ĐẠO GIÁO
PHAN NGỌC(*)
Đạo giáo là một tôn giáo trước hết phản ánh tư tưởng của nhân dân Trung Quốc, trong đó có ảnh hưởng của các phương sĩ trước đời Tần là quan trọng. Sau đó, nó tiếp thu lí luận triết học của Lão Tử, Trang Tử, rồi vào thời Tam Quốc mới xuất hiện Đạo giáo như một hệ thống tôn giáo chính thức trong phong trào Đạo năm đấu gạo và Khăn vàng. Sau khi thừa kế các tổ chức và lí luận Phật giáo, Đạo giáo trở thành một tôn giáo ảnh hưởng đến mọi mặt của văn hóa Trung Quốc, đến mức có thể nói như Lỗ Tấn: “Căn rễ Trung Quốc hoàn toàn ở Đạo giáo” (trả lời Hứa Thọ Tường, ngày 20 – 8 – 1918).
I. TƯ TƯỞNG NHÂN DÂN TRUNG QUỐC
Người Trung Quốc không hình dung có một vị Chúa sáng tạo ra thế giới. Các tôn giáo nguyên thuỷ đều xuất phát từ tính thống nhất ba mặt giữa thần linh, con người và vũ trụ tự nhiên. Do đó, họ cho rằng quỷ thần có thể chi phối số phận con người, và ngược lại, con người có thể tiếp xúc với quỷ thần qua môi giới các phù thuỷ gọi là nghiễn (đàn ông) và vu (đàn bà), tức là các ông đồng bà cốt của ta. Họ phải dâng lễ vật cho các thần, trong số này có cả tổ tiên của họ, nhất là tổ tiên của các vua chúa. Lễ kí nói: “Người đời Ân tôn sùng quỷ, sai khiến dân chúng thờ quỷ thần, lo đến quỷ trước, lo đến lễ sau”. Khái niệm quỷ ở đây chỉ linh hồn tổ tiên. Các thần linh không chỉ gồm các nhân thần, trong đó có tổ tiên mà cả các hiện tượng tự nhiên (sông, núi, rừng, biển, gió, mưa, sấm, sét, thần đất, thần kê…), các ngôi sao trên trời. Cai quản tất cả có Ông Trời. Nhưng đây không phải là một vị thần mang hình dạng người, mà là cái biểu hiện khách quan của bầu trời gọi là Hạo Thiên (tức là bầu trời trắng xoá).
Quan niệm chủ đạo của tư tưởng Trung Hoa cổ là quan niệm Thiên nhân tương dữ, tức là có quan hệ gắn bó giữa trời và người. Trời đây bao gồm các hiện tượng tự nhiên, thiên văn, cũng như các vị thần. Do đó, việc bói toán bao gồm cả thiên văn, xem đất cát, các hiện tượng mây mưa, sấm chớp, các núi sông, xem tướng, đoán mộng, đoán các điềm lành dữ đã từng đóng vai trò chủ chốt. Bói toán đóng vai trò chủ chốt trong văn hóa Trung Hoa cổ. Các mai rùa, xương thú mà người ta phát hiện và làm thành di tích đầu tiên của văn tự Trung Hoa đều là những vật dùng để bói. Các thuyết sau này nói đến Âm Dương, Ngũ Hành, những tác phẩm quan trọng như Kinh Dịch đều lấy bói toán làm gốc. Bói toán không phải là sáng tạo một cái chưa có mà là căn cứ vào những hiện tượng bên ngoài để thuyết minh nhằm tìm một cách ứng xử thích hợp với tình thế có sẵn. Thái độ này chính là thái độ của văn hóa phương Đông, rất khác thái độ sáng tạo cái chưa có tiêu biểu cho văn hóa phương Tây.
Do quan niệm Thiên nhân tương dữ, từ xa xưa người Trung Quốc đã hình dung có mối quan hệ chặt chẽ giữa cách cai trị của ông vua với ý muốn của Trời, và Trời thì nhìn và nghe theo ý muốn của dân: “Ông Trời nhìn, đó là dân nhìn; ông Trời nghe đó là dân nghe. Điều gì dân muốn, đó là điều Trời muốn” (Kinh Thi). Khái niệm Mệnh trời, do đó, không phải là một khái niệm huyền bí, mà mang tính chính trị rõ ràng.
Đồng thời, ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, tầng lớp tăng lữ không bao giờ trở thành một thế lực độc lập chi phối được chính trị như trường hợp Châu Âu thời Trung cổ, hay trường hợp Cổ Ấn Độ, các nước theo Ixlam giáo. Những người làm công việc tôn giáo chỉ lo phục vụ cuộc sống thế tục mà không có ông vua nào lấy tôn giáo làm chỗ dựa cho chính trị như việc thực dân Pháp đã làm đối với Việt Nam hay như đạo Ixlam đang làm hiện nay.
