Dân ca dân nhạc VN – Hò Xứ Huế

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Tiếp theo Lý Xứ Huế, hôm nay mình giới thiệu đến các bạn Hò Xứ Huế.  Trước hết mình có hai bài dẫn giải về các điệu hò của xứ Huế, (1) trích đoạn trong bài “Những Thể Điệu Dân Ca Xứ Huế” của Giáo sư Kiêm Thêm, (2) bài “Chữ Hiếu Qua Các Điệu Hò Miền Trung” của ông Nguyễn Đức Tăng để các bạn rộng đường tham khảo về một thể loại dân ca truyền thống VN, của kinh đô triều Nguyễn một thời, rất được người dân miền Trung ưa chuộng.

Sau đó là 5 video clips do các nghệ nhân xứ Huế biểu diễn một số các thể điệu Hò của xứ Huế. Duy chỉ clip thứ 6 là điệu Hò Tiếp Linh do một vị sư (và người phụ họa) hò trong lúc làm lễ tang cho một gia đình Phật tử.

Mời các bạn.

Túy Phượng

lyxuhue2

 

Hò Xứ Huế

(GS Kiêm Thêm)

Vùng đất Huế, Quảng Trị, Thừa Thiên cũ là vùng đồng bằng chật hẹp, có nhiều sông ngòi, đầm phá; nơi đây chính là chốn sản sinh hàng chục điệu hò hát, gợi lên những hương vị đặc sắc trong miền. Hò hát thể hiện trong bất cứ trường hợp nào. trên cạn thì có hò xay lúa, hò giã gạo, hò khoan, hò hụi, hò nện, hò giã vôi… trên sông, trên đầm phá thì có hò đẩy nôốc, hò mái đẩy, hò mái nhì, hò đua ghe… Nội dung những câu hò thể hiện tình cảm, động viên cổ vũ khích lệ, lại thường pha hài hước, trách móc, châm chọc.

Hò mái đẩy:

Hò mái đẩy là một trong những điệu dân ca thịnh hành nhất cà cư dân vùng Thừa Thiên -Huế. Lọai nầy thường được hò lên trong những khi thuyền chở nặng, phải vượt qua được những cơn sóng gió lớn, qua thác, xuống ghềnh, những quảng đầm phá hiễm nghèo trong nghề đi sông hay đi biển.

Do phải làm thêm chân sào lớn và mạnh để có thể chống đẩy, ngoài ra, phải ra sức để đẩy mạnh tay chèo, cho nên nhịp điệu của lối hò nầy phải mạnh mẽ, chắc nịch. Những khoản ngân cũng ngắn hơn, lời lẽ cũng mạnh mẽ, hùng dũng.

Nội dung của thể điêu dân ca nầy thường gồm có những câu châm chọc, chế riễu. Có khi chỉ trích, bắt bẻ nhau từng lời, từng ý. Những câu thường hò như là:

– Mình anh cả chống lẫn chèo, Không ai tát nước, đỡ nghèo cho anh.

Hay là:

Hò lên, hai mái song song, Phải cam, cam ngọt, phải bòng, bòng chua.

Những đoạn ngắt cău ngắn, mạnh, như chát chuá trong lời hò.

Hò mái nhì:

Nếu hò mái đẩy, mạnh, khoẻ, hùng bao nhiêu thì loại hò mái nhì khoan thai, tình điệu bấy nhiêu. Hò mái nhì cũng là điệu hò nổi tiếng của đất thần kinh, vang vọng khắp bến nước sông Hương, từ đồi Vọng Cảnh, đến Ngã Ba Sình, phá Tam Giang, vùng Cầu Hai, Nước Ngọt.

Hò mái nhì thường là điệu hò tình tứ, lời thơ ngọt ngào, mặn mà. Nhịp điệu của lối hò mái nhì thường ngân vọng, dàn trải rộng ra,chậm rãi, khoan thai, đưa theo mái chèo và chân đưa ra theo. Người chèo lái xướng lên, thì người chèo mũi họa lại; nguời chèo mạn bên nầy xướng thì người chèo mạn bên kia họa lại. Hơi đưa hơn ngân vang, rối cao vút lên, thì chỉ có lối hò mái nhì ở Huế mới có được.

Cũng có thể so sánh với giọng ngân của lối hò Đồng Tháp, nhưng giọng Huế thì êm dịu, đài trang hơn. Những nhà ngữ học khi phân tách hò mái nhì thường ca ngợi lời văn vẻ, giọng trữ tình vốn sẵn của hò mái nhì. “Hò mái nhì chỉ có những câu ân tình, hò hẹn, nhớ thương, trách móc thở than, chứ không có những lời đố đá, châm chọc, hài hước…” (Lê văn Hảo). Nếu so với những thể điệu dân ca khác, thì những điệu hò mái nhì tại Huế thường được gói ghém những tình ý ngọt ngào, duyên dáng, dịu nhẹ hơn cả. Phải chăng đây là nét đặc thì của tâm Huế.

