Đặc Điểm Thơ Năm Chữ

ĐẶC ĐIỂM THƠ NĂM CHỮ

Thơ năm chữ, hay thơ ngũ ngôn, là một trong những thể thơ được sử dụng phổ biến và vô cùng quen thuộc với người Việt Nam.

Số tiếng trong mỗi câu thơ luôn gồm năm tiếng phối hợp với vần, nhịp mang đến sự gần gũi và dễ đọc, dễ làm đối với trẻ thơ.

So với thơ bốn chữ, thơ năm chữ có phần đi vào chiều sâu suy tư hơn bởi những đặc trưng riêng của nó.

Các nhà thơ nổi tiếng tham gia sáng tác ở thể loại này có thể kể đến là Phạm Hổ, Trần Đăng Khoa, Tô Hà… với nhiều tác phẩm khá quen thuộc với tuổi thơ của chúng ta.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn đang tập làm thơ năm chữ những thông tin hữu ích về thể thơ này.

 

Ứng dụng thơ năm chữ:

– Do đặc trưng câu thơ năm chữ tương đối ngắn, thể thơ này phù hợp để diễn đạt những nội dung nhí nhảnh, vui tươi… đồng thời cũng truyền đạt những suy tư của tác giả vào tác phẩm đến người đọc.

 

Về nhịp thơ:

Thơ năm chữ còn có thể đọc theo nhịp, phổ biến là nhịp 3/2. Nhưng thơ năm chữ cũng có thể theo nhịp 2/3, hay thậm chí là 1/4, 4/1…

Ví dụ:

Trầu ơi, / hãy tỉnh lại (2/3)

Mở mắt xanh ra / nào! (4/1)

Lá nào / muốn cho tao (2/3)

Thì mày chia ra / nhé! (4/1)

(Trần Đăng Khoa)

Một bài thơ năm chữ có thể gồm nhiều khổ thơ, có thể từ 1 đến 4, 5 hoặc nhiều khổ. Mỗi khổ thơ thường có bốn câu (bốn dòng thơ).

 

Về vần thơ:

Cũng giống thể thơ bốn chữ đã đề cập ở bài viết trước, thơ năm chữ sử dụng các vần chân, vần lưng, vần liền, vần cách.

– Vần lưng: là sự phối vần giữa tiếng đứng cuối câu trước với tiếng ở giữa câu sau.

Mặt trời rúc bụi tre

Buổi chiều về nghe mát

(Trích Chú bò tìm bạn, Phạm Hổ)

 

– Vần chân, vần liền: là sự phối vần giữ tiếng cuối của hai câu thơ liên tiếp nhau.

Trời nóng băm bốn độ.

Đèn, sao khắp đế đô.

Mặt trăng vàng, trỏn trẻn

Nấp sau nhánh phượng khô.

(Trích Huế, đêm hè – Nam Trân)

– Vần chân, vần cách:

Con sóng trước vừa ngã

Con sóng sau lại quỳ

Sóng không hề biết mỏi

Lặn ngụp và bơi thi

 

Con sóng nào đến trước

Lặn trở về biển sâu

Sóng nổi lên lớp lớp

Vai kề vai bên nhau

 

Tuổi sóng đã bao nhiêu

Bạc đầu còn đi mãi

Khi ngã lên cát vàng

Tóc xoà tung trắng bãi

(Sóng – Đỗ Xuân Thanh)

 

Trên đây là những đặt điểm và ứng dụng của thể thơ năm chữ, hay thơ ngũ ngôn. Mong rằng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn đang tập làm thơ năm chữ, một thể thơ phổ biến của người dân Việt Nam.

(Bài viết được tham khảo và biên soạn từ sách “Dạy – học tập làm thơ ở Trung học Cơ Sở” – Phạm Minh Diệu – NXB Giáo dục – 2008)

4/5 - (1 bình chọn)

Viết một bình luận