Hệ tư tưởng này xây dựng trên một cơ sở xã hội riêng. Tế bào của xã hội là gia đình phụ quyền trong đó người đàn ông làm chủ tuyệt đối. Quan hệ họ hàng theo dòng cha hết sức mạnh mẽ, người ta gọi là quan hệ tông tộc. Những người cùng một họ vĩnh viễn không lấy được nhau. Đổng thời, từ xa xưa, văn hóa Trung Quốc đã mang tính quý tộc. Đơn vị chính trị và tôn giáo là quốc. Mỗi quốc như vậy là đất phong thuộc quyền sở hữu của ông vua và dòng họ ông ta. Mỗi nước đều thờ thần đất gọi là xã và thần tắc nghĩa đen là kê (vì người Bắc Trung Quốc ân kê là chính, còn lúa là sản phẩm của Hoa Nam). Đền thờ hai vị thần này gọi là đền xã tắc, sau này có nghĩa là linh hồn một nước. Chỉ có nhà vua mới được thờ Trời và thờ xã tắc. Nếu một nước nào đó mất đi thì điều đầu tiên là phá huỷ đền thờ xã tắc của nước ấy. Nước vào thời Khồng Tử rất nhỏ, chỉ bằng vài tỉnh của Việt Nam cho nên quan hệ giữa vua dân chủ yếu là trực tiếp.
Nông dân thờ cúng theo nhịp của mùa màng. Đầu xuân có lễ hạ điền để báo cho vị thần đất việc trổng trọt bắt đầu trở lại. Trước đó, phải làm lễ đuổi các ảnh hưởng xấu của mùa đông. Khi bâng tuyết đã tan thường múa hát. Mỗi khi gặt hái xong thì tổ chức một lễ lớn dâng mọi lễ vật trong nông nghiệp, sân bắt, đánh cá. Người ta cho đồng ruộng nghỉ ngơi trong mùa đông băng giá đợi xuân về.
Vào thời Xuân Thu – Chiến Quốc tức là từ thế kỉ VII đến đầu thế kỉ III trước Công nguyên đã xuất hiện hai hạng người sẽ góp phần tạo nên Đạo giáo sau này. Hạng người thứ nhất là các phương sĩ tìm cách bày cho vua chúa cách sống trường sinh bất lão. Họ rất được vua chúa quý trọng. Một người trong bọn họ là Từ Phúc đã được lệnh Tần Thuỷ Hoàng chở ba nghìn thanh niên nam nữ trên tàu ra biển đến đảo Bồng Lai tìm thuốc tiên, nhưng không ai trở về. Những người này thông thạo về thuốc và các bùa chú. Hạng người thứ hai là các ẩn sĩ, không chịu tham gia vào chính sự, trốn vào núi để giữ cuộc sống của mình, không bị danh lợi trói buộc.
II. NHỮNG CƠ SỞ LÍ THUYẾT
Những biểu hiện trên đây tuy góp phần tạo nên Đạo giáo nhưng không phải là của riêng Đạo giáo. Bói toán là biểu hiện chung của mọi nhân dân cổ đại. Các dân tộc đều có những biểu hiện về linh hồn giáo, đều có phù thuỷ và những người trí thức lẩn tránh chính trị. Mỗi tôn giáo, mỗi học thuyết đều có một khái niệm chủ chốt khu biệt nó với các tôn giáo, học thuyết khác. Khái niệm chủ chốt của Đạo giáo là Đạo, nó đối lập với khái niệm Nhân của Khồng giáo, khái niệm Kiêm ái của Mặc gia, khái niệm Pháp của Pháp gia cũng như khái niệm Chúa Trời của Kitô giáo.
1. Khái niệm Đạo
Khái niệm Đạo ra đời vào thời Chiến Quốc, cụ thể từ công trình Đạo Đức kinh của Lão Tử. Không ai biết đích xác cuộc đời của Lão Tử. Nếu cân cứ vào ngôn ngữ tác phẩm này mà xét thì chắc chắn tác giả sống vào khoảng cuối thế kỉ IV trước Công nguyên, sau Khồng Tử. Việt Nam đã có một số bản dịch. Tôi có công bố bản dịch Đạo Đức kinh dễ hiểu đăng trên Tạp chí Văn học nước ngoài, số 2, năm 1998, bạn đọc có thể tham khảo. Đó là một tác phẩm triết học hết sức có giá trị, có vai trò hết sức to lớn trong tư tưởng phương Đông.