Hò giã gạo:

Hò giã gạo rất thịnh hành trong sinh hoạt nông thôn. Loại hò nầy dùng nhiều thể thơ dân tộc để đối đáp, thường diễn ra chung quanh cối gạo nơi làng xóm. Tại Huế, trước khi tổ chức hội lễ, cúng tế, cần nhiều gạo nếp, thì hò giã gạo tập trung nhiều trai gái trong làng. Thậm chí những đoàn người thích hát từ những làng khác cũng hẹn nhau đến tham dự giã gạo. Mỗi cối gạo thường chỉ từ ba đến bốn người, nam hay nữ, và nhiều lúc có đến hàng ba bốn cối gạo, châu tuần quanh nhau, để có thể hát đối đáp nam nữ. Nhìn chung, hò giã gạo được xem là loại sinh họat vừa lao động vừa hát hò.

Trình tự của một buổi hò giã gạo được tổ chức như sau: – Mở đầu là những câu hò mời hò chào hỏi, giới thiệu, đưa duyên. – Tiếp đến chuyển qua những câu hát ân tình để hò hẹn, mời mọc. – Có khi dùng những câu hò đố, hò đâm bắt… như để thử thách tài năng ứng đối của đôi bên. – Cũng có thể là hò chuyên về một câu chuyện, nhân đó, thông qua nội dung, chen vào những lời gửi gắm, hẹn hò.

ho hue1

Nội dung thường mượn là: Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Nhị Độ Mai, Lưu Bình Dương Lễ, Thoại Khanh Châu Tuấn, Tống Trân Cúc Hoa. Cũng có thể kể tâm sự của kẻ tôi tớ, làm hầu, ăn xin, lính mộ, đánh bạc… Trong những câu chuyện, hai bên dùng lý để bắt bẻ nhau. Tuy nhiên vẫn phải dùng câu hò, điệu thơ ăn khớp, bóng bẩy. – Kết thúc: là những câu giã từ, hẹn lần sau, bày tỏ tâm tình xa cách.

Trong sinh họat, hò giã gạo thường tạo không khí hào hứng, rộn ràng hơn cả. Hò giã gạo mang tính chất tập thể. Người tham dự hò phải được rèn luyện để đối đáp. Phải biết cách dùng chữ khôn ngoan, khôn khéo, tinh vi để tấn công.

Hò chuyên nghiệp: Trong nhiều làng có những tay hò chuyên nghiệp. Chẳng hạn như trường hợp những tay hò kiệt chúng kiểu “ông Thiềm, bà Biên”. Hò giã gạo có lớp vế kể, vế sô, lớp vế trống; cũng như loại hò mái nhì, có hò cái và hò con trong trường hợp có nhiều người giả gạo. Trong hò giả gạo thường có từng cặp trai gái được xếp đặt kề bên nhau và cũng được chọn lựa từ trước như cuộc hẹn hò, trong việc đối đáp.

Hai bên phải thật khéo léo trong những câu đáp và trả lời, vì giã gạo thường có nhịp điệu nhanh và những câu hỏi vấn thì nhiều khi khó đáp. Ở Huế và Thừa Thiên, sau khi mùa màng gặt xong và thời tiết tốt thì trai gái làng nầy đua nhau sang làng kia để hát giã gạo. Không phải chỉ một cối gạo mà có khi đến ba bốn cối gạo. Từ những chuyện hò giã gạo đối đáp, đi đến chuyện tình duyên là thường tình.

Hò nện

Khi họ làm việc thì có những loại hò hụi tức là hò nện của những người thợ đắp nền nhà, dùng những loại vồ khác nhau để đập đất, cũng để đánh nhịp:

Hụ là khoan là hụ là khoan – Là hụ là khoan, là hụ là khoan – Chim khôn Hụ là khoan – Đậu nóc nhà quan Hụ là khoan -Trai khôn tìm vợ – Hụ là khoan – Gái ngoan tìm chồng – Hụ là khoan – Ở chốn ba quân… – Ô khoan là khoàn, hù là khoan…

Thông thường thì dùng loại thơ lục bát được ngắt chia ra từng đoạn hai phần, xem kẻ vào là những đoạn “hụ là khoan”. Loại hù nện trong trường hợp diễn tả nầy (theo tiếng chày vồ đập mạnh) rất mạnh mẽ, đồng thời cũng rất nhanh, thường do những người đàn ông vừa đập mạnh vồ vừa ca hát.

