Đặc sản và các món ăn ngon ở Sóc Trăng
Sóc Trăng
Đặc sản và các món ăn ngon ở Sóc Trăng
(Cập nhật 06/2022)
Cùng Phượt – Là vùng đất có người Kinh, người Khmer và người Hoa cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa và truyền thống ẩm thực riêng nên các món ăn ngon ở Sóc Trăng là sự pha trộn, giao thoa giữa những gì tinh túy nhất từ 3 dân tộc này hợp lại. Ngoài ra, rất nhiều các món ăn ở Sóc Trăng cũng gắn liền với đời sống vùng sông nước của người dân miền Tây với nhiều món đặc trưng được chế biến từ những loại thủy hải sản đánh bắt từ vùng. Đến Sóc Trăng, ngoài tham quan khám phá những địa danh vô cùng đẹp, các bạn cũng đừng quên thưởng thức ẩm thực Sóc Trăng nhé.
©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả litivivu, ninhanh.76, luckycamle, naoaozai, nhansoba, dthdiep, jessica_le, Hoai Niem, bangpnk, ttgiianng, ticonuongxitrum, master_khang, arian_quynh, ntvvirus, Kim Sang, uyenphuong, thuytrang_luong, tranchithanhst, Phương Nghi, traveleatsaigon và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.
Các loại bánh
Bánh Pía
Bánh pía là đặc sản vô cùng nổi tiếng của Sóc Trăng (Ảnh – ninhanh.76)
Làng bánh pía Vũng Thơm, từ lâu đã trở thành một thương hiệu bậc nhất của tỉnh Sóc Trăng. Bánh pía có hình tròn, dẹp, có nhiều lớp da mỏng bao lấy phần nhân đậu xanh (hoặc khoai môn, mứt các loại), lòng đỏ trứng vịt muối … Lớp vỏ lụa mỏng dính, tróc đều. Vì vậy một vài nơi người ta còn gọi bánh pía là bánh lột da. Bánh pía mềm, dẻo, có vị ngọt thanh, có mùi thơm của sầu riêng quyện với đậu xanh, mỡ heo hoặc dầu ăn… dễ khích thích khứu giác, vị giác của người thưởng thức. Bánh vừa ra lò có màu vàng ươm, quyện mùi sầu riêng hoặc các loại nhưng khác có vị thơm ngon, bắt mắt.
Bánh ống
Bánh ống lá dứa (Ảnh – luckycamle)
Gọi là bánh ống vì bánh làm bằng bột gạo được đổ vào khuôn bánh là những chiếc ống. Bột gạo đã tẩm lá dứa cho vào khuôn hấp độ vài phút, kéo que tre giữa khuôn lên, cả chiếc bánh theo que tre mà ra ngoài. Xẻ một đường giữa thân bánh, rắc ít muối mè, đường, đậu phộng rang giã nhỏ, thêm tí dừa nạo trắng muốt, thế là món bánh ống đã sẵn sàng.
Bánh ú mặn
Bánh ú mặn (Ảnh – naoaozai)
Bánh ú có 2 loại là bánh ú nước tro gói bằng lá tre và bánh ú mặn nhân thịt gói bằng lá chuối. Nguyên liệu làm bánh gồm nếp, đậu phộng, nước cốt dừa, tôm khô, thịt heo, nấm đông cô hoặc nấm mèo, lạp xưởng và đặc biệt là lòng đỏ trứng vịt muối. Bánh thường được gói bằng lá chuối, dạng hình tam giác cân và buộc bằng dây lạc với kích cỡ khá to như hai bàn tay bụm lại, lớn gấp hai ba lần chiếc bánh ú nước tro.
Bánh in
Cổ Cò còn là nơi khởi nguồn của làng nghề làm bánh in chứ danh ở Mỹ Xuyên. Nguyên liệu chính làm bánh in Cổ Cò là từ bột nếp rang, đậu xanh và đường cát được đúc trong những khuôn gỗ có hình rất đẹp mắt và tinh xảo. Nhân bánh in đặc trưng của Sóc Trăng là nhân sầu riêng và nhân đậu xanh.