Theo Đạo Đức kinh, Đạo là cái có trước trời đất, sinh ra trời đất. Nó có hai mặt: mặt giác quan tri giác được gọi là Hữu, và mặt giác quan không tri giác được gọi là Vô. Then chốt của học thuyết nằm ở Chương I, và có thể nói, cho đến nay do tính ngắn gọn, sâu sắc của nó, có rất nhiều cách giảng và dịch khác nhau:
“Cái Đạo có thể dùng lời mà nói được chẳng phải là cái Đạo vĩnh viễn (bởi vì lời nói sẽ chỉ một vật cá biệt và nhất thời, mà cái Đạo là tất cả và vĩnh viễn). Cái Vô, đã là cái tên đó chỉ cái khởi thuỷ của trời đất. Cái Hữu, đã là cái tên đó chỉ bà Mẹ của muôn vật (bởi vì một vật đã là cái mà giác quan ta tri giác được cho nên nó là con của cái Hữu). Cho nên phải xem Đạo là cái Vô vĩnh viễn nếu như ta muốn nhìn cái huyền diệu của Đạo (bởi vì vật nào cũng thay đổi cho nên nó chứa đựng cái huyền diệu là sự thay đổi tức là cái Vô). Lại phải xem đã là cái Hữu vĩnh viễn, nếu ta muốn nhìn cái biểu hiện của nó. Cả hai cái (mặt Vô và mặt Hữu) này cùng xuất hiện với nhau nhưng tên gọi khác nhau (tức là một vật vừa là Hữu vì giác quan ta nhận thấy nó, lại vừa là Vô vì nó sẽ biến đổi, mất đi hay chuyển thành vật khác), mà tên gọi khác nhau. Hiện tượng cùng xuất hiện này là cái Huyền diệu, cái Huyền diệu cao nhất, cái cửa đó bước vào mọi sự huyền diệu” (Chương 1).
Dĩ nhiên, Lão Tử không thể hình dung cái Vô là cái Hư vô, không có vật chất, mà cái Vô ở đây là chỉ cái mà giác quan, cụ thể là con mắt không thấy được. Không khí, ánh sáng như vậy đều thuộc cái Vô.
“Trong ba mươi sáu cái nan hoa cùng một bầu xe, ở ngay cái Vô của bánh xe, cũng có công dụng của bánh xe. Nhồi đất làm đồ dùng, ở ngay cái Vô của đồ dùng cũng có cái công dụng của đồ dùng. Khoét cửa lớn cửa sổ đó làm phòng (người Trung Quốc ngày xưa khoét nhà trong núi đất đó ở), vẫn có cái công dụng của phòng. Cho nên, ta xem nó như là cái Hữu đó mưu cái lợi, xem nó là cái Vô đó mưu cái công dụng” (Chương 11).
Khi một vật vừa là Hữu lại đồng thời vừa là Vô thì nó chứa đựng một phép biện chứng gồm hai mâu thuẫn đối lập nhau: “Khi thiên hạ đã biết cái đẹp là đẹp thì nó đã là cái xấu rồi. Khi thiên hạ đã biết cái thiện là thiện thì nó đã là cái bất thiện rồi. Cho nên cái Hữu và cái Vô sinh ra nhau, cái dài và cái ngắn giao tiếp nhau, cái khã và cái dễ nghiêng vào nhau, âm và thanh chuyển hóa cho nhau, cái đi trước và cái đi sau đi theo nhau” (Chương 2).
Một khi đã nhận thức được phép biện chứng này, thì con người hiểu Đạo, đó tồn tại trong một xã hội đầy bất trắc, nguy hiểm, cũng như đó tác động đến xã hội, phải làm theo quy luật tự nhiên và theo mong muốn khách quan của chính con người, tránh lấy ý muốn của mình bắt người khác theo, tránh mưu lợi ích cho riêng mình. Cách làm ấy tức là làm theo cái Vô, mà Lão Tử gọi là Vô vi. Khi làm theo Vô vi thì nhìn bên ngoài có vẻ như không làm gì hết, làm rất ít, nhưng trong thực tế là làm được mọi việc bởi vì người dân làm theo chính quyền lợi của mình.
Vì Đạo Đức kinh viết bằng ngôn ngữ tư biện rất xa lạ so với cách diễn đạt quen thuộc, cho nên sau đã có những cách giải thích khác nhau, cách nào cũng có ảnh hưởng to lớn.
2. Các cách giải thích ảnh hưởng của Đạo Đức kinh trước khi hình thành Đạo giáo như một tôn giáo
a. Cách thứ nhất là học thuyết Pháp gia mà người thực hiện là Hàn Phi trong quyển Hàn Phi tử. Hàn Phi quan niệm Vô vi là làm theo ham muốn của con người. Nhưng Hàn Phi lại cho bản tính con người ham thưởng ghét phạt, nên muốn lợi dụng bản tính ham lợi của con người đó xây dựng một học thuyết nhằm dựa trên pháp luật, xây dựng một chế độ cai trị chỉ dựa trên thưởng công và phạt tội. Pháp luật này xoá bỏ mọi đặc quyền về gia thế, tôn ti đó khuyến khích nông dân và các binh sĩ nhằm thống nhất thiên hạ, xây dựng chế độ chuyên chế của ông vua. Chính học thuyết Pháp gia đã giúp nhà Tần thống nhất Trung Quốc. Nhưng vì học thuyết này chỉ có toàn mánh khoé, thủ đoạn, hết sức khắc nghiệt, cho nên chỉ sau 16 năm thống nhất Trung Quốc nhà Tần đã sụp đổ, bởi vì một chế độ chuyên chế chỉ dựa vào quyền lực của một người, thế nào cũng bị bọn quan lại lợi dụng để mưu lợi cho mình. Nhân dân lao động bị xem như cỏ rác sẽ nổi dậy và chế độ đó phải sụp đổ.