Hò thai:

Thai nghĩa là thai đố. Những người sáng tác ra những câu thai thường là nho sĩ, có học thức vững và tham hiểu nhiều, nhất là trong tục ngữ, ca dao. Có những câu thai vốn có từ trước; nhưng cũng có nhiều câu mới sáng tác ra cho nên rất khó trả lời. Hò thai không phải theo nhịp điệu, mà chỉ để dùng trong những khi nhàn hứng. Cũng có những người dùng loại bài thai để bày ra lối chơi cờ bạc. Hò thai trong những trường hợp nầy có ý nghĩa tương tự như hát bài chòi (Bình Định). Bài Thai về “tên của những con bài” trong khi chơi bài ghế hay bài chòi như sau:

Chơi Xuân gặp lúc e hè, “Ông ầm”, “Thái tử” đưa “xe” qua đò. “Lục chuôm” làm bạn “cửu chùa” Bán con “lá liễu” mà mua “nhất trò”. Nghiêng tai nghe nhặt “sưa” hò, Nâng niu “bạch tuyết”, nỏ lo chi “nghèo”. Tai “voi”, “đỏ mỏ” chạt theo, “Cột nọc” trăng gió, thả lèo “tám giây”. Đêm khuya “tứ cẳng” tới đây, Bên nớ “hai trạng” bên nầy “trạng ba” Sự tình “gà” mới gáy ra, “Gối” đầu trên “rốn”, “ngủ” mà thiu thiu. “bát bồng”, “nhị đấu” mĩ miều, Thợ cưa “một mắt” đánh liều chơi tiên. Bên nớ đã có “tám tiền”, Bên ni “tám mảng” đánh liền “thắt” lui.

Hò ô và hò đạp nước:

Loại nầy thường được dùng trong khi đạp nước vào ruộng. Trong trường hợp nầy thì người đạp nước không phải theo một nhịp điệu nào cả, khi khoẻ thì đạp nhanh, khi mỏi mệt thì đạp chậm hơn. Đây cũng là loại thơ lục bát được chia làm hai phần: phần dành cho hò cái và phần dành cho hò con. Tiếng hát thường là chậm và dùng nhiều tiếng đệm ơ..a..ê hay ô..ồ..hợ.

Hò nện vôi:

Hò nện vôi là một loại hò nện nhưng mang tính chất chắc khoẻ hơn, tiết tấu lại dồn dập, khẩn trương. Khi đâm vôi, mỗi cối có khoảng 4 hay 5 người. Một người “thợ hò” đứng bên ngoài, tay cầm đôi sênh, đánh nhịp cho đều với tiếng chày giã vôi. Người thợ hò hô lên một câu và đánh môt tiếng sênh, thì tất cả mọi người đứng bên các cối đều giơ chày lên, thợ hò đánh tiếp tiếng sênh thứ 2, thì mọi người đều xô “là hô hồ khoan” và cùng nện chày đồng loạt xuống cối vôi.

Thợ hò lại tiếp và đánh sênh tiếp lần thứ 2 thì mọi người đều giơ chày lên… cứ như thế mãi. Nhịp điệu mỗi lúc một khẩn trương thêm cho đến khi nào vôi đã được quánh lại thì mới dừng nghỉ. Thợ hò xướng lên: – Ai mà (nì), Tất cả đều xô: – là hô hồ khoan – Lợp miếu thiếu tranh, – Là hô hồ khoan .- Lợp đình (mà) thiếu ngói (nì – Là hô hồ khoan – Xây thành thiếu vôi – Là hô hồ khoan.

Hò nàng Vung:

Hò nàng Vung được dựa theo một thiên tình sử nổi tiếng tại Huế: Chuyện O Hiên, trò Siêu. Trò Siêu người làng Thanh Lương, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên – Huế) mồ côi cha từ thuở nhỏ, được người mẹ tảo tần nuôi dưỡng, cho ăn học để nên người có địa vị trong xã hội. Trò Siêu thành công trong giai đoạn đầu của việc dùi mài kinh sử; nhưng cũng trong khi đó, trò Siêu làm quen và yêu thương một cô gái làng Phú Bài, huyện Hương Thủy tên là cô Hiên.

ho hue2

Nàng là con một gia đình giàu có, địa vị. Siêu được cô Hiên đáp tình lại, tuy nhiên gia đình nàng lại khinh Siêu nghèo khó, chưa đạt đến đường công danh hoạn lộ, nên cương quyết cắt đức mối tình, và đem nàng gã cho một nơi môn đăng, hộ đối.

Siêu và Hiên tìm cách để vượt qua khó khăn, bèn tìm kế. Chàng về thưa với mẹ mình, được chính thức hoá mối tình, bằng cách đem trầu rượu sang nhà song thân cô Hiên để xin làm lễ hỏi. Cha mẹ Hiên thấy mẹ trò Siêu sang, đoán biết được mọi chuyện, xua đàn chó dữ của mình ra cắn. Bà mẹ Siêu què chân. Thất vọng và xấu hổ, cam tội bất hiếu, trò Siêu đã tìm nơi vắng vẻ thắt cổ chết.

Nàng Siêu nghe chuyện đau đớn vô cùng, tìm đến gặp xác người yêu, chính nơi mà họ thường hò hẹn, rồi thắt cổ chết theo chàng.

Chuyện O Hiên, trò Siêu trở thành đề tài sáng tác của nhiều nghệ nhân hò hát. Trong các điêu hò nầy, trình tự và nội dung tương ứng trong từng đoạn của chuyện kể. Nổi tiếng nhất là “hò nàng Vung” (cô Hiên).

Trên chiếu hò nàng Vung, nữ nghệ nhân đóng vai nàng Vung, đồng thời cũng là O Hiên. Còn vai trò Siêu thì do những nam thanh niên giỏi hát xướng trong vùng dự vào cuộc hò đảm nhận.