Bánh cóng
Bánh được làm từ bột gạo, đậu xanh, đậu nành, thịt heo, tép đất, dừa tươi, hành lá… Bánh được chiên chín vàng ươm nhìn rất ngon miệng. Khi ăn cuốn bánh với các loại rau và chấm nước mắm chua ngọt.
Bánh bò
Bánh bò là loại bánh ưa thích của người dân Sóc Trăng, được làm quanh năm nhưng nhiều nhất là vào mỗi dịp thanh minh. Bánh bò với vị béo của nước cốt dừa, vị ngọt của đường, độ dai của bột năng, hương thơm của bột gạo và lá dứa tạo thành hương vị riêng của món này. Bánh bò có thể ăn kèm với muối mè, nước cốt dừa đã thắng sệt, các loại thịt quay hay bánh quẩy.
Bánh phồng tôm
Với thành phần nguyên liệu chính gồm bột mì, thịt tôm hoặc tép đã lột võ, được xay nhuyễn và một ít hạt tiêu giã nhỏ. Các nguyên liệu trên sau khi trộn với nhau sẽ được nhồi vào những chiếc túi vải dạng hình ống dài. Sau khi hấp chín, người ta cắt ra từng lát hình chữ nhật hay tròn rồi đem phơi khô. Trước khi ăn, phải đem bánh chiên giòn với dầu ăn đã sôi lên, bánh sẽ nở to ra. Những chiếc bánh chiên xong, có hương vị nồng thơm. Khi ăn, bánh mới chiên có độ giòn, xốp, béo ngậy, cay cay. Hương vị của bánh sẽ làm cho bạn ăn rồi lại muốn ăn thêm chiếc nữa.
Bánh dứa
Bánh dứa là món ăn truyền thống của người dân tộc Khmer Sóc Trăng, gần đây món bánh này đã khá quen thuộc với du khách khi ghé thăm Sóc Trăng. Bánh vừa mềm, dẻo nhưng giòn và có độ ngọt vừa phải, hoà quyện với hương thơm của lá dứa, vị ngọt béo của dừa nạo, béo bùi của đậu phộng nên khi ăn tạo cảm giác thật ngon miệng mà không chán.
Bún gỏi dà
Có thể nói điểm hấp dẫn và lạ lẫm của bún gỏi dà là nước lèo có vị ngọt, thơm, bùi, khó tả đến mức người ăn không nhận ra trong nước súp có nêm me chua, tương mặn nguyên chất làm gia vị. Nguyên liệu của một tô bún gỏi dà cơ bản gồm có: Sườn non, tôm đất, thịt ba chỉ. Nếu như bún riêu đậm đà hương vị của cua, bún nước lèo nồng nàn hơi mắm thì tô bún gỏi dà lại mang mùi vị đặc trưng của tôm đất, tương xay, vừa ngọt đậm vừa thơm ngon, hòa quyện với hương vị của nước súp, rau, giá, hẹ,… làm cho người ăn có cảm giác như vừa khám phá thêm một món mới đầy thú vị.
Bún nước lèo
Nguyên liệu chế biến Bún nước lèo gồm có: cá lóc, tép, rau muống, giá, bông chuối, rau thơm, nước mắm ngon, dừa tươi, nước sạch, ngãi bún, sả cây. Đặc biệt, không thể thiếu trong món bún nước lèo chính là nước lèo được làm từ mắm cá sặc, mắm bò hóc hay mắm cá lóc. Đây là nguyên liệu tạo cho tô bún nước lèo trở nên ngon và hấp dẫn với hương thơm của mắm làm ngây ngất lòng thực khách.