b. Cách thứ hai là học thuyết Hoàng Lão được thi hành đầu đời Hán bằng cách kết hợp thuyết Vô vi của Lão Tử với huyền thoại trị dân thời Hoàng Đế. Nó chủ trương chính quyền không can thiệp vào công việc của dân, để mặc dân lo liệu công việc làm ăn. Cách này là biện pháp Hán Cao Tổ sử dụng để thu phục dân Tần và làm chủ thiên hạ. Cao Hậu, Hán Văn Đế, Hán Cảnh Đế đều theo. Cho nên đầu đời Hán nhân dân sống sung túc, giàu có. Ta có thể thấy điều đó trong đoạn mở đầu thiên Bình chuẩn thư trong Sử kí của Tư Mã Thiên. Nhưng khi một nước bước vào giai đoạn chuyên chế thì nẩy sinh xu hướng dùng bạo lực để mở mang bờ cõi, ăn tiêu xa xỉ và bọn quan lại tìm mọi cách đưa ông vua vào con đường xa hoa, hưởng lạc để họ cũng nhân đó mà xa hoa, hưởng lạc. Cho nên từ thời Hán Vũ Đế, Trung Hoa bỏ con đường này và lịch sử Trung Quốc không lần nào trở lại thuyết Hoàng Lão nữa.
c. Cách thứ ba là thần bí hoá học thuyết Lão Tử. Đó là cách làm của Trang Tử. Trang Tử biến học thuyết của Lão Tử từ chỗ là duy tâm khách quan sang duy tâm chủ quan. Tác phẩm Trang Tử viết theo lối ngụ ngôn nói đến “những vị thần tiên, da trắng như tuyết, không ăn ngũ cốc, ăn sương uống gió, đạp mây cưỡi rồng, chu du ngoài bốn biển”, nói đến những con người nhờ tu luyện mà được trường sinh bất tử. Cái Đạo mà ở Lão Tử là một nguyên lí triết học trở thành “có tình, có tín, vô vi, vô hình, có thể truyền mà không thể nhận, có thể được mà không thể thấy, tự nó là gốc, tự nó là rễ, từ khi chưa có trời đất đã tồn tại sẵn từ xưa, làm cho quỷ thành thần, làm cho đế vương thành thần, có trước Thái cực nhưng không cho là cao, sinh trước trời đất mà không cho là lâu, sống lâu hơn núi sông mà không cho là già”. Lại nói: “Hoàng đế được nó thì lên mây, lên trời… Bành tổ được nó sống từ thời Nghiêu Thuấn đến thời Ngũ Bá”. Trang Tử, Lão Tử và phần lớn các ẩn sĩ đều là người nước Sở, nước có truyền thống ẩn dật tu tiên. Ngay trong thơ, từ Khuất Nguyên cũng thấy nói đến những vị thần tiên như vậy.
Cuối cùng, cũng phải nói trong văn bản của Đạo Đức kinh có một vài câu rất dễ giải thích theo lối thần bí, và sau này được Đạo giáo sử dụng để xây dựng học thuyết của mình về tu tiên và sử dụng bùa phép:
“Cái thần diệu của cái hang không chết cho nên gọi là bà mẹ huyền diệu”.
“Người xưa lo cho được cái Một là vì: Trời mà có được cái Một thì trong; đất mà có được cái Một thì yên; thần mà có được cái Một thì thiêng”.
“Kẻ nào giữ được cái Đức dồi dào thì có thể sánh với đứa con đỏ. Độc trùng không chích nó, mãnh thú không vồ, chim ác không mổ nó”.
“Đạo sinh ra cái Một. Cái Một sinh ra cái Hai. Cái Hai sinh ra cái Ba. Cái Ba sinh ra muôn vật. Muôn vật đều ôm âm, cõng dương, đạo xung khắc với nhau mà hoà hợp với nhau”.
Những cách nói khó hiểu như vậy sẽ được Đạo giáo lí giải theo con đường thần bí để xây dựng học thuyết của mình.
Vào đầu đời Hán, có một bước chuyển về văn hóa. Nhà Hán thay thế nhà Tần cai trị một đất nước thống nhất, cần có một hệ tư tưởng thống nhất để chống lại tình trạng chia cắt về tư tưởng thời Chiến Quốc. Hán Vũ Đế chấp nhận ý kiến của Đổng Trọng Thư lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng duy nhất, bãi bỏ mọi tư tưởng khác. Nhưng hệ tư tưởng này chỉ có hình thức Nho giáo mà thôi, còn cách lí giải của nó thiên về Pháp gia. Đó là lúc thuyết Tam Cương ra đời, và cũng từ đó nhà vua sử dụng Ngũ kinh để mở đầu việc thi cử, đào tạo bộ máy quan liêu đồ sộ phục vụ triều đình. Cái gọi là Hán Nho là một học thuyết dựa vào Ngũ kinh. Trong số Ngũ kinh, những tác phẩm như Kinh Thi, Kinh Thư chứa đầy những tư tưởng dân gian về mối quan hệ giữa con người với vũ trụ, thần linh là điều đã có từ trước Khồng Tử. Khồng Tử tuy có dạy các tác phẩm này nhưng không theo mà chỉ xét đến các mối quan hệ giữa con người với con người mà thôi. Đồng thời, Kinh Xuân Thu mà từ thời Mạnh Tử người ta đã gán cho Khồng Tử, lại hay nói đến những tai biến, những ảnh hưởng của thiên văn đối với việc cai trị. Do đó, thực tế Nho giáo đã vay mượn những lí luận của các phương sĩ, cũng như của các thày bói. Vào đời Tiền Hán đã có nhiều người theo thuyết tu tiên. Trong số sách ghi lại trong Hán thư nghệ văn chí đã có trên hai trăm quyển nói về luyện đan, tu tiên. Nhưng vào lúc đó, việc này chỉ bó hẹp trong giới quý tộc, chưa thành một tôn giáo thực sự. Muốn thành một tôn giáo phải có ba điều: thứ nhất, là những tác phẩm được xem là kinh điển; thứ hai, những người sống bằng cách truyền bá các kinh điển ấy, và thứ ba, có quần chúng đông đảo được tổ chức theo những giáo huấn của học thuyết. Tình hình này chỉ xuất hiện vào thời Tam Quốc, tức là cuối đời Hán với Đạo Năm đấu gạo và cuộc vận động Khăn Vàng.
