Khớp gối có tầm hoạt động lớn và là khớp chịu trọng tải của cơ thể. Vì thế khớp gối dễ bị tổn thương và khi bị tổn thương có thể gây đau.
Cần có sự nhận biết cần thiết về bệnh để biết khi nào cần đi khám đau đầu gối với bác sĩ Cơ Xương Khớp và có hướng điều trị tốt nhất, tránh những biến chứng xảy ra, nhất là đối với những người để đau lâu ngày.
Đau đầu gối là bệnh gì? Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây đau đầu gối, bạn nên hiểu rõ tình trạng của mình là gì để có kế hoạch đi khám và chăm sóc sức khỏe kịp thời. Thông thường, đau đầu gối là triệu chứng của một số vấn đề sau:
BệnhĐau đầu gối
Chấn thương đầu gối
Các chấn thương tại đầu gối do tai nạn, chấn thương thể thao đều có thể gây đau đầu gối:
- Bong gân
- Trật khớp
- Tổn thương dây chằng
- Rách sụn
- Vỡ xương, vỡ sụn
Viêm khớp/ viêm khớp dạng thấp
- Khi viêm khớp sẽ bị sưng, đau nhức
- Đau nhiều khi thay đổi thời tiết, khó khăn cho sự vận động
Thoái hóa khớp gối
- Tùy giai đoạn thoái hóa mà mức độ và tần suất đau sẽ khác nhau (giai đoạn chớm, giai đoạn thoái hóa, giai đoạn nặng)
- Khó khăn khi lên cầu thang, khi đi bộ đau nhiều hơn
- Đau liên tục, không tự thuyên giảm
Bệnh giả gout
- Bệnh giả gout thường bị nhầm lẫn với bệnh gout
- Nếu bệnh gout thường bị viêm ở khớp ngón chân, thì giả gout thường viêm ở khớp đầu gối và gây đau đầu gối
Viêm bao hoạt dịch
- Khi bao hoạt dịch bị viêm sẽ gây ra các cơn đau khớp đầu gối
- Gây cứng khớp gối…
Để biết chính xác tình trạng đau đầu gối là do đâu, người bệnh cần được thăm khám cụ thể, chụp Xquang, siêu âm khớp hoặc một số xét nghiệm cần thiết… để chẩn đoán chính xác mức độ tổn thương khớp và có chỉ định điều trị thích hợp.
Đau đầu gối có thể do các tổn thương tại đầu gối – Ảnh: SKĐS
Triệu chứng đau đầu gối
Các vị trí và mức độ nghiêm trọng của cơn đau đầu gối có thể khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân như đã nói ở trên. Các dấu hiệu và triệu chứng đau đầu gối đôi khi đi kèm bao gồm:
- Đau nhức khớp gối (khi nghỉ hoặc khi vận động)
- Sưng khớp
- Cứng khớp hoặc không thể duỗi thẳng đầu gối
- Nóng và đỏ vùng đầu gối
- Tiếng lạo xạo khớp gối khi vận động, di chuyển…
Trước khi đi khám bạn cần theo dõi tình trạng, tính chất cơn đau đầu gối như thế nào để mô tả lại với bác sĩ (đau đột ngột dữ dội, đau âm ỉ, đau về đêm hay đau vào sáng sớm, đợt đau kéo dài bao nhiêu ngày…).
Đau đầu gối có nguy hiểm không?
- Đau đầu gối cho dù là nguyên nhân gì (do viêm nhiễm, do chấn thương hay do thoái hóa sụn khớp) rất có thể để lại di chứng như đau dai dẳng làm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng vận động, sinh hoạt của người bệnh, làm cho người bệnh mệt mỏi, cơ thể suy nhược.
- Đau đầu gối gây khó khăn trong vận động, khó di chuyển do cứng khớp, thường gặp nhất là buổi sáng sớm khiến cho người bệnh khó vận động đặc biệt là khi gập hoặc duỗi đầu gối.
- Hậu quả lâu dài là biến dạng khớp gối (vẹo vào trong) làm cho đi lại khó khăn, teo cơ gây tàn phế (liệt).
