúc hiện đại, là điệu buồn vẩn vơ, cái nỗi sầu man mác và cái tình bâng khuâng – những yếu tố của chủ nghĩa lãng mạn – chỉ riêng có ở Tản Đà. Tản Đà là nhà thơ có tư tưởng cách tân, có nhiều tìm tòi sáng tạo và mạnh dạn vượt ra ngoài khuôn sáo cũ.

Về mặt thể loại, Tản Đà tỏ ra thuần thục song thất lục bát, thất ngôn, những điệu ca trù… Trên cơ sở đó, ông cách tân, tạo nét riêng bằng cách sáng tạo những vần điệu mới, nhịp mới:

Nào những ai:

Kê vàng tỉnh mộng

Tóc bạc thương thân

Vèo trông lá rụng đầy sân

Công danh phù thế có ngần ấy thôi?

                                                                                 (Cảm thu tiễn thu)

Có thể nói rằng, Tản Đà là người tiên phong mở đường chuyển dịch từ câu thơ ngâm sang câu thơ nói. Và nữa, trong thơ Tản Đà xuất hiện nhiều chi tiết của cuộc đời trần tục, đời sống thị thành đang tư sản hóa và như một lẽ tự nhiên, bản thân nó tìm tới một hình thức thơ tự do hơn, biểu hiện được cảm xúc khoáng đạt của nhân vật trữ tình trong thơ.

Về mặt cảm xúc: Tản Đà là con người tài tử, kiểu nhà nho phong nhã. So với các nhà nho giai đoạn trước đó và cùng thời thì cảm xúc trong thơ ông phóng khoáng, tự do, bộc lộ một cái tôi mộng mơ… Song, cái tôi ấy mới chỉ dừng lại ở mức độ hồn nhiên, nhẹ nhàng mà chưa có được cái mạnh bạo, sôi nổi, nhiều màu sắc, nhiều cảm xúc như những gương mặt trong hội tao đàn Thơ Mới sau này.    

Điểm qua những nét cơ bản trong thơ Tản Đà để thấy được vị trí “mở đường” , tiên phong của ông đối với quá trình hiện đại hóa thơ Việt đầu thế kỉ XX nói chung và Thơ Mới nói riêng. Đúng như nhận xét của nhà phê bình Hoài Thanh: “Trên hội tao đàn, chỉ tiên sinh là người của hai thế kỉ”.

Thơ Tản Đà vừa có phong vị cổ thi, vừa có cảm xúc hiện đại và bài thơ “Cảm thu tiễn thu” là một thi phẩm tiêu biểu cho phong cách của ông cũng như in đậm dấu ấn của quá trình hiện đại hóa thơ Việt đầu thế kỉ XX.

Đề tài về mùa thu là một thi đề quen thuộc trong thơ ca cổ phương Đông. Trong mối quan hệ ảnh hưởng của văn học trung đại Trung Quốc đối với văn học trung đại nước ta thì thơ “Vịnh thu” Việt Nam có sự ảnh hưởng và học hỏi thơ Đường. Cảnh thu trong thơ Trung Quốc thường được thể hiện qua hình ảnh lá đỏ, rừng phong, tuyết đưa hơi lạnh, tiếng chày đập vải, cây ngô đồng…. đã du nhập vào thơ thu Việt Nam.

Trước Tản Đà, bạn đọc biết đến “nhà thơ của làng cảnh Việt Nam” – Nguyễn Khuyến nổi tiếng với chùm thơ thu: Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm. Sau Tản Đà, người yêu thơ say đắm với “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư, “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu v.v… Vậy điều gì làm nên nét riêng của “Cảm thu tiễn thu”? Dấu ấn của quá trình hiện đại hóa văn học đầu thế kỉ XX được thể hiện như thế nào trong thi phẩm?

Xét về hình thức, thể loại và chữ viết, “Cảm thu tiễn thu” của Tản Đà được viết bằng chữ quốc ngữ. Đây là văn tự phiên âm theo tiếng La-tinh do các giáo sĩ phương tây đưa vào Việt Nam từ giữa thế kỉ 17 và thịnh hành phát triển vào cuối thế kỉ XIX.