III. SỰ RA ĐỜI CỦA ĐẠO GIÁO
Đạo giáo là kết quả của tình trạng bất bình của nông dân, kết hợp với những lập luận của Đạo Năm đấu gạo xuất hiện vào cuối đời Hán, đầu thời Tam Quốc.
Trương Đạo Lăng sáng lập Đạo Năm đấu gạo vào thời Hán Thuận Đế (126-144) ở Tứ Xuyên – tỉnh giàu có lại cách xa chính quyền trung ương. Ông soạn sách Hoa Dương quốc chí tôn Lão Tử làm Giáo chủ, lấy Đạo Đức kinh làm kinh điển. Ông học đạo ở Hạc Minh Sơn đất Thục, sáng tác đạo thư, tự xưng là Thái Thanh Huyền Nguyên. Lăng chết, con là Trương Lỗ làm đốc nghĩa tư mã, ở Hán Trung thi hành chính sách khoan dung ân huệ, lập nghĩa xá. Người nào theo phải nộp nâm đấu gạo cho nên đạo này được gọi là Đạo Năm đấu gạo. Lỗ lấy gạo này làm gạo nghĩa, khách đi đường được vào nghĩa xá ân cơm thịt không phải trả tiền, ân no thì thôi, ân nhiều quỷ gây bệnh.
Sau đó, Lỗ chiếm Hán Trung, lập triều đình riêng. Triều đình không có cách trừng trị nên phải phong Lỗ làm Trấn Nam Trung lang tướng, lĩnh thái thú Hán Trung. Lỗ không đặt quan cai trị mà lấy những người trong Đạo Năm đấu gạo cai trị theo cấp bậc. Người mới vào đạo gọi là Lính quỳ (quỹ tốt). Người nhập đạo lâu được phong làm tế tửu, người lãnh đạo nhiều giáo dân được phong làm Trị đầu đại tế tửu. Các giáo dân không được dối trá, có bệnh thì đến các tĩnh xá để ân nân, hối lỗi. Các quỷ lại nghe lời xám hối của các con bệnh, viết thành ba bản, đốt một bản để cáo trời, một bản chôn dưới đất và một bản được nhận xuống nước. Sau này, Lỗ đầu hàng Tào Tháo làm con rể của Tháo và được phong vương.
Trương Giác, người Cự Lộc, nhân sùng bái thuyết Hoàng Lão, theo Thái Bình kinh, sáng lập một tôn giáo gọi là Thái Bình đạo. Theo Hán sử, Giác giáo dục đệ tử, dùng bùa chú trị bệnh, nhiều người khỏi bệnh, trăm họ hưởng ứng. Giác sai con em tám người truyền bá khắp thiên hạ nói: “Trời xanh sắp chết, trời vàng ra đời, vào năm Giáp Tý, thiên hạ đại cát”. Những người truyền đạo thu hút hàng vạn đệ tử đã thất vọng vì triều đình thối nát, mỗi người theo phải nộp năm đấu gạo để chuộc lỗi. Trong vòng mười năm, các châu quận từ Thanh, Từ, U, Kí, Kinh, Dương, Duyện, Dự tất cả đều theo, những người theo chít khăn vàng. Cả miền Đông theo Khăn Vàng. Trong Tam Quốc diễn nghĩa nói đến “Giặc Khăn Vàng”. Nhưng Trương Giác không biết tận dụng thắng lợi của mình, cho rằng thắng lợi sẽ tự nó được thiết lập, lại không có tướng giỏi cho nên cuộc khởi nghĩa võ trang bị tiêu diệt.
Về mặt tín ngưỡng, hai đạo này giống nhau. Những tác phẩm kinh điển là: Đạo Đức kinh, Lão Tử Tưởng Nhĩ chú, Thái Bình kinh, quyển này theo tương truyền là của Trương Đạo Lăng lấy âm dương ngũ hành, các điềm lành, điềm dữ để giải thích nguồn gốc và sự phát triển của vũ trụ, chủ trương tập thở, luyện đan, các thuật giao hợp nam nữ để đạt được trường sinh, lấy trung hiếu, thực hành đạo làm nguyên lí trị nước để đạt được thái bình.