Diễn viên nam vai trò Siêu cất tiếng hát:

Tại vì: thầy mẹ bên em phụ khó, tham sang,” Mẹ của anh không vay lúa, nỏ (chẳng) tạm vàng,” Hô vàng, hô vện, hô đốm, hô khoang…” Một đàn chó dữ cắn mẹ anh què!” Bận nầy hổ thẹn với thế gian!” Anh đi tự vẫn, bỏ nghĩa tam cang không đền!”

Diễn viên nữ trong vai O Hiên đáp lại như sau:

-“Xin chàng hãy dằn lòng tự ái,” Thiếp dang tay níu lại, khoan, khoan!” Chàng đưa ngực thiếp vuốt, cho hạ chín lá gan,” Nhất mẫu, nhất tử, chàng đòi tự tử, bỏ mẫu từ ai nuôi?”

Diễn viên nam nhân đó tha thiết hơn:

“Anh mong Hiên, thấu tình, cạn lẽ,” Sống dương trần, anh không mất lòng đứa trẻ,” Lỡ thác rồi, em có nhớ:” Tình chồng, nghĩa vợ, thì hãy nuôi lấy mẹ già thay anh!

Khi hình ảnh của trò Siêu ngã sấp xuống, thì O Hiên đáp lại:

-“Hỡi anh ơi!” Chẳng thà ta thác có đôi,” Không thà anh thác, em ngồi chịu tang?” Đây sơi dây mây, xin vái Thiên Hoàng,” Cho tôi theo kịp gót chàng thủy chung…”

Chuyện tình O Hiên, trò Siêu đến đây là trọn vẹn phần diễn xướng.

Ngay khi đó, nàng Vung chuyển sang vai khác, để hò hát nỗi lòng uẩn khúc của mình. Về phần những người tham dự bên ngoài, cũng đã thâm nhập vào cuộc diện của hai người, hát khẩn nài hồn linh thiêng của Nàng Vung như sau:

“Sai nàng Vung:” Nàng Vung: đánh trống lung tung,” Ba hồn, chín vía nàng Vung hãy -về!”- Dẫu mà đi chợ xa quê,”- Cũng xin nàng về mà nhập vô Vung.”- Vung đất khác thể Vung đồng,”- Cơm cha, áo mẹ, xây Vung cho tròn.” -Một mẹ sinh đặng ba con,”- Lưng eo, vú xách, hãy còn như xưa.”- Bà Ân, bà Quán cây dừa,” Ăn no, tắm mát, ngồi chờ nàng Vung.”- Nàng Vung! Ơi hỡi Nàng Vung!”- Có thương, có nhớ, thì vùng mà lên!” Lên trời, che đám trăng lu,” -Che lọng, che dù, chớ để nghênh ngang.”- Mặt trời đã xế mái trang,”- Hồn xiêu, phách tán, Nàng Vung cũng về…”

Hò mái xấp:

Loại nầy dùng cho những người chèo thuyền, cũng như hò mái nhì và hò mái đẩy. Mái đẩy có nghĩa là dùng chèo lướt mạnh để đẩy cho thuyền đi tới nhanh. Hò mái xấp cũng có ý nghĩa tương tự, vì sấp hay xấp có nghĩa là quay ngược chèo để đẩy tới cho thật nhanh.

Hò đưa linh Quảng Bình:

Đưa linh là tiễn đưa linh hồn của người quá cố qua bên kia thế giới. Những thể điệu về đưa linh thường là giọng bi thương, não nùng, tha thiết, gây cãm xúc thương nhớ.

Thể điệu: Hoà đưa linh thường sáng tác theo điệu ngũ ngộn trong những đoạn tự sự và lục bát trong những đoạn tình cảm. Câu cuối của khổ thơ được lặp đi, lặp lại hai ba lần và mỗi khổ thơ là một câu hò trình bày một nội dung đầy đủ.

Nội dung: Trong nội dung của một buổi hò đưa linh có thể nhiều câu hỏi , tức là nhiều khổ thơ đi liền nhau làm thành một chương đoạn ghép lại với nhau, tuy nhiên toàn thể làn điệu của một bài đưa linh thì không thay đổi.

Thành thử, trong khi đưa đám tang mà có hò đưa linh (trong buổi tế hay khi lên đường) mà khi nghe điệu hò đưa linh của những đoàn hát chuyên ngành, thì những người tham dự tiễn đưa sẽ phải liên tục cảm hoài, buồn thương không dứt.

ho hue3

Hò đưa linh – chèo cạn ở Thừa Thiên

Khác với hò đua linh Quảng Bình, đây là một hệ thống diễn xướng, gồm các điệu múa, hường, ngâm hát, hò, lý, liên tiếp nhau. Cũng như trên thể hát nầy để trình bày trước quan tài, khi đưa người quá cố đến mộ và khi sắp hạ huyệt.

Theo ý nghĩa chung, thì đây là cách tiễn đưa linh hồn của người chết về cõi âm với tất cả niềm hoài cảm của những kẻ thân thương.

