Đàn tranh Việt Nam – thanh âm trong trẻo của âm nhạc dân tộc

Đàn tranh Việt Nam có âm thanh vô cùng trong trẻo và ngọt ngào, là một trong những loại nhạc cụ cổ truyền mang đậm bản sắc văn hoá và nghệ thuật của dân tộc.

Trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, đàn tranh Việt Nam cho tới nay vẫn là một nhạc cụ được nhiều người yêu thích và tìm học. Cây đàn này cuốn hút lòng người bởi những âm thanh trong trẻo, ngọt ngào, chất chứa bao tâm tình của người dân đất Việt.

Giới thiệu về đàn tranh Việt Nam

Lịch sử của đàn tranh Việt Nam

Đàn tranh Việt Nam có nguồn gốc từ đàn cổ tranh của Trung Quốc (còn gọi là guzheng), được du nhập vào nước ta vào khoảng thế kỉ 13, đời nhà Trần. Trải qua nhiều thập kỷ, người Việt đã “Việt hoá” cây đàn, tạo ra những đặc điểm phù hợp với nền âm nhạc và đời sống của Việt Nam. Và từ đó cho tới nay, đàn tranh đã trở thành một trong những loại nhạc cụ cổ truyền được yêu thích nhất, được diễn tấu trong các buổi hoà nhạc, dịp lễ hội, đệm đàn ngâm thơ hoặc kết hợp với nhiều loại cụ khác. Ngày nay, rất nhiều nghệ sĩ còn sử dụng đàn tranh Việt Nam để diễn tấu các bản nhạc trẻ, các thể loại nhạc mới như nhạc Pop hoặc EDM.

Đàn tranh bắt đầu xuất hiện từ đời nhà Trần. Ảnh: Nguyễn Thị Mỹ Lệ

Đàn tranh bắt đầu xuất hiện từ đời nhà Trần. Ảnh: Nguyễn Thị Mỹ Lệ

Cấu tạo đàn tranh

Đàn tranh Việt Nam có dạng hình hộp với chiều dài khoảng 110 – 130 cm, tuỳ thuộc vào số dây. Đầu lớn của đàn rộng khoảng 25 – 30 cm, có lỗ để mắc dây, và có ngựa (nhạn) đàn để gác dây. Đầu nhỏ của đàn rộng khoảng 15 – 20 cm, có các trục để cố định dây đàn.

Mặt đàn tranh được uốn cong hình vòm để có thể tạo ra âm vang. Gỗ ngô đồng là loại gỗ được các nghệ nhân yêu thích để làm thân đàn bởi đặc tính truyền âm tốt.

Đàn tranh còn có tên gọi là đàn Thập Lục, bởi trước kia nó có 16 dây. Tuy nhiên ngày nay, đàn tranh Việt Nam đã được cải tạo với số lượng dây lên tới 17, 19, 20, 22 và thậm chí là nhiều hơn nữa để có thể diễn tấu nhiều bản nhạc khó. Dây đàn tranh là dây sắt, tạo ra âm thanh trong trẻo đặc trưng. Dây đàn có nhiều kích cỡ khác nhau: dây càng dày thì sẽ tạo ra âm thanh trầm và vang, còn dây mỏng hơn sẽ tạo những âm thanh có cao độ lớn.

Đàn tranh được cải tiến nhiều dây hơn để chơi những bản nhạc khó. Ảnh: Phương Nhung

Đàn tranh được cải tiến nhiều dây hơn để chơi những bản nhạc khó. Ảnh: Phương Nhung

Cách chơi đàn tranh Việt Nam

Người chơi đàn tranh trước hết sẽ phải di chuyển ngựa (nhạn) đàn để lên đúng cao độ của các dây. Tay phải dùng để gảy đàn tạo ra âm thanh. Tay trái sẽ sử dụng các kỹ thuật như rung, nhấn, vỗ… để thổi hồn cho tiếng nhạc.

Tay phải dùng để gảy đàn, tay trái sử dụng các kỹ thuật tạo cảm xúc cho bản nhạc. Ảnh: Internet

Tay phải dùng để gảy đàn, tay trái sử dụng các kỹ thuật tạo cảm xúc cho bản nhạc. Ảnh: Internet

Ngày xưa, các nghệ nhân đàn tranh thường để móng tay dài, và gảy đàn bằng 2 ngón là ngón cái và ngón trỏ. Ngày nay, người chơi đàn tranh phần lớn đeo móng giả làm bằng đồi mồi hoặc sắt và chơi bằng 3 ngón: ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa. Một số tác phẩm khó khi biểu diễn có thể phải sử dụng thêm cả ngón áp út.

Âm thanh của đàn tranh Việt Nam

Khác với đàn guzheng của Trung Quốc, đàn tranh Việt Nam có âm thanh vô cùng trong trẻo, ngân vang, giàu tình cảm. Loại nhạc cụ này vừa thích hợp để diễn tấu những bản nhạc da diết, tình cảm, lại vừa phù hợp để thể hiện những bản nhạc tươi vui, phù hợp với mọi lứa tuổi.

Đàn tranh Việt Nam phù hợp với mọi lứa tuổi. Ảnh: Mytranh Nguyen

Đàn tranh Việt Nam phù hợp với mọi lứa tuổi. Ảnh: Mytranh Nguyen

Đàn tranh với thanh âm trong trẻo như nói lên bao tâm tư, tình cảm của người gảy đàn. Càng nghe ta càng thấy bồi hồi. Càng nghe ta càng cảm nhận được vẻ đẹp và giá trị văn hoá, nghệ thuật to lớn của âm nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam.

Rate this post

Viết một bình luận