IV. SỰ DIỄN BIỂN CỦA ĐẠO GIÁO TỪ KHI THÀNH LẬP ĐẾN NAY
Đạo giáo Trung Hoa nói lên sự bất mãn của quần chúng chống lại chế độ hà khắc, tham nhũng của triều đình quân chủ. Các cuộc khởi nghĩa nông dân thời Ngụy, Tấn, Nam Bắc Triều (220-589) đều mang tính chất đạo giáo. Nhu cầu của họ ảnh hưởng đến tầng lớp trí thức, và một bộ phận trí thức theo Đạo giáo. Vào thời Tây Tấn và Đông Tấn (265-420) những cuộc tranh giành giữa quý tộc khiến nhiều trí thức chán nản tìm an ủi ở thần tiên. Khi tầng lớp trí thức theo Đạo giáo thì Đạo giáo chuyển theo hướng quý tộc là xu hướng chung của văn hóa Trung Hoa. Vương Hy Chi, nhà thư pháp nổi tiếng nhất Trung Hoa, Vương Hiến Chi đều theo Đạo Năm đấu gạo. Vào thời Nam Triều (265 – 589), có Cát Hồng, Đào Hoàng Cảnh, Lục Tu Tỉnh, vào thời Bắc Triều (386 – 581) có Khấu Khiếm Chi. Họ đều là những học giả nổi tiếng nhất nước. Cát Hồng (284 – 364) là tác giả quyển Bảo phác tử, tác phẩm đầu tiên còn lại đề xướng cách luyện đan để trường sinh bất tử, hệ thống hóa Đạo giáo và trở thành nhà lí luận chính của Đạo giáo. Đời sau gọi ông là Cát Tiên ông. Ông chủ trương: “Đạo là cái gốc của Nho, Nho là cái ngọn của Đạo”. Khấu Khiêm Chi (365 – 448) sống ở Sùng Hư Quán, trung tâm Đạo giáo đương thời, sưu tập các đạo tạng tức kinh điển Đạo giáo, lúc đó lên đến 1215 quyển. Đào Hoằng Cảnh (456 – 536) là người đề xướng thuyết Tam giáo đồng nguyên, cho rằng Nho, Phật, Đạo là cùng một gốc, xây dựng lí thuyết về thiên đình Đạo giáo. Ông cho rằng thiên đình có bảy cấp, và viết các giáng bút mượn lời thần tiên đọc cho các ông đồng bà cốt. Từ đó các giáng bút xuất hiện nhan nhản. Lúc này Đạo giáo chuyển từ một tôn giáo bình dân thành một trào lưu mang tính chất quý tộc.
Khi đạo Phật vào Trung Quốc các nhà sư chủ yếu dựa vào các sách của Đạo giáo để dịch Kinh Phật và ngược lại, các đạo sĩ lại tiếp thu lí luận Phật giáo và cách tổ chức của Phật giáo. Điều này đã dẫn tới giai đoạn phát huy và cực thịnh của Đạo giáo vào thời Đường, Tống (650 – 1257). Như chúng ta biết, văn hóa Trung Hoa không biết có Thượng Đế. Một hoàng đế hay một quý tộc quan liêu Trung Hoa thích có những bầy tôi trung thành mà Nho giáo cung cấp, thích sống mãi và hưởng thú vui gái đẹp của Đạo giáo, lại thích lên Nát Bàn theo Phật giáo, cho nên thuyết Tam giáo đồng nguyên rất thịnh hành. Đời Đường, họ Lý tôn Lão Tử mà theo truyền thuyết tên là Lý Nhĩ, làm ông tổ của mình và phong ông ta làm Thái Thượng Huyền Nguyên Hoàng đế. Chính Đường Minh Hoàng đã viết chú giải cho Đạo Đức kinh và có hình thức thi tam giáo để làm quan. Đến đời Tống (960 – 1279), Đạo giáo lưu hành rộng rãi và có xu hướng lấn át Phật giáo. Nhà Đạo giáo Trần Đoàn đầu đời Tống đã ảnh hưởng rất lớn đến Tống Nho và không phải ngẫu nhiên mà Nho giáo đời Tống tự gọi mình là Đạo học. Tuy nhiên, trong Đạo giáo đã hình thành hai phái chính là phái Chính Nhất tiếp thu ảnh hưởng của Đạo Năm đấu gạo, và phái Toàn Chân do Vương Trùng Dương sáng lập chủ trương Nho, Thích, Đạo hợp nhất. Người nào theo phải học Đạo Đức kinh, Thanh Tĩnh kinh của Đạo giáo, Bạn nhược tâm kinh của Phật giáo và Hiếu kinh của Nho giáo. Phái này phát triển mạnh vào đời Nguyên.
