Đèn kéo quân là gì ?
Đèn kéo quân (hay còn gọi là đèn cù), là một loại đồ chơi bằng giấy thường xuất hiện trong các dịp lễ Tết, đặc biệt là Tết trung thu. Điểm nổi bật của đèn kéo quân là khi thắp nến, những hình ảnh bên trong đèn sẽ hiện ra và chuyển động xoay vòng trên mặt đèn. Bạn có thể thấy được nhiều hình ảnh phong phú như người, động vật, cây cỏ,… với nhiều màu sắc sinh động và bắt mắt. Vì vậy mà việc đèn kéo quân sẽ mang đến bạn một màn diễn rối bóng tự động vô cùng thú vị.
“Chuyện kể rằng, một năm nọ, gần đến dịp Tết Trung thu, nhà vua ra lệnh cho dân chúng phải dâng lên một chiếc đèn kỳ lạ. Những người dân thi nhau chế tạo, nhưng vẫn chưa có chiếc đèn nào làm cho vua vừa ý…
Có một nông dân nghèo khó tên là Lục Đức, vốn mồ côi cha, ăn ở với mẹ rất hiếu thảo, một đêm nằm mơ thấy một vị thần râu tóc bạc phơ hiện ra, phán rằng: “Ta là Thái thượng Lão quân, thấy nhà ngươi nghèo khó nhưng ăn ở hiếu thảo với mẹ, vậy ta bày cho ngươi cách làm chiếc đèn dâng vua”.
Hôm sau, theo lời dặn của vị thần, Lục Đức cùng mẹ lấy những thân trúc trắng cùng giấy màu để làm chiếc đèn. Thời gian qua mau, khi chiếc đèn làm xong là ngày rằm tháng 8 cũng vừa đến. Chàng vui mừng cùng mẹ đem chiếc đèn vào kinh thành dâng vua. Nhà vua xem, thấy chiếc đèn vừa lạ, vừa nhiều màu sắc, lại biết chuyển động nên rất hài lòng. Khi vua hỏi ý nghĩa của chiếc đèn, Lục Đức theo lời Thần tâu rằng: “Thưa bệ hạ, thân trúc ở giữa đèn là biểu hiện trục Khôn. Chiếc chong chóng quay sáu mặt biểu tượng cho sáu cá tính của con người: Thương, ghét, giận, buồn, vui, hờn. Cái chong chóng luôn luôn quay là tượng trưng cho việc con người hay thay đổi là cũng có căn do, đó là đạo làm người. Chong chóng quay nhờ ánh đèn soi sáng, cũng như con người tốt lành được là nhờ có đạo đức”.
Vua vui mừng truyền đem đèn cho dân chúng cùng xem. Đèn đốt lên làm quay chong chóng. Hiện lên sáu màu sắc rực rỡ là hình ảnh vua, quan, người, ngựa nối đuôi nhau. Tất cả những hình nhân trên đèn được làm bằng giấy. Vua ban thưởng cho mẹ con Lục Đức rất hậu và phong làm Vạn Hộ Hầu.
Từ đó, mỗi khi đến Tết Trung thu, nhớ lại sự tích người con hiếu thảo Lục Đức, dân chúng đua nhau bắt chước chàng làm nên những chiếc đèn màu rực rỡ, gọi là đèn Kéo quân, hay còn gọi là đèn Cù…
Sáu mặt của đèn Kéo quân thể hiện sáu cá tính của con người, phải chăng vì thế mà nhìn chiếc đèn, như có một cảm giác về sự thanh thản, như có một cảm giác về sự phiêu lãng và siêu thoát hơn? Bởi hiểu rằng cuộc sống không thể đơn giản vì chỉ có một màu sắc, một cung bậc. Cuộc sống luôn là vậy, luôn vần quay và chuyển động, luôn khiến ta phải biết buồn, biết khóc, sau khi đã biết vui, biết cười… Có phải thế chăng nên người xưa mới ví mỗi chiếc cây đèn Kéo quân là một màn diễn rối bóng tự động, không cần người điều khiển, vần xoay?
Chiếc đèn Kéo quân sau này có nhiều đổi thay. Có thời, để giáo dục trẻ em nhớ về lịch sử, cũng như giáo dục lòng yêu nước cho các em, những hình ảnh trên đèn thường nói về việc nghĩa, về những đoàn quân xung trận. Rồi cũng có thời, để hoài cổ hơn, người ta “gắn” vào đèn sự tích Quan Trạng vinh quy bái tổ, cảnh tứ linh nhảy múa, bác nông dân làm ruộng, mục đồng chăn trâu… Thậm chí giờ đây, các yếu tố hiện đại hoặc giải trí như Tôn Ngộ Không, mèo máy Đôrêmon, thủy thủ mặt trăng… cũng đã xuất hiện trên đèn…
Nhưng dẫu hình ảnh gì, dẫu chất liệu gì, dẫu mỏng mảnh như hôm nay khiến nhiều người than là đèn thì đẹp, nhưng chơi chỉ một mùa Trung thu là hỏng, thì chiếc đèn Kéo quân vẫn là một hình ảnh thật đậm sâu của Trung thu, một Trung thu nối dài xưa tới nay, một Trung thu ngọt ngào và vẹn nguyên dẫu ở nông thôn hay thành phố, khi chiếc đèn được đốt lên và ta có thể lẩm nhẩm một bài dân ca thật xưa về đèn Kéo quân:
Khen ai khéo xếp cái đèn Cù
Voi giấy, ngựa giấy tít mù nó lại vòng quanh.
Bao giờ em bén duyên anh,
Voi giấy, ngựa giấy vòng quanh cái tít mù tít mù.
Khen ai khéo xếp cái đèn Cù…