Không chỉ là loại gia cầm được nuôi trong các trang trại, khu chăn nuôi hoặc sân vườn tại nhà để lấy thịt, trứng cũng như lông cho các nhu cầu ăn uống và mua bán trên thị trường, gà còn được dùng để tiến hành các thí nghiệm nghiên cứu khoa học phục vụ cho các ngành sinh học, vật lý và hóa học. Hãy cùng Canh Điền tìm hiểu kỹ hơn về đặc điểm sinh học của gà để hiểu biết và nuôi dưỡng loài vật này tốt hơn nhé.
1. Tập tính sinh sống
Gà là loài vật đẻ trứng và sống theo đàn. Trong mỗi một đàn gà sẽ luôn có một con gà khỏe mạnh hơn tất cả những con còn lại và giữ vai trò lập ra tôn ti trật tự trong đàn.
Con gà mạnh nhất trong đàn, hay nói cách khác là con gà cầm đầu, sẽ luôn có đặc quyền hơn khi tiếp cận vị trí làm tổ và thức ăn. Bên cạnh đó, sự biến mất của gà cầm đầu sẽ dẫn đến tình trạng xáo trộn trật tự trong đàn một khoảng thời gian cho đến khi trật tự mới được lập ra.
Và trật tự mới này sẽ là kết quả của một trận chiến giành giật nhau giữa những con gà còn lại trong đàn để tìm ra con mạnh nhất tiếp theo.
Trong đàn gà thường sẽ có gà trống và gà mái. Tập tính nổi bật của gà mái đó là chúng sẽ kêu cục tác ầm ĩ khi đẻ trứng hoặc khi gọi gà con.
Còn gà trống thường gáy to vào sáng sớm hoặc những thời gian nhất định trong ngày. Vào buổi sáng, gà trống gáy như một thông báo đánh thức cả đàn dậy. Có lúc tiếng gáy của chúng nhằm ám chỉ một tín hiệu nào đó về lãnh thổ. Hoặc khi tìm được mồi, gà trống sẽ đem thức ăn về và cất tiếng kêu để gọi những con gà khác trong đàn đến ăn trước.
Cũng như các loài động vật khác, gà cũng sẽ có những tiếng kêu nhằm cảnh cáo nguy hiểm cho cả đàn về sự xuất hiện của loài ăn thịt đang ở gần chúng.
Một điểm đặc biệt nữa đó là khi bổ sung gà mái, nhất là gà trẻ, vào đàn gà có sẵn sẽ dễ dẫn đến đánh nhau và thương tích.
Về vấn đề sinh sản thì khi đến mùa, gà trống khi tìm được gà mái ưng ý sẽ thực hiện một điệu nhảy quanh gà mái như một lời tỏ tình độc đáo. Nếu gà mái đáp lại thì chúng sẽ tiến hành giao phối với nhau hay còn gọi là đạp mái.
2. Nhảy ổ
Nhảy ổ là đặc tính nổi bật nhất không thể không nhắc đến của gà mái. Thông thường, gà mái khi đến mùa đẻ trứng sẽ tìm đến những chiếc ổ có sẵn từ trước và đẻ ở đó. Mỗi gà mái sẽ có một ổ khác nhau của riêng mình.
Nhưng thường mỗi đàn gà chỉ có một số ổ đẻ trứng nhất định, do đó không khó để bắt gặp tình trạng gà nhảy ổ tập thể hay 2 con gà cùng nằm đè lên nhau để đẻ và ấp trứng.
Tình trạng nhảy ổ diễn ra khi không đủ số lượng ổ hoặc những con gà mái thích đẻ trong ổ của gà mái khác. Lúc này, hai hay nhiều gà mái có thể cùng nhau chia sẻ ổ, hoặc chúng có thể nằm chồng lên nhau nếu một con gà mái không chịu nhường và không muốn chia ổ.
Cũng chính do đặc tính này mà ngày nay nhiều người nuôi gà khi muốn gà mái đẻ trứng ở những vị trí mong muốn, họ sẽ dùng trứng giả để vào những ổ có sẵn để dụ gà mái đến.
3. Đặc điểm của gà
Gà là giống ăn tạp, chúng có thể ăn côn trùng, thằn lằn, hạt cây, thóc,… và thường tìm kiếm thức ăn bằng cách dùng móng khá dài ở chân để bới đất.
Khác với loài chim, đôi cánh của gà không thể giúp chúng bay cao mà chúng chỉ có thể bay ở trong khoảng cách ngắn và ở tầm thấp như bay lên cây, bay qua hàng rào,…
Bởi gà thuộc nhóm chim đào bới, đặc điểm cơ thể của chúng không có cấu tạo thích nghi với đời sống bay lượn. Và chúng hầu hết chỉ bay khi rơi vào tình trạng nguy hiểm cần thoát thân.
Giữa gà trống và gà mái sẽ có những đặc điểm khác nhau mà nhìn bằng mắt chúng ta cũng có thể nhận ra. Gà trống thường sở hữu một bộ lông sặc sỡ cùng chiếc đuôi dài, cong và đôi chân to, nhọn. Phần lông ở cổ và lưng của chúng sẽ đậm màu hơn các bộ phận khác.
Và so con gà mái, gà trống nhìn sẽ to hơn, oai vệ hơn. Người ta sẽ dễ dàng nhận ra gà trống khi nhìn vào mào và cựa của chúng. Bởi nó thường to và nổi bật hơn nhiều.
