Trong bộ phim chiếu rạp có tên gọi “Mật vụ Kingsman”, các điệp viên bí mật sẽ gặp nhau tại trụ sở là một tiệm may vắng vẻ mà ẩn sâu phía sau là mật thất chứa đầy vũ khi tối tân, hiện đại.
Thật tình cờ, một số ngày gần đây, cư dân mạng Việt cũng liên tưởng các cửa hàng Nón Sơn như một địa điểm bí mật tương tự trong Kingsman. Nhiều người đùa rằng bán nón chỉ là vỏ bọc bên ngoài, rất có thể bên trong là một tổ chức đặc vụ nào đó. Nguyên nhân là do mô hình Nón Sơn trước giờ được cho là khá bí ẩn: Luôn đặt cửa hàng ở vị trí to đẹp, nhìn từ bên ngoài không có nhiều khách qua lại nhưng vẫn đủ sức trụ vững từ năm này qua năm khác.
Bức ảnh “chế” liên hệ Nón Sơn với SHIELD, tổ chức gián điệp hư cấu xuất hiện trong phim điện ảnh của Mỹ.
Vậy thực tế Nón Sơn đã làm ăn thế nào?
Khởi đầu từ một cửa hàng chuyên kinh doanh nón thời trang ngoại nhập ở TPHCM vào năm năm 1996, sau hơn 20 năm phát triển, Nón Sơn đã trở thành thương hiệu thời trang lớn mạnh, tự chủ trong sản xuất và xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp.
Theo thông tin trên website chính thức của Nón Sơn, số lượng cửa hàng lên tới hơn 100, và có mặt ở hầu hết tỉnh thành của Việt Nam. Trong đó riêng tại TPHCM Nón Sơn có 57 cửa hàng và tại Hà Nội có 20 cửa hàng.
Đặc điểm chung của các cửa hàng Nón Sơn là luôn nổi bật bởi tông hồng chủ đạo, nằm ở các vị trí đắc địa như ngã ba, ngã tư hoặc trên các mặt phố lớn. Đi kèm với đó là chương trình khuyến mại mua 1 tặng 1 gần như diễn ra quanh năm.
Trên thực tế, các cửa hàng vật lý này vừa là địa điểm mua sắm, nhưng cũng có thể coi là kênh truyền thông riêng của Nón Sơn. Vì từ lâu đơn vị này không xuất hiện trên báo chí, truyền hình hay bất kỳ sản phẩm quảng cáo nào khác.
Một quản lý cửa hàng của Nón Sơn từng chia sẻ rằng thay vì quảng bá thương hiệu, Nón Sơn thuê những vị trí đẹp, trang trí bắt mắt để thu hút người qua đường. Thêm vào đó, có những cửa hàng thuê đã từ lâu nên giá cả không đắt như thuê tại thời điểm hiện tại. Nón Sơn cũng là công ty lớn nên đối tác cũng tin tưởng.
Về mặt sản phẩm, so với các loại mũ trên thị trường, Nón Sơn có giá bán cao hơn nhiều. Sản phẩm tại đây được chia thành 3 dòng chính: Mũ bảo hiểm, mũ lưỡi trai cho nam và mũ rộng vành cho nữ. Trong đó, mũ bảo hiểm thường từ 300.000 đến trên 400.000 đồng/cái; mũ thời trang nam, nữ giá trung bình từ 500.000 -1 triệu đồng/cái và có những mẫu cá biệt mức giá lên tới vài ba triệu đồng.
Thông tin từ Nón Sơn cho thấy các sản phẩm có giá bán cao vì nguồn nguyên liệu đầu vào đều được nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ, Italia, Nhật Bản Hồng Kông, Hàn Quốc, Thái Lan…Ngoài ra những mẫu sản phẩm thủ công, được đan tay toàn bộ cũng sẽ có giá cao hơn khá nhiều các mẫu còn lại.
Với giá bán cao như vậy, các cửa hàng Nón Sơn không phải là lựa chọn của nhiều người và tình trạng vắng khách diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, để cân bằng nguồn doanh thu, Nón Sơn phát triển mạnh kênh mua bán online thông qua các sàn thương mại điện tử. Một cách lặng lẽ, Nón Sơn đã có cửa hàng chính hãng trên Lazada Mall, Shopee Mal và Tiki, đồng thời có đại lý phân phối trên Sendo. Nón Sơn cũng xây dựng website bán hàng của riêng mình, một kênh Youtube và fanpage chuyên giới thiệu, cập nhật thông tin về sản phẩm.
Nón Sơn bán sản phẩm trên Lazada Mall.
Ngoài nguồn thu từ kênh online, Nón Sơn còn phân phối xuống các đại lý bán lẻ, trở thành lựa chọn của nhiều công ty lớn. Theo tiết lộ, những đối tác này sẽ chọn Nón Sơn để tặng nhân viên hoặc tri ân khách hàng, thực hiện các chương trình khuyến mại.
Trong mùa dịch vừa qua, để gia tăng doanh thu, thương hiệu thời trang này còn bán kèm các sản phẩm như khẩu trang, chai xịt diệt khuẩn,…
Theo Trí Thức Trẻ