Hủ tiếu xương
Nước súp của hủ tiếu xương có thể nấu từ xương gà hoặc xương heo, nhưng được nấu phổ biến nhất là xương heo. Trước khi dùng, hủ tiếu, giá, hẹ được trần qua với nước sôi, bên trên xếp gan, cật heo đã luộc và thái lát, xương heo ninh mềm, chan nước súp vừa phải, để thêm hành, ngò và tiêu. Vị béo ngậy, thanh ngọt của nước hầm xương hòa quyện vào sợi hủ tiếu vừa trong vừa dai, cùng vị cay dịu của tiêu, cay nồng của ớt sẽ là hương vị khó quên với bất kỳ ai thưởng thức.
Bún vịt nấu tiêu
Đây là một món ăn do người Hoa sáng chế và trở thành một trong nhiều món ngon của Sóc Trăng. Gia vị chủ yếu để nấu món này là hột tiêu để tạo vị cay. Nước lèo được nấu bằng xương và nước dừa tươi để tạo vị ngọt. Vịt tơ được làm sạch, chặt vừa ăn, ướp thịt với hột tiêu, hột tiêu một nửa được đập hơi giập, một nửa để nguyên hạt, cùng các gia vị khác như đường, bột ngọt, tỏi, hạt điều,… Khi thịt được ướp đã thấm gia vị, tiếp tục phi tỏi và hạt điều vàng, cho thịt vào xào, xóc đều, đợi nồi thịt rút hơi cạn nước và thịt săn lại, đổ nước lèo đã chuẩn bị sẵn vào nồi nấu thêm hai giờ, nêm nếm gia vị vừa ăn.
Bê thui Sóc Trăng
Để tạo vị ngon cho món ăn này, phải chọn loại bò tơ vừa nhú sừng để thịt ngọt và mềm. Bò được làm sạch lông, để nguyên con và lấy một cây tre hay thanh sắt xiên dọc theo thân mình rồi đem gác lên giá đỡ hình chữ X đóng tréo xuống đất, phía dưới có lò than hồng để nướng bò cho thịt vừa chín tái. Thịt được cuốn với bánh tráng, bún, rau sống, chuối chát, khế và chấm với nước mắm nêm có ít mè. Đây là một món ăn ngon mà người dân địa phương thường gọi là bò giá tréo hay bò tái mướt.
Mắm cá lóc Ngã Năm
Món mắm cá lóc Ngã Năm được chế biến từ loại cá lóc đồng, còn sống, được tự tay người dân nơi đây ủ thành mắm với quy trình khá công phu và tỉ mỉ. Từ mắm cá lóc có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, như mắm lóc ăn sống (xé nhỏ thịt mắm, sơ chế với chanh, tỏi ớt, và nêm ít gia vị là có thể dùng được) hay mắm cá lóc chưng thịt ba rọi, mắm cá lóc chưng tương… Đặc biệt, món ăn hấp dẫn và độc đáo phải kể đến là món mắm cá lóc chiên.
Xá bấu
Đây là món ăn được người dân địa phương và du khách khá yêu thích. Người dân lựa củ cải trắng tròn dài đều, đem cắt độ 8 phân rổi chẻ mỏng đều lại theo sợi dài, ướp muối, phơi độ 2 – 3 nắng là vừa. Sau đó, đem trộn với đường cát, theo tỷ lệ thích hợp, ủ lại vài ngày cho đường ngấm vào từng sợi xá pấu. Ngoài ra, để tăng thêm hương vị của xá pấu ngọt, người dân còn có thể ướp thêm một số loại như củ gừng, củ riềng, giấm, tỏi, ớt hoặc xì dầu ngon.
Bông hẹ
Bông hẹ thường được chế biến thành món xào, dùng khá phổ biến trong bữa cơm gia đình, quán ăn và nhà hàng. Thông thường bông hẹ được dùng xào chung với các loại thịt, cá, nhưng ngon nhất và chế biến nhanh nhất vẫn là chọn xào chung với mực, tôm hay thịt bò. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận vị ngọt thanh và giòn, tạo vị giác hấp dẫn, ngon miệng.
