Danh lam thắng cảnh – UBND TP Vị Thanh – Hậu Giang Portal

          Di tích lịch sử đặc biệt chiến thắng Chương Thiện – Công viên Chiến Thắng

Đây là di tích lịch sử duy nhất ở Hậu Giang được xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Nằm tại địa điểm khu vực 3, phường 5, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, là nơi ghi lại những dấu ấn lịch sử của quân và dân Khu 9. Ở thành phố Vị Thanh, cùng với cầu Xà No, bờ kè Xà No, Khu hành chính UBND tỉnh, Di tích Chiến thắng Chương Thiện nổi bật với kiến trúc độc đáo, hài hòa với tổng thể xung quanh, rất thuận lợi cho du khách đến tham quan. Khu di tích có diện tích 144.000m2, với các hạng mục: khu trưng bày hiện vật, trưng bày ngoài trời, cụm tượng đài, sân lễ và một số hạng mục phụ trợ. Đặc sắc nhất là cụm tượng đài gồm 3 khối kiến trúc chính, thể hiện 3 đội quân, 3 mũi giáp công cùng nhiều sự kiện tiêu biểu của chiến tranh nhân dân được khắc họa. Nhà trưng bày lưu giữ nhiều hiện vật, ảnh tư liệu về một số trận đánh tiêu biểu của quân và dân ta,  nhiều hiện vật gồm vũ khí, quân trang, xe tăng, máy bay được trưng bày ngoài trời. Di tích này sẽ là một trung tâm văn hóa, du lịch, một trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng của tỉnh Hậu Giang.

          Di tích Khu trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu – Khu văn hóa Hồ Sen

Hồ Sen nằm gọn trong lòng thành phố trẻ Vị Thanh, êm đềm nhưng lại mang một dấu ấn riêng của vùng quê sông nước. Khu Văn hóa Hồ Sen là một địa điểm sinh hoạt văn hóa hết sức quan trọng, đây là biểu tượng đặc trưng tiêu biểu của thành phố Vị Thanh và tỉnh Hậu Giang, là nơi tổ chức lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, sinh hoạt vui chơi, giải trí, gắn với di tích lịch sử văn hóa “Khu Trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu”. Đây là khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, tọa lạc tại khu vực 4, phường I, thành phố Vị Thanh, trong khuôn viên Khu văn hóa Hồ Sen. Nơi đây ghi dấu một thời kỳ hết sức khó khăn, khi chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện luật 10-59 thảm sát những người yêu nước, lập một trại tập trung khổng lồ ở hai địa bàn xã Vị Thanh – Hỏa Lựu để gom dân, quy khu, làm chỗ dựa để đánh phá, ngăn chặn lực lượng cách mạng từ U Minh; bảo vệ cơ quan đầu não vùng IV chiến thuật ngụy quyền đóng tại Cần Thơ. Chúng đã gom hàng chục ngàn dân nông thôn quanh vùng về ở trong khu trù mật giữa bốn bề thép gai…

Sống trong cảnh giam lỏng, người dân rất bất bình, uất hận. Cùng với đó, các lực lượng vũ trang cách mạng mở nhiều đợt tấn công vào đồn bót địch, phá khu trù mật nên được người dân hưởng ứng và tiếp sức. Tháng 8-1960, hòa cùng phong trào Đồng Khởi, các lực lượng cách mạng và nhân dân đã nổi dậy tháo rào gai, phá cổng khu trù mật, để cùng trở về quê cũ sinh sống, làm ăn. Kế hoạch của địch thất bại hoàn toàn.

Để khắc sâu tội ác và giáo dục nhân dân ta nhất là thế hệ trẻ về lòng căm thù đối với Mỹ – Ngụy, Di tích văn hóa – lịch sử Khu trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu được đầu tư xây dựng, ngày 02 tháng 8 năm 1997 Bộ Văn hóa – Thông tin ra Quyết định số 2327/QĐ-VH công nhận “Khu Trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu di tích tội ác Mỹ Diệm tàn sát đồng bào” là di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia. Sau đó, di tích được tiếp tục đầu tư mở rộng trên diện tích 1ha, với nhiều hạng mục: cụm tượng đài, phù điêu; nhà trưng bày hiện vật, tranh, ảnh về địch lập khu trù mật, sự nổi dậy phá vòng vây của địch… phản ánh sinh động lịch sử truyền thống cách mạng năm xưa tại vùng đất Vị Thanh – Long Mỹ.

          Vùng du lịch Cộng đồng khóm Cầu Đúc

Cách trung tâm thành phố Vị Thanh khoảng 15km ven Quốc lộ 61 về hướng Rạch Giá, Cầu Đúc là một địa danh được nhiều người biết đến với đặc sản Khóm Cầu Đúc nổi tiếng. Vùng đất này hiện là điểm du lịch cộng đồng mới được khai thác của tỉnh Hậu Giang, với diện tích trên 1.700ha sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm và cảm nhận đầy đủ nét nguyên sơ, bình dị của làng quê sông nước Hậu Giang. Địa chỉ: ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

          Khu căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ (1965 – 1968)

Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ cách tỉnh lỵ Chương Thiện của Mỹ-ngụy khoảng 15 km và nằm trên trục giao thông thủy, thường xuyên tàu chiến của địch qua lại suốt thời gian từ 1965 – 1968 nhưng địch không hề biết và chưa có lần nào địch đánh vào Căn cứ. Đây là “Căn cứ trong lòng địch”, Tỉnh ủy biết dựa vào dân, bám dân có truyền thống cách mạng, nhờ dân che chở đùm bọc, nuôi dưỡng chu đáo nên Tỉnh ủy và cơ quan Tỉnh ủy tồn tại hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử vẽ vang của mình suốt thời gian chống chiến lược “chiến tranh cục bộ” và nhất là cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân năm 1968.

Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ được UBND tỉnh công nhận ngày 30/12/2002 là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.

          Di tích lịch sử chiến thắng Cái Sình

Di tích “Chiến thắng Cái Sình” thuộc phường 7, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, cách Tp. Vị Thanh 5km, di chuyển bằng đường bộ hay đường thủy đều thuận tiện, hướng đi từ Tp. Vị Thanh đến cầu Cái Tư về tỉnh Kiên Giang.

Chiến thắng tại vàm rạch Cái Sình là một trong nhiều trận thắng lớn của quân dân Cần Thơ trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp, góp phần quan trọng làm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, cùng phối hợp với các chiến trường khác trong cả nước đẩy địch vào thế bị động, thất bại, ta tạo ra thế và lực mới thúc đẩy cuộc kháng chiến phát triển mạnh mẽ dẫn đến chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ” năm 1954, buộc Thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Geneve, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Từ ý nghĩa và giá trị lịch sử quan trọng của chiến thắng “Cái Sình”, ngày 30-12-2001 UBND tỉnh Cần Thơ ra quyết định số 4084/QĐ.CT.UB công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ, đến ngày 03-8-2007 được Bộ Văn hóa – Thông tin ra Quyết định số 47/2007/QĐ-BVHTT xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Khu Di tích rộng gần 01 ha gồm các hạng mục: nhà trưng bày, hiện vật gốc “xác tàu” trưng bày ngoài trời, hàng rào, công viên cây xanh,.. được khánh thành và đưa vào phục vụ khách tham quan nhân kỷ niệm 10 năm thành lập tỉnh Hậu Giang. Nơi đây trở thành khu di tích lịch sử – văn hóa giáo dục truyền thống và sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong vùng và các vùng lân cận./.

 

 

Rate this post

Viết một bình luận