Theo lý thuyết, lúc bé lên ba, bé có thể viết hoặc đọc, nhưng nếu bạn cố bắt ép bé học, tác hại về lâu dài sẽ khiến bé sợ hãi việc học này. Quan trọng là cha mẹ cần dạy bé những điều thích hợp và đúng phương pháp.
Sự phát triển của trẻ lên ba
Về sinh lý: Khi bé được 3 tuổi, các nhóm cơ vận động gần như đã phát triển hoàn chỉnh. Thế nên, bé có thể dễ dàng chạy chơi một mình, leo cầu thang, đứng bằng một chân trong thời gian ngắn. Cực kỳ thích chạy nhảy, hoạt động. Bé có thể trở thành một cá thể độc lập hoàn chỉnh. Trong khi đó, não bộ và hệ thống thần kinh cũng phát triển gần 80%. Điều đó cho phép bé có thể nhận biết sự khác nhau giữa vật lớn và vật nhỏ. Có thể giở sách và nhìn chăm chú. Biết đối chiếu những vật có cùng màu sắc. Biết lắng nghe và đáp lại những câu hỏi. Hiểu được các câu chuyện đơn giản.
Về tâm lý: Nhận biết mình bây giờ không cần dựa dẫm vào người khác và nhận ra vài sắc màu của cuộc sống khiến bé muốn trở nên độc lập. “Khủng hoảng tuổi lên 3” cũng từ đây mà ra. Bé cực kỳ bướng bỉnh chỉ muốn làm theo ý thích của mình và tự quyết định. Rất ngang tàng, khi không đạt điều mong muốn sẽ tìm mọi cách để phản kháng có thể bằng đập đầu, gào thét, mè nheo… Đồng thời, bé cũng sẽ bướng bỉnh, vô lễ với người lớn, không nghe lời, làm ngược lại tất cả những gì ba mẹ nói. Hết sức “ích kỷ”, muốn tất cả mọi thứ xung quanh phục tùng mình. Dù thế, biểu hiện của “khủng hoảng” ở các trẻ không giống nhau. Nhiều em bé thậm chí không có bất cứ biểu hiện nào như kể trên nhưng cũng có nhiều em quá quắt đến ba mẹ cũng không chịu nổi.
Giáo dục bé như thế nào?
Dù có muốn như thế nào, bạn cũng không nên ép bé học hành nghiêm túc trong giai đoạn này, nhất là không được cho bé viết. Lúc này, xương tay bé chưa phát triển hoàn thiện, nếu phải vận lực, gò ép quá sớm sẽ làm xương cong vẹo về sau. Ngoài ra, cũng không được cho bé xem tivi nhiều.Việc tiếp nhận nhiều thông tin sẽ không tốt cho việc phát triển đại não. Cũng không nên cho bé sử dụng máy vi tính, nếu muốn bé làm quen, bạn chỉ nên cho bé học cách sử dụng chuột.
Vừa chơi vừa học: đây được coi là kim chỉ nam trong giai đoạn này. Bạn có thể dạy cho bé phân biệt màu sắc, nhớ các chữ cái, các bài hát đơn giản, lắp ghép các hình ít chi tiết…Cho trẻ tham gia vào các trò chơi như đá bóng, trốn tìm, leo trèo… để khả năng vận động của trẻ sớm hoàn thiện.
Các trò chơi cho bé
Phân biệt màu sắc: cắt xé giấy màu bằng nhiều hình dạng, kích thước từ khoảng 4 đến 5 cm vuông. Sau đó, bỏ vào một cái rổ hoặc thùng lớn, rồi để bé lấy từng loại giấy màu ra các rổ hoặc thùng nhỏ.
Bán đồ hàng, làm việc nhà: đây là trò chơi gắn kết hơn mối quan hệ giữa mẹ và con cái. Giúp các bé bước đầu hình dung được công việc nhà là thế nào, để sau này không cãi lại khi mẹ nhờ vả.
Ném bóng: Bạn đứng đối diện với bé, cách khoảng 1 hoặc 2m, rồi ném nhẹ quả bóng nhỏ về phía trẻ để chúng bắt bằng hai tay. Trò chơi này giúp bé vận động toàn thân, tăng khả năng phán đoán.
Rèn luyện trí nhớ: Đặt khoảng 5 món đồ vào chiếc khay, sau đó hãy để trẻ ghi nhớ những món đồ đó trong 1 phút. Tiếp theo, phủ khăn lại và xem bé nhớ được bao nhiêu thứ.
Linh Đan