Thể điệu: Trong một buổi hò đưa linh – chèo cạn thường gồm các hình thức: hát nam linh, hường (một kiểu nói lối nhưng mạnh hơn, dài hơn và chặt chẻ bi thương hơn), hát bắt bài (tùy cảm hứng nói lái đưa linh, lý đưa linh và hát lui thuyền (gồm có: điệu lý ta lý và điệu hò chèo thuyền).

Phần kết thúc, thông thường là hò nện và đọc vè.

Nhạc điệu: Hò đưa linh của vùng Thừa Thiên và Quảng Trị được hò khi thì theo ngũ cung đúng, khi thì hò theo ngũ cung hơi nam giọng ai.

Nội dung: bất cứ một bài đưa linh – cửa cạn nào cũng phải được thể hiện tâm trạng đau thương thống thiết của người còn sống đối với người đã khuất. Ngoài ra, phải có những chi tiết thích hợp cho hoàn cảnh gia đình của họ trong giai đoạn vĩnh biệt nầy.

Tổ chức: trong một buổi hò đưa linh tại Huế, dẫn đầu của đoàn là kép chủ diễn, thường mang y phục như một kép diễn tuồng; theo sau là 12 chèo con, y phục giống nhau như binh phục lính thú đời xưa; sau cùng là người lái, chỉ khoác y phục bình thường.

Chèo cạn: tại làng Tùng, xã Vĩnh Giang, phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị có đội chèo cạn chuyên nghề. Đội nầy gồm có: cai tùy, caitấu, một dàn bát âm gồm sáo, nhị nguyệt, kèn sô-na và một tốp 12 thành niên trai khoẻ mạnh. Lễ hò đưa linh tại đây thường tổ chức ngay trước quan tài và khi đưa quan tài đến huyệt.

(Trích: Những Thể Điệu Dân Ca Xứ Huế)

lyxuhue3

Chữ hiếu qua các điệu hò miền Trung

(Nguyễn Đức Tăng)

Cũng như ca dao, những câu hò trong dân gian thuộc loại văn chương bình dân nên rất phổ cập trong dân chúng. Tác giả của nó có thể là những nhà thơ dân gian, thường không lưu lại tên tuổi như những nhà thơ của văn học thành văn, nhưng cũng đóng góp đời mình vào sự phát triển của ngôn ngữ thơ ca trong lãnh vực văn chương bình dân.

Những câu hò thường tồn tại do sự truyền khẩu trong dân gian và thường lưu trữ trong ký ức của con người, cho nên khi con người từ giã cõi đời, đã mang theo phần vốn liếng lưu trữ ấy. Do đó không tránh khỏi sự thất thoát và cũng do đó, việc sưu tầm các thể loại hò cũng phải có giới hạn, không thể nào được hoàn toàn đầy đủ.

Ngày nay, thời đại văn minh khoa học, văn hoá dân gian cũng không tránh được sự đổi thay. Khi mà phong trào Karaoké thịnh hành trong dân gian, từ thành thị đến thôn quê, liệu rằng chúng ta có còn nghe tiếng hò ru em, tiếng hò khoan, tiếng hò giã gạo, hò mái nhì, mái đẩy hay hát hố… thường văng vẳng đâu đây trên quê hương yêu dấu như những ngày đằm thắm xa xưa?

Tuy nhiên, chúng ta cũng không lấy làm ngạc nhiên khi thấy văn học dân gian có thể thất thoát, nhưng không thể mai một được, vì nó phát xuất từ sự hồn nhiên của con người. Dù ở thời đại văn minh khoa học, siêu thông tin, con người đã lên cung trăng, nhưng con người vẫn là con người, không thể biến thành cái máy, không thể đánh mất tính hồn nhiên, không thể đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc.

Bài này tôi chỉ xin đề cập đến chữ hiếu qua vài điệu hò miền Trung và không đủ khả năng để đào sâu nguồn gốc đã có hơn ba ngàn năm trước mà cho đến nay người ta không rõ những từ ngữ như “hố rị”, “hố hụi”… là ngôn ngữ của dân tộc Việt hay Chàm.

Trong những hoàn cảnh địa lý khắc nghiệt, người dân miền Trung, nhất là ở nông thôn, phải luôn chịu đựng để mưu sinh, để vươn lên, những câu ca dao, hò vè ở vùng đất nầy không được trau chuốt, có vẻ chân quê, mộc mạc nhưng đằm thắm tình người. Những câu hát điệu hò nói chung thường biểu hiện ngôn ngữ, tín ngưỡng, tình cảm và sắc thái của từng vùng đất.

ho hue4

Những điệu hò miền Trung có hò mái nhì, hò mái đẩy, hò giã gạo, hò ru em, hò bả trạo, hò hố… Bài nầy tôi chỉ đề cập đến một vài câu hò ru em và hò giã gạo theo sự hiểu biết rất hạn hẹp của mình, với cốt ý nói lên lòng hiếu kính của con cái đối với cha mẹ bàng bạc trong các câu hò.