Sang thời Minh (1366 – 1644), Minh Thái Tổ thiết lập cơ quan quản lí Đạo giáo, thuộc vào bộ Lễ, tại các châu, các quận có các đạo quan và các đạo sĩ được phân cấp theo chế độ quan lại. Muốn đi tu, con trai phải trên 40 tuổi, con gái phải trên 50 tuổi, và phải thi. Đạo giáo mất tính chất bình dân chỉ còn là một tổ chức phục vụ triều đình. Vào đời Thanh (1644 – 1911) Đạo giáo bị sút kém so với Phật giáo. Nhưng xuất hiện việc thờ Quan Đế tức Quan Vũ, Chân Vũ hình dáng rùa và rắn và Mã Tổ là nữ thần ngoài biển phù hộ những người đi biển.
Trong giai đoạn cận đại, Nhật Bản muốn lợi dụng Đạo giáo để đàn áp nhân dân Trung Hoa, nhưng đa số các tổ chức Đạo giáo lại theo cách mạng. Núi Vũ Đang là một cân cứ của Hồng quân. Hiện nay, Đạo giáo vẫn hoạt động tích cực. Tháng 9 năm 1986, Hiệp hội Đạo giáo Trung Quốc họp lần thứ tư và trong nước có nhiều cung quán Đạo giáo. Đạo giáo phát triển rất mạnh ở Đài Loan với 5000 miếu Đạo giáo, 4000 đạo quán. Từ sau Chiến tranh thế giới II, nhiều học giả phương Tây chú ý đến Đạo giáo, đặc biệt về thuật dưỡng sinh của tôn giáo này. Có khoảng hai triệu người chú ý đến Đạo giáo, trong đó ở Mỹ là 30 vạn. Hội nghị quốc tế về Đạo giáo được tổ chức năm 1968 ở Italia, năm 1972 ở Nhật Bản, năm 1986 ở Trung Hoa.
V. CÁCH TỔ CHỨC VÀ CÁC NGHI THỨC ĐẠO GIÁO
Đạo giáo là tôn giáo nẩy sinh ở chính Trung Hoa và kết tinh tín ngưỡng dân gian sau khi đã được quý tộc hoá cho nên phản ảnh tâm thức bình dân đầy đủ và rất khác các tín ngưỡng khác trên thế giới tuy đều có nguồn gốc Saman giáo.
1. Thiên Đình Đạo giáo
Xuất phát từ tính thống nhất giữa con người với vũ trụ, Đạo giáo xây dựng một thiên đình hết sức độc đáo. Có một vị Ngọc Hoàng Thượng Đế cai quản mọi vật. Nhưng vị thần này chỉ được nhắc đến tên mà không có vai trò gì. Thiên Đình Đạo giáo gồm có các thiên thần, địa kì, các tiên nhân và các nhân quỷ. Các thiên thần gồm Tam Thanh, Tứ Ngự, Tam Cung, Mặt Trâng, Mặt Trời, các sao, các thần Gió, Mưa, Sấm, Chớp. Mỗi tên như vậy chỉ một nhóm thần. Vì những tên này rất quen thuộc trong tiểu thuyết Trung Quốc cho nên ta cũng cần biết. Tam Thanh bao gồm Ngọc Hoàng, Nguyên Thuỷ Thiên Tôn, Thượng Thanh hay Thái Thượng Lão Quân, tức Lão Tử, người thực tế cầm đầu Đạo giáo. Ngũ Phương ngũ lão quân là năm ông vua ở năm phương: Thanh Đế, Xích Đế, Hoàng Đế, Bạch Đế, Hắc Đế tương ứng với các phương trong Ngũ Hành. Tứ Ngự gồm bốn vị thần: Ngọc Hoàng Đại Đế trông coi đạo trời của Đạo giáo, Thiên Hoàng Đại Đế trông coi các ngôi sao, Mặt Trăng, Mặt Trời, sự vận hành của bốn mùa, Hậu Thổ trông coi âm dương, sự sinh sản của vạn vật.
Các địa kì bao gồm Thổ Địa, các Thành Hoàng, các thần Xã Tắc, Ngũ Nhạc (năm ngọn núi nổi tiếng), Tứ Độc (bốn con sông dài nhất), các Thần Núi, Thần Sông. Các tiên nhân và nhân quỷ bao gồm các Tiên thánh, Tiên tổ, Tiên sư, những người có công đức ở nhân gian, các đạo sĩ đã tu luyện thành tiên trong đó có tám vị tiên thường được vẽ là: Lý Thiết Quày, Hán Chung Ly, Trương Lão Quả, Hà Tiên Cô, Lam Thái Hòa, Lã Đổng Tân, Tào Quốc Cậu.
Đặc điểm khu biệt của Đạo giáo là ngay trong con người, không phân biệt tôn ti xã hội, đã có đủ các vị thần. Khác phần lớn các tôn giáo tách cái linh hồn bất tử ra khỏi thể xác, Đạo giáo cho mỗi con người có hai loại hồn: loại cao gọi là hồn, loại thấp gọi là vía. Đàn ông có ba hồn bẩy vía, đàn bà có ba hồn chín vía. Vì thể xác phải chết cho nên phải thay thế dần dần các cơ quan của thể xác bằng các cơ quan bất tử để tạo nên ở trong thể xác cái mầm mống của sự bất tử.
