Với thời tiết nóng bức như hiện nay, nguy cơ da bị cháy nắng sẽ cao hơn nếu bạn không sử dụng các biện pháp che chắn, chống nắng như kem chống nắng, khẩu trang, quần áo chống nắng…
Đặc biệt, tại thời điểm khoảng 10-16h hàng ngày, tia UV mạnh và có khả năng tác động đến da cao nhất, nếu bạn ra ngoài trời khoảng 15-20’ thì nguy cơ bị cháy nắng rất cao.
Biểu hiện của da cháy nắng là vùng da đỏ lên, nóng rát và sạm màu khi về nhà. Hơn nữa, nếu da không được chăm sóc tốt thì có thể da sẽ bị bỏng rộp, nhiễm khuẩn.
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Đức Thọ – Trung tâm thẩm mỹ – Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City, khi da bị cháy nắng, bạn cần ngâm vùng cháy nắng vào nước lạnh hoặc để dưới vòi nước chảy ngay khi có thể trong khoảng 20-30 phút. Sau đó, bạn nên bôi gel lô hội hoặc kem dưỡng ẩm da vào vùng da bị cháy và cùng xung quanh để làm mát da trong vòng 5-7 ngày. Lưu ý, bạn không nên bôi dầu mỡ lên vùng da bị bỏng và không nên chọc thủng vùng da bị phồng nước.
Khi da bị nhiễm khuẩn, mưng mủ thì bạn cần đến thăm khám với các bác sĩ để được tư vấn, điều trị phù hợp.