Từ ngàn xưa, tổ tiên ta đã có kinh nghiệm về giáo dục bình dân đại chúng. Ngay từ lúc nằm nôi, con trẻ đã được người lớn dỗ dành qua tiếng hò à ơi… để ru ngủ. Tiếng hò ngân nga dịu dàng êm ái hoà nhịp với tiếng võng kẽo kẹt đẩy đưa đều đặn như tiếng nhạc êm dịu, đưa trẻ con vào giấc ngủ say.

Hầu hết những câu hò đều đơn sơ giản dị, nhưng chất chứa tình cảm của cha mẹ đối với con cái và ngược lại, sự biết ơn của con cái đối với bậc sinh thành:

Ru hời ru hỡi ru hời
Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!

Công cha nghĩa mẹ thật là cao dày, bổn phận làm con phải biết đền đáp:

Ơn cha ba năm lai láng
Nghĩa mẹ chín tháng cưu mang
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn
Biết lấy chi đền nghĩa khó khăn
Thôi thì hai đứa mình lên non gánh đá
xây lăng phụng thờ.

Khác với hò ru em, hò giã gạo không theo bài bản sẵn có đã thuộc nằm lòng mà phải có tài ứng khẩu linh động tại chỗ để đối đáp tức thời giữa bên nam và bên nữ, thông thường có hai nam và hai nữ. Gọi là hò giã gạo vì ở nông thôn những lúc giã gạo người ta hay cất tiếng hò cho vui theo nhịp chày nện xuống cối gạo để thêm hăng hái và bớt thấy mệt nhọc. Nhưng trong những buổi hò có tính cách trình diễn trước công chúng thì tiếng hò kèm tiếng gõ nhịp trên chiếc cối tượng trưng mà thôi.

Rạp Đồng Xuân Lâu ở thành phố Huế là rạp hát bội nổi tiếng lâu đời mà đôi lúc còn là nơi tổ chức hò giã gạo có tiếng tăm. Những nơi làng mạc, hò giã gạo thường tổ chức ngoài trời, thường là ở trước sân đình hay những địa điểm có thể tập trung dân chúng đông đảo trong những đêm trăng thanh gió mát. Các cặp nam nữ luân phiên hò đối đáp qua lại từ tối cho đến gần sáng mới chấm dứt. Càng về khuya lời đối đáp càng gay cấn, càng hấp dẫn và đôi khi có những cặp trai gái phải lòng nhau để rồi sau đó đi đến chỗ: “đôi ta nên vợ thành chồng”.

Trong những điệu hò giã gạo, qua lời đối đáp giữa nam và nữ, luôn nhắc nhở đến đạo lý cương thường, đến bổn phận thiêng liêng của con người. Và đây là chàng trai cất lời ướm hỏi:

-Đêm khuya trăng dọi thềm đình
Hỏi người bạn gái thương mình hay không?

Người con gái luôn dè dặt thận trọng tìm lời đáp lại:

-Thương em thì nhờ thầy mẹ tính toan
Không phải em vô sòng giã gạo hát hò khoan mà thành!

Hay là:

-Em thương còn bụng mẹ thầy
Đèn treo trước gió biết xoay ngã nào?

Không được trả lời dứt khoát chàng trai phải đánh đòn tâm lý:

-Trao duyên gởi số cho chàng
Kẻo cô đơn mình thiếp, có khối vàng cũng như không!

Xét mình chưa đền đáp ơn sâu nghĩa nặng đối với các bậc sinh thành, nàng đáp ngay:

-Chàng ơi! Ơn cha ba năm cúc dục
Nghĩa mẹ chín tháng cù lao
Ai đền ơn cho thiếp mà nhủ thiếp trao ân tình?

Hay là:

-Thầy mẹ sinh em ra đựơc chút má đào.
Biết lấy chi đền ơn đáp nghĩa mà khiến thiếp trao ân tình?

Người con trai vẫn viện thêm cớ để tiếp tục tấn công:

-Em ra lấy chồng mà kiếm chút con trai
Kẻo một mai măng già tre rụi lấy ai bạn cùng?
-Em ra lấy chồng chừ được chừ, mai được mai
Sợ mai tê mẹ yếu cha già, bát cơm ai đỡ, chén trà ai bưng?

Dù không được đáp ứng nhưng chàng trai vẫn dùng đòn tâm lý để tấn công tới tấp:

-Em ra lấy chồng mà kiếm chút con
Kẻo một mai người ta có mình không cũng buồn!

Nhưng nàng vẫn khăng khăng từ chối vì nàng còn còn bổn phận phải phụng dưỡng mẹ già:

-Em ra lấy chồng biết bỏ mẹ cho ai
Chiều hôm quạnh vắng khuya mai một mình!

Hay là:

-Em ra lấy chồng bỏ mẹ cho ai
Thu đông tiết lạnh mẹ ngồi hoài trông con!