Trọng lượng trung bình của gà khi mới nở là khoảng 20g. Khi được 1 tuổi thì con đực sẽ có trong lượng từ 1,5 – 3kg và con cái dao động từ 1,2 – 2kg.
Về tuổi thọ của gà thì tùy từng giống, chúng có thể sống được từ 5 – 10 năm. Và theo ghi nhận của Kỷ lục Guinness, có chú gà mái sống thọ đến 16 năm và là chú gà già nhất, có tuổi thọ cao nhất cho đến hiện tại.
4. Cách nuôi và chăm sóc gà tốt nhất
-
Cách nuôi gà
Hiện nay, người ta áp dụng 2 cách nuôi gà phổ biến đó là: Nuôi thâm canh và Nuôi thả vườn.
Nuôi thâm canh là cách nuôi phổ biến hơn hết và đa số số trứng và thịt gà được sản xuất theo phương pháp này. Nuôi thâm canh sẽ giúp tiết kiệm đất và thức ăn khi nuôi gà, gà sẽ được kiểm soát và chăm sóc từ những thiết bị hiện đại. Không những vậy còn giúp tăng năng suất, thu được lợi nhuận cao.
Nhưng bên cạnh sự ủng hộ, cách nuôi này cũng nhận được rất nhiều sự phản đối bởi sự vô nhân tính theo đánh giá từ quan điểm đạo đức. Bên cạnh đó, nuôi thâm canh sẽ ảnh hưởng và gây hại cho sức khỏe con người, môi trường.
Nuôi thả vườn sẽ phù hợp với những người chăn nuôi mới, có đất đai, sân vườn rộng rãi, những người chưa có đủ điều kiện để nuôi quy mô lớn, quy mô khép kín.
Cách nuôi này giúp tận dụng được không gian vườn đồi, đất trống và ánh sáng mặt trời tự nhiên, giúp gà thoải mái hoạt động đi lại, khỏe mạnh và cho thịt chắc.
Tuy nhiên với cách nuôi này, năng suất sẽ đạt được không cao, thời gian nuôi thường lâu và chi phí thức ăn sẽ khá tốn.
-
Cách chăm sóc gà
Dù là với cách nuôi nào cũng cần đảm bảo các yếu tố sau để gà mau lớn, khỏe mạnh:
-
Luôn giữ chuồng trại sạch sẽ, vệ sinh máng ăn, máng nước thường xuyên.
-
Đảm bảo chuồng luôn đầy đủ ánh sáng, ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Cần trang bị thêm đèn sưởi để dùng cho những ngày rét lạnh và đặc biệt trong giai đoạn úm gà con.
-
Thức ăn cho gà phải đảm bảo chất lượng, cân bằng dinh dưỡng, vệ sinh, không được cho ăn đồ ôi thiu, mốc xanh,… Nước uống cũng cần sạch sẽ, đầy đủ, không được để tình trạng gà thiếu nước.
-
Không nên nuôi, nhốt quá nhiều gà trong một chuồng khiến chúng không có không gian hoạt động, khó quan sát và kiểm soát bệnh của từng con.
-
Cần chú ý biểu hiện ăn uống, ngủ nghỉ của gà để kịp thời phát hiện bệnh và cần cho cách ly ngay nếu có bệnh để tránh lây lan sang những con gà khác.
-
Bổ sung canxi, tiêm phòng vacxin định kỳ để gà luôn khỏe mạnh, cho năng suất tốt hơn.
Câu hỏi thường gặp
- Giá trị kinh tế của gà đối với con người là gì?
Hiện nay, nhu cầu ăn thịt gà, trứng gà ngày càng tăng và trở nên không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày nên ngành công nghiệp chăn nuôi gà cũng càng phát triển và mang lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi.
Bên cạnh đó, gà nói riêng và các loại gia cầm khác nói chung là giống nuôi sớm cho sản phẩm. Quá trình nuôi dễ dàng và tốn ít chi phí hơn so với các loại vật khác, cùng với đó áp dụng phương pháp nuôi công nghiệp càng tiết kiệm được thời gian, không gian nuôi mà lại cho năng suất sao, thu được lợi nhuận nhanh chóng.
- Nuôi gà bao lâu thì bán được?
Thông thường, với giống gà siêu thịt thì sau 100 ngày nuôi đã có thể bán, còn đối với các loại gà ta, gà ri,… thì cần nuôi khoảng 120 ngày. Thời gian trên mang tính ước chừng khi bạn nuôi và chăm sóc gà tốt, đúng kỹ thuật.
- Nuôi gà bao lâu thì đẻ trứng?
Tùy vào từng giống gà mà thời gian cho trứng sẽ khác nhau. Với những giống gà nuôi chuyên đẻ trứng thì sau khoảng 4 – 5 tháng nuôi sẽ cho trứng lần đầu. Còn những giống khác thì thời gian cho trứng sẽ dao động khoảng 6 – 7 tháng sau khi nuôi.
Hi vọng với những thông tin chia sẻ về đặc điểm sinh học của gà ở trên của chúng tôi, sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về gà cũng như nắm được cách chăn nuôi và chăm sóc loài gia cầm này hiệu quả để có năng suất tốt nhất.
5/5 – (6 bình chọn)