1. Đặc điểm hình thái và phân loại cá Leo
a) Đặc điểm phân loại:
– Theo Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương (1993), Mai Đình Yên (1992), cá Leo có hệ thống phân loại như sau:
Bộ: Siluriformes
Họ: Siluridae
Giống: Wallagonia
Loài: Wallagonia attu Bloch
– Cá Leo có tên là Wallago attu Bloch and Schneider. Đây là tên loài của cá Leo đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Cá Leo có tên tiếng Anh là Freshwater Shark hay Helicoper Catfish. Ở Việt Nam, cá Leo có một số tên gọi khác như cá Leo ở miền Nam và cá Nheo ở miền Bắc.
b) Đặc điểm hình thái:
– Thân rất dài và dẹp bên. Đường bên bắt đầu từ điểm sau khe mang và chấm dứt ở điểm giữa gốc vi đuôi. Thân và đầu cá Leo không có vẩy, đầu dẹp bằng, trán rộng, miệng không co duỗi được. Rạch miệng xiên dài, kéo dài qua khỏi mắt, thân dài, và dẹp ngang, đầu tương đối to, dẹp đứng ở phần mõm. Miệng rộng, rạch miệng xiên kéo dài đến gần sau mắt. Răng nhỏ, nhọn, bén, răng lá mía tạo thành hai dãy hẹp sắp thành một dãy xương hàm rộng, răng phía trong dài hơn răng phía ngoài, răng vòm miệng mọc thành hai đám nhỏ tách rời nhau. Tất cả răng hàm và vòm miệng đều hướng vào hầu.Cá Leo có răng hàm sắc, nhọn, có nhiều răng chó (răng dài, nhọn, nhô cao, cong vô xoang miệng) và xếp thành nhiều hàng.
– Có hai đôi râu, râu hàm trên dài tới khởi điểm vi hậu môn, râu hàm dưới dài đến góc miệng.
– Mắt nhỏ, không nằm dưới da, ở phía trên rạch miệng và gần chót mõm hơn gần điểm cuối nắp mang. Phần trán giữa hai mặt rộng và cong lồi. Lỗ mang rộng và màng mang không dính với eo mang.
– Mặt lưng của thân và đầu cá Leo có màu xám đen, ánh xanh lá cây và lợt dần xuống bụng vi hậu môn, vi đuôi, vi ngực có màu đen. Vi ngực, vi bụng của cá có màu trắng ánh vàng, vi lưng, vi đuôi, vi hậu môn có màu xám đen.
– Vi lưng nhỏ, tia vi lưng thứ nhất dài xấp xỉ hai lần tia vi lưng thứ hai, khởi điểm trước vây bụng, mọc lệch về hướng của thân, cao vi hậu môn tương đương với cao thân. Vi hậu môn dài, không liền với vi đuôi, tách rời hẳn vi đuôi. Gốc vi hậu môn rất dài tương đương 61,8% chiều dài chuẩn. Vi ngực rộng, gai vi ngực cứng, nhọn. Vi đuôi chẻ hai rảnh rất sâu, thuỳ trên dài hơn thuỳ dưới.
– Cá Leo là loài cá có kích thước lớn, sản lượng tương đối cao, phẩm chất thịt ngon. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cá tự nhiên đang suy giảm mạnh cần được bảo vệ.
2. Đặc điểm phân bố
Cá Leo sống ở sông, kênh rạch và đồng ruộng. Cá Leo có phạm vi phân bố khá rộng từ phía Nam đến phía Đông Nam châu Á, có mặt ở các nước như: Pakixtan, Ấn Độ, Sri-Lanka, Nepal, Bangladesh, Mianmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Cá Leo thích sống ở vùng nước ấm, nhiệt độ thích hợp từ 19 – 29 độ C (thích hợp nhất từ 22 – 25 độ C), pH từ 6,0 – 7,6.
3. Đặc điểm dinh dưỡng
– Tính ăn của nhóm cá da trơn nghiêng về thức ăn có nguồn gốc động vật và thể hiện khá rõ ở các loài cá tra Pangasadae trưởng thành. Dựa vào hình thái cấu tạo của răng, miệng và kết quả phân tích thức ăn trong ống tiêu hóa của cá cho thấy thức ăn ưa thích là động vật sống ở đáy thủy vực như Crustacea, Mollusca, ấu trùng côn trùng thủy sinh, kể cả những côn trùng trên cạn.
– Một số đặc điểm chứng tỏ cá Leo là loài cá dữ, chủ động tìm mồi, ăn động vật là: dạ dày hình chữ J có thể giãn nở và lực co bóp rất lớn, ruột ngắn gấp khúc có vách dày, răng sắc nhọn và có nhiều răng chó.
– Cá Leo là loài cá dữ, thường sống ở các thuỷ vực ngọt sâu, diện tích rộng và chuyên kiếm ăn vào ban đêm.
4. Đặc điểm sinh trưởng
– Cá Leo cũng như các loài cá khác, sự sinh trưởng chiều dài nhanh nhất vào năm đầu và sau đó giảm dần. Cá càng lớn thì sự sinh trưởng theo chiều dài càng chậm, sự sinh trưởng theo khối lượng ở cá Leo cái đạt sinh trưởng cao nhất vào năm đầu, sau đó giảm dần. Sự sinh trưởng ở cá Leo cái đạt tốc độ cao nhất vào năm thứ 3 – 4, còn ở cá đực thì điều này xảy ra vào năm thứ 3, sớm hơn cá cái. Sự tăng nhanh về chiều dài trong những năm đầu ở cá có ý nghĩa thích nghi rất lớn nhằm vượt khỏi sự chèn ép của kẻ thù.
