–
Thứ bảy, 15/02/2020 07:49 (GMT+7)
Phong thủy là học thuyết chuyên nghiên cứu sự ảnh hưởng của hướng gió, hướng khí, mạch nước, hình thể…. đến đời sống – họa phúc của con người. Về cơ bản, phong thủy là một bộ môn khoa học về môi trường sống, là những lời diễn dịch của người xưa về thế giới tự nhiên với mục đích giúp con người xây dựng đô thị, làng xóm, nhà cửa… và hệ thống canh tác hiệu quả.
Bức thư pháp “Đức trọng nhân trường thọ, tâm khoan phúc tự lai” (nguồn sưu tầm).
1. Phong thủy có vai trò rất lớn. Nếu phong thủy tốt sẽ giúp giảm thiểu được tai họa khi vào vận xấu; gia tăng sự thành công và thuận lợi khi vào vận tốt. Nó cũng là nhân tố góp phần quyết định cho sự thành bại của mỗi con người. Tuy nhiên nó chỉ là hỗ trợ, kết nhân duyên có tác dụng cải biến chứ không thể làm thay đổi hoàn toàn vận mệnh con người… Có thể nói, có Phong thủy tốt, việc sắp xếp, bố trí các nội thất của căn nhà hợp với quy luật vận động của thiên nhiên, của cuộc sống… sẽ làm cho những người sống trong căn nhà đó có vượng khí, có sức khỏe tốt, tinh thần phấn chấn và do đó làm việc gì cũng thuận lợi, may mắn.
Tuy nhiên, ở trong một ngôi nhà hợp theo Phong thủy nhưng bản thân con người trong đó không biết rèn đức, làm phúc, tích phúc, sống kiệm phúc mà trái lại làm những điều xấu xa độc ác… thì không thể nào có được thuận lợi, may mắn và an lạc. Đã có một thời gian, phong thủy được coi là nhảm nhí, mê tín, lừa bịp… Bởi đó là cách ứng dụng, giải thích, tư vấn thiếu hiểu biết, thiếu đạo đức của chính một số các thầy phong thủy, muốn thần thánh hóa, để làm thần bí phức tạp thêm trong con mắt của gia chủ, nhằm trục lợi cho bản thân mình…
Ngày nay chúng ta, những người thầy, những người làm công tác khoa học chân chính, lấy tri thức và tuệ giác của mình, học tập nghiên cứu, nhận thức sâu sắc triết lý văn hóa phương Đông, các bậc đại sư phong thủy kỳ tài của người xưa truyền lại. Hãy rèn đức, luyên tài, làm phúc, kết nhân duyên để gieo trồng những hạt giống phúc tốt lành đến cho đời, cho nhân gian.
Các bậc đại sư phong thủy kỳ tài đời xưa như Quản Lộ đã từng nói: “Người sống mà hay làm điều ác, điều xấu thì khi chết có được táng vào cuộc đất tốt đẹp thì con cháu cũng chẳng được hưởng vinh hoa phú quý, có khi còn phải chịu quả xấu, bởi do cộng nghiệp…”. Còn Tả Ao căn dặn người sau, hãy tu thân tích đức, làm phúc rồi mới nhờ đến phong thủy, ấy chính là tiên là tích đức, hậu là tầm long.
Lâm Tắc Từ một đại trí thức triều Thanh đã nói, một tâm tính bất thiện thì phong thủy là vô ích… Có phúc đức rồi mới nhờ đến phong thủy. Phúc đức được tính là của nhiều đời nhiều kiếp trước để lại và đời này xây đắp thêm. Cho nên dù các bậc kỳ tài phong thủy mà đức chưa dày, phúc còn mỏng thì đối với số phận của mình cũng không thể xoay chuyển được, hoặc phải chịu cộng nghiệp từ cha mẹ, vợ chồng, họ tộc…
Bức thư pháp “Vạn cổ công thành danh hiển đạt, thiên thu Đức trọng tính phồn vinh” (nguồn sưu tầm).
2. Lão Tử đã nói rõ trong Đạo đức Kinh: Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đao pháp tự nhiên, nghĩa là người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo đạo, đạo thuận theo tự nhiên. Cho nên thuận theo tự nhiên là cảnh giới cao nhất, cao hơn cả đạo lý “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” của Gia Cát Lượng, bởi dù đã vượt qua đất, mới là cấp độ thuận theo trời mà thôi… Một người thầy phong thủy cho dù có uyên thâm tài giỏi đến đâu mà tuổi đời còn quá trẻ cũng chưa tích đủ đức, đủ phúc cho mình.
