Sự lên ngôi của những thiết bị thông minh cũng thúc đẩy các vấn đề giấc ngủ tiềm ẩn. Trong đó, nhiều người ngủ muộn và dậy muộn hơn. Người ta quên rằng ngủ sớm và dậy sớm mới có thể đem lại giá trị sức khỏe bền vững. Trong bài viết dưới đây, bác sĩ Nguyễn Lâm Giang sẽ đánh thức những giá trị này, giúp bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ cũng như chất lượng cuộc sống. Nào chúng ta cùng tìm hiểu nhé.
Khái niệm dậy sớm
Định nghĩa dậy sớm theo trung tâm giấc ngủ Chicago là khoảng từ 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng.1 Theo đó, các bác sĩ giải thích rằng khoảng thời gian đó là lúc cơ thể khởi đầu hoạt động với mức năng lượng cao và hiệu quả hơn.
Vậy điều gì quyết định bạn là người ưa dậy sớm? Đó chính là đồng hồ sinh học. Đây chính là nhịp điệu sinh hoạt bên trong cơ thể của bạn. Điều này chi phối bởi nhiều yếu tố như: di truyền, tuổi tác, yếu tố môi trường và thói quen sống.
Để xác định nhịp sinh học của mình, bạn có thể theo dõi xem giờ nào bạn sẽ chìm vào giấc ngủ một cách tự nhiên và giờ nào bạn thức dậy mà không cần đặt báo thức. Kết hợp 2 yếu tố này, bạn có thể kết luận rằng liệu mình có phải là một tín đồ dậy sớm hay không.
Sẽ khá khó khăn nếu một người thức khuya dậy muộn điều chỉnh nhịp sinh học của mình thành dậy sớm lên hẳn 3 đến 4 giờ. Tuy nhiên, nếu bạn quyết tâm duy trì thói quen ngủ sớm dậy sớm, bạn có thể thay đổi.
Lợi ích của việc thức dậy sớm
Thực tiễn lẫn các nghiên cứu lâm sàng cho thấy thức dậy vào buổi sáng sớm có lợi cho thể chất, tinh thần. Thói quen này đem lại nguồn năng lượng tích cực và công suất làm việc tối đa thể hiện qua:
Đảm bảo có một bữa sáng lành mạnh
Vì thức dậy muộn, nhiều người đành phải chấp nhận từ bỏ bữa sáng. Thói quen này rất có hại cho dạ dày, có thể dẫn đến những bệnh lý dạ dày mạn tính. Vì thế, dậy sớm sẽ giúp bạn có một bữa sáng bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe. Nguồn dinh dưỡng này giúp bạn khởi đầu ngày làm việc đầy năng lượng.2
Có nhiều thời gian hơn để tập thể dục
Việc có nhiều thời gian hơn vào buổi sáng cho phép bạn có cơ hội tập thể dục mà không phải vội vã. Nhiều người chọn tập hít thở, hay yoga như một cách đánh thức cơ thể vào ngày mới. Những hoạt động như thế sẽ giúp cơ thể thải độc của ngày hôm qua và cảm giác thư giãn hơn.
Tác động tốt đến sức khỏe tâm thần
Thức dậy sớm vào buổi sáng giúp bạn hoàn tất lịch trình làm việc mà không cần phải tất tả. Từ đó, điều này giảm bớt những áp lực tinh thần. Nhiều nghiên cứu lâm sàng chứng minh những người dậy sớm có tâm trạng lạc quan và sức khỏe tinh thần tốt hơn so với những người dậy muộn.
Chất lượng giấc ngủ được cải thiện
Dù có thể bạn không nhận ra nhưng dậy sớm sẽ gây ảnh hưởng gián tiếp chất lượng giấc ngủ. Những người thức sớm thường sẽ có thói quen ngủ tốt. Do họ sẽ đi ngủ sớm hơn để có thể có nhiều thời gian làm việc hơn khi thức dậy.
Vì sao bạn khó dậy sớm?
Tuy đã biết những lợi ích của dậy sớm, nhưng bạn vẫn có thể gặp những trở ngại nhất định khi thiết lập chúng. Những nguyên nhân có thể xuất phát từ:
Làm việc quá nhiều vào ban đêm
Việc hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ vào buổi tối muộn sẽ làm trí não của bạn hoạt động với công suất tối đa. Khi đó, não bộ ở trạng thái hưng phấn sẽ rất khó đi vào giấc ngủ. Ngoài ra, việc tiếp xúc với những thiết bị công nghệ cũng làm não bộ và mắt tăng cường điều tiết cản trở giấc ngủ.