– Cá Leo có thể đạt kích cỡ chiều dài đến 200 cm, tuy nhiên phổ biến ở kích cỡ chiều dài 80 cm, kích cỡ tối đa nặng đến 25kg.
5. Điều kiện ao nuôi cá leo
– Ao nuôi không bị cớm rợp – Diện tích ao 1.000 – 3.000 m2 – Bờ ao chắc chắn, không bị rò rỉ, giữ được mức nước trong ao ổn định. Bờ phải cao hơn mức nước cao nhất 0,5m – Có cống cấp và cống thoát riêng biệt – Nguồn nước cấp vào phải chủ động, không bị ô nhiễm – Mức nước trong ao: 1,2 – 1,5 m là tốt nhất
– Cải tạo ao nuôi cá leo – Tháo cạn nước ao, dọn sạch cỏ rác ở ao và ven bờ, tu sửa lại bờ, cống ao, đăng chắn. – Vét bùn, chỉ nên để lại lớp bùn đáy 0,2 – 0,3 m – Dùng vôi bột rải đều đáy ao với lượng 10 – 15 kg/100 m2 để tẩy ao, khử trùng, diệt tạp. – Sau khi rải vôi nên trang lộn vôi với bùn đáy. – Phơi đáy ao 5 – 7 ngày. – Cấp nước: Cho nước vào ao trước khi thả cá 3 – 5 ngày (phải có đăng, mành chắn để ngăn địch hại theo dòng nước lọt vào ao).
6. Chọn và thả giống
– Mùa vụ thả: Thả giống từ tháng 3 – 4 dương lịch
– Chọn giống: Cá giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Chọn cá khoẻ mạnh, không dị hình, dị tật, không có dấu hiệu bệnh lý. Cá đồng đều, cân đối, không bị xây xát, không mất nhớt, bơi lội nhanh nhẹn, bơi chìm trong nước theo đàn.
– Mật độ thả: Tùy thuộc điều kiện cụ thể của ao và trình độ kỹ thuật của chủ hộ mà định ra mật độ nuôi cho phù hợp, có thể thả 2 – 3 con/ m2.
– Cách thả: Cho cá làm quen với môi trường nước bằng cách cho túi cá xuống ao từ 5 – 10 phút mới mở túi cho nước ao tràn vào một ít và để cá từ từ bơi ra ngoài ao, phải làm nhẹ nhàng tránh làm đục nước nơi thả cá. Thả cá vào sáng sớm hoặc chiều mát.
7. Cách chăm sóc và quản lý ao nuôi cá leo
7.1. Chăm sóc cá leo:
– Thức ăn: Có 2 loại là thức ăn tươi sống và thức ăn chế biến: Thức ăn chế biến của cá leo được phối trộn theo tỉ lệ như sau: Bột cá ( 55.6%)+ Đỗ tương ( 28.8%)+ Bột mì ( 7.1%)+ Cám gạo (5%)+ Dầu cá ( 1.5%)+ Vi lượng Vitamin( 2%).
* Cách chế biến thức ăn – Nếu cho ăn riêng thức ăn chế biến và thức ăn tươi sống + Đối với thức ăn là cá: Rửa sạch cá, cắt nhỏ vừa cỡ miệng cá. + Đối với thức ăn chế biến: Nguyên liệu phải được nghiền thành bột, trộn đều, cho thêm nước đủ độ ẩm và ép thành viên. Sau đó, sấy khô để bảo quản cho cá ăn dần.
– Nếu phối trộn thức ăn chế biến với thức ăn tươi sống Tỷ lệ về khối lượng giữa cá nghiền và các nguyên liệu còn lại là 1/1. Dùng máy ép hỗn hợp thành viên thức ăn cỡ 3 – 4 mm sau đó nắm lại thành từng nắm có khối lượng 200 – 300g/nắm.
* Cách cho ăn – Nếu cho ăn riêng rẽ thức ăn chế biến và thức ăn tươi sống: Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Buổi sáng cho cá ăn thức ăn tươi sống, buổi chiều cho cá ăn thức ăn viên chế biến. Tỷ lệ khối lượng giữa thức ăn chế biến và thức ăn tươi sống là 1/1.
– Nếu cho ăn thức ăn phối trộn: Cho cá ăn 1 lần vào sáng sớm.
7.2 Quản lý
– Tùy vào điều kiện cụ thể, trong ao có thể lắp máy phun mưa nhân tạo hoặc máy quạt nước phòng trường hợp cá nổi đầu do lâu ngày không thay được nước hoặc do thời tiết thay đổi bất thường.
– Thường xuyên cho nước chảy qua ao nuôi. Trong trường hợp không có nước chảy qua thì dùng máy bơm để tạo dòng chảy trong ao nuôi.
– Trong trường hợp độ sâu ao dưới mức quy định, phải kiểm tra bờ, cống tìm chỗ rò rỉ để xử lý rồi cấp thêm nước vào ao cho đạt độ sâu quy định.
– Nếu thấy thức ăn vẫn còn trong sàn cho cá ăn, phải giảm lượng thức ăn cho phù hợp.
– Mỗi tháng kiểm tra cá 1 lần, xác định khối lượng của 30 – 50 cá thể để theo dõi sinh trưởng của cá và phát hiện tình trạng phát sinh bệnh trong ao nuôi.
– Trong quá trình nuôi cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp + Làm sạch môi trường ao nuôi + Tăng sức đề kháng cho cá + Ngăn ngừa bệnh
.
Thành Long Tổng hợp (nongnghiep.vn, NXB Nông nghiệp)