Đậu phộng: Thành phần dinh dưỡng và lợi ích đối với sức khỏe – YouMed

Đậu phộng có rất nhiều lợi ích cho sức khoẻ như tốt cho tim mạch, giảm cholesterol, ngăn ngừa lão hóa,… Hãy cùng YouMed tìm hiểu những công dụng nổi bật mà đậu phộng mang lại cho sức khỏe nhé!

1. Tìm hiểu về đậu phộng

1.1. Nguồn gốc

Đậu phộng hay lạc (tên khoa học: Arachis hypogaea), là một loài cây thực phẩm thuộc họ Đậu có nguồn gốc tại Trung và Nam Mỹ. Đây là loài cây được khai hoang đầu tiên bởi cư dân vùng sông Paraguay và Parama ở vùng Chaco của Paraguay và Bolivia.

Đậu phộng là loài cây thân thảo hàng năm có thể cao từ 30–50 cm. Lá mọc đối, kép hình lông chim với bốn lá chét, kích thước lá chét dài 1–7 cm và rộng 1–3 cm. Hoa dạng hoa đậu điển hình màu vàng có điểm gân đỏ, cuống hoa dài 2–4 cm. Sau khi thụ phấn, quả phát triển thành một dạng quả đậu dài 3–7 cm, chứa 1-4 hạt (ánh), và quả (củ) thường giấu xuống đất để phát triển.

đậu phộng

đậu phộng

1.2. Thành phần dinh dưỡng có trong đậu phộng

Chất béo

Đậu phộng chứa rất nhiều chất béo, được xếp vào nhóm hạt dầu. Hiện nay, phần lớn sản lượng đậu phộng trên thế giới được dùng cho sản xuất dầu ăn (dầu lạc).

Hàm lượng chất béo dao động từ 44 – 56% và chủ yếu là chất béo dạng đơn và dạng đa không bão hòa, hầu hết chúng đều là axit oleic (40 – 60%) và axit linoleic.

Protein

Hàm lượng protein dao động từ 22 – 30% calo, điều này khiến cho đậu phộng là nguồn giàu protein thực vật.

Phần lớn protein có chứa trong đậu phộng là arachin và conarachin, chúng có thể gây dị ứng nghiêm trọng cho một số người có cơ địa dễ bị dị ứng và có thể gây ra những tác dụng phụ đe dọa tới tính mạng con người.

Carb

Hàm lượng carb thấp (13 – 16%), nhiều protein, chất béo và chất xơ khiến cho đậu phộng có chỉ số glycemic rất thấp, đây là thước đo lượng tinh bột được nạp vào máu sau bữa ăn. Điều này làm cho đậu phộng đặc biệt phù hợp cho người bị tiểu đường.

Các vitamin và khoáng chất

Các vitamin và khoáng chất sau đây có hàm lượng đặc biệt cao trong đậu phộng: Biotin, đồng, niacin (hay còn được gọi là vitamin B3, folate (vitamin B9), mangan, vitamin E, thiamin (vitamin B1), phốt pho, magiê,…

Ngoài ra, trong đậu phộng còn tìm thấy các chất chất oxy hóa như axit p -coumaric, resveratrol, isoflavone,…

2. Công dụng của đậu phộng

1.1. Tốt cho tim mạch

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đậu phộng có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Một điều rõ ràng đó là đậu phộng có chứa một số chất dinh dưỡng có lợi cho tim mạch. Chúng bao gồm magiê, niacin, đồng, axit oleic và đa dạng chất chống oxy hóa khác như resveratrol.

1.2. Giảm cholesterol, ngăn ngừa lão hóa

Trong dầu đậu phộng có chứa một lượng phytosterol đáng kể, loại phổ biến nhất là beta – sitosterol. Phytosterol có tác dụng làm giảm hấp thu cholesterol từ đường tiêu hóa từ đó làm giảm nồng độ cholesterol lưu hành trong máu.

1.3. Ngăn ngừa ung thư

Ngoài khả năng giảm hấp thu cholesterol, beta – sitosterol có trong dầu đậu phộng còn có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh ung thư bằng cách ức chế phát triển các khối u.

1.4. Ngăn ngừa sỏi mật

Hai nghiên cứu quan sát cho thấy tiêu thụ đậu phộng thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ sỏi mật ở cả nam và nữ. Hầu hết sỏi mật chủ yếu hình thành từ cholesterol, do đó tác dụng hạ cholesterol của đậu phộng được cho là một lời giải thích hợp lý. Tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu kỹ hơn để khẳng định những phát hiện này.

3. Cách sử dụng đậu phộng

Ngày nay, đậu phộng được sử dụng để chế biến các món ăn như đậu phộng luộc, rang hay được dùng làm bơ đậu phộng ăn kèm với sanwich. Ở nhiều nước, đậu phộng được ép để lấy dầu sử dụng trong chế biến các món ăn. Loại dầu này rất được ưa chuộng do có nguồn gốc từ thực vật, lành tính và tốt cho sức khỏe.

Trong Đông y, đậu phộng có vị ngọt, bùi, béo có tác dụng bổ tỳ, dưỡng vị, nhuận phế, lợi tràng. Một số bài thuốc từ đậu phộng như:

  • Chữa ho, sốt đờm: Dùng 20 g đậu phộng giã dập, sắc uống nhắp nhắp thì lợi đờm, bớt ho.
  • Chữa đại tiện táo kết: Uống 1 chén dầu lạc cho tác dụng nhuận tràng.
  • Người bệnh mới khỏi sút cân, phụ nữ ít sữa, nên ăn bột đậu phộng rang, thêm muối và cháo nếp nấu lẫn bột củ mài vào mỗi buổi sáng, ăn liền vài tuần thì có kết quả.
  • Phụ nữ bị hư lao ho lâu: dùng dây đậu phộng khô sắc uống với bã gạc hươu (lộc giác sương) tán bột mỗi lần uống 4 g vào buổi sáng.

4. Lưu ý khi sử dụng

Mặc dù đậu phộng tốt cho cơ thể, nhưng không phải ai cũng ăn được nó. Dưới đây là một số điều bạn cần chú ý khi sử dụng đậu phộng:

  • Người đã cắt bỏ túi mật: Dịch mật có ý nghĩa quan trọng đối với việc tiêu hóa và hấp thu chất béo. Sau khi ăn, túi mật co lại, thực phẩm giàu protein và chất béo rất kích thích túi mật rất mạnh, khiến một lượng lớn dịch mật được thải ra. Sau khi cắt túi mật, dịch mật không được lưu trữ, điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa chất béo như đậu phộng.
  • Bệnh nhân bị gút: Bệnh gút là bệnh do rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, bệnh nhân bị tăng axit uric máu. Vì đậu phộng là thực phẩm giàu chất béo, ăn quá nhiều sẽ làm giảm bài tiết axit uric và làm nặng thêm tình trạng bệnh.
  • Loét dạ dày, viêm dạ dày mạn tính: Những bệnh nhân này bị đau bụng kinh niên, khó tiêu… chế độ ăn uống nên ăn với số lượng ít và chia làm nhiều bữa. Đậu phộng là loại hạt, giàu protein và chất béo, khó tiêu hóa và hấp thụ.

Qua bài viết trên, YouMed đã cung cấp cho bạn một số thông tin về lợi ích, công dụng và một số điều lưu ý khi sử dụng đậu phộng. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì liên quan đến sức khỏe, bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn hướng giải quyết nhé!

Rate this post

Viết một bình luận