Về thể loại, bài thơ có sự kết hợp các hình thức thơ truyền thống (thơ ngũ ngôn, lục bát, tứ tuyệt), chia làm 11 khổ thơ với cách kết hợp vần luật phong phú, tự do. Đặc biệt, trong bài thơ Tản Đà sử dụng phép điệp ngữ, lặp cấu trúc cú pháp giữa các khổ thơ để tạo âm hưởng và nhấn mạnh hiệu quả diễn đạt – điều này hiếm gặp trong thơ cổ:

Nào những ai:

Bảy thước thân nam tử

–  Nào những ai:

Sinh trưởng nơi khuê các

Nào những ai:

Tha phương khách thổ

Nào những ai:

Cù lao báo đức

Nào những ai:

Tóc xanh mây cuốn…

Việc sử dụng phép điệp như vậy có tác dụng xoáy vào đối tượng được đề cập và cảm xúc của nhân vật trữ tình trước nhân thế: ấy là nỗi xót xa, ngậm ngùi, buồn thương tiếc nuối!

Điểm đáng ghi nhận là cảm xúc trong bài thơ – một thứ cảm xúc phóng khoáng, mạnh mẽ, trực tiếp.

Mùa thu trong thơ cổ thường buồn, bởi theo quan niệm của văn học trung đại thì mùa thu thường biểu tượng cho sự tàn lụi, héo úa của vạn vật và cũng là giai đoạn “xế chiều” của đời người. Các thi nhân xưa thường mượn mùa thu để gửi gắm tâm trạng, ẩn mình vào thiên nhiên, nói như Nguyễn Du thì “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Thơ viết về mùa thu thường là những bức tranh với nét vẽ chấm phá, cốt thu lấy hồn của tạo vật. Có thể kể đến bức tranh thu của làng quê Việt Nam qua cách cảm của cụ Tam Nguyên Yên Đổ:  

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

                                                          (Thu điếu)

Bức tranh thu đơn sơ mà thanh vắng. Bầu trời thu cao xanh, cảnh thu tĩnh lặng, đẹp mà buồn hiu hắt.

Đến với “Cảm thu tiễn thu” của Tản Đà, ta cũng vẫn thấy cảnh thu, hơi thu hiu hắt đến lạnh lẽo:

Từ vào thu đến nay

Gió thu hiu hắt

Sương thu lạnh

Trăng thu bạch

Khói thu xây thành

Lá thu rơi rụng đầu ghềnh

Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly

Tuy nhiên, cảnh thu không còn là trung tâm của bức tranh nữa mà thay vào đó là tình thu; thiên nhiên không còn chiếm “ưu thế” mà thay vào đó là con người với đủ các tầng lớp, thân phận: từ bậc tài tử – giai nhân đến kẻ tha hương, người kĩ nữ; từ bậc tu mi nam tử đến khách má đào; từ trai anh hùng đến gái thuyền quyên….

Cảm xúc trong bài thơ được biểu lộ một cách mạnh mẽ và trực tiếp, cũng vẫn là nỗi buồn, sự bi ai, chia ly song điểm mới so với thơ cổ chính là nhân vật trữ tình chủ động bộc lộ tiếng khóc thương cho số phận con người – đặc biệt là những kẻ tài tử – giai nhân:

 

Nào những ai:

Bảy thước thân nam tử

Bốn bể chí tang bồng

Đường mây chưa bổng cánh bồng

Tiêu ma tuế nguyệt ngại ngùng tu mi.

 

Nào những ai:

Sinh trưởng nơi khuê các

Khuya sớm phận nữ nhi.

Song the ngày tháng thoi đi,

Vương tơ ngắm nhện nhỡ thì thương hoa?

 Rõ ràng, đây là biểu hiện của thơ hiện đại, nó phá vỡ tính quy phạm của thơ ca trung đại bởi thơ cổ thường xuất hiện chân dung nhà nho hoặc nhàn tảng bên thú điền viên hoặc chất chứa tâm sự ưu thời mẫn thế, “nhàn thân” mà không “nhàn tâm”. Điều đáng nói là Tản Đà cũng là một nhà nho nhưng thi sĩ lại trọng “tình” hơn “chí” hay công danh.