Xem thêm: Burnout: Tình trạng kiệt sức nơi làm việc và 13 cách để khôi phục
Đặt báo thức báo lại nhiều lần
Đây cũng là một trong những nguyên nhân ít người biết khiến bạn khó dậy sớm. Khi bạn muốn ngủ nướng một chút nữa, bạn sẽ lạm dụng sử dụng chức năng báo thức lại. Ngủ lại sau khi thức dậy sẽ làm giấc ngủ bị phân mảnh. Khi đó, điều này sẽ làm tăng cảm giác buồn ngủ vào ban ngày cũng như trằn trọc về đêm. Đồng thời, giấc ngủ làm giảm hiệu suất giấc ngủ rõ rệt.3
Sử dụng chất kích thích
Ngoài việc hoạt động về đêm thì các chất kích thích cũng có thể giảm cảm giác buồn ngủ, kích thích sóng não. Một ly rượu vang có thể giúp bạn ngủ tốt. Nhưng khi sử dụng nhiều hơn sẽ khiến bạn hưng phấn hơn rất nhiều. Ngoài ra, những chất như caffeine làm bạn tỉnh táo mà đánh mất đi cảm giác muốn đi ngủ.
Cách nào giúp dậy sớm mà không mệt?
Nhưng bạn đừng nản chí, khi thói quen hình thành, thì việc dậy sớm sẽ “dễ như ăn kẹo”. Sau đây là một số cách điều chỉnh khi bạn khó dậy sớm:
Tận hưởng ánh sáng tự nhiên
Ánh sáng ban ngày sẽ giúp bạn điều chỉnh nhịp sinh học. Từ đó, nó sẽ cải thiện giấc ngủ rõ rệt. Khi bạn nhận được nguồn ánh sáng mặt trời đầu ngày sẽ giúp nâng tâm trạng và mức năng lượng. Bạn có thể thử ngủ khi mở hé rèm để đón ánh nắng bình minh, miễn là ban đêm nó không quá sáng.3
Hình thành thói quen tập thể dục và dinh dưỡng lành mạnh
Tập thể dục cho thấy những cải thiện tuyệt vời với vấn đề mất ngủ hay buồn ngủ quá mức. Đồng thời hoạt động cũng có thể tăng mức năng lượng trở lại ngay cả khi mệt mỏi. Bạn có thể bắt đầu bằng bất kì môn tập nào mà bạn thích.
Bên cạnh đó, những nhóm dinh dưỡng lành mạnh sẽ điều tiết nhịp sinh học lành mạnh. Những loại thực phẩm được các chuyên gia khuyến nghị là thực phẩm giàu axit béo omega-3, trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt.3
Vệ sinh giấc ngủ
Một trong những chìa khóa dậy sớm là loại bỏ những hành vi độc hại trước khi đi ngủ:
- Không sử dụng chất caffeine, rượu bia.
- Không ngủ trưa hay dành quá nhiều thời gian nằm trên giường vào ban ngày.
- Tránh nhìn vào màn hình thiết bị phát ra ánh sáng xanh như máy tính, laptop, điện thoại.
Đừng ép bản thân đi ngủ sớm
Cố gắng đi ngủ khi không buồn ngủ có thể gây ra chứng mất ngủ. Do đó, bạn có thể thiết lập việc ngủ sớm bằng cách thư giãn trước khi ngủ thay vì nằm trên giường và chờ. Bạn có thể đọc sách hoặc tập hít thở để dỗ cơ thể vào giấc ngủ.
Xem thêm: 10 cách dậy sớm vào mùa đông mà không hề mệt mỏi
Dậy sớm là “suối nguồn tươi trẻ” cho sức khỏe. Nó cải thiện đáng kể sức khỏe và tuổi thọ của chúng ta. Những lợi ích của sức khỏe trên thể chất, tinh thần, công việc… đã được chứng minh hết sức rõ ràng. Hy vọng qua bài viết trên, bạn có thể hình thành thói quen này ngay từ bây giờ để nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như công việc của chính bản thân nhé.