Quy trình khám đau đầu gối
Khi bị đau đầu gối, bạn cần được khám bệnh đầy đủ, tốt nhất là khám chuyên khoa Cơ xương khớp để được điều trị đúng, sớm tránh nhằm các biến chứng xảy ra. Thông thường, quy trình khám và chẩn đoán đau đầu gối sẽ bao gồm:
Bước 1: Thăm khám lâm sàng
- Bác sĩ sẽ thăm khám, quan sát tình trạng gối bị đau của người bệnh
- Bác sĩ hỏi kỹ về triệu trứng, mức độ và tần suất xuât hiện cơn đau
- Kiểm tra phản xạ xương khớp…
Bước 2: Kiểm tra hình ảnh
Sau khi thăm khám lâm sàng và có những nhận định ban đầu, bác sĩ có thể đưa ra một số chỉ định chụp chiếu, xét nghiệm (chỉ một số trong những chỉ định dưới đây, không áp dụng tất cả):
- Chụp Xquang. Xquang là một trong những chụp chiếu thường quy trong chẩn đoán bệnh lý và chấn thương xương khớp, qua đó có thể giúp phát hiện gãy xương và bệnh khớp thoái hóa.
- Chụp cắt lớp vi tính CT-scan. CT-scan kết hợp máy quét Xquang chụp từ nhiều góc độ khác nhau, để tạo ra hình ảnh cắt ngang bên trong cơ thể, qua đó có thể chẩn đoán các bệnh về xương và cơ quan.
- Siêu âm khớp gối. Công nghệ này sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh cấu trúc bên trong và xung quanh đầu gối.
- Chụp cộng hưởng từ MRI. Chụp MRI sử dụng sóng radio để tạo ra hình ảnh 3D bên trong đầu gối. Kiểm tra này đặc biệt hữu ích trong việc tiết lộ chấn thương các mô mềm như dây chằng, sụn, gân và cơ.
- Xét nghiệm: Nếu bác sĩ nghi ngờ bị nhiễm trùng, bệnh gout hay giả gout, có thể yêu cầu làm xét nghiệm máu và đôi khi là xét nghiệm dịch khớp.
Bước 3: Đọc kết quả và tư vấn điều trị
Dựa trên kết quả chụp chiếu, xét nghiệm và những nhận định ban đầu, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận và tư vấn phương án điều trị phù hợp cho tình trạng bệnh nhân.
Chụp Xquang đầu gối chẩn đoán nguyên nhân gây đau khớp gối – Ảnh: Sở Y tế Hậu Giang
Cách điều trị đau đầu gối
Nguyên tắc điều trị bệnh đau đầu gối là cần làm giảm đau và điều trị nguyên nhân. Phương pháp điều trị sẽ khác nhau, tùy thuộc vào những gì gây ra đau đầu gối. Thông thường sẽ gồm các phương pháp:
- Dùng thuốc (thuốc uống, thuốc tiêm)
- Vật lý trị liệu – phục hồi chức năng
- Phẫu thuật khớp gối
1. Dùng thuốc
Thuốc dùng cho điều trị đau đầu gối (tùy nguyên nhân) có thể theo đường uống hoặc đường tiêm.
Bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp có thể kê toa thuốc để giúp giảm đau và để điều trị tình trạng cơ bản, chẳng hạn như viêm khớp hoặc bệnh gout, giả gout. Một số loại thuốc như (việc dùng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ):
- Các loại thuốc giảm đau thông thường
- Các loại thuốc giảm đau chống viêm không có chứa steroid
- Các thuốc thoái khớp khác: Các loại thuốc có tác dụng bổ trợ cho khớp gối làm chậm quá trình tổn thương khớp
- Trong trường hợp bệnh nhân bị thoái hóa khớp nặng, bác sĩ có thể tiêm phối hợp thuốc giảm đau hoặc tiêm thay thế dịch khớp để bôi trơn, nuôi dưỡng sụn khớp..
2. Vật lý trị liệu – phục hồi chức năng
Phương pháp tập vật lý trị liệu mang lại hiệu quả tốt trong quá trình điều trị bệnh xương khớp. Giúp tăng sức cho các cơ quanh đầu gối, giảm áp lực lên khớp gối.
Các bài tập tập trung vào các cơ ở mặt trước của bắp đùi và các cơ ở mặt sau của đùi. Trước khi tự tập luyện tại nhà, người bệnh cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ, kỹ thuật viên Vật lý trị liệu. Tham khảo hướng dẫn bài tập cho người đau đầu gối tại đây.
3. Phẫu thuật
Nếu đau đầu gối do chấn thương khớp, chấn thương dây chằng, rách sụn, vỡ xương… nhiều khả năng cần phẫu thuật cơ xương khớp để điều trị dứt điểm.