Người con trai nhắm vào chỗ yếu của phái nữ, thường sợ muộn màng ế ẩm, bèn tiếp tục dụ dỗ:

-Xấp hàng Tàu để lâu cũng ế
Răng em không kiếm nơi chiếu cố thân lại lập thân
Thầy mẹ già không sống mãi để cầm cân cho em hoài?

ho hue5

Cho dù người con trai có tìm đủ mọi cách để thuyết phục, nàng cũng chẳng mềm lòng, nghĩ mình còn son trẻ, chẳng lo chi tới chuyện muộn màng mà chỉ nghĩ đến hoàn cảnh hiện tại cha già mẹ yếu không ai phụng dưỡng:

-Ơn thầy nghĩa mẹ nặng lắm anh ơi
Nghĩa phu thê sớm muộn nhờ trời
Tiết thanh xuân em hãy còn nở,
Chưa muộn thời mà anh lo!

Đối với nàng, sớm muộn nhờ trời, dẫu có ế ẩm cũng cam đành. Nàng xem chữ hiếu là trọng:

-Chỗ mô nghiêm trang bằng chốn Bến Ngự
Chỗ mô lịch sự bằng chốn Đông Ba
Một lòng kính mẹ, một dạ kính cha
Dẫu mà bóng xế trăng qua cũng đành!

Tán tỉnh mãi không xong chàng bèn đánh bạo ngỏ ý với nàng là sẽ cậy người mang cau trầu rượu đến dạm hỏi, nhưng nàng vẫn một mực chối từ; không phải là nàng có ý chê bai chàng mà chỉ vì muốn giữ tròn chữ hiếu…

-Ai bưng cau trầu tới đó, chịu khó bưng về
Em đây vốn thiệt không chê
Nhưng muốn ở làm ri nuôi thầy với mẹ cho trọn bề hiếu trung.

Để cho chàng còn nuôi chút hy vọng, nàng khuyên chàng nên lo học hành và hứa sẽ một lòng chờ đơi:

-Thầy mẹ sinh em phận gái giữ đạo cương thường
Anh lui về học lấy văn chương
Nghìn thu em vẫn đợi, không vấn vương nơi nào.

Được lời như cởi tấm lòng, chàng cũng muốn tỏ ra mình vốn là người biết trọng đạo lý cương thường:

Khuyên em giữ lấy chữ cang thường
Anh đây con người quân tử không bỏ ruồng mà lo!

Nhưng cũng có trường hợp người con trai dụ dỗ không xong, bèn tìm cách xúi dại người con gái bỏ nhà ra đi:

-Núi sơn lâm nuôi nhân đào tản
Biển Tây Hồ trợ kẻ lâm nguy
Thương nhau dắt lấy nhau đi
Công ơn thầy nghĩa mẹ lo chi trả đền?

Là người con hiếu thảo, nàng không thể nghe lời chàng xúi bậy làm điều thất hiếu, trái với luân thường đạo lý. Tốt hơn là khuyên chàng nên cậy người mai mối, mang trầu rượu đến hỏi cho đẹp mặt mẹ cha:

-Anh lui về sửa cậy mối dong
Trầu mâm rượu hũ đẹp lòng mẹ cha
Kể từ ngày mẹ đẻ con ra
Mem cơm trún sữa lớn mà từng ni
Em nghe anh mà bỏ ra đi
Thất hiếu với phụ mẫu, tội ni ai đền?

Cũng có trường hợp đôi trai gái yêu nhau nhưng cha mẹ không bằng lòng:

-Anh thương em mà thầy mẹ thoái thác, chú bác cản ngăn
Thôi dành huệ héo theo lan bận này!

Không muốn thấy cảnh lan tàn huệ héo, nàng bèn bày mưu tính kế cho chàng:

-Anh muốn gần, em vẽ chước cho
Cầm một buồng cau, chai rượu, anh giả đò tới chơi.

Nghe lời em, nhưng vì chàng mặc cảm nhà nghèo, e rằng sẽ gặp trở ngại:

-Tay anh cầm chai rượu buồng cau
Đi ngã đằng sau thầy mẹ chê khó
Đi ngã cửa ngõ chú bác chê nghèo
Nhắm chừng duyên nợ cheo leo
Sóng to, thuyền nặng, chẳng biết chống chèo có qua không?!

Để trấn an chàng, nàng khơi niềm hy vọng là cha mẹ vì thương con gái, sẽ không nỡ từ chối lời cầu hôn của người yêu con mình:

-Thầy mẹ không thương thì miệng bẩm chân quỳ
Thầy mẹ thương em chừng nào thì thương anh chừng nấy chứ can gì mà anh lo!

Nhưng nhiều khi thấy duyên nợ khó thành, chàng chỉ còn cách tự an ủi:

-Sông mô sâu bằng sông An Cựu
Hói mô quanh quẹo bằng hói Châu E
Công bất thành, danh bất toại, anh xách nón ra về
Mất thầy mất mẹ khó kiếm chứ đạo nghĩa phu thê thiếu gì?

Có khi người con gái cũng phân vân khó nghĩ, bởi bên tình bên hiếu biết nghiêng bên nào:

-Không nghe lời thân phụ thì bất hiếu với thân phụ
Nghe lời thân phụ thì bỏ nghĩa anh ơi!
Tấm thân em như cây khô chết đứng giữa trời, tội chưa!

Tâm trạng đau khổ của chàng cũng chẳng khác gì tâm trạng của nàng, thôi thì chỉ biết an ủi nhau là chúng mình còn trẻ, hãy an tâm lo phụng dưỡng mẹ cha cho tròn đạo hiếu, còn duyên tình rồi sẽ hạ hồi phân giải:

-Tấm thân em như cây khô chết đứng
Tấm thân anh đây tựa lá rụng trên cành
Thôi hai đứa mình tuổi hãy còn xanh
Cứ an tâm trở về nuôi thầy với mẹ để trả nợ dưỡng dục sinh thành ngày xưa.

Thường thì những người trai làng khi thấy gái làng đi lấy chồng xa cũng buông lời tiếc trách:

“Sao em không lấy chồng gần mà đi lấy chồng xa?”.

Thực tình thì đa số gái làng thường ái ngại cái cảnh phải đi lấy chồng xa, bỏ cha mẹ già không ai cưu mang,

“chén cơm ai xới, chén trà ai bưng?”.

Tuổi thầy mẹ gần đất xa trời không lo chăm sóc, phụng dưỡng, đến khi chết đi dù có làm heo cúng giỗ cũng chỉ là cảnh “làm văn tế ruồi”:

-Thiên hạ có câu
“Đói khó ở làng hơn giàu sang hàng xứ”
Bát cơm dĩa muối cũng trung hiếu đạo đường
Em đi lấy chồng xa xã, ngái hương
Một mai em có làm con heo cúng giỗ có đặng lẽ cương thường hay không?

ho hue6

Đôi khi người con gái cũng có nhận xét tinh tế, thấy tình nhân mình không biết trọng lễ nghĩa, nên phải tỏ thái độ bất bình, không muốn phí công chờ đợi:

-Ba mươi anh không đi Tết
Mồng một anh không tới lạy bàn thờ
Hiếu trung chi anh nữa mà bảo em chờ cho uổng công?

Lễ giáo ngày xưa khắt khe, với quan niệm “nam nữ thọ thọ bất thân”, trai gái chỉ ngồi kề nhau cũng bị rầy la huống chi là chạm đến xác thịt. Nhưng rồi cảnh “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, chuyện động trời không mong mà lại đến, chẳng phải lỗi riêng ai, nàng chỉ còn cách cầu mong chàng lo liệu thế nào kẻo thầy mẹ thả bè trôi sông thì chết mất:

-Vì anh một thỉ, vì em một thỉ cho nên chi lỡ dĩ ra rồi
Thầy mẹ đánh mắng, chú bác đòi lăn sáo thả trôi
Có mưu chi thì cứu vớt kẻo khổ em rồi anh ơi!

Nghe lời kêu cứu của nàng, chàng chỉ biết tìm cách trấn an rằng chuyện đã lỡ dĩ, nếu có bề gì thì chàng sẽ xử sự sao cho trọn nghĩa vẹn tình:

-Vì anh một thỉ, vì em một thỉ cho nên chi lỡ dĩ ra ri
Ví dầu thầy với mẹ có lăn sáo thả trôi
anh cũng liều mình vọt xuống tức thì
May còn sống dương gian thì trọn nghĩa
Rủi có thác xuống âm ti cũng trọn tình.

Nhưng tình thương con vô bờ bến, thầy mẹ nàng nỡ nào lăn sáo thả sông mà chỉ đánh nàng trăm roi rướm máu để phạt tội “gái hư thân trắc nết”.

-Tưởng thầy mẹ đánh thiếp hai ba roi,
Không ngờ thầy mẹ đánh thiếp một trăm roi
Thiếp phải giơ lưng thiếp chịu, e không trọn đời với anh?

Trước tình huống đó, chàng trai chỉ biết khuyên nàng ráng chịu đòn, rồi chàng sẽ tìm cách an ủi, xoa dịu:

-Thầy mẹ đánh em trăm roi vô một chỗ, máu mủ đổ ra
Anh khuyên em đừng khóc đừng la
Ra ngoài đồng quạnh quẽ, ta lại bóp với xoa lần hồi.

Nàng bị đòn rướm máu đau đớn lắm nhưng được chàng an ủi bằng cách đưa nàng ra chốn đồng không mông quạnh để lấy dầu cù là thoa bóp, chắc rằng cả hai chẳng còn thấy gì là đau khổ trên trần gian.

Người viết xin được phép chấm dứt.

(Nguyễn Đức Tăng)

 

Hò Giả Gạo – Phong Thủy & Xuân Thoại:

 

Hò Mái Nhì – Vân Khánh:

 

Hò Đối Đáp – Tốp ca:

 

Hò Giã Gạo – Mai Lê:

 

Hò Hụi – Bình Trị Thiên:

 

Hò Tiếp Linh:

Share this:

  • Thêm

Thích bài này:

Thích

Đang tải…

Rate this post

Viết một bình luận