2. Cách tu luyện
Cơ thể con người có hàng vạn vị thần. Sự sống nhập vào bởi khí, khí nhập vào bụng xuống tới đan điền ở dưới rốn để hợp nhất với vũ trụ. Do đó Đạo giáo chủ trương cách tu luyện để được trường sinh bất tử. Để được trường sinh có ba cách: luyện đan, vận khí và quan hệ nam nữ, nhưng cách thứ ba bí truyền, nên người ta chỉ biết hai cách đầu.
a. Luyện đan. Thuốc uống quan trọng nhất là đan sa, đây là sự phối hợp của thuỷ ngân với lưu huỳnh qua một sự bào chế hết sức công phu gồm 9 lần nấu và 9 lần phơi. Rồi đến tịch cốc tức là không ân ngũ cốc vì ngũ cốc làm nảy sinh những con sâu trong cơ thể ân hết sức sống của con người. Loại sâu này mang hình dáng quỷ. Loại quỷ trên đầu khiến người ta đui, điếc, hói, rụng răng. Loại quỷ trong lồng ngực khiến người ta đau tim, buồn bã. Loại quỷ ở dưới rốn (đan điền) gây nên bệnh tật. Thay thế ngũ cốc phải ân vừng, nhân sâm, quế, cam thảo, trái cây. Phải thay thế dần dần ngũ cốc và cá thịt bằng những thức ân mới, chế biến cực kì công phu.
b. Vận khí. Vì vũ trụ với cơ thể là một, cho nên phải vận khí để tạo nên trong cơ thể cái mầm bất tử cứ lớn lên dần. Ngày chia ra làm hai phần: buổi sáng vũ trụ hút thanh khí của sự sống cho nên các đạo sĩ phải hít thanh khí vào; còn buổi chiều và buổi tối, vũ trụ hút tử khí cho nên không tập thở vào lúc này. Cách tập thở hết sức phức tạp, chủ yếu phải tập nín thở sao cho đến mức thở bằng bào thai như đứa trẻ trong bụng mẹ.
c. Lên trời. Theo Đạo giáo, cái Một là gốc của trời đất. Muốn giữ cái Một thì bản chất của con người sẽ thay đổi, cái Một sẽ nhập vào cơ thể, cái mầm bào thai sẽ nẩy sinh, kết quả anh sẽ lên trời. Lên trời đây là lên bằng tinh thần. Phải ngồi quay mặt vò hướng Đông lúc nửa đêm, hít vào 9 lần, nuốt nước miếng 36 lần. Sau đó tập trung nhìn 7 ngôi sao của Bắc Đẩu. Dần dần ngôi sao này hạ xuống. Trong 7 ngôi sao có hai ngôi sao âm tinh đại diện cho bản chất con người. Hai ngôi sao này sẽ xuống gần đầu. Lúc đó, tinh thần con người thoát khỏi xác rồi lên trời. Cần phải hít vào thực sâu: các vị thần lần lượt vào đan điền.
VI. ẢNH HƯỞNG ĐẠO GIÁO
Đạo giáo tìm cách tư biện về tính thống nhất giữa con người với vũ trụ. Những tìm tòi của nó là khá xa lạ với khoa học thực chứng. Nhưng nó đã đem đến những kết quả khả quan hết sức đáng chú ý về văn hóa học. Thuyết tu luyện để trường sinh bất tử là cơ sở của y học, dược học, châm cứu, võ thuật, cách nấu nướng thức ân của Trung Quốc. Lí luận chủ toàn của nó là nền tảng của Dịch học, Tử vi , Phong thuỷ, siêu hình học Trung Hoa. Thái độ tìm sự hoà mình vào thế giới là cơ sở của kiến trúc, thi pháp, hội họa, thi ca, cách làm vườn. Cách tu dưỡng của nó là nền tảng của quan niệm tìm hạnh phúc ở chính mình, không chạy theo ngoại vật. Điều này là hết sức quan trọng để tìm một thứ tự do cá nhân ở trong nội tâm mang tính trí tuệ trong một hoàn cảnh bế tắc bị chế độ quân chủ quan liêu, rồi chế độ thực dân bóp nghẹt hoàn toàn. Theo tôi, đây là điểm khu biệt trí thức Trung Quốc, Việt Nam trước đây với trí thức phương Tây dưới chủ nghĩa tư bản lo tìm tự do cá nhân ở thái độ chinh phục tự nhiên và xã hội. Đặc biệt, văn hóa Trung Quốc hết sức coi trọng thiên nhiên và luôn luôn tìm một cuộc sống trong đó con người, kiến trúc, vườn tược, lối sống hài hoà với thiên nhiên được biểu hiện bởi vô số cung quán, điện thờ Đạo giáo xây dựng ở những nơi nước non thanh tú làm thành niềm tự hào của văn hóa Trung Hoa./.
Nguồn: Phan Ngọc. “Đạo giáo”. Nghiên cứu tôn giáo, số 3-2000, tr. 8-15.
(*)PGS, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân vân Quốc gia.