Giấc ngủ là điều vô cùng quan trọng đối với mỗi con người sau một ngày dài làm việc. Tuy nhiên để có được một giấc ngủ ngon không là điều dễ dàng. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là cần làm gì trước khi ngủ? Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn đọc những việc nên làm trước khi đi ngủ để có được một giấc ngủ trọn vẹn.
1. Lựa chọn tư thế ngủ hợp lý
Tư thế ngủ có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giấc ngủ của bạn, nhiều người có quan niệm cho rằng có thể nằm tư thế nào cũng được miễn là bản thân cảm thấy thoải mái. Tuy nhiên nếu nằm không đúng tư thế sẽ dẫn đến những ảnh hưởng về sức khỏe sau khi thức dậy.
Tư thế nằm ngửa khi ngủ được coi là tốt nhất đề làm giảm chứng mất ngủ, khi đó đầu, cổ và cột sống được nghỉ ở tư thế bình thường. Mặc dù nhiều người cảm thấy không thoải mái với kiểu ngủ này, nhưng đây là tư thế tốt nhất mà bác sĩ khuyến cáo mọi người nên thực hiện.
Kiểu ngủ phổ biến mà nhiều người thường chọn là nằm nghiêng, điều này có thể làm cho hô hấp của bạn bị hạn chế và sau khi thức dậy sẽ cảm thấy đau khớp, đau lưng. Tư thế này chỉ được khuyến cáo tốt cho phụ nữ mang thai nhờ cải thiện tình trạng máu lưu thông nhưng không khuyến khích áp dụng cho người bình thường.
Nằm sấp là tư thế có hại nhất cho cơ thể, khi đó cột sống không được giữ ở tư thế nghỉ nên có tác động xấu đến cổ và lưng. Mặc khác, trọng lượng của cơ thể dồn lên các khớp và cơ bắp làm bạn cảm thấy tê cứng tay chân.
2. Đặt các thiết bị điện tử xa khỏi tầm tay trước khi đi ngủ
Các thiết bị điện tử như điện thoại di động hay máy tính đều phát ra ánh sáng xanh làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Chúng sẽ làm cho nhiệt độ cơ thể tăng lên và tăng tiết các hormone cortisol khiến bạn có cảm giác tỉnh táo. Do đó trước khi đi ngủ 30 phút, không nên sử dụng các thiết bị điện tử để giúp cơ thể dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
3. Đi vệ sinh trước khi đi ngủ
Trước khi ngủ, bạn nên đi vệ sinh để làm sạch bàng quang của mình để có cảm giác dễ chịu hơn, tránh tình trạng phải thức dậy giữa đêm và làm gián đoạn giấc ngủ vì buồn tiểu. Mặc khác, không nên tiêu thụ quá nhiều nước trước khi đi ngủ.
4. Thực hiện một số bài tập đơn giản trước khi ngủ
- Tập thể dục nhẹ nhàng: Thực hiện những bài tập nhẹ nhàng trước khi ngủ khoảng 15 phút sẽ giúp bản thân cảm thấy thư giãn và ngủ ngon hơn.
- Thiền: Thiền là phương pháp được biết đến để giảm căng thẳng, giúp đầu óc nghỉ ngơi trước khi chìm vào giấc ngủ.
- Suy nghĩ về những điều tốt đẹp: Thử hình dung trong đầu về những điều tốt đẹp mà bạn mong ước như ước mơ của mình, những kỷ niệm vui vẻ bên bạn bè và người thân.
5. Kiểm soát chế độ ăn uống
Nếu như bạn ăn uống một cách không kiểm soát vào bữa tối thì đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đầy bụng và không ngủ ngon. Không nên sử dụng các thức uống có chứa cồn hoặc caffein trong 4 tiếng trước khi ngủ để tránh rối loạn giấc ngủ.
6. Sử dụng các thực phẩm có tác dụng hỗ trợ giấc ngủ
Một trong số những nguyên nhân dẫn đến mất ngủ là do cơ thể thiếu hụt magie. Bạn nên bổ sung các loại thực phẩm có chứa nhiều magie như cải bó xôi, các loại bơ, hạt đế cho hệ thần kinh và cơ bắp được thư giãn, giúp có một giấc ngủ ngon hơn. Ngoài ra, magie còn cải thiện tình trạng chuột rút khiến nhiều người tỉnh giấc vào ban đêm.
Đậu xanh có chứa nhiều acid amin và tryptophan cũng đóng vai trò quan trọng để duy trì một giấc ngủ ngon.
7. Điều chỉnh không gian ngủ thích hợp
Môi trường phòng ngủ cũng là một yếu tố quyết định bạn có thể ngủ ngon hay không. Hãy tưởng tượng nếu nằm trên một tấm nệm cũ có chất lượng kém thì chắc hẳn bạn không thể ngủ ngon bằng một tấm nệm êm ái. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng không nên sử dụng một tấm nệm quá 7 năm, nó sẽ không có tác dụng hỗ trợ tốt cho tư thế ngủ của bạn.
Ngoài ra, bạn nên điều chỉnh nhiệt độ phòng ngủ trong khoảng từ 26 đến 28 độ C. Cần đảm bảo không khí được lưu thông tốt và không nên quá sáng khi ngủ.
Trên đây là những việc nên làm trước khi đi ngủ để giải đáp câu hỏi “Trước khi ngủ nên làm gì” của nhiều người. Nếu như bạn mắc chứng mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc kéo dài thì nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và có hướng điều trị hợp lý.
Nguồn tham khảo: wedmd.com, livescience.com