Đặc sản Sóc Trăng làm quà
Khô trâu Thạnh Trị
Khô trâu nhiều vùng ở Sóc Trăng có, nhưng để có miếng khô khi nướng lên tươm mật thì chỉ có ở khô trâu Thạnh Trị. Khô trâu ở đây được làm từ loại thịt đùi sau của con trâu già, thịt săn chắc không tích nước. Trước khi đem phơi người ta đem thịt lóc sạch gân, lát ra thành mảnh dài bằng bàn chân, đập mỏng ướp thêm tỏi, đường, tiêu bột ngọt để thịt thấm gia vị, sau 2 giờ rồi đem phơi 3 ngày dưới nắng. Hiện nay, để không phụ thuộc thời tiết thì khô trâu được sản xuất bằng các lò sấy công nghiệp, món này tương tự như món thịt trâu gác bếp thường thấy ở các tỉnh miền núi phía Bắc, có khác chỉ là công thức tẩm ướp riêng của từng vùng.
Khô heo
Khô thịt heo là món ăn do người Hoa ở Sóc Trăng chế biến. Các nguyên vật liệu chính gồm: thịt nạc, rượu mùi, đường, muối và gia vị. Với bí quyết chế biến và cân đối trong việc trộn nguyên liệu, liều lượng riêng sẽ làm cho khô thịt có mùi vị thơm ngon. Khô heo ở Sóc Trăng được chia làm 2 loại, loại khô có thể ăn ngay khi mua về, loại tươi cần chế biến trước rồi mới có thể ăn.
Bưởi Năm Roi Kế Thành
Với đặc điểm có vỏ mỏng, màu trái vàng óng, sáng đẹp, có vị ngọt rất đậm đà, ăn không the, không hạt lúc chín, nên bưởi Kế Thành rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Xoài Đài Loan
Đây là giống xoài mới được trồng khoảng chục năm trở lại đây tại xã An Thạnh Nhứt, Cù Lao Dung. Loại xoài này thích hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây nên cho trái rất to, khoảng từ 1 đến 2kg, võ có màu tím, vàng, xanh rất đẹp và hương vị rất thơm ngon.
Hành tím Vĩnh Châu
Hành tím Vĩnh Châu được người tiêu dùng ưa chuộng do có chứa nhiều tinh dầu và hoạt chất có lợi cho sức khỏe, được dùng làm thực phẩm, phụ gia và dược liệu.
Cốm dẹp
Lúa được dùng để làm cốm dẹp phải là loại lúa nếp hạt dài, dẻo, thơm, vừa đỏ đuôi. Đầu tiên, nếp đem đi rang trong chảo gang, phải giữ lửa nhỏ đều. Khi thấy hạt nếp hơi giòn và ngã màu vàng nhạt là cho vào cối giã cho đến khi những hạt nếp dẹp lại gọi là “cốm dẹp”. Độ dẻo ngon của cốm phụ thuộc chủ yếu vào công đoạn rang và giã nếp. Sau đó, bỏ hết cốm ra nia sàng sạch trấu, cám cho cốm được ngon và để cốm ráo tơi ra. Cốm mới giã khá giòn và dẻo ăn rất thơm mùi nếp mới. Nhưng muốn ăn ngon hơn người ta phải trộn cốm dẹp với dừa rám nạo, ít nước dừa và đường cát trắng.
Tìm trên Google:
- các món ăn ngon ở Sóc Trăng
- đặc sản Sóc Trăng làm quà
- ăn gì khi du lịch Sóc Trăng
- các quán ăn ngon ở Sóc Trăng
- đến Sóc Trăng nên ăn gì
- địa điểm ăn uống Sóc Trăng
- ẩm thực Sóc Trăng
- món ăn vặt Sóc Trăng
- các món ăn vỉa hè ở Sóc Trăng
- mua gì ở Sóc Trăng
- Sóc Trăng có gì ngon
5/5 – (1 đánh giá)