Có lẽ lí giải duy nhất cho vấn đề này chính là xuất phát từ cuộc đời của nhà thơ núi Tản sông Đà. Chính ông đã từng phải thốt lên trước cuộc đời “Tài cao, phận thấp, chí khí uất”. Thơ ông chất chứa nỗi buồn về thân phận tài tình của mình, của những người cùng cảnh ngộ; buồn về thời thế thay đổi, sự bất lực của bản thân, cảm thấy cô đơn, bơ vơ và khao khát biết bao yêu thương.

Xưa nay, cái Đẹp luôn là đối tượng chiếm lĩnh của nghệ thuật. Người nghệ sĩ luôn nhạy cảm và trân trọng cái đẹp – dù là thiên nhiên hay con người. Tản Đà cũng vậy, trong thơ ông luôn quan tâm tới những giai nhân, họ xinh đẹp, có tài nhưng cô đơn trước cuộc đời. Chỉ có người tài tử mới hiểu được họ, trân trọng họ và là tri kỉ với nhau trong sự sẻ chia cảm xúc trước cuộc đời.

Bài thơ “Thăm mả cũ bên đường” của Tản Đà cho ta thêm một minh chứng về đối tượng mà thi sĩ luôn muốn hướng đến: vẫn là tiếng khóc cho bậc tài tử – văn nhân, khách hồng nhan, khách phong lưu, bậc tài danh. Khóc cho người, cuối cùng là để khóc cho chính mình, bởi “cái án phong lưu khách tự mang” (Nguyễn Du), tự nhận thấy mình “cùng hội cùng thuyền” với họ! Một Cái tôi buồn sầu, ảo mộng mà ta sẽ gặp nhiều trong Thơ mới sau này. Vậy là, “Cảm thu tiễn thu” là tiếng lòng của một cái tôi cô đơn, bơ vơ, sầu muộn, một cái tôi tự nhận mình là “khách đa tình đa cảm” trước những đổi thay của trời đất, thời thế:

Thôi nghĩ cho

Thu tự trời

Cảm tự người

Người đời ai cảm ta không biết

Ta cảm thay ai viết mấy nhời.

          Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu mang tính hiện đại thì bài thơ “Cảm thu tiễn thu” vẫn vương lại một vài yếu tố của thơ ca trung đại (đề tài,hình ảnh, thi liệu,…) chính điều này tạo nên tính chất giao thời trong bài thơ và trong sáng tác của Tản Đà.

          Sự kết hợp của hai yếu tố truyền thống và hiện đại đã tạo nên nét đặc sắc, giá trị và vẻ đẹp riêng cho “Cảm thu tiễn thu”. Đến đây, quá trình hiện đại hóa thơ Việt đã đặt được những viên gạch đầu tiên làm nền tảng cho quá trình hoàn tất sau này. Ngay sau đó, Lưu Trọng Lư tiếp ngọn cờ của Tản Đà với “Tiếng thu” đường hoàng, trực diện, tự tin xuất hiện với cảm xúc tràn đầy của cái tôi Thơ Mới:

 Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Quả thực, đến đây Cái tôi Thơ mới đã thực sự “toàn thắng”, Thơ mới không còn cái gì bỡ ngỡ và rụt rè lúc ban đầu!

Nhìn lại chặng đường đã qua của văn học dân tộc, thấy được trong cái mới hôm nay là sự kết tinh những giá trị truyền thống. Trên con đường ấy, Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu đã cắm một dấu mốc quan trọng khẳng định vị trí dẫn đạo của ông trên thi đàn đầu thế kỉ XX. Tản Đà chưa phải là một nhà thơ mới như các nhà Thơ mới lớp sau ông, nhưng trong thời buổi mà lối thơ niêm luật gò bó đang còn phổ biến thì tư tưởng cách tân, có nhiều tìm tòi sáng tạo và mạnh dạn vượt ra ngoài khuôn sáo cũ như bài thơ “Cảm thu tiễn thu” quả thật là mới, rất mới!

Đoàn Thị Thu Phương

Rate this post

Viết một bình luận