Đau bụng kinh nguyên phát là cơn đau có nguyên nhân liên quan đến kinh nguyệt hoặc đang hành kinh xảy ra trước khi có kinh vì chất prostaglandin tăng cao trong niêm mạc tử cung, đặc biệt ngày đầu tiên chất này tăng lên rất cao gây đau bụng dữ dội; những ngày tiếp theo niêm mạc tử cung bị bong ra làm prostaglandin giảm xuống nên mức độ đau nhẹ nhàng hơn; đau bụng kinh nguyên phát có thể xảy ra từ kỳ kinh nguyệt đầu tiên của thời con gái, sau đó tình trạng này được cải thiện theo tuổi và sau khi sinh nở.
Đau bụng kinh thứ phát có nguyên nhân từ những rối loạn trong hệ thống sinh sản và thường xuất hiện chậm hơn nhưng trở nên nghiêm trọng theo thời gian; cơn đau kéo dài hơn bình thường, xảy ra trước khi kinh nguyệt xuất hiện, tăng dần trong kỳ kinh và có thể không biến mất ngay cả khi đã qua giai đoạn hành kinh; nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng này là do lạc nội mạc tử cung, lạc nội mạc trong cơ tử cung và u xơ tử cung. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ với triệu chứng đau bụng kinh, phải đến cơ sở y tế để khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết xác định nguyên nhân nguyên phát hay thứ phát nhằm có chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Để xử trí trường hợp đau bụng kinh, có thể dùng các loại thuốc giảm đau thông thường, thuốc chống viêm không steroid NSAID (non-steroidal anti-inflammatory drug) và thuốc chống co thắt… Đây là những loại thuốc chỉ điều trị triệu chứng.
Có thể chườm ấm giúp làm giảm cơn đau trong ngày hành kinh.
Thuốc giảm đau thông thường
Thường sử dụng paracetamol (acetaminophen) với nhiều tên biệt dược khác nhau để giảm đau trong các trường hợp đau nhẹ. Thuốc chỉ dùng ở người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Thận trọng khi sử dụng đối với những người có bệnh về gan, không được uống bia rượu trong khi dùng thuốc vì làm tăng độc tính cho gan; thuốc không được dùng quá 10 ngày đối với người lớn và quá 5 ngày đối với thiếu niên, nếu đau bụng kinh không giảm thì phải đi khám để xác định nguyên nhân bệnh lý ảnh hưởng.
Thực tế trong một số trường hợp, thuốc có thể điều trị kết hợp với ibuprofen là một thuốc chống viêm không steroid để có tác dụng giảm đau hiệu quả hơn; ibuprofen có thể gây các tác dụng phụ như buồn nôn, khó thở, dị ứng, đi tiểu khó, ho ra máu, nôn mửa… vì vậy cần có chỉ định của bác sĩ.
Thuốc kháng viêm không steroid
Ngoài thuốc giảm đau thông thường, có thể dùng các thuốc kháng viên không steroid. Các thuốc thường dùng là ibuprofen, diclofenac, indomethacin, ketoprofen, naproxen, piroxicam… Chúng có tác dụng ức chế cyclo-oxgenase, từ đó ức chế sự tổng hợp sản sinh ra prostaglandin nên được sử dụng để trị đau bụng kinh, nhất là các trường hợp đau bụng kinh dữ dội.
Thuốc có tác dụng trị cơn đau hiệu quả khi sử dụng vào ngày đầu của kỳ kinh nguyệt hoặc ngay sau khi có dấu hiệu đau. Thời gian sử dụng thuốc nên dùng trong khoảng thời gian ngắn vài ngày, không được dùng kéo dài vì sẽ bị ảnh hưởng tác dụng phụ của thuốc. Đây là các loại thuốc kê đơn nên phải có chỉ định của bác sĩ và được dùng theo liều lượng hướng dẫn quy định của đơn thuốc.
Những phụ nữ bị rối loạn chảy máu, hen suyễn, tổn thương gan và thận, bị mất nước, dị ứng với thuốc, viêm loét dạ dày… không được sử dụng thuốc. Thuốc phải được uống trong hoặc ngay sau bữa ăn để tránh kích ứng dạ dày và không được phối hợp các thuốc kháng viêm không steroid lại với nhau vì sẽ làm tăng độc tính.
Thuốc chống co thắt: Có thể sử dụng thuốc alverin với tác dụng hướng cơ giúp chống co thắt, cơ chế tác dụng của thuốc là chống sự co thắt được sinh ra do acetylcholin nên được dùng để điều trị làm giảm các trường hợp đau bụng, trong đó có đau bụng kinh. Thuốc chỉ dùng cho người lớn và thiếu niên trên 12 tuổi.
Lưu ý các tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc như mệt mỏi, choáng váng, đau đầu, dị ứng, ngứa, phát ban…; xử trí bằng cách ngừng sử dụng thuốc, nếu có biểu hiện nặng như: khó thở, hụt hơi, khò khè, sưng mặt và các nơi khác… thì đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời do tác dụng phụ của thuốc.
Lời khuyên của thầy thuốc
Ngoài các thuốc giảm đau đã nêu ở trên, cần sử dụng thêm những thuốc hỗ trợ như vitamin, sắt, canxi, chất khoáng, uống nhiều nước, áp vùng bụng dưới bằng túi nước nóng, thể dục nhẹ nhàng, nghỉ ngơi và thư giãn hợp lý…
Trường hợp đau bụng kinh kéo dài không đỡ sau khi dùng thuốc, phải đến cơ sở y tế khám, phát hiện bất thường gây đau bụng kinh, đặc biệt là nguyên nhân thứ phát như lạc nội mạc tử cung, lạc nội mạc cơ tử cung, u xơ tử cung nhằm có biện pháp xử trí can thiệp phù hợp và kịp thời.