Muốn làm thầy phong thủy tốt, trước hết phải là người tốt, phải là người có hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, có nghĩa tình với vợ chồng, có đạo từ với con cái, có đạo để với anh em họ hàng, có bằng hữu với bạn bè, có nhân cách với xã hội, có uy tín với mọi người và công việc. Cho nên thầy phong thủy phải là người có học thuật, biết rộng, hiểu sâu về văn hóa phương Đông. Ngoài ra, họ còn phải hiểu biết về lịch sử, địa lý, văn hóa vùng miền, phong tục tập quán của từng địa phương, hoàn cảnh từng gia đình và tướng số của con người.
3. Phật giáo là một tôn giáo từ bi và trí tuệ, tất cả các giáo lý đều có mục đích chung là nhằm khai mở trí tuệ cho chúng sinh nhận thức đúng bản chất của thực tướng nhân sinh, từ đó đi đến giải quyết các phiền não khổ đau, đạt được giải thoát tự tại, an lạc và hạnh phúc… Đối với vạn vật trong cõi nhân gian, Phật giáo đều có sự quan sát thấu đáo, hiểu rõ sâu sắc… Thiên có thiên lý, địa có địa lý, nhân có nhân lý, vật có vật lý, tình có tình lý, tâm có tâm lý… Toàn thể gian bất kỳ vật gì cũng có cái lý riêng biệt của nó. Địa lý phong thủy tất nhiên cũng có nguyên lý của nó.
Bức thư pháp “Người trồng cây hạnh người chơi, ta trồng cây Đức để đời mai sau” (nguồn sưu tầm).
Từ xưa đến nay, các bậc hiền, thánh nhân đều nói rằng: Đức kết nối, phối hợp với trời và đất, nên trời đất tất bảo hộ, trợ giúp, cho phong thủy lớn nhất của đời người chính là đức và thuận theo tự nhiên. Một thầy phong thủy ngoài học thuật uyên thâm, ứng dụng vững chắc, còn phải tu dưỡng đầy đủ đạo đức tốt đẹp, nhân ái, thiện lương… thì người thầy ấy thân tâm tràn ngập dòng năng lượng thuần chính, hấp thụ được những thứ tốt đẹp nhất trong trời đất và nhân gian…
Con người thế gian ai cũng muốn có cuộc sống, cuộc đời thuận lợi, may mắn, thành công, hạnh phúc và phát triển bền vững… Vì vậy, làm việc gì dù nhỏ hay lớn, người ta đều muốn xem phong thủy, đó cũng là việc làm tốt. Một người mà luôn nhớ ân huệ mà người đời đã giúp cho mình, nhớ đến những điểm tốt của người khác, sống nhân hậu, rèn đức, tích phúc, có tấm lòng độ lượng thứ tha, sống có trách nhiệm với xã hội, với mọi người – đây được gọi là tụ khí. Sống hiếu thuận với mẹ cha, trọn nghĩa tình chồng vợ, trọng nghĩa đạo sư… là biểu hiện của bảo vật tài khí…
Bức thư pháp “Đức – còn mãi đất trời lưu danh” (nguồn sưu tầm).
Đúng là: “Đạo cao long hổ phục, Đức trọng quỷ thần khâm. Đạo cao đức trọng chung thân, hổ long liên phục, quỷ thần liên kinh. Đạo nhân vốn ở cả mình, tiên là tích đức, hậu là tầm long…” Người xưa coi chữ phúc là chữ thánh hiền, chữ của thần, có nội hàm rất uyên thâm, phúc là kết quả của đức, là hoa trái của đức tạo thành. Chữ phúc chính là một ân huệ mà tự mình tạo ra, qua những ý nghĩ, hành động tốt của mình, là những hạt giống được tay người tự gieo trên những mảnh đất lành mà ta thường gọi là phúc điền…
Đạo Phật dạy rằng: Không phải khi con người đạt được những thứ mình mong muốn là ta đã có sự thành đạt, hạnh phúc. Hạnh phúc chân thực chỉ đạt được khi ta được giải thoát khỏi sự khổ đau, phiền não trong tâm trí.