- Phẫu thuật nội soi khớp. Nội soi khớp có thể được sử dụng để loại bỏ dịch từ khớp gối, sửa chữa rách nát, sụn hư hỏng và tái tạo dây chằng bị rách.
- Phẫu thuật thay thế một phần đầu gối. Bác sĩ phẫu thuật chỉ thay thế phần hư hỏng nhất của đầu gối bằng các bộ phận làm bằng kim loại và nhựa. Phẫu thuật này thường có thể được thực hiện với một vết mổ nhỏ, và ở lại bệnh viện thường chỉ một đêm.
- Thay thế khớp gối. Bác sĩ phẫu thuật cắt đi phần xương và sụn từ xương ống quyển, xương đùi và xương bánh chè bị hỏng, và thay thế nó bằng khớp nhân tạo làm bằng hợp kim kim loại, nhựa cao cấp và polyme.
Xem thêm
Có nên chườm nóng khi đau sưng đầu gối
Chườm nóng (dùng hạt muối to với ngải cứu) gói trong khăn rồi chườm là một trong những phương pháp điều trị trong Đông y dùng điều trị các bệnh về phong thấp, thoái hóa khớp, đau nhức khớp.
Việc áp dụng phương pháp này rất tốt, tuy nhiên khi sử dụng người bệnh phải kiểm soát độ nóng tránh bỏng và tổn thương trầm trọng hơn. Và trước khi áp dụng nên có sự tư vấn của thầy thuốc uy tín.
Nhiều người thường áp dụng phương pháp chườm nóng hoặc chườm lạnh khi bị đau đầu gối. Tuy nhiên lại chưa hiểu rõ khi nào cần chườm nóng và khi nào cần chườm lạnh. Việc áp dụng sai cách không những không thể giảm đau mà còn làm trầm trọng thêm.
- Chườm lạnh:
- Được sử dụng trong viêm chấn thương mới, cơn đau cấp tính hoặc sưng như chấn thương phần mềm, bong gân, đau cơ cứng cơ, đau lưng vì khuẩn vác nặng hay đau lưng do sai tư thế làm giãn cơ, chấn thương thể thao…
- Chườm lạnh nên được tiến hành trong vòng 48h kể từ khi bị chấn thương hoặc đau do viêm cấp.
- Chườm nóng:
- Được sử dụng cho các cơn đau mãn tính hoặc chấn thương sau 48h hoặc đau do bệnh lý mạn tính
- Ví dụ như hội chứng tennis elbow (hội chứng đau khuỷu tay),đau khuỷu tay do viêm gân, đau gót chân do viêm gân, viêm bao gân gập – duỗi ngón, viêm cân gan chân…
Tuy nhiên, tình trạng đau đầu gối của bạn chưa được thăm khám với bác sĩ nên không rõ nguyên nhân đau do chấn thương hay do bệnh lý. Vì vậy, hãy hạn chế chườm nóng/ lạnh để tránh tình trạng nặng hơn do áp dụng sai cách.
Chườm nóng – chườm lạnh đúng cách khi bị đau đầu gối – Ảnh: VOH
Với những cách sơ cứu và giảm đau tại nhà, tốt nhất người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện (những mẹo trên internet chưa chắc chắn có phù hợp với tình trạng của bạn hay không).
Để làm được điều đó, bạn có thể tư vấn bác sĩ từ xa qua Video để được hướng dẫn chăm sóc giảm đau tại nhà.
Hoặc những bệnh nhân chưa có kế hoạch đi khám ngay do chưa sắp xếp được thời gian hoặc lo sợ ảnh hưởng của dịch COVID-19, có thể khám trước với bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp qua Video.
Trong sinh hoạt hàng ngày, cần tránh những vận động va đập quá mạnh ảnh hưởng đến đầu gối. Ngoài ra, người bệnh cần tập luyện thường xuyên để cơ thể không bị quá sức với những vận động bất ngờ. Đối với người viêm khớp gối, cần phải giảm cân nếu béo phì, thừa cân, biện pháp luyện tập có thể là bơi, tập các bài tập trên ghế…
Xem thêm video
- Đau đầu gối khi tập thể dục – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
- Thời lượng: 5 phút 08
Đau đầu gối ảnh hưởng nhiều tới hoạt động thường ngày của bệnh nhân. Việc đi khám sớm sẽ giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống.